Movie Blogs

Khi rạp chiếu toàn cầu chìm dần vào bóng tối

24/03/2020

So với nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona thì việc không được đến rạp xem phim chẳng là gì, nhưng cơ hội trải nghiệm nghệ thuật (hay, dở và tầm thường) của người xem là một cách kết nối với nhân loại không thể thay thế.

Có lẽ từ khi điện ảnh — nghệ thuật thứ bảy của nhân loại — ra đời đến nay, hai trận thế chiến, bao can qua thăng trầm hợp tan của các quốc gia, những giới tuyến phân chia cũ tan rã để rồi những đường biên giới mới mọc lên... cũng chưa từng khiến cho rạp chiếu bóng chìm trong bóng tối hàng loạt như lúc này — cả hành tinh hoang mang trong đại dịch virus corona. QVĐA chuyển ngữ bài viết của cây bút tự do Richard Newby viết trên The Hollywood Reporter chia sẻ tâm trạng mất mát của những mọt phim đã trót xem rạp chiếu không là thánh đường thì cũng là chốn thiêng liêng để thưởng thức nghệ thuật và để kết nối con người!

Chúng ta sẽ không tới rạp phim nữa. Đó là một trong những sự thật hiển nhiên đến sau khi đại dịch virus corona lan tràn khắp thế giới, và đó là điều mà, ít nhất là với người viết bài này đây, mới chỉ đang thấm dần. Là một người thường xuyên đến rạp chiếu phim một lần, đôi khi hai lần một tuần, trong 15 năm qua, có cảm giác trống rỗng cụ thể đến từ việc biết mình sẽ không ra rạp trong một tương lai gần. Và là người siêng năng tự làm lịch phát hành cho bản thân, ưu tiên từng bộ phim muốn xem, việc xóa toàn bộ các tháng lịch chứa đầy những bộ phim có thể không được xem vào mùa xuân và mùa hè này, hoặc thậm chí trong năm nay, cảm giác như một đợt bật gốc bất thần làm sụp đổ cấu trúc.

Hai đứa trẻ và một phụ nữ bước vào một rạp Cineplex Cinema khi mà số lượng ca nhiễm virus corona mới tiếp tục tăng ở Toronto, Ontario, Canada ngày 16/3/2020

Không, tôi không nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với dấu chấm hết cho việc phát hành phim rạp, ngay cả khi NBCUniversal phá vỡ khung thời gian phát hành. Nhưng tôi nghĩ, ít nhất trong một thời gian tới, nhiều người yêu phim sẽ cảm nhận cảm giác mất mát như thể có gì đó thiêng liêng đã bị loại bỏ khỏi cuộc sống của chúng ta.

Đúng, so với nhiều nhu cầu cần thiết trong cuộc sống bị ảnh hưởng bởi đại dịch này, như thực phẩm, thuốc men, thu nhập và tất cả các nhu yếu phẩm khác, thì không được đến rạp xem phim chẳng là gì. Nhưng có thể trải nghiệm nghệ thuật (hay, dở, tầm thường) theo định dạng mà nó được thể hiện là một cách thức để kết nối với nhân loại, và với riêng tôi, cảm thấy giống như, nếu không phải là thánh đường, thì cũng là một chốn tôn nghiêm. Ra rạp xem phim là một trải nghiệm xã hội, và mặc dù có những phiền toái nhất định đến từ khán giả dùng điện thoại di động và những người nói chuyện trong khi xem phim, không có gì hơn ra rạp và ngồi trong căn phòng tối với những người xa lạ và trải nghiệm, một trải nghiệm thường được làm dày lên bằng phản ứng của người khác. Không chỉ bộ phim tạo ra trải nghiệm này. Mà là việc tiến vào sảnh và cảm nhận sự phấn khích trước một lượng lớn khán giả. Là vòng quay roulette giữa nắm được một hé lộ về ý kiến chung của khán giả hoặc một tiết lộ nội dung nảy ra khi đi qua những người xem phim hào hứng. Là việc xem các trailer và cảm thấy sự phấn khích dâng trào khi thấy một phim sắp phát hành rất được mong đợi. Tất cả những điều đó tạo ra trải nghiệm xem phim, và là một thứ không thể có được ở nhà, dù có tiện nghi đến đâu chăng nữa.

Đi xem phim không nên có cảm giác như thế này

Hoãn phát hành A Quiet Place Part II, Mulan, F9, AntlersThe New Mutants trong tuần trước chỉ là sự khởi đầu. Cảm giác như một cú đánh, nhưng thực tế của việc ta sẽ không đến rạp phim nữa không giáng xuống tôi cho tới ngày 12 tháng 3 khi tôi đi xem The Hunt tại cụm rạp gần nhất. Lượng khán giả tới xem bộ phim Blumhouse mới, cùng với các phim vừa phát hành BloodshotI Still Believe, bình thường cũng sẽ không đông. Nhưng bãi đỗ xe của rạp vắng tanh, không hơn vài tá xe, kha khá là của các nhân viên rạp. Cảm giác vốn có khi tới rạp phim đã bị ảnh hưởng, và tôi không khỏi tự hỏi mình có nên tới đây không. Với một chai xịt khử trùng tay trong túi áo và vé đã mua trong điện thoại để có thể tránh tiếp xúc với người khác, tôi dấn tiếp.

Sảnh trống không. Vài nhân viên đi lại, và một người đàn ông trung niên đứng hờ hững cách một quầy vé giảm giá trống vài thước, liếc vào một nhóm ba nhân viên đang chờ hết ca làm, rồi nghĩ lại và bước đi. Tôi bỏ điện thoại ra trước máy quét vé, và bắt gặp một poster khổng lồ cho The New Mutants “3 tháng 4” ở khóe mắt. Nó đang ở chỗ một poster trước thông báo ngày phát hành New Mutants là “22 tháng 2 năm 2019”. Tôi tự hỏi không biết trong tương lai có thị trường sưu tầm những poster cho các phim bị hoãn chiếu này không.

Rạp hát Grand Lake ở Oakland, mở cửa từ năm 1926, đã thay bạt quảng cáo trước rạp thông báo đóng cửa từ ngày 15/3

Tôi giơ mã QR vé lên máy quét và không có gì xảy ra. Tôi thử vài lần nữa rồi một nhân viên rạp ghé qua và hỏi liệu anh ta có thể thử không. Do dự, tôi nói được thôi, và anh ta cầm lấy điện thoại của tôi. Tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ virus corona có thể đang len lỏi vào màn hình. Máy quét không hoạt động, vì vậy tôi phải ra quầy mua vé và trải qua toàn bộ quá trình đó. Tránh tiếp xúc với con người không thành công. Một lần nữa, tôi nghĩ đi xem phim không nên có cảm giác như thế này và tự hỏi liệu mình có nên ở đây không.

Nhưng tôi đã ở đây, và vé trong tay, tìm đường đến phòng chiếu. Tôi đã đi qua một người quản lý rạp tiếc nuối gỡ các poster cho A Quiet Place Part II, không còn chiếu vào “20 tháng 3”. Khi nghĩ đến một hình ảnh duy nhất tóm tắt cảm xúc của mình về việc không thể đi xem phim, thì đó là người quản lý rạp, quỳ trên sàn và buồn bã cuộn lại những poster cho những bộ phim không còn được chiếu. Khi đến phòng chiếu của mình, phòng thứ năm bên trái, tôi đã ngồi vào chỗ ngồi được chỉ định ở hàng thứ ba. Tôi chưa bao giờ mua vé cho hàng thứ ba nhưng muốn ở cách xa những người rải rác cũng đã quyết định thực hiện chuyến đi dã ngoại ủng hộ The Hunt. Đoạn trailer đầu tiên là cho The New Mutants, đã trở thành điềm báo của việc ra rạp phim đêm đó.

Cobble Hill Cinema trên Phố Court ở Brooklyn, New York đóng cửa vì virus corona từ ngày 16/3

Trải nghiệm kỳ lạ của buổi tối đó không ngăn khán giả tận hưởng The Hunt, nhưng có một sự trống rỗng nhất định theo tôi ra về. Bộ phim rõ ràng hướng đến những phản ứng lớn của số đông khán giả — cười lớn, cổ vũ, la ó, há hốc mồm, tất cả những thứ làm cho điện ảnh, đặc biệt là phim kinh dị, thành một sự kiện để xem với đám đông. So với trải nghiệm xem The Invisible Man vài tuần trước và cảm thấy không khí biến khỏi phòng khi cảnh ĐÓ xảy ra, The Hunt khiến tôi muốn có một lượng khán giả tham gia nhiều hơn, một số lượng mà sáu người xem cùng hôm đó không thể đáp ứng. Tôi bước ra khỏi nhà hát, nổi hứng với ý tưởng biến buổi tối thành một buổi xem phim liên tiếp và xem Bloodshot — rốt cuộc, có vẻ như đây là cơ hội đi xem phim cuối cùng rồi phải nghỉ một thời gian dài. Khi tôi vòng qua hành lang, một người đàn ông đi trước ho vài tiếng, và tôi đi thẳng về phía cửa thoát hiểm và quay lại bãi đỗ xe.

Chúng ta đã mất đi một cái gì. Ngay lúc tôi viết bài này, tin tức về Black Widow bị hoãn lại đang tung ra và tôi nhận ra rằng trải nghiệm mà chúng ta đã mất sẽ phải một thời gian nữa mới tìm lại được. Đây là điều chưa từng có, và chúng ta đã ở trong vùng đất chưa được khám phá — ngay cả những tuần sau ngày 11/9, phim mới vẫn được phát hành và có cơ hội thoát đến căn phòng tối tăm đó, không phải để quên thực tế mà để mở rộng hiểu biết của chúng ta về thực tế. Bây giờ, rạp chiếu bóng đã đóng cửa và máy nổ bỏng ngô đã lạnh ngắt. Không còn cách nào để mở rộng hiểu biết về thực tế nữa. Tôi cũng như nhiều người khác, không muốn đến rạp chiếu phim và lo sợ mang virus corona về nhà, nhưng cũng không muốn xem các phim mới phát hành trên hệ thống video theo yêu cầu trong phòng khách.

Cảnh báo hướng dẫn khử trùng cá nhân dán trong một rạp chiếu ở Budapest hôm 12/3

Có thể, một vài tuần nữa, tôi sẽ cảm thấy khác và thuê Trolls: World Tour với giá 19,99 USD vì tuyệt vọng, nhưng khi nói đến những phim phát hành vào mùa xuân và mùa hè này — ngay cả những phim được mong đợi nhất của tôi như Black Widow, Wonder Woman 1984Candyman — tôi thà đợi cho đến khi có thể xem chúng ở rạp. Ngay cả khi phải mất một năm, bởi vì được xem một phim lần đầu tiên trong rạp là điều không thể thay thế.

Chúng ta sẽ không tới rạp phim nữa, và không cần cường điệu chút nào, chuyện đó thật đau lòng. Nó làm các hãng phim đau lòng. Nó làm đau lòng các nhà phát hành. Nó làm đau lòng các nhà làm phim. Và nó làm đau lòng những người xem phim, như các bạn và tôi. Nhưng chúng ta sẽ vượt qua, và một ngày khi tương tác xã hội của chúng ta sẽ không còn phải xa cách, rạp chiếu bóng sẽ lại mở cửa, mời chúng ta bước vào với mùi bỏng ngô nóng hổi và hứa hẹn về một căn phòng tối nơi chúng ta chia sẻ loại hình nghệ thuật hợp tác nhất.

Chúng ta sẽ không tới rạp phim nữa, và không cần cường điệu chút nào, chuyện đó thật đau lòng

Và khi ngày đó đến, tôi sẽ gặp các bạn bên các bộ phim.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter