Tin tức

Dòng chảy phim về kháng chiến chống Nhật trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ

21/10/2015

Từ khi ngôn ngữ viết ra đời, nhân loại không ngừng ghi lại những cuộc chiến tranh. Vậy nên không ngạc nhiên khi điện ảnh, một phương tiện biểu đạt phong phú được phát minh vào thế kỷ 19, nó nhanh chóng được xếp vào đội ngũ ghi chép chiến tranh.

Cảnh phim Trí thủ uy hổ sơn

Cuộc chiến lớn nhất lịch sử loài người, Thế chiến II phá hoại nặng nề nền văn minh, nhưng cũng đem lại rất nhiều tư liệu cho các thế hệ sau kể chuyện. Qua năm tháng, phim về Thế chiến II đã dần trở thành một thể loại tách biệt. Dù nhiều phim cũng được dùng để tuyên truyền bảo vệ sự đúng đắn của bên này hay bên kia, khi phim tập trung vào sự thật kinh khủng hơn của chiến tranh, chúng có thể giúp khán giả suy ngẫm và mở ra một tâm thế phản đối chiến tranh mới.

Cuộc kháng chiến chống Nhật (1937-1945) đã trở thành một chủ đề nổi tiếng cho rất nhiều loại hình nghệ thuật tại Trung Quốc. Tuy nhiên trong các thời kỳ sau cuộc chiến này, giai đoạn đó đã được miêu tả lại theo nhiều cách khác nhau – phim về người dân đấu tranh chống đàn áp trong các năm 1950 và 1960, các phim bom tấn ngốn kinh phí của thập kỷ 1980 và 1990 và các phim thương mại những năm 2000. Chúng đều kể cùng một lịch sử từ các góc nhìn rất khác nhau.

Thời kỳ 1949–1966: Phim về cuộc kháng chiến của nhân dân

Địa đạo chiến được coi là một trong những phim chiến tranh hay nhất của điện ảnh Hoa ngữ

Các phim tiêu biểu: Little Soldier Zhang Ga / Tiểu binh Trương Ca, Tunnel Warfare / Địa đạo chiến, Mine Warfare / Địa lôi chiến, Guerilla of the Plain / Đội du kích đồng bằng.

Lịch sử trước khi đất nước cải cách và mở cửa có vẻ xa vời với thế hệ ngày nay. Rất khó để thế hệ trẻ ở Trung Quốc tin rằng từ thông dụng nhất ngày đó không phải “đất nước” mà là “nhân dân”. Trung Quốc thời Mao Trạch Đông theo đuổi tính dân chủ và công bằng; nói cách khác, giai đoạn tiến bộ hơn bất cứ thời kỳ nào.

Trong môi trường chính trị như vậy, những ý tưởng dân túy tuyệt đối trở thành tư tưởng chung trong nghệ thuật. Vì vậy, người lính cấp thấp hoặc dân thường trở thành nhân vật chính trong phim và tạo thành lực lượng chủ yếu trong cuộc kháng chiến chống Nhật.

Áp phích phim Tiểu binh Trương Ca

Điểm chung lớn nhất của các tác phẩm này là sự lạc quan. Chúng thể hiện tinh thần lạc quan của con người thời đó với ý tưởng về Trung Quốc mới. Tuy nhiên, khi khán giả ngày nay bỏ qua bối cảnh thực hiện các bộ phim, họ thấy chúng khó hiểu và phê phán rằng các phim thái quá, máu me và bạo lực.

Địa đạo chiến là một ví dụ tiêu biểu cho sự thái quá của các phim thời này. Dù dòng chữ “chỉ mang tính minh họa” được chiếu đầu phim, nhiều khán giả vẫn tưởng phim tường thuật thực tế lịch sử và cho rằng nó vô lý.

Phim sử thi thập kỷ 1980 và 1990

Huyết chiến Đài nhi trang, một tác phẩm khá giống các phim sử thi Mỹ những năm 1950 và 1960

Các tác phẩm tiêu biểu: Xuezhan Taierzhuang / Huyết chiến Đài Nhi trang, tạm dịch: Trận chiến ở làng Đài Nhi), The Lu Gou Qiao Incident / Sự kiện cầu Lư Câu, The Xi'an Incident / Sự biến Tây An.

Sau khi cải cách và mở cửa, rất nhiều chính sách có sự thay đổi lớn và những bên đối địch giờ trở thành bạn bè. Cùng lúc đó, phim chiến tranh lấy dân thường làm nhân vật chính trở thành các phim thuật lại các huyền thoại anh hùng thời chiến quan trọng theo phong cách thực tế hơn. Tác phẩm kinh điển nhất của thể loại này là Huyết chiến Đài Nhi trang (1986). Đầu tiên, bộ phim chọn một trận đánh nổi tiếng và là một thắng lợi lớn cho Trung Quốc và sử dụng nhiều ghi chép lịch sử để thuật lại trận chiến từ đầu đến cuối. Các đại cảnh quy mô lớn với hàng nghìn binh lính và ngựa rất giống các phim sử thi hoành tráng của Mỹ những năm 1950 và 1960.

Bên cạnh đó, Lý Tông Nhân và Tưởng Giới Thạch, các tướng và nhân vật nổi tiếng khác thuộc Quốc dân đảng cũng được mô tả khách quan. Hơn nữa, việc sản xuất phim chiến tranh với phần lớn binh lính Quốc dân đảng là một tín hiệu thân thiện hướng tới Đài Loan.

Những năm 2000: thị trường là trên hết.

Cảnh phim Purple Sunset

Các tác phẩm tiêu biểu: Grief over the Yellow River / Những ân tình trên sông Hoàng Hà, The Message / Phong thanh, City of Life and Death / Nam Kinh! Nam Kinh!, Lust, Caution / Sắc, giới.

Với sự phát triển nhanh chóng của phim thương mại tại Trung Quốc, tư tưởng chính trị và sự chi phối từ chính quyền dần phai nhòa trên phim ảnh, các phim thị trường theo thể loại nhất định và các phim mang dấu ấn đạo diễn nổi lên.

Đạo diễn Phùng Tiểu Ninh là một trong những nhân vật quan trọng của thời đó. Các phim Red River Valley / Hồng Hà cốc, Grief over the Yellow River / Những ân tình trên sông Hoàng HàPurple Sunset, hai phim sau tập trung vào cuộc kháng chiến chống Nhật, đều thành công về mặt phê bình và thương mại. Trong khi Grief trở thành phim chiến tranh đầu tiên đưa tình yêu vào trọng tâm, Purple Sunset không chỉ phô trương lực lượng vũ trang của Trung Quốc, mà còn của Nhật Bản và Liên Xô thời trước. Một điểm chung giữa các phim là quan điểm mang tính quốc tế – chiến tranh không còn là mối thù riêng giữa Trung Quốc và Nhật Bản – ám chỉ mong muốn hội nhập vào thế giới của Trung Quốc.

Thành công phòng vé của Phong thanh cho thấy phim về kháng chiến chống Nhật vẫn có chỗ đứng trên thị trường

Tuy nhiên, khi phim thương mại tiếp tục phát triển, các phim lấy bối cảnh kháng chiến chống Nhật trở nên hiếm hoi hơn. Phong thanh là một phim về đề tài này thành công ở phòng vé cho thấy những phim như vậy có chỗ đứng trên thị trường.

Trí thủ uy hổ sơn (The Taking of Tiger Moutain) gần đây là một ví dụ hay khác. Dù không đặt trong cuộc kháng chiến, nhiều người tin rằng bộ phim của đạo diễn Hồng Kông Từ Khắc sẽ vực dậy dòng phim đỏ này.

Cũng có một số tác phẩm không thực sự tìm được khán giả, ví dụ Sắc, giới của Lý An và Nam Kinh! Nam Kinh! của Lục Xuyên. Nam Kinh! Nam Kinh! mong muốn làm khán giả chấn động bằng sự kinh hoàng của chiến tranh, nhưng cuối cùng chỉ làm khán giả có vẻ khó chịu. Có ý định khiến khán giả nghiền ngẫm và suy nghĩ lại về đường lối, Sắc, giới đưa mọi chuyện đi quá xa bởi nó trở thành bộ phim gây tranh cãi nhất.

Sắc, giới, một phim chiến tranh không thành công

Nói chung, ảnh hưởng của phim về cuộc kháng chiến chống Nhật đã yếu dần qua năm tháng. Tuy nhiên đây không phải là vì chiến tranh đã rời xa, mà vì các nhà làm phim thiếu hiểu biết để tạo ra quan hệ hợp lý giữa quá khứ và hiện tại.

Đó là lý do bộ phim của Từ Khắc là một bài học đáng noi theo. Bộ phim đưa khán giả hiện đại đến gần câu chuyện bằng cách kết nối thời hiện đại với những người lính trong cuộc chiến từ nhiều thập kỷ trước. Cách tương tự cũng được dùng trong các phim chiến tranh Mỹ như Saving Private Ryan.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times