Tin tức

ParaNorman đưa hoạt hình 'stop motion' kinh điển tiến vào thế kỷ 21

15/08/2012

OREGON có lẽ không phải là tiểu bang đầu tiên ở Mỹ được nhớ đến vì những đột phá trong nghệ thuật điện ảnh, nhưng trong nhiều năm qua ở ngoại ô Portland một nhóm nghệ sĩ đã sử dụng những công cụ và tầm nhìn mới để đưa một thể loại hoạt hình kinh điển, thể loại 'stop motion', tiến xa hơn vào thế kỷ 21.

Các họa sĩ ở Laika xây dựng và tô điểm tất cả bối cảnh phim
[Ảnh: Reed Harkness/Focus Features]

Các nghệ sĩ đó thuộc hãng Laika, một xưởng hoạt hình ở Hillsboro tận lực với hoạt hình stop motion vào thời buổi nhiều hãng hoạt hình khác tập trung vào hoạt hình vi tính. Cách tiếp cận của Laika không liên can đến máy tính; các họa sĩ và thiết kế vẫn sáng tạo từng nhân vật bằng tay. Rồi họ sử dụng những công nghệ tiên tiến như máy in 3D để đưa nhân vật vào cuộc sống một cách thuyết phục hơn.

Laika hình thành từ Vinton Studios, một công ty ở Portland do nhà hoạt hình Will Vinton thành lập có lẽ được nhớ đến nhiều nhất vì các quảng cáo California Raisins xuất hiện lần đầu vào thập niên 1980. Trái nho khô nhảy múa xuất hiện trên màn ảnh ở dạng đất sét nặn, nhưng các nhân vật của Laika ban đầu chỉ được nặn bằng đất sét. Sau đó chúng được phủ các chất liệu tạo màu, tạo bóng và tạo bọt. Bạn có thể thấy tác phẩm thủ công này là con ma, xác sống, và những đứa trẻ tóc tai dựng đứng trong bộ phim thứ nhì của công ty, ParaNorman, ra mắt vào ngày 17/8 (phát hành ở Việt Nam với tựa Norman & Giác quan thứ 6).

Các họa sĩ và nhà tạo hình sáng tạo từng nhân vật một bằng tay.
Trong ảnh là Brad Schiff, giám sát hình họa
[Ảnh: Reed Harkness/Focus Features]

Sự thay hình đổi dạng của công ty bắt đầu từ năm 2003, khi Philip H. Knight, một nhà sáng lập của Nike, mua lại hãng phim nơi con trai ông là Travis Knight làm họa sĩ hoạt hình. Cái tên được đổi thành Laika, để vinh danh động vật đầu tiên đi lên quỹ đạo, và hãng được chia thành hai bộ phận: Laika, chuyên làm phim dài (có đối tác phát hành là Focus Features), và Laika/gia đình, chuyên về quảng cáo và các sản phẩm làm thuê khác. (Nhóm tạo nên phân ban stop-motion trong A Very Harold & Kumar 3D Christmas, chẳng hạn.)

“Tôi muốn chúng ta kể những câu chuyện đầy cảm xúc, chủ đề có tính thách thức, kích thích suy nghĩ, và lạ thường, nhưng tôi muốn chúng ta làm điều đó theo cách mới,” Travis Knight, chủ tịch, giám đốc điều hành và họa sĩ hoạt hình chính của các dự án phim của Laika, nói qua điện thoại từ Portland. “Chúng tôi có thể mở ra tiềm năng của hoạt hình stop motion bằng cách bám lấy tác giả gây ra cái chết của nó: máy vi tính. Có vẻ giống như những thợ dệt theo phong trào Luddite* bám lấy cái khung cửi vậy.”

Sử dụng những công nghệ tiên tiến như máy in 3D để đưa nhân vật
vào cuộc sống thuyết phục hơn
[Ảnh: Focus Features]

Để phát triển phim điện ảnh, công ty chuyển một số lượng đáng kể họa sĩ sang hoạt hình. Henry Selick, nhà làm phim hoạt hình và đạo diễn của The Nightmare Before ChristmasJames and the Giant Peach, là một trong những nhân sự tuyển mộ quan trọng đầu tiên. Ông được yêu cầu trông nom một dự án phim hoạt hình vi tính ngắn trong lúc công ty vẫn còn đang quyết định theo đuổi thể loại phim điện ảnh dài nào. Bộ phim ngắn, Moongirl (2005), có sự u tối, kỳ quái quen thuộc của Selick. Ông cũng đem lại một ý tưởng phim dài mà ông đã phát triển, một chuyển thể tiểu thuyết của Neil Gaiman Coraline, kể về một cô bé chán cha mẹ và đi vào một thế giới thay thế, lý tưởng hơn với người mẹ có vẻ đáng yêu hơn.

Qua điện thoại từ vùng Vịnh San Francisco, Selick nói rằng khi ông “hoài thai” Coraline ông đã nghĩ rằng làm hoạt hình stop motion là phù hợp nhất nhưng cứ thử nghiệm với những kỹ thuật khác trước.

“Có một thời gian ngắn phim được cân nhắc làm phim người thật đóng,” ông nói. “Và rồi, vì đây là câu chuyện về hai thế giới, chúng tôi nghĩ đến việc sử dụng giải pháp của Wizard of Oz: một thế giới hoạt hình vi tính, một thế giới bằng ‘stop motion’.” Cuối cùng phim sử dụng ‘stop motion’, với các yếu tố vi tính tạo ra.

Công ty tạo cú đột phá đầu tiên Coraline (2009), phim hoạt hình
stop-motion đầu tiên quay 3D
[Ảnh: Focus Features]

Chung cuộc Coraline (2009) là phim hoạt hình stop-motion đầu tiên quay 3D, sử dụng một hệ thống do đạo diễn quay phim, Pete Kozachik, phát triển. Và cũng là phim hoạt hình đầu tiên kiểu này thể hiện biểu cảm gương mặt được tạo bởi máy tạo mẫu nhanh (rapid prototyping machine), một máy in 3D tạo ra vật thể thay vì in ra giấy.

Các máy này đã được sử dụng trong tạo mẫu công nghiệp để tạo mẫu đồ chơi. Nhưng hai nhà làm hoạt hình Martin Meunier và Brian McLean phối hợp với Selick đã điều chỉnh công nghệ này, phát triển một loạt biểu cảm gương mặt bằng máy tính, rồi in ra để được ghép vào đầu của mô hình. Kỹ thuật này làm thay đổi cách nhìn về hoạt hình stop motion. Để so sánh: nhân vật Jack Skellington trong The Nightmare Before Christmas có 800 biểu cảm nét mặt trong khi Coraline có hơn 200.000 biểu cảm nét mặt. Những nhà sản xuất phim hoạt hình stop-motion khác đã bám lấy công nghệ này, trong đó có Aardman Animations với phim The Pirates! Band of Misfits vừa rồi.

Ứng dụng mới của tạo mẫu nhanh tiếp tục với ParaNorman, do Chris Butler và Sam Fell đạo diễn. Butler đã từng làm Coraline trong vai trò giám sát kịch bản đồ họa và gia nhập Laika mới được sáu tháng. Nhưng khi anh trưng ra kịch bản ParaNorman, nói về cuộc phiêu lưu của một cậu bé Norman có khả năng giao tiếp với người chết, “sáu tháng đã biến thành sáu năm rưỡi,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn ở New York.

Các máy tạo mẫu nhanh có thể in ra những phiên bản màu
các vẻ mặt
[Ảnh: Scott Spiker/Focus Features]

Butler và Fell đã nói về việc thiết kế của các nhân vật trong phim là chưa từng được thấy. Họ sử dụng Heidi Smith, một nhà thiết kế vừa tốt nghiệp đã được thuê ngay nhưng đã có cả đời say mê xử lý nhân vật.

“Mọi thứ cô ấy vẽ ra không dễ dàng phù hợp với ngành truyền thông,” Fell nói. “Cô không biết người ta nên vẽ gì, và chúng tôi cũng không bảo cô, thế nên cô ấy vẽ những thứ điên rồ này đây mà hậu quả là đã khiến cả hãng phải xốc tới.” Một nhân vật, ông Prenderghast (John Goodman lồng tiếng), được miêu tả là một ông già gầy nhom, yếu đuối nhưng lại được vẽ thành “một quái vật đàn ông khổng lồ vai rộng mà cặp giò khẳng khiu,” Butler nhớ lại. Hình ảnh đó đòi hỏi công việc tạo hình chính xác.

Xem qua quy trình tạo mẫu nhanh đang vận hành,
máy in ra khuôn mặt ba chiều
[Ảnh: Scott Spiker/Focus Features]

Bộ phận tạo mẫu nhanh có một sự đột phá: nghĩ cách tô màu gương mặt các nhân vật bằng máy tính computer rồi dùng máy in màu 3D in ra. Trước đó gương mặt nhân vật phải tô bằng tay, giới hạn số lượng chi tiết có thể thêm thắt vào. Kết quả là các nhân vật sống động hơn, mà các nhà làm phim hy vọng sẽ lôi kéo khán giả vào câu chuyện sâu hơn. “Suy cho cùng đây là chuyện đưa khán giả kết nối với chuyến đi tàu lượn cao tốc của nhân vật đang diễn tiến,” Brian McLean, trưởng bộ phận tạo mẫu nhanh của Laika, nói. “Và người ta kết nối với điều đó thông qua lời thoại và vẻ mặt.”

Mùa thu năm ngoái Laika mua tác quyền làm phim quyển tiểu thuyết Wildwood, tiểu thuyết đầu tay dành cho thiếu nhi của Colin Meloy, ca sĩ chính ban nhạc Decemberists. Cũng đang trên bệ phóng là chuyển thể màn ảnh rộng tiểu thuyết kỳ ảo Goblins của Philip Reeve. Mặc dù Knight để ngỏ với các phong cách hoạt hình khác, rõ ràng anh là người hâm mộ ‘stop motion’.

Một cảnh trong phim ParaNorman

“Khi bạn xem một phim hoạt hình stop-motion,” anh nói, “bạn không phải xem một đám số một và số không [điểm tạo hình bằng máy tính – ND]. Bạn xem và cảm nhận bàn tay của người nghệ sĩ trên tác phẩm. Và điều đó cho loại hình nghệ thuật này một phẩm chất không hề giống với bất cứ thứ gì khác.”

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


* Phong trào đập phá máy dệt để chống đối Cách mạng Công nghiệp ở Anh vào đầu thế kỷ 19 – ND

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi