Movie Blogs

LIFE: Hiểm họa đến từ một cái tên

08/04/2017

Mối liên hệ bắt đầu khi bạn đặt tên cho một mầm sống.

Life được nhiều nhà phê bình dán nhãn "nhái" Alien, một lý do gọn lỏn để gạt phim qua một bên mà không phải tốn nhiều giấy mực.

Tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi tôi chưa một giây nào nghĩ về Alien trong buổi tối nhiều lần thót tim trong rạp ấy. Câu chuyện của Life khiến tôi nhớ về Deep Blue Sea (1999), một phim đã đánh đuổi mọi ấn tượng về Jaws ra khỏi đầu tôi khi còn nhỏ.

Hugh làm việc hăng say trong phòng thí nghiệm cùng sự giám sát của chuyên gia dịch tễ Miranda

Hugh (Ariyon Bakare), nhà sinh học trên tàu ISS, bại liệt hai chân, trở nên linh hoạt nhờ được giải phóng trong môi trường không trọng lực. Anh chiết xuất mầm sống đơn bào từ mẫu đất thu thập trên sao Hỏa, chăm bón cho nó trở thành một con sao biển trong suốt dễ thương nuôi trong lồng kính. Sai lầm của anh cũng như tiến sĩ Susan của Deep Blue Sea, buộc chung khao khát tột bậc của cá nhân vào một sứ mệnh khoa học. Susan có người cha mắc chứng Alzheimer, ông luôn hỏi về người vợ quá cố mỗi ngày, để rồi mỗi khi nghe câu trả lời đều đau xót hệt như lần đầu tiên đón nhận mất mát. Nỗi ám ảnh về người cha mắc bệnh lẫn nguy cơ cao di truyền chứng mất trí quái ác đã khiến Susan không thể xuống tay hủy hoại đàn cá mập giờ đây đã thông minh ngoài tầm kiểm soát sau khi được cấy ADN não người và bắt đầu cuộc đi săn có tổ chức. Khi con cá mập hung hãn bơi lại với cái miệng đầy răng, câu nói cuối cùng của cô vừa buông xuôi, vừa khép lại một định mệnh, "Lại đây với mẹ nào!" Hugh cũng như vậy, bài toán cá nhân khiến anh phấn khích quên ăn quên ngủ, sáng suốt hơn, cố chấp hơn và mất cảnh giác hơn.

Jordan là phi hành gia lập kỷ lục về số ngày ở trong vũ trụ, ISS với anh chính là nhà

Tiếc rằng mầm sống này không chỉ là một phép thử cá nhân, đó là phép thử của vũ trụ dành cho nhân loại 8 tỉ người đang ngày càng hung hăng và tham vọng mà nhân vật Jordan của Jake Gyllenhaal chán ghét (anh chọn lánh đời trên ISS). Một lễ đặt tên hoành tráng được tổ chức ở Quảng trường Thời đại, cầu truyền hình với trạm không gian và phát 'live' toàn cầu. Vinh dự đặt tên được trao cho học sinh một trường tiểu học, nhưng đó chỉ là trò chơi chữ cái ngẫu nhiên nằm trong một toan tính đã được quyết định bởi thế hệ trưởng thành. Calvin, sinh vật sống giờ đây là thể đa bào "toàn cơ bắp, toàn não, toàn thân là tai mắt" theo mô tả của chuyên gia dịch tễ Miranda (Rebecca Ferguson), trở nên nguy hiểm dù cho người ta chẳng cần gọi nó là Hannibal hay Voldemort.

Đặt một cái tên, ngoài việc cung cấp một nhận dạng (identity) còn là một hình thức công bố quyền sở hữu. Calvin khát máu đuổi cùng giết tận từng sự sống trên tàu không gian, từ chuột trong phòng thí nghiệm cho đến các nhà khoa học, như một tuyên ngôn "hãy xem, ai mới làm chủ cuộc chơi."

Hugh là nạn nhân đầu tiên của mầm sống hiểm họa

Bi kịch tiếp theo là lúc cần phải tỉnh táo để sinh tồn, thì đồng xu "đặt tên" lại ngửa mặt trái - cho đi một cái tên cũng là gửi gắm tình cảm và khát khao trong ngôn ngữ. Tôi dần hiểu điều này khi chứng kiến trên phim: sát thủ hay điệp viên cừ khôi đều có tên đánh số, kẻ giết người hàng loạt khắc mã vạch lên cổ tay các nạn nhân, John Wick sau cái chết của cô cún Daisy chỉ gọi con pitbull của mình là Chó. Calvin vốn không có tình cảm, còn con người dành cho nó cả sự sợ hãi lẫn hy vọng sâu xa.

Trò chơi tử thần đuổi bắt hấp dẫn đến phút chót. Tôi sẽ không đề cập đến diễn biến về sau, để dành sự hồi hộp cho những người đã bỏ lỡ bộ phim vì truyền thông ghẻ lạnh. Tôi cho rằng Life xứng đáng có đời sống riêng của nó trong những rạp hát tại gia, nhất là khi người ta tìm kiếm, bàn luận về nó nhiều đến thế trên một số diễn đàn và trang hỏi đáp.

Tôi hiểu rằng các nhà phê bình hợm hĩnh không thể chấp nhận một Calvin quỷ quyệt, ranh mãnh, hiệu quả tới mức giản đơn, họ biến những nhà làm phim thành đối tượng để nhạo báng. Nhờ những ngạo nghễ "mộng với tay cao hơn trời" này, con người đã bước ra vũ trụ, từ trạm không gian nhìn về khối địa cầu màu xanh qua ô cửa lục lăng... Nhưng cũng đừng quên rằng, vũ trụ bao la là thế mà con đường duy nhất vẫn là quỹ đạo phải tuân theo.

© Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com