Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Kẻ báo thù đầu tiên

25/07/2011

Bạn lại sắp phải đối mặt với quyết định về cách xem Captain America: The First Avenger (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Kẻ báo thù đầu tiên) ở phòng vé cuối tuần này (29/7).

Như hầu hết bom tấn được lên lịch phát hành từ bây giờ cho đến 2013, chuyến phiêu lưu đầu tiên của Cap ra rạp với cả hai định dạng 3D giá vé cao hơn và 2D đỡ tốn cho túi tiền hơn. Chúng tôi lại có mặt ở đây để giúp bạn quyết định chọn xem phiên bản nào nhé.

Loạt bài 3D hay không 3D của chúng tôi không xem xét phẩm chất của Cap với tư cách là tác phẩm nghệ thuật hoặc giải trí. Nếu bạn muốn biết những phân tích chiều sâu về bộ phim này, chỉ việc nhấp chuột vào mục “bình luận phim” trên thanh công cụ của giao diện trang chủ quaivatdieanh.com. Ở đây chúng tôi cung cấp cho bạn đọc một phân tích không thành kiến, theo bảy mục về The First Avenger 3D trên phương diện kỹ thuật. Để mọi người dễ tiếp thu, chúng tôi cộng điểm chung cuộc và cho bạn đọc một hướng dẫn dễ hiểu để quyết định xem Captain America định dạng 2D hay 3D.

Tính phù hợp

Không phải phim nào cũng thích hợp với 3D, công nghệ này hiệu quả nhất với phim bom tấn mùa hè hoành tráng mà Captain America: The First Avenger là thế, tất nhiên rồi. 3D cũng có khuynh hướng hiệu quả hơn ở những phim chứa nhiều hiệu ứng vi tính. Ở điểm này thì Captain America không phải là một phim như thế. Đúng là phim này có “ma thuật” đồ họa vi tính nhưng chưa tới tầm mức như Transformers: Dark of the Moon hay thậm chí Thor làm được. Vì Captain America lấy bối cảnh Thế chiến thứ hai chứ không phải trên một hành tinh nào đó ngoài không gian, và vì nói về con người chứ không phải rô-bô, bộ phim không thể sử dụng nhiều hiệu ứng đặc biệt. Đây là tin tuyệt vời cho khán giả, nhưng hiệu ứng đặc biệt luôn là một thách thức lớn hơn cho công nghệ 3D so với hiệu ứng vi tính. Vậy không có nghĩa là không có tác dụng, mà chính ra là họ sẽ phải dồn rất nhiều công sức vào bộ phim này, để làm cho phim phù hợp được. Chúng ta sẽ biết nhiều hơn ở mục kế tiếp.

Điểm: 3/5

Kế hoạch và công sức

Tin xấu trước. Captain America không được quay 3D từ đầu. Đây là một phim chuyển đổi 3D hậu kỳ. Vậy thì không hoàn hảo rồi, nhưng cũng không phải luôn là công thức tạo ra thảm họa. Chuyển đổi 3D hậu kỳ có thể hiệu quả nếu bộ phim được quay 2D với ý tưởng là để chuyển đổi 3D. Đạo diễn Joe Johnston chủ ý chọn quay 2D và, biết rằng cuối cùng phim sẽ được chuyển thành 3D, nên đã có tính toán sẵn trong đầu. Ông chọn quay 2D vì như vậy ông có thể quay những cảnh hành động nhanh hơn so với sử dụng máy quay 3D, và điều này đã được tưởng thưởng ở giai đoạn kết thúc. Ông đạo diễn có được vô khối thời gian để xử lý, tháng này qua tháng nọ dành vào việc chuyển đổi bộ phim, thể hiện trên từng khuôn hình trong cả bộ phim. Vậy thì đúng, đây là một phim chuyển đổi 3D hậu kỳ, nhưng việc chuyển đổi được tính toán kỹ trước với rất nhiều ý tưởng và công sức đặt vào đó. Đây không phải là một phim chuyển đổi 3D cẩu thả, phút chót để vơ tiền. Đây là một phim được sáng tạo bằng 3D từ trong ý tưởng.

Điểm: 4/5

Ngoài màn ảnh

Được làm đúng 3D sẽ đem lại ảo giác chiều sâu. Thay vì xem phim chiếu trên mặt phẳng, nó tạo ra cảm nhận bạn đang nhìn xuyên qua một khung cửa sổ vào một thế giới khác tồn tại ở phía bên kia màn ảnh. Captain America không chỉ làm được vậy, mà còn làm tốt hơn bất kỳ phim 3D hậu chuyển đổi nào khác trước giờ. Mọi khuôn hình là một thế giới sâu thẳm và xa vời được thiết kế lộng lẫy. Các nhân vật như thể có ba chiều, các vật thể vọt khỏi màn ảnh như thể chúng thực sự từ khán giả chạy đi mất. Cap sử dụng độ sâu một cách phức tạp tuyệt vời, với từng vật thể trong từng khuôn hình được đặt để như thể chúng tồn tại trên một mặt phẳng riêng về chiều và ánh sáng, cho mỗi cảnh chiều sâu nhiều tầng. Quá hay. Rất ít phim hành động người thật đóng, lại còn hậu chuyển đổi 3D, làm được tốt hơn như vầy.

Điểm: 5/5

Trước màn ảnh

Làm đúng 3D có thể khiến cho vật thể trong phim thực sự ra khỏi “màn ảnh” hoặc khuôn màn ảnh hoặc thậm chí khiến cho chúng như thể đang bay trên đầu khán giả. Làm sai thì thành ra một mánh quảng cáo, nhưng 3D không phải vậy. Tuy nhiên, sử dụng công cụ này nhiều hơn chỉ là mánh quảng cáo thì gian nan khôn xiết, nhất là với phim hậu chuyển đổi 3D. Vì thế, nhiều phim 3D hiện đại còn không sử dụng khía cạnh này của định dạng 3D, thế nhưng Captain America có sử dụng, rất là hiếm. Khi bộ phim đẩy những vật thể ra ngoài màn ảnh, phim làm vậy một cách rất dè sẻn và cực kỳ tinh tế. Đúng hơn là phim làm tốt đến nỗi thậm chí bạn sẽ không nhận ra và thay vì vậy sẽ chỉ nghĩ cái bạn đang xem là do chiều sâu của bộ phim tạo nên. Tuy nhiên, phim không làm vậy nhiều, mà thích bám chặt vào những điều mà nó biết có thể làm tốt.

Điểm: 3/5

Độ sáng

Đeo kính 3D cơ bản nghĩa là bạn đeo kính râm trong rạp. Vì ít ánh sáng đến mắt bạn và vì chất lượng may chiếu không đồng đều giữa các rạp phim, những phim 3D tốt cố gắng bù đắp điều này bằng cách sử dụng rất nhiều ánh sáng, hình ảnh sắc sảo. Captain America có lợi thế là đặt trong bối cảnh những năm 40, với đồ đạc bằng kim loại góc cạnh của thời này và ánh sáng tỏa rực rỡ. Mặc dù nhiều cảnh phim diễn ra vào ban đêm, hoặc thậm chí trong những nhà xưởng tối tăm, hầu hết bộ phim của đạo diễn Johnston xoay sở tốt. Ông tìm được nguồn ánh sáng khắp mọi nơi, đủ để giữ cho phim của ông sáng sủa và thu hút. Thậm chí ông còn đưa vào một ít kính tán ánh sáng, có thể tình cờ làm hài lòng người hâm mộ JJ Abrams trong khi vẫn giữ cho phim đủ sáng để khán giả xem phim có thể thưởng thức được hành động xuyên qua sự mờ ảo mà cặp kính 3D gây ra.

Điểm: 4/5

Thử bỏ kính

Xem phim 3D mà gỡ kính ra thấy hình ảnh càng mờ ảo thì công nghệ này càng được thâm dụng. Captain America sử dụng một cách sắp đặt phức tạp lạ thường của nhiều mức độ 3D khác nhau để tạo ra đủ loại cảm nhận chiều sâu khác nhau. Không chỉ thay đổi từ cảnh này sang cảnh khác, mà còn thay đổi giữa các phần trong từng hình ảnh. Thỉnh thoảng từng vật thể trong khuôn hình thể hiện những độ sâu khác nhau, một bằng chứng rõ ràng cho sự chăm chút và công sức được đổ vào việc làm cho bộ phim này tốt hết mức có thể. Nhiều nhà làm phim sử dụng 3D hậu chuyển đổi chỉ đơn giản là bật cái nút 3D lên rồi đi mất, nhưng bộ phim của Johnston sử dụng điều này ở một mức độ tinh tế và bản sắc đến độ chưa từng thấy ở phim 3D hậu chuyển đổi nào khác.

Điểm: 5/5

Sức khỏe của khán giả

Mục này chỉ nhắm vào những khán giả kiên cường, thỉnh thoảng mới bị đau đầu vì phim 3D. Khi những khán giả này mà thấy không khỏe, thường là do phim 3D không đủ sáng hoặc chuyển đổi hậu kỳ cẩu thả. Captain America không gặp bất cứ vấn đề nào. Rất nhiều cẩn trọng và công sức đã được dồn vào việc làm bộ phim này, và kết quả được thể hiện hoàn hảo. Nếu có bất cứ gì có thể gây lo ngại thì chỉ có thể là First Avenger dài hơn hai tiếng đồng hồ. Hai tiếng đồng hồ ngồi xem 3D liền một mạch, có thể mệt mỏi một chút, nhất là với khán giả chưa quen xem 3D. Còn nữa, vì phim có nhiều hành động tốc độ, nó đặc biệt nhạy cảm với máy chiếu tồi ở những rạp dưới tiêu chuẩn. Không hề gì. Xác suất là bạn sẽ hoàn toàn ổn.

Điểm: 4/5

Kết luận: Với điểm số 28/35 Captain America: The First Avenger đạt điểm cao để là một phim 3D hậu chuyển đổi cực tốt mà chúng ta được xem từ trước tới nay. Chẳng mấy phim 3D hành động do người thật đóng đạt được điểm cao như vậy và tất cả phim nào được điểm cao đều quay 3D từ đầu. Xem ra rõ ràng quá trình chuyển đổi 3D hậu kỳ rốt cuộc đã cải tiến và có lẽ không lâu nữa sẽ không còn phân biệt được Avatar với phim 3D hậu chuyển đổi. Với Captain America, đây là phim siêu người hùng đầu tiên của năm nay có lẽ xứng đáng với khoản tiền bạn phải chi thêm để mua vé 3D đấy.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend