Movie Blogs

Đi xem phim đâu chỉ là xem phim - Đó là cách ta lớn lên

09/06/2017

Quái vật Điện ảnh chuyển ngữ bài viết của nhà báo Mary McNamara viết cho Los Angeles Times — tự sự về quãng đời đi xem phim của cô: hồi được bố mẹ mình dẫn đi, tự đi, rồi dẫn con mình đi, rồi nhìn các con dẫn nhau đi xem phim... Thời sống số, có nhiều tiện nghi — và không phủ nhận là cả lợi ích về chi phí nữa — người xem có nhiều lựa chọn ngoài rạp chiếu. Rất cảm động được chia sẻ cách ta lớn lên với tác giả bài viết.

Truyền hình, băng video, phim bom tấn, rạp hát tại nhà, dịch vụ xem phim theo yêu cầu, Netflix — đã nhiều thập niên rồi rạp chiếu bị vây hãm từ những nhà giàu mới nổi hiện đại. Nhưng không thể hình dung một thế giới không có màn ảnh rộng vì đi xem phim vốn luôn có ý nghĩa nghi thức “đi” nhiều hơn là “phim”.

“Đi xem phim” là một chiếc bánh quy ngon để nhâm nhi, một chuỗi những vạch bút chì trên nẹp cửa đánh dấu mình cao lên, một giải pháp cho đủ loại khủng hoảng từ trái tim tan nát đến kiệt sức với việc làm cha mẹ, một cách để ở bên nhau mà vẫn tách rời, hiện diện đó mà như trôi giạt phương nào.

Đi xem phim là thứ việc người ta không làm thường xuyên như đã từng. Công nghệ mới và truyền hình chất lượng đã biến người xem thành những người thích ngồi nhà, không bao giờ rời xa chiếc laptop và màn hình phẳng. Trong bóng tối phòng vé đang lụi tàn, các chủ rạp cố thử mọi thứ, nâng cấp chỗ ngồi, giảm giá và nhượng bộ. Ngược lại, các hãng phim cược gấp đôi vào những thứ luôn là canh bạc rủi ro cao — phần tiếp theo, tiền truyện và làm lại phim bom tấn.

Và ai nấy thắc mắc tại sao, đúng vậy, ngành điện ảnh đã không nhìn thấy hiểm họa của sự bùng nổ cụm rạp chiếu hồi thập niên 90 quá khích. Vài trong số những cụm rạp kỳ quái giả Tây Ban Nha đó rốt cuộc được sửa sang để sử dụng cho mục đích khác, thành nhà cho người thu nhập thấp hoặc những cửa hàng thực tế ảo. Còn đi xem phim thì sao? Đó vẫn là một trải nghiệm con người quan trọng.

Quầy bánh kẹo và bỏng ngô trong rạp chiếu thời thập niên 1950

Kiến trúc và đặc điểm có thể khác biệt, ghế tựa đầu và bàn gập thành những tổ kén mặc dù dân ghiền xinê thực thụ coi thường cả kiểu ghế dãy sân vận động (và không nghi ngờ gì, những đầu óc thông minh rốt cuộc sẽ chia rạp chiếu thành rạp “cho phép nhắn tin” và “không cho nhắn tin”). Nhưng không có màn ảnh ở nhà nào đủ cao, không điện thoại thông minh nào đủ rộng, không tai nghe ngăn tiếng ồn nào đủ sâu để thay thế sự chìm đắm toàn thân và tâm trí của việc đi xem phim được bao giờ.

“Đi xem phim” là một mạch văn hóa và cá nhân, một nghi thức không ngừng thay đổi mà qua đó ta đánh dấu cuộc sống đang đổi thay của chính mình.

Hầu hết mọi người có thể kể tên bộ phim đầu tiên họ nhớ; của tôi là Snow White, và tất nhiên tôi đã kinh sợ bà hoàng hậu ác độc (ai mà không sợ chứ?). Nhưng tôi cũng nhớ, một cách sống động, lối đi thoai thoải dẫn đến chỗ ngồi, màn nhung đỏ kéo sang hai bên để lộ màn hình, bóng tối bao trùm và chờ đợi trong khán phòng khoảnh khắc trước khi phim bắt đầu chiếu.

Đó là ý niệm lờ mờ đầu tiên nhìn vào thế giới của người trưởng thành, một hoạt động cộng đồng không loại trừ cũng không cô lập trẻ con. Bất kể bạn ở tuổi nào, trải nghiệm đều như nhau; chúng ta đều ăn kẹo ở rạp chiếu phim.

Khán giả hầu hết là trẻ em mặt mày vui sướng trong một rạp chiếu phim giữa thập niên 1950

Đi xem phim chúng ta rải những cột mốc đáng giá cả cuộc đời. Ở quê tôi có một rạp và không phải lúc nào cũng chiếu phim mới vừa phát hành. Chọn lựa gần nhất cách đó ít nhất 40 phút đi xe. Bố mẹ tôi chỉ đưa cả nhà đi khi họ nghĩ là đáng với cuốc xe — một dịp ăn mừng hay, rốt cuộc, một sự công nhận rằng con cái giờ đã đủ lớn để thưởng thức những câu chuyện của người trưởng thành. (Tuy nhiên khi bố đưa tôi và bạn đi xem All the President’s Men, bộ phim đã đưa hàng ngàn con người đến với nghề báo, trong đó có tôi, ông cũng bị sốc với ngôn ngữ trong phim đến nỗi suýt nữa đã đưa cả hai về. Vừa về đến nhà ông liền gọi cho bố mẹ của bạn tôi để xin lỗi.)

Đi xem phim là và vẫn là mảng trung tâm của đời sống xã hội và độc lập của chúng ta. Rạp chiếu phim là nơi công cộng không-liên-quan-đến-trường-học đầu tiên mà bố mẹ cho tôi tiền để tự mình đi đến đó. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác phấn khích gặp gỡ bạn bè dưới tấm bạt quảng cáo trước rạp, phân tích xem mua bao nhiêu tiền để có phần ăn vặt cực đại, cười khúc khích vụng trộm ở chỗ ngồi. Cuối cùng được thoát khỏi cái liếc nhìn nghiêm khắc của các bà mẹ, tất cả chúng tôi thấy choáng váng tự do. (Đến tận hôm nay, tôi rất khó giận mấy đứa trẻ lao xao ở rạp chiếu; sao có thể xử phạt niềm vui được phóng thích chứ?)

Đi xem phim là chỗ cho gần như mọi mối quan hệ lãng mạn — đó vẫn là trải nghiệm “thực sự hẹn hò” lần đầu phổ quát và khi tan vỡ, ờ, như một cô bạn gái đã bảo tôi của cái thời tuổi 20 đang nức nở: “Cứ đi xem phim đi, cậu sẽ quên thôi hà. Xem nhiều vào.”

Đi xem phim là chỗ cho gần như mọi mối quan hệ lãng mạn

Đi xem phim, chúng ta duyệt qua rất nhiều nhân cách tiềm tàng — người sùng nghệ thuật, kẻ nghiện kinh dị, chuyên gia siêu anh hùng hoặc ‘fan’ lãng mạn-hài — soát qua đám đông và tình cờ nghe những cuộc trò chuyện cũng nhiều như phim.

Với những người làm cha làm mẹ, đi xem phim cung cấp một hình thức tự do mới — đó là một tối hẹn hò không có con cái hoặc gia đình, đòi hỏi mọi người ngồi xuống và giữ im lặng. Trong gần hai tiếng đồng hồ.

Khi con trai tôi còn rất nhỏ, cháu có hai tốc độ — không ngừng nghỉ và ngủ. Ngoại trừ lúc chúng tôi đưa cháu đi xem phim. Ở rạp cháu ngồi đó, chăm chú say sưa, không cựa quậy, không cằn nhằn hay đòi hỏi (trừ lúc nó tìm cách làm đổ tất cả bỏng ngô, mà thường xuyên là thế). Em gái nó cũng vậy. Vào thời kỳ chua cay trong đời chúng, khi chúng không thể nào ở cùng một phòng mà không có một đứa òa lên khóc, tôi đã đưa hai đứa đi xem phim hai lần một tuần — đó là nơi duy nhất tất cả chúng tôi có thể yên lặng thưởng thức cùng một thứ cùng một lúc, không tranh cãi. (Và khi bỏng ngô bị đánh đổ, Chúa ơi, tôi chỉ việc mua nhiều hơn.)

Nhiều năm rồi tôi chính thức là bà mẹ xem phim, sung sướng nhồi lũ nhỏ lên xe, chia phần bỏng ngô và kẹo, đảm bảo đứa nào đứa nấy đều đã đi vệ sinh trước khi phim bắt đầu chiếu. Quả là hình thức thư giãn nhất của một ngày đi chơi và lúc nào cũng dẫn đến bàn luận rôm rả trên đường về nhà — nếu bạn thực sự muốn biết một nhóm nhóc tì con trai nhặng xị, hãy đưa chúng đi xem Iron Man rồi hỏi chúng Tony Stark có thực sự là siêu anh hùng không.

Bất kể bạn ở tuổi nào, trải nghiệm đều như nhau; chúng ta đều ăn kẹo ở rạp chiếu phim

Qua các con tôi đã nhìn thấy dòng thời gian của “đi xem phim” diễn ra còn rõ ràng hơn. Rạp chiếu là nơi hoàn hảo để trải nghiệm sự tự do. Khi nào chúng tự đi tới phòng vệ sinh một mình được? Khi nào xem phim PG-13? Khi nào thì thả chúng ở rạp chiếu? Cho chúng tự lái xe? Đi xem suất chiếu nửa đêm?

Con trai tôi giờ đã vào đại học, con gái sắp cuối trung học, thế nên chúng tự đi xem phim; thỉnh thoảng còn dẫn đứa em gái 10 tuổi theo.

Về kỹ thuật, cả nhà dễ dàng tập hợp quanh màn hình lớn. Nhưng ở nhà chúng tôi chuyện đó hiếm xảy ra. Cả nhà vẫn đi xem phim cùng nhau. Vẫn hào hứng, mọi người hối hả vào xe, cùng bước qua lối vào tràn ngập mùi bỏng ngô, chuyền nhau nước uống và kẹo, và khoảnh khắc nhập nhoạng trong rạp chiếu khi bóng tối bao trùm rồi ánh sáng từ màn hình bắt đầu lóe lên.

Tôi cầm lấy tay chồng và liếc một cái nhìn kiểu bà mẹ xuống hàng ghế, nhưng không đứa nào thì thầm hay cãi nhau vặt.

Và bây giờ, cũng hiếm còn làm đổ bỏng ngô.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times