Tin tức

Nội tình cuộc khủng hoảng ở đài truyền hình ATV Hồng Kông

15/01/2015

Nhà đài sống chật vật này đối mặt với rất nhiều vấn đề, bao gồm thiếu tiền mặt, không thể trả lương nhân viên và bị buộc tội không còn phục vụ cho người Hồng Kông.

Khoảnh khắc Veronica Hui chú ý đến Mã Tiểu Linh, cô gái diệt ma cà rồng mặc váy ngắn chiến đấu với kẻ thù bất tử biến thành người yêu của cô, một ma cà rồng lãng mạn vô vọng tên Phương Thiên Hữu (Doãn Thiên Chiếu đóng), cô đã bị hút hồn.

Đó là năm 1998 và bộ phim có tựa đề Khử tà diệt ma / My Date with a Vampire. Hui, một nhân viên văn phòng độ tuổi 20 thích đàn đúm bạn bè, không hề quan tâm đến truyền hình Hồng Kông. Nhưng Khử tà diệt ma, một xuất phẩm của Asia Television (ATV), khiến cô dính chặt vào màn hình. Đó là phim bộ truyền hình duy nhất cô xem trong những năm 1990.

Câu chuyện tình yêu giữa người và ma cà rồng thật đột phá, một thập niên trước khi có thể loại ma cà rồng biết yêu mà Twilight và những phim muốn bắt chước thành công này đã truyền bá.

"Một làn gió mới," Hui nhớ lại. "Một câu chuyện kỳ ảo mơ hồ pha trộn thần thoại Trung Quốc vào ma cà rồng phương Tây lấy bối cảnh Hồng Kông."

Ngày nay, Hui không có kiên nhẫn với bất kỳ chương trình nào của nhà đài này.

"ATV, làm ơn đóng cửa đi," cô van nài.

Cảnh trong phim Khử tà diệt ma

Trong vòng chưa đến năm năm từ khi doanh nhân Đại lục Vương Chinh trở thành “nhà đầu tư chính” của ATV, một chuỗi tai họa – từ những tranh chấp cổ đông kéo dài và quản lý kém đến chương trình lờ đờ và thất bại tài chính – đã lôi nhà đài này suy sụp. Vì dùng chương trình cho một sự lăng xê nào đó, nhà đài giờ đây trở thành trò đùa cợt, bị người trong nghề phỉ báng.

ATV còn là một nghĩa vụ chính trị đối với nhà cầm quyền. Giấy phép truyền hình miễn phí của ATV được gia hạn hồi tháng 11/2014, mà đài này không có giá trị gì với chính quyền Hồng Kông vì tỷ suất người xem thấp nghĩa là năng lực định hình quan điểm công chúng kém.

Cơ quan quản lý truyền thông Hồng Kông từ chối đề nghị gia hạn, nhưng Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông đã an bài số phận của đài. Sau khi công luận phản đối quyết định bị chỉ trích rất nhiều của hội đồng thành phố từ chối đấu thầu giấy phép tương tự cho HKTV của Vương Duy Cơ hồi năm 2013, bất kỳ quyết định "sai lầm" nào cũng có thể thúc đẩy công dân giận dữ lại xuống đường.

Giám đốc điều hành Diệp Gia Bảo nói về "khoảnh khắc sống chết" của ATV

Nợ nần không có người giải cứu và đối mặt với cáo buộc của Sở Lao động vì không trả lương nhân viên, ATV đang tiến đến "khoảnh khắc sống chết", giám đốc điều hành Diệp Gia Bảo nói. "Tôi không muốn ATV sụp đổ," một nhân viên kỳ cựu của ATV nói.

ATV ngày nay là cái bóng mờ của thời kỳ hoàng kim, những người trong cuộc nói, họ đang chuẩn bị cho những bài tán dương.

Thái Hòa Bình, người kỳ cựu trong ngành truyền hình, nhớ lại cái thời ATV – trước đây có tên Rediffusion Television – được điều hành một cách chuyên nghiệp.

Năm 1957, đài Rediffusion của Anh được cấp phép mở dịch vụ truyền hình trả tiền ở Hồng Kông. Từ tổng hành dinh ở đường Cửu Long, đài này trở thành đài truyền hình tiếng Hoa đầu tiên trên thế giới. Ngoài chương trình thời sự và giải trí, Rediffusion còn mở ra trào lưu nhập khẩu phim hoạt hình Nhật Bản, trong đó có Astro Boy của Osamu Tezuka năm 1966.

Logo của ATV

Thế độc quyền của đài chấm dứt khi Television Broadcasts (TVB) được thành lập vào năm 1967 trở thành đài truyền hình miễn phí đầu tiên. Là dịch vụ truyền hình trả tiền đạt 100.000 hộ thuê bao và tính phí 25 đôla Hồng Kông/tháng – bằng lương tháng của một nhân viên cảnh sát – Rediffusion nhanh chóng mất khán giả về tay TVB, chương trình tạp kỹ trực tiếp Enjoy Yourself Tonight của đài này, do Thái Hòa Bình phát triển, giáng một đòn nặng vào Rediffusion.

Bất chấp thay hình đổi dạng, Rediffusion vẫn không đánh bại được TVB. Mãi đến năm 1973 Rediffusion mới trở thành một đài truyền hình phát sóng miễn phí. Lúc đó, đã quá muộn để lấy lại thị phần khán giả và nhà đài trượt dài hơn với sự xuất hiện của Commercial Television (CTV) năm 1975, trở thành đài cuối cùng trong số ba đài truyền hình miễn phí.

Khi CTV đột ngột đóng cửa năm 1978, Rediffusion có thêm đất xoay xở. Sự lên ngôi của các tài năng sáng tạo trẻ ở Rediffusion, như Mạch Đương Hùng và Tiêu Nhược Nguyên – cả hai trở thành những nhà làm phim hàng sao – đẩy mạnh cơ hội của đài.

Những phim thành công đình đám cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980 do đội ngũ làm phim tài năng này gồm có phim bộ hiện đại trường kỳ Crocodile Tears (1978), phim bộ võ thuật Reincarnated (1979) và Fatherland (1980), kể chuyện nông dân trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Áp phích phim Fatherland / Đại địa ân tình

Fatherland đánh bại tỷ suất của TVB, thu hút 60% người xem vào thời đó, thôi thúc TVB tân trang lại dàn phim lên sóng của mình.

Rediffusion được đặt lại tên thành ATV năm 1982 khi Khâu Đức Căn, nhà sáng lập Far East Holdings, tiếp quản đài này.

Nổi tiếng có kỷ luật ngân sách thép, ATV dưới thời Khâu làm ăn có lời, với cả loạt chương trình mới trong đó có cuộc thi Hoa hậu châu Á.

Năm 1988, một năm sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi trụ sở, nhà sáng lập Lai Sun Group Lâm Bá Hân mua lại ATV trong một cuộc tái lập công ty.

Áp phích phim Light of Million Hopes / Ánh sáng niềm tin - một phim bộ thành công của ATV năm 2003

Dưới quyền Lâm, ATV là một nhà lăng xê. Lâm Bá Hân đưa về cựu điều hành và thành viên hội đồng lập pháp Chu Lương Thục Di, từng làm cho TVB và CTV, là tổng giám đốc. Bà Chu đẩy mạnh mua chuộc nhiều nhân tài từ TVB, trong đó có các ngôi sao hài Thẩm Điện Hà và Tằng Chí Vỹ.

Biên kịch Bào Vỹ Thông nằm trong số những nhân tài bỏ TVB về ATV năm 1990. "ATV đầu tư mạnh và việc sản xuất chương trình phục vụ khán giả Hồng Kông," biên kịch Bào kể.

Từ Celebrity Talk Show, trong đó dẫn chương trình gồm bậc thầy viết lời nhạc Hoàng Triêm, nhà làm phim Thái Lan và tác giả Nghê Khuông nói về tình yêu và tình dục trong lúc phì phà xì gà, cho đến chương trình thông tin giải trí đầu tiên Hong Kong Today, ATV là người mở đường trong việc sáng tạo chương trình mới. TVB sao chép công thức của Hong Kong Today trong nỗ lực lấy lại khán giả.

Chương trình trò chuyện làm ăn News Tease trở thành bệ phóng sự nghiệp cho Hoàng Dục Dân và Trịnh Kinh Hàn, tiến lên thành người dẫn chương trình truyền hình nhân vật nổi tiếng và thành viên lập pháp. Khử tà diệt ma được sáng tạo trong thời kỳ huy hoàng đó.

Vạn Ỷ Văn trong vai Mã Tiểu Linh, phim Khử tà diệt ma

ATV còn nhập khẩu loạt phim Đại lục-Đài Loan My Fair Princess và phim bộ Bao Thanh Thiên của Đài Loan.

"Nhưng vậy vẫn chưa đủ để đánh bại TVB," biên kịch Bào nói. ATV chỉ đạt được tỷ suất người xem bình quân 30-40%. Tổng giám đốc Chu bị thôi việc và nhà đài bắt đầu đi vào chế độ cắt giảm chi phí.

Thái Hòa Bình nói dù ATV là người lăng xê, việc quản trị không đủ kiên nhẫn để chờ đợi hiệu quả của những đầu tư dài hạn vào các chương trình mới dưới dạng lượng khán giả lớn hơn.

ATV bắt đầu mất sức thu hút từ cuối thập niên 1990 – khoảng thời gian "vốn đỏ" bắt đầu rót vào nhà đài. Phùng Tiểu Bình, một nhà phát triển địa ốc ở Đại lục nói không có kinh nghiệm làm truyền hình, đã lãnh đạo ATV năm 1998 sau khi trở thành cổ đông lớn nhất.

Thí sinh Paul Yip, trái, ngồi đối diện với người dẫn chương trình Trần Khải Thái trong buổi ghi hình phiên bản tiếng Hoa của đài ATV hiện tượng truyền hình Who Wants to Be a Millionaire ở Hồng Kông. Chương trình này nhận được một lượng khán giả khổng lồ
ATV thắng lớn khi nhập khẩu trò chơi truyền hình Who Wants To Be A Millionaire, đạt được tỷ suất người xem kỷ lục là 39% với hơn một triệu lượt xem, buộc TVB mua The Weakest Link của BBC. Nhưng chương trình của ATV là điều kỳ diệu chỉ một lần.

Biên kịch Bào nói "vốn đỏ" tạo nên hình ảnh xấu cho ATV. "Có vẻ như nhà đài trở thành một công cụ PR để làm hài lòng mạng lưới làm ăn của các ông chủ," Bào Vỹ Thông nói.

Thay đổi liên tục về sở hữu cũng ảnh hưởng đến chương trình. Nam diễn viên cũ của ATV Lương Tư Hạo gần đây kể rằng chương trình được khen ngợi không thể được làm tiếp vì các xung đột ở quản lý chóp bu. Thái Quốc Uy, diễn viên kỳ cựu 19 năm của ATV, nói với South China Morning Post rằng thiếu tài trợ cũng khiến cho vấn đề tệ hơn.

Sở hữu nhà đài trở nên phức tạp từ giữa những năm 2000. Anh em nhà họ Tra – Tra Mậu Thanh và Tra Mậu Đức – và nhà xuất vốn Alnery, do anh em nhà Tra đồng sở hữu, cựu quản lý cao cấp của TVB Louis Page và ngân hàng ABN Amro, trở thành các cổ đông mới vào năm 2007, ngoài China Light Group và Dragon Viceroy.

Chương trình Asian Entertainment nổi tiếng của ATV, phát sóng khung giờ vàng, đã bị ngừng sản xuất

Năm 2009, ông trùm thực phẩm người Đài Loan Thái Diễn Minh mua lại cổ phần và thành lập Antenna với anh em nhà Tra.

Được một thời gian, có vẻ tình hình đã tốt lên. Được coi là Rupert Murdoch của Đài Loan, Tát Manh Manh, cũng là người sở hữu China Times Group, lôi kéo thân hữu để cải tổ ATV.

Nhưng anh em nhà Tra đưa về doanh nhân Đại lục Vương Chinh để thoái vốn. Năm 2010, người thân của Vương Chinh là Hoàng Bỉnh Quân, chủ tịch Prosperity International Holdings, mua 51% cổ phần từ anh em Tra, Dragon Viceroy và China Light trở thành cổ đông chính của nhà đài.

Trong khi đó, Antenna, vẫn do anh em Tra và Thái Diễn Minh đồng sở hữu, bị cho ra rìa. "Chúng tôi bị lảng," một nguồn thân cận với Thái Diễn Minh cho biết. "Chúng tôi không được truy cập sổ sách và không biết chuyện gì đang xảy ra ở ATV."

Chương trình thời sự buổi sáng Good Morning Asia của ATV bị cắt ngắn do thiếu nhân sự

Sau này mới lộ ra là trong một cuộc điều tra của Cơ quan quản lý truyền thông Vương Chinh trên thực tế là sếp của ATV dù không phải là chủ sở hữu. Ông được thuê làm "cố vấn" và đã thề biến ATV thành "sự đáp trả CNN của châu Á".

Thái Diễn Minh kiện ATV, Vương và các cổ đông khác cáo buộc quản lý kém và yêu cầu tòa án chỉ định một giám sát độc lập cho đài.

Trong một hành động khác kiện lên tòa, anh em nhà Tra đệ đơn xin kết thúc ATV sau khi đài này không thể trả khoản vay 200 triệu đôla Hồng Kông cộng với 91 triệu tiền lãi. Tháng 7/2014, ATV thanh khoản nợ nhưng hóa ra là Vương Chinh vay 290 triệu đôla Hồng Kông từ một công ty Anh có tên Treasure Ridge để thanh toán nợ nần.

Giới phê bình nói ATV đẩy chương trình hướng đến khán giả Đại lục và kết tội Vương can thiệp vào đội ngũ chương trình thời sự, ông này phủ nhận điều đó.

Nhà đầu tư chính của ATV Vương Chinh tại một buổi họp báo năm 2010

Nhưng một điều tra của Cơ quan quản lý truyền thông năm 2013 phát hiện rằng Vương Chinh, dù không phải thành viên ban giám đốc ATV, đã can thiệp vào vận hành của nhà đài thông qua cựu tổng giám đốc Thịnh Phẩm Nho. ATV bị phạt một khoản tiền kỷ lục 1 triệu đôla Hồng Kông và Thịnh Phẩm Nho bị buộc thôi việc.

"Tất cả những chuyện này làm hại đến uy tín của ATV với tư cách là một đài truyền hình," biên kịch Bào nói. "Chương trình của đài phục vụ khán giả Đại lục hơn là khán giả Hồng Kông. Nếu ATV không còn vì Hồng Kông, tại sao người dân Hông Kông phải ủng hộ đài?"

Vào tháng 12/2014, tòa xử thuận cho Thái Diễn Minh, yêu cầu Hoàng Bỉnh Quân bán 10,75% cổ phần cho một điều tra viên độc lập và chỉ định hãng kiểm toán Deloitte kiểm toán nhà đài và tìm nhà hảo tâm cứu ATV.

Nhưng không có thỏa thuận nào được công bố và ATV vẫn nợ nhân viên nửa tháng lương tháng 11 và cả tháng lương tháng 12.

Giờ tiền không có và nhân viên bỏ đi, Diệp Gia Bảo chỉ còn cách bán tài sản của ATV và kêu gọi cổ đông trả những khoản lương còn nợ đọng. Nhưng chẳng ai để ý đến ông. Từ tháng 7 đến tháng 9, Sở Lao động Hồng Kông đã phát 34 lệnh gọi hầu tòa về việc trì hoãn trả lương.

Phùng Ứng Khiêm, trưởng khoa báo chí và truyền thông của Chinese University, kết án người giám hộ nhà đài không làm trách nhiệm giám sát các tiêu chuẩn tài chính và sản xuất của ATV.

"Thật quá đáng. Tại sao chúng ta nên chịu đựng ATV?" ông Phùng hỏi.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi