Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Huyền thoại Hercules

24/02/2014

Phim thứ nhất trong hai phim về á thần Hercules đã ra rạp.

The Legend of Hercules (phát hành ở Việt Nam với tựa Huyền thoại Hercules), với ngôi sao Twilight Kellan Lutz trong vai anh hùng Hercules, do Renny Harlin, đạo diễn những phim ly kỳ táo bạo như Die Hard 2, Deep Blue Sea A Long Kiss Goodnight, chỉ đạo. Với nội dung là cốt truyện gốc trong thần thoại Hy Lạp, phim buộc Hercules phải chống lại một ông vua tàn bạo, người hóa ra lại là cha nuôi của anh.

Bài bình luận sẽ cho bạn biết Harlin và Lutz đã thổi hồn vào The Legend of Hercules hay được đến đâu. Còn mục này chỉ tập trung vào cách sử dụng 3D của phim. Qua bảy hạng mục, người viết đánh giá toàn diện trải nghiệm 3D nhằm hướng dẫn khán giả cách chọn phim.

Tính phù hợp

Đầy ắp những cảnh đấu kiếm và hành động hung hãn, không khó để hiểu tại sao The Legend of Hercules truyền cảm hứng cho một phiên bản 3D. Sự va chạm của đao kiếm có thể mạnh mẽ hơn nếu chúng nhô ra khỏi màn hình. Và những cảnh chiến đấu có thể gây cảm giác hoành tráng hơn với chiều sâu được tăng cường. Vì vậy, đúng, theo lý thuyết bộ phim hành động này rất phù hợp với 3D.

Điểm: 5/5

Kế hoạch và công sức

Lần đầu tiên người viết nghe nói đến xuất phẩm về Hercules đầy cạnh tranh này là vào tháng 2/2013, và đạo diễn Harlin đã hứa hẹn sử dụng 3D. Vì việc này có trước cả khi Lutz được mời đóng vai chính, chúng ta có thể đoan chắc Harlin có khối thời gian tiền kỳ để cân nhắc sử dụng công cụ này một cách tốt nhất. Nhưng khi xem phim thì không biết được. Chỉ trong vài phút đầu người viết đã lầm bầm than phiền vì kỹ thuật quay phim xung đột với 3D, chẳng hạn như làm mờ các yếu tố cận cảnh, cách lia máy, quét máy nhanh, tất cả đều trở nên mất phương hướng hoặc hoa mắt hết cỡ.

Điểm: 1/5

Trước màn ảnh

Đây là khía cạnh 3D khiến phim có vẻ như đang xâm chiếm cả rạp, xổ thẳng vào khán giả. Thi thoảng Harlin đem vũ khí của các nhân vật phóng thẳng vào không gian trong rạp, điều này làm tăng thêm chút thú vị. Nhưng thường thì anh chơi đùa với công cụ này khi có những thứ lơ lửng trong không khí. Và vì lý do nào đó không giải thích được, bộ phim có nhiều thứ như vậy. Một số cảnh hoa giấy rơi lả tả và trông như đang rung rinh trước màn hình thật. Những thứ khác thì chìm ngập trong cái gì đó không xác định cũng lơ lửng, có thể là tuyết, tro hay mùa phấn hoa tệ hại nhất loài người từng biết đến.

Nghiêm túc mà nói, trong khi J.J. Abrams bị ám ảnh bởi những điểm sáng máy quay, thì Harlin lại gắn bó với việc tung mọi thứ lên trời trong bất kỳ cảnh quay nào có thể. Tuy rằng vlàm vậy thì tạo rất nhiều cơ hội cho khía cạnh này của 3D, nhưng cũng thúc đẩy bản năng chớp mắt không ngừng để tránh chúng, dù là cái gì đi nữa.

Điểm: 3/5

Sâu trong màn ảnh

Ngược lại với Trước màn ảnh, Sâu trong màn ảnh là khía cạnh mà 3D có vẻ trải dài vào trong màn hình. Đây là phần mà 3D được vận dụng tốt nhất trong The Legend of Hercules. Trong những cảnh chiến đấu, võ đài mang một cảm nhận về chiều sâu rõ nét làm tăng thêm sức nặng cho mảng hành động dù là từng đấu sĩ hay cả đoàn quân đang ùa vào kẻ thù. Tốt lắm, Harlin!

Điểm: 4/5

Độ sáng

Một trong những cạm bẫy của 3D đó là những cặp kính 3D vốn đã khiến cho bộ phim bạn đang xem bị mờ đi, xám xịt hơn. Vì thế còn tùy vào sự xem xét của các nhà làm phim để điều chỉnh độ sáng cho phù hợp. Có vẻ như Harlin nhớ rõ điều này vì trong The Legend of Hercules không có cảnh nào quá tối đến mức không thấy gì. Tuy nhiên, có nhiều cảnh đêm tối đen như mực nên người viết phải nhiều lần nheo mắt để đảm bảo mình theo dõi được diễn tiến của phim.

Điểm: 3/5

Thử bỏ kính

Đây là cách đơn giản để xem mình đang bỏ tiền cho bao nhiêu phần 3D. Căn bản cứ gỡ kính và xem phim mờ cỡ nào. Phim càng mờ thì càng nhiều 3D được sử dụng. Đeo kính vào và mọi thứ phải nổi lên một chút để nhấn mạnh sự khác biệt. Và phim xứng đáng vì đều dùng 3D trong từng cảnh mà người viết thử bằng cách này. Đáng tiếc là phim không tận dụng tốt hơn.

Điểm: 5/5

Sức khỏe của khán giả

3D tồi tệ không chỉ khiến ta khó chịu; mà còn làm ta muốn bệnh. Trong The Legend of Hercules có nguy cơ này vì nhiều kỹ thuật quay phim đã phá hỏng điểm trọng tâm, buộc mắt người xem phải điều chỉnh nhanh chóng hết lần này đến lần khác. Cuối phim, người viết bị một cơn đau đầu vì phải căng mắt ra xem.

Điểm: 2/5


BẢNG ĐIỂM
Tính phù hợp
5
Kế hoạch và công sức
1
Trước màn ảnh
3
Sâu trong màn ảnh
4
Độ sáng
3
Thử bỏ kính
5
Sức khỏe của khán giả
2
Tổng điểm
23 (trên tối đa 35 điểm)


Kết luận: Tóm lại, người viết không khuyến khích xem The Legend of Hercules ở định dạng 3D. Dù Harlin đảm bảo việc sử dụng công cụ này nhiều hết mức có thể, căn bản anh lại quá tay, nhồi nhét vào khung hình những thứ bay lơ lửng trên trời, đao kiếm vung vẩy và ném các nhân vật khắp nơi. Kết hợp chuyển cảnh nhanh và kỹ thuật quay phim không phù hợp với 3D, ta có một mớ hỗn độn đem lại chứng đau nửa đầu.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi