Tin tức

'Kẻ thất bại' trên màn ảnh phản ánh cuộc sống giới trẻ có tay nghề ở Trung Quốc

14/05/2018

Mô tả những nhân vật thất bại trong nỗ lực đạt được vị thế xã hội cao hơn, phim truyền hình và điện ảnh gợi lên thực tế cuộc sống khắc nghiệt ngày nay ở Trung Quốc.

Khi mới chuyển sang thế kỷ này, nhiều phim truyền hình và điện ảnh Trung Quốc bắt đầu mô tả những nhân viên văn phòng trẻ tuổi đấu tranh cho sự lưu chuyển trong xã hội. Song xu thế đó hạ nhiệt vào năm 2008, khi câu chuyện chuyển từ xoáy vào lối sống của tầng lớp trung lưu giàu có sang tập trung vào những nhân vật “thất bại” tự ti – những sinh viên mới tốt nghiệp đại học không leo lên được nấc thang xã hội chủ yếu là do cuộc sống đắt đỏ ở thành phố, dù họ có học vấn tốt.

Beijing Love Story là câu chuyện về một thanh niên xuất thân từ gia đình nông thôn cố gắng kiếm sống ở Bắc Kinh

Mặc dù nỗi chật vật của nhân viên văn phòng nơi công sở vẫn là chủ đề phổ biến, các phim trở nên gai góc tăm tối hơn. Trong phim truyền hình nổi tiếng Beijing Love Story / Chuyện tình Bắc Kinh, một thanh niên xuất thân từ gia đình nông thôn cố gắng kiếm sống ở Bắc Kinh sau khi tốt nghiệp đại học. Song anh sớm tỉnh ngộ rằng dù mình có siêng năng làm việc thế nào, thì cũng chẳng bao giờ cạnh tranh lại những người bạn cao to, đẹp trai và giàu có. Rốt cuộc anh vẫn là một nhân viên quèn, nghèo khó – giấc mộng thành công không thành hiện thực. Sau đó, anh từ bỏ việc canh tranh giành tình cảm bạn gái với con trai ông chủ để đổi lấy thu nhập và vị trí cao hơn trong công ty. Như bạn có thể đoán, điều này không làm anh vui hơn chút nào.

Trong một phim truyền hình nổi tiếng khác có bối cảnh ở trung tâm thị thành Trung Quốc, “những kẻ thất bại” hoàn toàn từ bỏ tham vọng của mình để đắm chìm trong căm thù và than vãn. Nhiều phim tuổi mới lớn Trung Quốc – như So Young / Gửi tuổi thanh xuân rồi sẽ trôi qua của chúng ta năm 2013 và loạt phim Tiny Times / Tiểu thời đại – khắc họa thời trung học là khoảng thời gian trong sáng và hồn nhiên, đầy hứa hẹn về tình bạn vĩnh cửu và ngọt ngào của mối tình tuổi trẻ. Song một khi những bạn trẻ bước vào thế giới trưởng thành, họ sẽ thấy nó đầy rẫy sự giả dối và ích kỷ.

Cảnh trong phim So Young

Một ví dụ khác là phim hài năm 2014 Breakup Buddies / Mở cờ trong bụng, thể hiện một “kẻ thất bại” chấp nhận số phận hơn là chống lại. Nhân vật chính, Cảnh Hạo, là một nghệ sĩ đường phố thất bại bị vợ bỏ để đi theo một người đàn ông giàu có và hấp dẫn hơn. Trong nỗ lực động viên anh, người bạn Hác Nghĩa đưa anh đi du lịch vòng quanh đất nước để tìm mối quan hệ thay thế chữa vết thương lòng. Song việc gặp gỡ những người phụ nữ trong chuyến du lịch của họ chỉ dẫn đến bối rối và đau lòng hơn. Cuối cùng, Cảnh Hạo và Hác Nghĩa nhận ra rằng mục đích của chuyến đi là giúp Cảnh Hạo chấp nhận cuộc hôn nhân thất bại hơn là cứu vãn nó.

Còn có một kiểu “kẻ thất bại” thứ ba: kẻ leo lên đỉnh cao nhờ lợi dụng người quen giàu có và quyền lực. Ví dụ, phim truyền hình Dwelling Narrowness / Oa cư (Căn hộ nhỏ) năm 2009 kể câu chuyện hai chị em, người chị làm việc chăm chỉ và dành dụm tiền mua một căn hộ ở Thượng Hải song thất bại vì giá nhà tăng không kiểm soát nổi. Trong khi đó, cô em làm tình nhân của một quan chức chính phủ có sức ảnh hưởng, người này đã mua cho cô một căn hộ.

Cô em làm tình nhân của một quan chức chính phủ trong phim truyền hình Dwelling Narrowness

“Kẻ thất bại” được mô tả trên màn ảnh tượng trưng cho thách thức mà người trẻ thành thị có tay nghề phải đối mặt ở những thành phố lớn ngày một thương mại hóa và tư bản hóa ở Trung Quốc. Nhiều người thấy mình phân vân giữa hai con đường: một mặt thì giới trẻ bước lên nấc thang xã hội ngày càng khó khăn hơn – dù họ làm việc chăm chỉ đến thế nào đi nữa – rằng trong tuyệt vọng, một số người sẽ làm bất cứ chuyện gì để được giàu có và quyền lực. Mặt khác, một số người ngưỡng mộ người giàu có và quyền lực không biết giới hạn, và họ khao khát kết bạn với những kẻ mới phất và mong muốn trở thành con rối của họ.

Não trạng này gắn với hai khuôn mẫu mang tính lịch sử vẫn tồn tại ngày nay. Trước hết, toàn cầu hóa dẫn đến sự tập trung quyền lực và tư bản vào tay một số người, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Thực tế thì trên khắp thế giới, tầng lớp trung lưu đang thu hẹp. Thứ hai, Trung Quốc là một quốc gia xã hội chủ nghĩa và nên là đối thủ của chủ nghĩa tư bản. Song chính sách cải cách và mở cửa vào cuối những năm 1970 dần chấp nhận tư tưởng tư bản.

Tiny Times: một khi những bạn trẻ bước vào thế giới trưởng thành, họ sẽ thấy nó đầy rẫy sự giả dối và ích kỷ

Mặc dù một số thanh niên trút giận qua mạng xã hội và phát sóng trực tiếp qua Internet (livestream), họ không có cách thay đổi hoàn cảnh thực tế. Thay vì vậy, kết cục họ cảm thấy bại trận, và rơi vào mâu thuẫn cảm xúc, dẫn đến “ngưỡng mộ” quyền lực.

Trong một nỗ lực chống lại tư tưởng đấu tranh giai cấp thời kỳ Mao Trạch Đông những năm 1980, giới trẻ Trung Quốc ca ngợi chủ nghĩa cá nhân và tin rằng giấc mộng trở thành một phần của tầng lớp trung lưu có thể được thực hiện nhờ lao động siêng năng; họ sử dụng quyền tự do cá nhân chỉ trích sự kìm hãm của chủ nghĩa tập thể. Song sau 30 năm, trong khi hầu hết thế hệ này thành công và đạt được giấc mộng trung lưu, với con cái của họ đó lại là một câu chuyện khác.

Breakup Buddies thể hiện một “kẻ thất bại” chấp nhận số phận hơn là chống lại

Giới trẻ ngày nay chịu nhiều áp lực. Mặc dù Trung Quốc đang trở nên hùng mạnh hơn trên thế giới, khoảng cách giàu nghèo lại gia tăng. Nhiều cá nhân không thể leo lên nấc thang xã hội bằng làm việc chăm chỉ thuần túy. Vì thế, như đã được mô tả trong phim, việc bị gán là “kẻ thất bại” sẽ tiếp tục ám ảnh họ, cùng với cảm giác bất tài và nỗi tuyệt vọng.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone