Movie Blogs

Tại sao kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về một bộ phim

27/08/2017

Về điểm số Rotten Tomatoes tác động đến thành tích của một bộ phim chiếu rạp, để hiểu chuyện gì đang xảy ra với một Hollywood đang rơi vào khủng hoảng, Quái vật Điện ảnh đã giới thiệu bài viết từ góc nhìn của chính Rotten Tomatoes, từ hãng phim và bây giờ là từ bản thân nhà phê bình.

Đi xem phim muôn đời là trò chơi quản lý kỳ vọng.

Kỳ vọng thấp? Có thể bạn sẽ bất ngờ sung sướng. Quá cao, có nguy cơ thất vọng.

Đặt cược trở nên còn cao hơn khi bạn ở trong nghề xem và đánh giá phim như nhà phê bình, mà ta thường nói — thích hay không cũng mặc — đã trở thành một phần trong trò chơi kỳ vọng. (Nói thật đi, bao nhiêu lần bạn đi xem phim và bảo, tay phê bình ngớ ngẩn nào thích phim này vậy?) Giới phê bình như thể những người phản ứng đầu tiên và, hãy can đảm đối mặt, một số phim chết ngay khi vừa ra rạp.

Dwayne Johnson trong vai Mitch Buchannon, trái, Zac Efron trong vai Matt Brod, phim Baywatch

Những phim hè tưởng là bom tấn như Baywatch, Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales, và Transformers: The Last Knight đã héo quắt queo dưới sức nóng của điểm Rotten Tomatoes thảm hại, các nhà điều hành hãng phim Hollywood ngày càng thiên về việc hủy chiếu trước cho giới phê bình xem những phim bon tấn lớn nhất và dở nhất của họ, để cứu lấy doanh thu vé tuần mở màn (trước khi tin lan ra rằng phim dở lắm).

Tốt nhất đừng có bài phê bình nào vào ngày phim mở màn — thường là thứ sáu — còn hơn là có bài phê bình chê bai, theo cách giải phương trình của hãng phim. Nhưng đó cũng là một trò chơi — cái nhãn “không chiếu cho giới phê bình” có thể là dấu hiệu phạm tội to tướng tố cáo những phim đó. Hầu hết nhà báo và nhà phê bình sẽ coi phim đó là có vấn đề, mà thường thì đúng vậy. Nhìn đi: Independence Day: Resurgence, chìm nghỉm ở phòng vé bất chấp đã không chiếu cho giới phê bình xem.

Nhưng những phim không chiếu cho báo chí vẫn nhận được phê bình của các ấn phẩm lớn. Mọi nhà phê bình đều có lúc mua vé xem suất khuya thứ năm hay suất sớm nhất sáng thứ sáu công chiếu một phim để viết bài cấp tốc.

Cảnh trong phim Independence Day: Resurgence, chìm nghỉm ở phòng vé dù không chiếu trước cho giới phê bình

Là một nhà phê bình, kỳ vọng của tôi với những phim đó còn hơn cả thấp, nhưng sự tò mò của tôi bị kích thích. Dở đến mức nào mà phải giấu giới phê bình, những người đã thấy đủ chuyện — hay, dở và xấu xí? Ước gì tôi được nói mình đã sai về chất lượng của một số phim nào đó, nhưng nói chung thì không. Lúc nào tôi cũng phát hiện ra những phim đó không chiếu cho giới phê bình xem quả là có lý do.

Một vài phim tôi đã làm nhiệm vụ xem đêm mở màn gồm có bộ phim mèo biết nói của Kevin Spacey, Nine Lives. Một ông lớn tuổi ngồi cùng hàng ghế với tôi, nhưng coi được chừng 15 phút thì rời rạp. Than ôi, tôi không thể làm vậy dù rất muốn. Một phim khác tôi xem sáng thứ sáu là phim kinh dị The Disappointments Room, phim đúng như cái tựa.

Xem phim hài loại R The House của Will Ferrell/Amy Poehler ở ArcLight Hollywood có chiêu đãi thức ăn. Khán giả suất chiếu 9 giờ 30 tối thứ năm của bộ phim này thưa thớt nhưng hăm hở. Ai nấy đã phải trả 17 đôla một vé (tôi cũng vậy), kèm nước và thức ăn vặt, để thưởng thức một buổi đi chơi tối và được vui vẻ.

Cặp ngồi sau tôi cười lớn khàn khàn, cặp kế cạnh tôi đọc Yelp trên điện thoại, tôi nguệch ngoạc ghi chép. Xem phim cùng khán giả thông thường đem đến cảm giác quan hệ xã hội, nhưng cuối cùng, tôi phải đánh giá bộ phim qua lăng kính của mình và tự quyết định: Phim thật kinh khiếp.

Will Ferrell, trái, Amy Poehler, giữa, và Jason Mantzoukas trong một cảnh phim The House

Môi trường của một suất công chiếu đem đến trải nghiệm khác xa với “suất chiếu chiêu đãi” do các chuyên gia báo chí sắp lịch vào tối thứ năm hay sáng thứ sáu, điểm khác biệt duy nhất là chúng tôi không phải mua vé — tuy nhiên tôi không chắc có phải đó là chọn lựa tốt hơn không. Một suất chiếu chiêu đãi đáng nhớ là buổi ngồi xem suốt 90 phút dữ dội của bộ phim Dirty Grandpa — chỉ có hai nhà phê bình khác trong khán phòng, và không một tiếng cười, tiếng khúc khích hay rúc rích nào phát ra từ bất cứ ai.

Đôi khi, hãng phim và chuyên gia quan hệ báo chí cố gắng trì hoãn tiếng bẹp xanh lè chết chóc không tránh khỏi trên thang đo cà chua của Rotten Tomatoes và tránh cái nhãn “không chiếu cho giới phê bình” bằng cách xếp lịch chiếu báo chí muộn vào tuần lễ phim được phát hành, và ép cấm vận phê bình lên giới phê bình và phản ứng của truyền thông xã hội. “Suất chiếu thứ tư” thường dẫn đến giảm thấp kỳ vọng về một bộ phim.

Nhưng kỳ vọng giảm lại có thể là chuyện hay: Nếu bạn đi xem với rất ít kỳ vọng, có cơ hội lại thấy hấp dẫn, như tôi đã thấy, với bộ phim hài How to Be Single, đã khôn ngoan đảo ngược cách kể chuyện của thể loại. Tôi còn tận hưởng một suất chiếu quảng bá đầy các cô gái tuổi mới lớn cho bộ phim lãng mạn nhẹ nhàng tuổi trẻ, Everything, Everything. Tôi thậm chí hồi hộp với bộ phim hoành tráng, cháy nổ của Vin Diesel xXx: Return of Xander Cage, một phim lố bịch đến độ xem tức chết đi được.

Vấn đề cắt giảm kỳ vọng có hai chiều: kỳ vọng quá tay rồi phim không theo kịp lời truyền miệng đổ dốc không phanh đối với khán giả thậm chí còn tệ hơn là thất vọng. Vài năm trước tôi đọc những bài phê bình lấp lánh cho Boyhood chiếu ở Sundance và từ những nhà phê bình hàng đầu, thế nên tôi và một người bạn đi rạp xem ngay khi phim được phát hành. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, anh bạn tôi thì thào, “Mình về và đi ăn tối đi.” Tuy nhiên, như một mọt phim có trách nhiệm, tôi kiên trì, và kết thúc ba tiếng đồng hồ nỗ lực, tôi ước gì mình có cà chua thối thật để ném vào màn hình.

Với những kỳ vọng cao ngất trời, nếu bạn không thích một phim nào đó như ai nấy khác đều thích thì còn té đau hơn. Và tôi nghĩ không chỉ mình tôi có cảm giác rằng nỗi thất vọng của tôi đi kèm với ước muốn chọc thủng bong bóng quảng cáo cường điệu. Thời bây giờ, những bộ phim trải qua hành trình mùa giải thưởng phải hoàn tất chu kỳ của sự trông đợi, quảng cáo cường điệu, ném đá, phản ứng lại sự ném đá (chứng kiến hành trình gập ghềnh mà La La Land đã phải đi qua để có mặt trong đêm Oscar), và chỉ hy vọng rằng sự bàn tán tích cực át được tiêu cực vào lúc bỏ phiếu bầu chọn.

Không phải lúc nào chu kỳ quảng bá cường điệu-ném đá cũng kết thúc bằng tượng vàng phim hay nhất đâu. Bộ phim độc lập Moonlight cuối cùng đoạt giải Oscar, nhưng đây là một phim khác xa với nhiều sử thi hoành tráng từng đoạt danh hiệu đó. Và nhiều trong số những bài phê bình đầu tiên về Moonlight, được trích dẫn trên trailer cho bộ phim, đã cao chót vót, thường có vẻ là lạc điệu với một phim nhỏ mà xúc động như thế.

La La Land đã phải đi qua chu kỳ quảng bá cường điệu-ném đá để có mặt trong đêm Oscar, nhưng không phải lúc nào chuyện cũng kết thúc bằng tượng vàng

Giới phê bình và người hâm mộ luôn sẽ phải quản lý kỳ vọng đối với một bộ phim. Nhưng đến cùng, khi hãng phim cân phân giữa hai bên, khẳng định những phim bom tấn nào đó là dành cho “người hâm mộ, không phải nhà phê bình”, họ đã vạch chiến tuyến lẽ ra là không nên có. Suy cho cùng, nhà phê bình cũng là ‘fan’ vậy. Chúng tôi muốn thích phim và chúng tôi muốn phim hay. Hãy xem chúng tôi là người hàng xóm hữu ích giúp quản lý kỳ vọng. Không phải lúc nào chúng tôi cũng làm đúng được cho tất cả mọi người, nhưng chúng tôi nỗ lực hết mình để quản lý kỳ vọng của chúng tôi và giúp quý vị quản lý kỳ vọng của quý vị.

Về tác giả: Katie Walsh là nhà báo, nhà phê bình, viết phê bình phim phát hành hàng tuần cho Tribune News Service, Los Angeles Times, và The Playlist. Cô bắt đầu sự nghiệp năm 2009, và các bài viết của cô từng xuất hiện trên Playboy, Slate, The Hairpin, indieWIRE, Women and Hollywood, Town & Country, Movieline...

Katie lấy cử nhân chuyên ngành nghiên cứu điện ảnh của Wesleyan University, và thạc sĩ về nghiên cứu phê bình từ USC School of Cinematic Arts. Cô còn làm việc tại Lionsgate Films, và đã sản xuất bộ phim ngắn The Better Half, chiếu ra mắt trong hạng mục tranh giải tại Liên hoan phim South by Southwest năm 2009.



Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times