Tin tức

5 bài học từ mùa phim hè 2013

11/09/2013

Tổng doanh thu phòng vé mùa hè vừa qua đã lập kỷ lục với sự giúp sức của Iron Man 3 /Người Sắt 3, Despicable Me 2 / Kẻ trộm mặt trăng 2.

R.I.P.D. / Đồn cảnh sát ma chết ngay khi vừa ra rạp và The Lone Ranger / Kỵ sĩ cô độc không thể bắt được khán giả. Thế mà đến khi kết thúc mùa hè, Hollywood hớn hở đi vào thu nhờ con số bất ngờ hơn 100 triệu đôla đẩy doanh thu phòng vé hè năm nay đến kỷ lục..

The Lone Ranger

Tổng doanh thu vé thị trường Bắc Mỹ từ ngày 2 tháng 5 đến Ngày Lao động Mỹ (thứ hai đầu tiên của tháng 9 - ND) tăng 10,2% so với năm ngoái, lập nên kỷ lục 4,7 tỉ đôla, trong khi lượng khán giả đến rạp tăng 6,5% lên khoảng 572 triệu lượt người, theo Hollywood.com. Giá vé bình quân cũng đạt đỉnh cao mới là 8,23 đôla.

Một vụ làm ăn mạnh là rất cần vì khi bắt đầu vào hè, doanh thu vé đã giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2012. Bốn tháng sau, phòng vé giờ đây hòa với năm ngoái.

Mặc dù mùa hè kết thúc với một dấu hiệu tích cực, chắc chắn có rất nhiều câu chuyện nổi bật của mùa hè đau khổ này: After Earth / Trở về Trái đấtWhite House Down / Giải cứu Nhà Trắng của Sony Pictures; The Lone Ranger của Walt Disney Studios; và R.I.P.D. của Universal Pictures — mỗi phim đều tốn hơn 100 triệu đôla kinh phí sản xuất — rớt đài một cách ngoạn mục. Nhưng ít nhất 17 phim vượt mốc doanh thu 100 triệu mùa hè này — hơn 2012 năm phim.

Sáu phim hè có doanh thu cao nhất là những phim hậu truyện, tiền truyện hoặc tái kích hoạt. Tuy nhiên, một vài tựa phim đơn lọt vào được tốp 10, bao gồm phim cặp đôi cảnh sát Sandra Bullock-Melissa McCarthy The Heat / Cuộc chiến nảy lửa và phim kinh dị kinh phí thấp The Conjuring / Ngôi nhà ma ám.

The Heat

Cũng như mùa hè năm trước, người thu hoạch nhiều nhất là Marvel Entertainment của Disney. Iron Man 3, do Robert Downey Jr. đóng chính, kiếm được hơn 400 triệu đôla ở thị trường Bắc Mỹ và hơn 800 triệu từ thị trường quốc tế. Doanh thu 1,2 tỉ đôla toàn cầu của phim này hơi kém một chút so với The Avengers, bộ phim đã thống trị mùa hè cách đây một năm với con số sững sốt là 1,5 triệu.

Những siêu người hùng một lần nữa ca khúc khải hoàn tại các cụm rạp đó không đáng ngạc nhiên, nhưng có ít nhất năm bài học tinh tế từ mùa phim hè năm nay:

1. Được, có thể có quá nhiều phim hoạt hình


Sáu phim hoạt hình vi tính đã ra rạp mùa hè này — hơn hè 2012 hai phim — nhưng chỉ có một thành công đình đám: Despicable Me 2, kiếm được 820 triệu đôla toàn cầu từ khi công chiếu ngày 2/6. Bộ phim về những chú Minion màu vàng từ Illumination Entertainment của hãng Universal đã càn quét đối thủ, trong đó có Turbo / Tay đua siêu tốc của DreamWorks Animation. Câu chuyện về ốc sên đua đó ra rạp sau Despicable Me 2 hai tuần và thu được chỉ có chưa đến 80 triệu đôla ở Bắc Mỹ — thành tích kém cỏi thứ nhì của một tác phẩm từ hãng phim của Jeffrey Katzenberg.

Despicable Me 2

The Smurfs 2 / Xì-trum 2, ra rạp vào cuối tháng 7, cũng gây thất vọng tương tự. Vì Smurfs đầu tiên đã kiếm được 563 triệu đôla toàn cầu năm 2011, Sony Pictures kỳ vọng phần tiếp theo đạt hơn con số đó. Nhưng cho tới giờ, phần hai này tích cóp được chưa đến một nửa, chỉ 67 triệu đôla ở Bắc Mỹ.

Còn với Disney, Pixar Animation của hãng này cho ra Monsters University / Lò đào tạo quái vật phát hành trước Despicable, vào tháng 6 và kết thúc với một con số đình đám là 700 triệu đôla toàn cầu. Trong khi đó, Planes / Thế giới máy bay của Disney kém xa thành công này khi ra mắt vào tháng 8 với chỉ hơn 100 triệu đôla toàn cầu — nhưng kinh phí chỉ có 50 triệu đôla vì thoạt đầu được dự tính phát hành thẳng bản DVD.

Điều có thể rút ra ở đây là gì? Bọn trẻ không đi học, nhưng chắc là các gia đình không cần mỗi hai tuần có một phim hoạt hình mới đâu nhỉ, chắc chắn rồi. Đưa chúng ta đến với điều kế tiếp:

2. Hãy sáng tạo với lịch ra rạp

Planes

Những tháng lạnh lẽo hơn thường là thời của phim kinh dị, nhưng Universal quyết định ra mắt The Purge vào tháng 6, còn Warner Bros. theo chân với The Conjuring một tháng sau đó — phim nào cũng làm ăn tốt với một đám đông khán giả hào hứng. The Conjuring, kinh phí chỉ 20 triệu đôla, đặc biệt có lời, thu hơn 133 triệu đôla chỉ riêng ở Mỹ.

Đi ngược lịch trình được tưởng thưởng là Lionsgate, đơn vị Summit Entertainment của hãng này đã mở màn phim hài Kevin Hart: Let Me Explain vào ngày Lễ Quốc khánh Mỹ 4/7 đối đầu với The Lone Ranger Despicable Me 2. Chỉ trình chiếu ở hơn 900 rạp, phim thu về 32 triệu đôla — một thắng lợi cho một phim kinh phí chỉ 2,5 triệu đôla.

Trong khi đó, đầu hè trở nên nóng hơn cho phim bom tấn. Nhiều phim lớn nhất của mùa này không chỉ ra rạp vào tháng 7 — vốn dĩ lâu nay được xem là thời gian lý tưởng để tung ra một phim có tiềm năng thành công — mà từ tuốt tháng 5. Năm nay, bốn trong tốp 10 phim thắng đậm nhất của mùa phim hè đã mở màn vào tháng 5, thay vì chỉ có hai như hè năm ngoái.

The Conjuring

3. Làm cái bóng là tiêu đời

Đúng vậy, khán giả đã chán phần lớn phần tiếp theo và phim làm lại. Nhưng nếu phim của bạn quá giống một phim nào khác thì đấy là điềm báo thảm họa. Đây có lẽ là vấn đề của White House Down, ra rạp tháng 7, trong phim có nhân vật muốn trở thành Mật vụ giúp bảo vệ tổng thống khi ngôi nhà ở địa chỉ 1600 Đại lộ Pennsylvania (địa chỉ Nhà Trắng – ND) bị khủng bố tấn công.

Bất chấp sức mạnh ngôi sao — Channing Tatum và Jamie Foxx — bộ phim này của hãng Sony không thể qua mặt được Olympus Has Fallen / Nhà Trắng thất thủ có kinh phí khiêm tốn, đã được FilmDistrict tung ra cách đó bốn tháng và xoay quanh một nhân viên Mật vụ cố gắng ngăn chặn khủng bố tấn công Nhà Trắng. White House Down thu hoạch kém Olympus 25 triệu đôla — dù tốn hơn Olympus 80 triệu kinh phí sản xuất.

R.I.P.D. là một phim khác bị khán giả từ chối có lẽ vì dư thừa. Phim về hai cảnh sát từ cõi chết trở về chiến đấu chống tội phạm trên dương gian gợi nhớ rất nhiều đến loạt phim Men in Black. Tương tự, với những rôbô to tướng, Pacific Rim / Siêu đại chiến bị so với loạt phim Transformers, và cũng không làm ăn tốt ở Mỹ như Warner Bros. hy vọng.

Olympus Has Fallen (trái) và The White House Down

Chuyện ở đây là? Hollywood cần trở nên sáng tạo hơn, bằng không thì phải có thêm thời gian giữa các phim đắt đỏ có chủ đề tương tự nhau.

4. Nhà rạp trở nên linh hoạt hơn, và điều đó được tưởng thưởng

Khoảng 89% trong số 40.045 rạp chiếu ở Mỹ là kỹ thuật số — tăng từ 75% hồi tháng 8 năm 2012, theo Hiệp hội chủ rạp Hoa Kỳ. Giờ đây, các hãng phim không phải vận chuyển các cuộn phim cồng kềnh nặng nề, còn các rạp có thể nhanh nhẹn hơn: khi một phim được chiếu ở một khán phòng, nhà rạp có thể dễ dàng quyết định có đưa phim đó chiếu ở khán phòng lớn hơn vào ngày hôm sau không hoặc tăng thêm suất chiếu là chuyện hoàn toàn có thể thu xếp. Ngược lại, các phim không được việc có thể bị loại ra.

Các chủ rạp cũng đang tối đa hóa doanh thu bằng nhiều cách. Thay vì mở màn vào 12:01 trưa thứ sáu — như thông lệ — những tựa phim được chờ đợi đã được ra mắt vào 7 giờ tối và 10 giờ tối thứ năm. Đó là vì các nhà rạp đã bắt đầu nhận ra rằng khán giả xem phim dễ đến rạp vào những suất chiếu sớm, và nhà rạp đã đề nghị hãng phim rằng liệu có được chiếu trước vào tối thứ năm không — một thỏa thuận hai bên cùng có lợi.

5. 3D thoái trào — nhưng sẽ không biến mất

The Great Gatsby

Khán giả Mỹ ngày càng ít sẵn lòng tốn thêm tiền để xem phim ở định dạng 3D, nhưng hè vừa qua thì họ mất hứng mạnh mẽ. Khi Turbo ra rạp vào tháng 7, chỉ 25% khán giả tuần công chiếu chọn xem phim ở định dạng 3D, một con số thấp nhất mọi thời đại cho định dạng này. Những phim gia đình khác làm ăn có khá hơn đôi chút, như Despicable Me 2 chỉ có 27% khán giả của kỳ cuối tuần ngang qua lễ Quốc khánh Mỹ chọn định dạng 3D.

Trong khi lựa chọn xem 3D với phim dành cho trẻ em đã giảm nhiều, ngay cả những phim xem ra phù hợp với định dạng này cũng loạng choạng, như World War Z / Thế chiến Z (34%) và The Great Gatsby / Đại gia Gatsby (33%).

Tuy nhiên, đừng trông mong sớm hết còn phim 3D ngoài rạp. Mặc dù khiến các hãng phim tốn kém thêm để sản xuất, chẳng tốn thêm là bao cho việc phát hành phim 3D. Giờ đây công nghệ cho phép kỹ thuật số chuyển qua lại giữa 3D và 2D, thế nên các chủ rạp không phải dành nhiều suất 3D nếu khán giả không tỏ ra quan tâm.

Fast & Furious 6

Mặc dù có lẽ khán giả ở Mỹ không cuồng phim 3D, các hãng phim không lo vì khán giả quốc tế khoái định dạng này. Với những ngoại lệ như Fast & Furious 6 — một phim chuỗi lấy bối cảnh nhiều quốc gia như Nhật, Brazil và Anh — tất cả những thành công tưng bừng ở thị trường quốc tế mùa phim hè này đều là phim 3D.

Sự bùng nổ khán giả xem phim gần đây ở những nước như Nga và Trung Quốc trùng khớp với sự bám lấy định dạng 3D của Hollywood, và nhiều khán giả ngoài Bắc Mỹ xem 3D là điều thiết yếu trong trải nghiệm xem phim. Ở Trung Quốc, miền đất của sao chép lậu, tùy chọn 3D có thể dụ dỗ người ta chọn đến rạp xem phim hơn là tải bản lậu từ Internet hoặc đĩa DVD bất hợp pháp bán trên vỉa hè.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi