Tin phòng vé

Phòng vé Bắc Mỹ 30/3-1/4: Ready Player One chứng minh tất cả những ai ghét bỏ đã sai rồi

03/04/2018

Tin chính thức: những người ghét bỏ Ready Player One sai rồi nhé. Không những Đấu trường ảo tìm được khán giả mà còn vượt lên các kỳ vọng.

Mặc dù đã bị đám đông công chúng Mỹ xỉ vả, nhiếc móc rằng bộ phim này được thiết kế không gì khác hơn một đống một lèn những liên hệ văn hóa đại chúng và trò tìm trứng Phục sinh rẻ tiền, tác phẩm điện ảnh mới nhất của Steven Spielberg đã chinh phục được khán giả.

Mark Rylance (trái) trong vai tỉ phú Halliday, người sáng tạo ra thế giới ảo OASIS, và Tye Sheridan trong hiện thân đại diện Parzival

Trước khi phim ra rạp, nhiều phản ứng dữ dội đã rào rào trên mạng. Cộng đồng mạng khoái ‘ném đá’, nhưng chúng ta thì không khoái khi nói đến cái kiểu ‘fan’ to còi.

Đủ thứ bung xung đã bắt đầu nổi lên trong hành trình từ cuốn tiểu thuyết của Ernest Cline lên phim. Có chuyện được lẩy ra từ bối cảnh một cách có chủ ý, và có chuyện thuần túy là hư cấu nhằm nuôi dưỡng phản ứng ghét bỏ xung quanh dự án này.

Bàn tán trên mạng xung quanh bộ phim làm như thể chắc mẩm phim này sẽ thất bại. Ai mà muốn xem một bộ phim nông cạn, trống rỗng chứ, phải không?

Và bây giờ, khi phim đã ra rạp, rất nhiều người đang phát hiện thực ra, Ready Player One hay hơn mong đợi. Chẳng tới mức tuyệt hay, nhưng không hề tệ, và rất nhiều người đang thấy phim thú vị hơn kỳ vọng rất nhiều.

Win Morisaki (phải) và Philip Zhao trong một cảnh phim

Đặc biệt giới phê bình đánh giá khá tích cực về bộ phim, tuyên bố không đến mức ghét nó như họ đã tưởng, phần lớn do sức mê hoặc kinh điển của Spielberg. Trích dẫn Bob "Moviebob" Chipman trong bài bình phim của ông, “Spielberg chỉ nhón tay thôi cũng vẫn hay hơn chán vạn người cố gắng hết sức.”

Khán giả cũng thích bộ phim hơn dự kiến rất nhiều, và đáng chú ý là, bất chấp bao nhiêu là sự ghét bỏ trên mạng, bộ phim đã làm ra doanh thu phòng vé lớn hơn dự kiến.

Ready Player One đã lấy được doanh thu tuần mở màn lớn nhất trong tất cả phim của Spielberg 10 năm qua, vượt qua con số ước tính 170 triệu đôla toàn cầu trong mấy ngày đầu, đạt 181 triệu đôla.

Phần lớn nhờ cả vào Trung Quốc, nơi khán giả dường như xa lạ với cuốn tiểu thuyết của Ernest Cline, do đó có lẽ ít bị đầu độc bởi chiến dịch bôi nhọ đánh vào tác phẩm này. Bộ phim đã kiếm được ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ trong suốt tuần lễ mở màn, vốn dĩ không phải là chiến công tầm thường đối với bộ phim không thuộc về một phim chuỗi đã có chỗ đứng lâu dài.

Olivia Cooke trong vai Samantha

Tuy nhiên, ngay ở Bắc Mỹ người đi xem Ready Player One nhiều hơn dự đoán của các nhà phân tích. Vẫn chưa đủ giúp dự án hòa vốn ngay đâu (đây là một bộ phim đắt đỏ), nhưng ít nhất cũng tiến gần tới mục tiêu.

Điều gì đã làm nên sự khác biệt ở đây? Chúng ta đều biết rằng nỗi hoài niệm bán được, và những nhận xét tốt từ các nhà phê bình hẳn đã giúp ích.

Hy vọng, Hollywood sẽ không học trúng cái bài học sai từ nỗ lực này mà cho rằng Ready Player One thành công chỉ vì tất cả trò ‘ném đá’ ngu ngốc trên mạng. Chúng ta đã có một Emoji rồi, nên khó có thể dự đoán các nhà điều hành hãng phim sẽ còn đắm chìm vào việc cố gắng thu hút mẫu số chung thấp nhất đến mức nào nữa.

Rõ ràng, thủ thuật làm ra những bộ phim thành công dứt khoát là làm phim hay, bất kể tư liệu nguồn.

Từ trái qua: Ogden Morrow trong hiện thân người thủ thư (Simon Pegg) và hiện thân Parzival của Wade (Tye Sheridan) và Art3mis của Samantha

Còn phải hỏi nữa sao?


Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Obsev