Tin tức

Trí thủ uy hổ sơn: Từ Khắc làm sống lại tác phẩm cách mạng kinh điển của Trung Quốc

22/01/2015

Nhà làm phim người Hồng Kông Từ Khắc nói với sinh viên tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh vào ngày 19/12/2014 rằng bộ phim mới của ông, Trí thủ uy hổ sơn / The Taking of Tiger Mountain, đã ám ảnh ông suốt 40 năm nay.

Khi phim được kỳ vọng nhiều của đạo diễn Khương Văn Nhất bộ chi dao / Gone With the Bullets bị phê bình nặng nề và thể hiện không tốt ở các phòng vé, người xem và các nhà quản lý rạp chiếu phim bắt đầu tìm kiếm một đấng cứu thế khác cho mùa phim này. Phim 3D Trí thủ uy hổ sơn, đã có hàng loạt buổi chiếu trước khi ra mắt chính thức vào dịp Giáng sinh, trong đó có một buổi tại Thanh Hoa, giành được sự khen ngợi nhiệt tình từ người hâm mộ và giới phê bình cho hiệu ứng 3D sắc nét và cốt truyện phát triển tốt, đầy chất hành động.

Nhà làm phim người Hồng Kông Từ Khắc (giữa), nhà sản xuất Hoàng Kiến Tân (trái) và người dẫn chương trình Mã Gia Huy chia sẻ về việc thực hiện phim hành động 3D Trí thủ uy hổ sơn tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh
“Tôi không lo lắng về việc liệu thế hệ trẻ có chấp nhận và yêu thích phim này hay không,” Từ Khắc nói. “Thực hiện phim này là mơ ước đã ám ảnh tôi suốt 40 năm. Tôi chỉ tự đòi hỏi mình phải làm một phim thật xuất sắc và chia sẻ với các bạn.”

Phim do Bona Film Group sản xuất, dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lâm hải tuyết nguyên của Khúc Ba. Đó là một câu chuyện chiến tranh vào những năm 1940 trong đó một điệp viên Đảng Cộng sản tên là Dương Tử Vinh sử dụng tài trí của mình để xâm nhập và đánh bại một toán cướp được vũ trang đầy đủ. Tiểu thuyết của Khúc Ba cũng được chuyển thể thành vở kinh kịch nổi tiếng Trí thủ uy hổ sơn, ban đầu do Viện Kinh kịch Thượng Hải thực hiện, năm 1958, khiến câu chuyện trở thành kinh điển mới về đề tài cách mạng. Cuốn tiểu thuyết này cũng là nguồn cảm hứng cho một phim vào năm 1970 và ba vở nhạc kịch được sản xuất vào cuối những năm 1960.

Áp phích phim

Từ Khắc tiết lộ rằng ông đang giúp đỡ cộng đồng tại phố Trung Hoa ở New York 40 năm trước, khi vở kinh kịch Trí thủ uy hổ sơn ra mắt. “Và rồi tôi nghĩ, ‘Nếu trong tương lai tôi có cơ hội làm việc gì đó liên quan đến làm phim, tôi sẽ biến câu chuyện này thành một phim mới,’” ông nói. Ký ức này đã gợi cảm hứng cho ông đặc biệt quay và đưa cảnh New York vào phần mở đầu của Trí thủ uy hổ sơn.

Ông nói rằng ông đọc Lâm hải tuyết nguyên sau khi xem phim năm 1970 và cảm thấy cốt truyện vẫn phù hợp với thời hiện đại. Trong một dịp tụ họp của các nhà làm phim Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông vào năm 1992, đạo diễn Tạ Tấn đã hỏi Từ Khắc rằng ông muốn thực hiện loại phim nào từ các câu chuyện Đại lục, và Từ Khắc nói ông đã trả lời ngay lập tức, "Trí thủ uy hổ sơn!" Thời điểm ấy, siêu sao võ thuật Thành Long cũng ở đó, và anh nói "Tôi tham gia!! Tôi muốn vào vai Dương Tử Vinh!"

Trương Hàm Dư trong vai Dương Tử Vinh

Mặc dù Thành Long cuối cùng không vào vai chính lần này, Từ Khắc quyết định vẫn tiến hành với diễn viên Trung Quốc Trương Hàm Dư vào vai Dương Tử Vinh và diễn viên gạo cội người Hồng Kông Lương Gia Huy vào vai phản diện Tọa Sơn Điêu. Bona Film Group mua bản quyền tiểu thuyết năm 2009, và họ thực sự chuẩn bị cho phim ba năm trước khi bắt đầu quay. Từ Khắc còn đến thăm người vợ góa của Khúc Ba, Lưu Ba, để hiểu thêm về đời quân nhân của chồng bà và câu chuyện về những con người thật mà Khúc Ba đã dùng để xây dựng nhân vật của mình, trong đó bao gồm bản thân ông và vợ. Lưu Ba rất vừa lòng với quan điểm của Từ Khắc và trao ông toàn quyền chuyển thể tiểu thuyết thành phim

Từ Khắc và toàn đoàn phim, gồm hơn 1.100 người khi đông nhất, trải qua vô vàn khó khăn gian khổ trong suốt thời kỳ làm phim. Họ thậm chí còn đến miền bắc Trung Quốc để quay những cảnh băng tuyết chân thật, ở lại đây hai tháng rưỡi trong nhiệt độ đóng băng -30 độ C.

Nam diễn viên Lương Gia Huy và tạo hình nhân vật Tọa Sơn Điêu của anh trong phim

“Một ngày, tuyết rơi nhiều, đường truyền điện bị hỏng, khách sạn chúng tôi ở không còn máy sưởi, nước – điện thoại còn mất tín hiệu. Chúng tôi mắc kẹt ở đó,” nhà sản xuất Hoàng Kiến Tân cho biết.

Hoàng Kiến Tân nói rằng ban đầu, ông lo lắng về doanh thu phòng vé của bộ phim nhưng sau khi xem cảnh cuối, ông không còn lo lắng chút nào. Ông cũng đưa ra những thống kê cho thấy người dân Trung Quốc rất quen thuộc với cốt truyện này: “Ghi nhận cho biết khi tiểu thuyết được chuyển thể thành kinh kịch đương đại vào những năm 1960, vở kịch đã thu hút 370 triệu người xem. Nếu bạn nhân con số này với 30 tệ tiền vé phim, bạn có thể ước lượng được kết quả phòng vé hiện giờ!”

Đông Lệ Á trong vai Bạch Nhự

Nhưng Từ Khắc và Hoàng Kiến Tân không chỉ cố gắng làm một phim xuất sắc và làm sống lại một tác phẩm cách mạng kinh điển. Mục tiêu của họ lớn hơn: sản xuất một phim điển hình của thể loại này cho thị trường Trung Quốc. Họ nói rằng họ đã thảo luận về hiện tại và tương lai của điện ảnh Trung Quốc, và kết luận những phim đang nóng nhất tại Trung Quốc lúc này là những phim có thể làm dấy lên tranh luận, bàn cãi và quan tâm xã hội.

“Đây là điều đáng lo ngại tiềm ẩn đối với công nghiệp điện ảnh Trung Quốc trong tương lai,” Hoàng Kiến Tân nói, chỉ ra rằng thị trường Trung Quốc rất khác Mỹ, mặc dù doanh thu phòng vé Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong tám hay 10 năm nữa. “Không có phim thuần thể loại nào, nghĩa là những phim được thực hiện chỉ theo một thể loại nhất định. Vì vậy chúng tôi làm Trí thủ uy hổ sơn để làm một ví dụ điển hình hoàn hảo.”

Đạo diễn Từ Khắc, phải, trên trường quay

Trí thủ uy hổ sơn có mặt tại các rạp Trung Quốc ngày 24/12/2014. Nhờ có những phản hồi tốt từ những đợt chiếu trước, Bona Film Group đã quyết định công chiếu sớm, nghĩa là các rạp có thể chiếu phim từ 5 giờ chiều ngày 23/12. Bona tin rằng phim này có thể tạo nên những nhận xét và quảng bá tích cực hơn nữa.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn