Movie Blogs

The Mummy với Tom Cruise - có gì sai chứ?

13/06/2017

Bỗng dưng muốn bắt đầu bài viết – mà tôi đang băn khoăn có nên gọi là bài tự điểm tin phòng vé hơn là movie blog không – bằng cụm từ báo chí phương Tây rất hay dùng [đặc biệt trong những bài điểm kết quả phòng vé]: "When the dust settles…

Khi mọi sự lắng xuống…” và số liệu được chốt hiện ra rõ ràng… thì [nhiều] ai đó có thể mạnh miệng nói, “Thấy chưa? Đã bảo mà!” – kết hợp ngôn ngữ cơ thể là một cái chém tay dứt khoát cũng không chừng!

Trước khi The Mummy 2017 ra rạp cuối tuần rồi, mọi sự vốn đã xôn xao. Một chuỗi phim mới sẽ mở ra. Thế giới Bóng tối / Dark Universe xuất hiện. Khai quật những di sản. Những nam nhân hạng A ở Hollywood gia nhập…

Từ thứ sáu 9/6, xôn xao biến thành ầm ĩ! Tin bài 'pop up' (cá nhân tôi rất hay dịch là 'xồ ra' – và ở đây tôi càng muốn dịch như vậy!) từng giây từng phút, liền tù tì – thời đại số cung cấp hạ tầng 'real time'! Hỏa lực tơi bời còn hơn Dunkirk của Nolan cuối tháng 7 năm nay!

Đạn pháo truyền thông nã không sót chuyện gì. Tham vọng quá lớn [của Universal]. Ôm đồm quá nhiều mục tiêu [của bộ phim]. Sao lại chọn gã đó [Tom Cruise] vào phim này?

Read between the lines thậm chí bạn có thể thấy rõ mồn một những cái bĩu môi, nhếch mép mỉa mai: “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào – ha ha!"

Khoai ở đây là 'thế giới điện ảnh liên thông' mà toàn cõi Hollywood lâu nay ào ào như sôi đổ xô như thời đi tìm vàng ở nước Mỹ thuở xa xưa.

Phải đâu mỗi Universal!

Bởi chơi một trang web điện ảnh, nên tôi chết ngộp trong biển tít tin bài, xồ ra trên màn hình máy tính từng giây từng phút, liền tù tì [vâng, tôi vừa nói ở trên] từ thứ sáu trở đi (trước đó nữa cũng nên):

'The Mummy' is the 'worst movie Tom Cruise has ever made,' according to critics
A tale of two reboots: 'Mummy' '99 vs. 'Mummy' '17
‘The Mummy,’ With Tom Cruise, Deserves a Quick Burial
Tom Cruise and 'The Mummy': Why This May Be the Weirdest Movie Choice of His Career
Early Reviews Call 'The Mummy' Tom Cruise's Worst Movie to Date
Brendan Fraser fans not happy with 'The Mummy' reboot
15 Reasons The Mummy Reboot Is Worse Than The Original Trilogy

… (Phải ngừng liệt kê thôi, nếu còn sức lội web thì còn vô thiên lủng tin khác nữa, nhưng tôi hết sức rồi!)

Tôi lảo đảo kết thúc cuộc lội web ngày thứ bảy chọn ra hai tin. Một tin lý giải khả năng kết quả phòng vé của The Mummy 2017 – không có gì lạc quan cho đến lúc đó, định mệnh thất bại là không thay đổi được nữa. Và một bình luận phim.

Thường QVĐA chúng tôi cũng phải chờ “when the dust settles…” chiều thứ hai (khi bên kia bán cầu ngày đầu tuần mới bắt đầu), tôi sẽ đọc khoảng chục cái tin phòng vé từ nhiều nguồn khác nhau chọn một. Rồi thủy thủ đặc nhiệm chuyên tác chiến tin phòng vé sẽ xử lý chuyển ngữ nhanh nhất có thể. Sáng thứ ba tin lên, rất thường là những 5 lý do / 9 cách thắng/thua lên ngôi/trượt té… của một phim mới phát hành.

Vậy thì, nếu như khi thứ hai đến, The Mummy 2017 không có cửa thay đổi định mệnh của nó, đồ rằng tôi sẽ thêm lần lội web hoa mắt với hàng đống những cái tin giật tít chắc cay nghiệt hơn có thừa! Vậy mần luôn cái tin 'The Mummy': Why Tom Cruise Couldn't Top Brendan Fraser thôi, tôi nghĩ. Còn non một tiếng đồng hồ nữa là vào rạp để đích mắt chứng kiến Tom Cruise không qua được Brendan Fraser đây, tôi ngồi dịch một mạch xong cái tin đó, thở phào 'thứ hai tới đỡ bao nhiêu áp lực!'

Là tôi nghĩ thế thôi!

Cái tin tôi vừa dịch xong mở đầu bằng dẫn lại câu thoại nhân vật Nick Morton của Tom Cruise luôn nói trong phim: “Tinh thần phiêu lưu của cậu để đâu?” Khi tôi thực sự thấy Nick Morton nói “Tinh thần phiêu lưu của cậu để đâu?” mở ra một 'mission impossible' mà Tom Cruise đảm đương cho Universal – cho chính anh – cũng chính là lúc tôi biết 'là tôi nghĩ thế thôi' rồi! Chơi trang web điện ảnh, đừng mơ thứ hai nào nhàn nhã. Chưa kể có những thứ hai đặc biệt vất vả hơn. Và chắc chắn thứ hai tới này chính là một thứ hai vất vả hơn đó!

Còn nữa, cái tin dài 900 từ vừa dịch xong kia… đi đời nhà ma!

Bạn nhớ câu thoại trong những phim luật sư-tòa án “Phản đối luật sư bên nguyên/công tố viên đưa ra câu hỏi có tính dẫn dắt thân chủ của tôi!” chứ? Ừ, cụm từ quan trọng là “có tính dẫn dắt”. Hãy giữ cụm từ đó trong đầu khi đi cùng những phân tích phòng vé của tôi dưới đây – tôi có nên giật tít “Mấy lý do The Mummy 2017 trượt té” không nhỉ (viết xong tôi sẽ đếm và điền con số vào sau nhé)!

Universal nhiều tội nặng!

Không phải cái tội đua đòi thế giới điện ảnh liên thông! (Cái tin tôi đã dịch và đã vứt cũng đồng ý rằng “Một hãng phim muốn tạo ra chuỗi phim hốt bạc kiểu Marvel cho riêng mình vốn dĩ không có gì sai.”)

Tội lớn nhất của Universal là lười biếng sáng tạo! Nhưng không phải căn bệnh lười biếng sáng tạo mà Hollywood “chết lâm sàng” lâu nay: chìm đắm trong việc làm lại, khởi động lại, ăn theo, phần tiếp theo, phần tiền truyện, phim đánh số…

Xem xong The Mummy 2017 tôi ra về trong giận dữ! Làm sao một câu chuyện khác, với những nhân vật khác, bối cảnh hoàn toàn khác (chưa kể mục tiêu đường dài hoàn toàn khác) mà từ đầu cho đến tận bây giờ Universal không biết làm gì khác – không chịu làm gì khác – cứ tự định vị mình là làm lại / khởi động lại (remake, từ này xuất hiện suốt từ thuở ban đầu dự án The Mummy với Tom Cruise được công bố; đến sau thì thay thành reboot)? Các nhà điều hành lười biếng và chơi an toàn không nhấc nổi mông lên mà nghĩ sao? Một xác ướp Ai Cập cổ đại sống dậy, quậy tanh bành thế giới là ý tưởng nếu dùng thì tất định phải gọi là 'remake/reboot' chăng? Không nghĩ ra được tựa phim nào khác ngoài The Mummy? Hay vì loạt Mummy của Brendan Fraser đã kiếm hơn 1 tỉ đôla toàn cầu, trong thời buổi 'bom tấn-tỉ-đô' này dùng lại cái tựa ấy chẳng phải là thủ thuật khôn ngoan sao?

Khi bạn sử dụng những từ ngữ như thế nói về mình, đừng trách giới truyền thông và phê bình. Bạn không xem mình là hay là mới, đừng trách không ai thấy bạn hay.

Chính Universal đã dẫn dắt suy nghĩ của mọi người!

Tom Cruise, Sofia Boutella, Jake Johnson, Annabelle Wallis và đạo diễn Alex Kurtzman khánh thành mô hình chiếc quách cao 75 bộ để quảng bá cho The Mummy ở Hollywood và cửa ngõ Highland vào Los Angeles hôm 20/5/2017

Tội lớn thứ hai của Universal là chọn “cái gã đó”! GQ bảo Nick Morton là nhân vật ai cũng đóng được nhé! The Hollywood Reporter bảo đã đến lúc Tom Cruise nên đóng vai cho đúng tuổi [già] của anh đi là vừa rồi [đừng có cưa sừng mãi nữa]! Universal thật chả biết đời đá vàng gì sất, chọn ai không chọn lại chọn cái cái gã có cả đống vấn đề: nhảy lên ghế sofa cho đã rồi ly dị rồi chẳng thăm con gái, hốt bẫm với loạt MI còn chưa đủ hay sao… Đến cả địa vị minh tinh điện ảnh cuối cùng mà Hollywood dù ghét gã đến mấy cũng phải chịu… [Và, suỵt, nói nhỏ thôi, gã đó còn đẹp trai nữa – không chừng các nhà phê bình phim nam giới, vốn dĩ nhan sắc cho việc ngồi sau câu chữ thì thừa nhưng xuất hiện trước máy quay sẽ vô cùng thiếu, chịu không nổi tổn thương đâu!]

Còn “cát” thêm Russel Crowe – một “gã khác” Hollywood cũng chẳng ưa gì! Rồi tới đây là Johnny Depp trong sổ bìa đen! Universal thật hết thuốc chữa!

Tội lớn thứ ba của Universal: có của ngon mà không biết, lại đi marketing nghèo nàn (và thiếu sáng tạo – vâng). Nghe đâu tiền chi cho marketing The Mummy 2017 yếu lắm! Hỏng! Thiên hạ đầy tiền phủ sóng truyền thông, dẫu nghèo cũng thể chứ! [Vì so với Disney ai không nghèo!] Hay một lần nữa các nhà điều hành Universal không chịu nhấc mông lên mà nghĩ cho thấu, cứ ỷ y mình bán cá người ta bán thịt, nước sông không phạm nước giếng?!

Các nhà tư vấn chiến lược cạnh tranh trong thị trường ngày nay suy nghĩ rắc rối lắm cơ! Đã mua cá sẽ giảm mua thịt! Nước sông đem lọc thì cũng uống được tốt như nước giếng! Đa dạng sao bằng tối đa hóa thị phần – chuyện này biết lâu rồi mà phải không? Thế giới siêu anh hùng liên thông, thế giới những kẻ xấu xa hợp nhất nếu không dè chừng cái Thế giới Bóng tối đang hình thành này ngay từ đầu, ngay hôm nay không chừng phải hối hận ngay ngày mai cũng nên!

Tội thứ tư là nôn ăn mùa phim hè! The Mummy 2017 nếu ra rạp mùa Halloween không biết chừng sẽ tốt hơn, Universal cũng đã định vị đây là phim kinh dị hơn là phim hành động còn gì. Ra rạp mùa phim hè đụng phải Gái Kỳ Quan mới sang tuần thứ nhì chưa thấm mệt, đúng là bó tay bó chân bó toàn thân làm xác ướp thôi!

Nói tóm lại, với bốn tội chí mạng thế kia, The Mummy 2017 (ôi, tôi phải luôn nhớ thêm vào con số niên đại), Universal, Dark Universal, Tom Cruise, đạo diễn Kurtzman… lãnh đủ là phải rồi!

*

Truyền thông và giới phê bình: có thể đọc mà đừng nên tin cả vào. Con người thôi mà. Có yêu ghét, định kiến, ghim gút, trịch thượng, đạo đức giả…

Ở chốn thị phi Hollywood, truyền thông là để được mua. (Xin lưu ý: tôi không nói “là để bán”!) Mua truyền thông để PR tôn mình lên, dập ai xuống, chặn không cho đối thủ mở thị trường ngách…

Trong ánh sáng của nghệ thuật thứ bảy – loại hình văn hóa được xem là trí tuệ cao cấp (mà dường như nhiều ai đó đã [cố ý] diễn giải từ “trí tuệ” ở đây nghĩa là “khả năng thưởng thức, am hiểu không phải người nào cũng có đâu đấy [cái kiểu phán xét “dốt mới không thấy hay” biến thành “chỉ có bọn trẻ trâu mới thấy hay” lâu rồi!] – giới phê bình là những bậc cao nhân cái tôi nào cái tôi nấy ngạo nghễ, to hơn thiên hạ, từ trên cao nhìn xuống: cái gã đó đã nhảy lên ghế sofa trên chương trình truyền hình một lần thì rất đáng bị công kích (cho gã phải nhảy ghế sofa [nhiều] lần nữa để chứng minh giới phê bình nói đúng về gã chứ!).

Ở thế giới thị phi của Hollywood, sai lầm một từ (remake/reboot), sai lầm sáng tạo [dùng một tựa phim y chang], sẩy chân một lần [nhảy lên ghế sofa]… sẽ trả giá mãi mãi!

Ai cũng thấy người nay cười chứ có thấy người xưa khóc bao giờ đâu! Ta có nên tìm xem lại The Mummy 1999 trước đây được giới truyền thông và phê bình đón nhận thế nào không nhỉ? Lạ thay, The Mummy 1999 (với Brendan Fraser) từng bị so sánh và “bị nện” vì bắt chước Indiana Jones (của Harrison Ford), thì nay cũng chính cái “tinh thần phiêu lưu kiểu Indiana Jones” ấy lại là tiêu chí để đánh giá The Mummy 1999 làm tốt hơn xa The Mummy 2017, và đưa loạt phim của Brendan Fraser thành kinh điển!

Nhắc đến Harrison Ford, nói ngoài lề chút nhé. Sau ba lần hóa thân Indiana Jones tượng đài, và một loạt phim thành công tiếp theo cả hành động lẫn tình cảm, ở tuổi 56 (lớn hơn Cruise lúc này một tuổi) Ford đóng Six Days, Seven Nights với Anne Heche, khi đó 29. “Age gap” giữa họ là gần ba thập niên. Six Days, Seven Nights hồi đó không được giới phê bình mặn mà (36% ‘fresh’ RT), phòng vé cũng không đậm đà (164,8 trên kinh phí 70 triệu đôla). Tôi rất muốn biết hồi đó có ai làm một tin phân tích dài, không sót bạn diễn nữ nào, tính ra cách biệt tuổi tác bao nhiêu, và nhắc nhở Ford “đã đến lúc đóng phim cho đúng với tuổi đi” không? FYI: 'The Mummy': It's Time for Tom Cruise to Act His Age – là cái tít để bạn tìm nếu muốn biết chi tiết.

Vậy đó. Câu chuyện đình đám của tuần trước là phụ nữ lên ngôi. Câu chuyện của tuần này… ôi, nhiều lắm! Tưởng cũng nên trích lời Cathy Schulman, chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ trong điện ảnh (Women in Film – WIF) và CEO của Welle Entertainment, nói với TheWrap. “Bảy năm trước khi tôi trở thành chủ tịch của WIF, tôi còn không thể thấy được bài báo nào về vấn đề giới tính ở các ấn phẩm của Hollywood nữa kia…” trong bài mới lên QVĐA sáng nay. Nghĩa là, khi tinh thần “correctness” là thời sự Hollywood gần đây, vì truyền thông cần chung một giọng, cần chứng tỏ sự ủng hộ cho một phong trào, họ đưa câu chuyện phụ nữ lên ngôi đình đám tuần trước. Bạn đang thuận theo dòng chảy.

Khi thái độ khinh khỉnh nhìn những kẻ 'vác mai đi đào' – cùng nhiều thành kiến ('trời xanh quen thói trai tài đánh ghen') như đã nói – cần một cái cớ, một sự kiện, một thất bại để sự đắc ý bùng lên “đã bảo mà!” Bạn đang rơi vào dòng xoáy.

Bài học ở đây là? Universal, chào mừng Thế giới Bóng tối của các vị – cứ bình tĩnh, phòng vé quốc tế sẽ đến cứu! Cám ơn Universal vì các vị dám phạm cái tội lớn thứ hai, mời mấy gã [mà lẽ ra đừng có cho đóng phim nữa] vào Thế giới Bóng tối. Chúc may mắn hơn ở lần tới!

Javier Badem, hãy cẩn thận đấy. Tham gia Thế giới Bóng tối mà không xong thì thành tích từng đoạt giải Oscar của ông sẽ biến thành tội nặng, cỡ “nam diễn viên từng đoạt Oscar lại đi tham gia phim này làm gì!” Còn nhớ Liam Neeson không? Oscar, Grammy đủ cả – đóng loạt Taken là lãng phí, phải tìm những Schindler’s List khác mà đóng chứ! Hay một hình tượng ngược lại, Sylvester Stalone – người hùng của những phim đánh đấm bắp rang RamboExpendables – dù vai diễn của ông trong Creed (2015) “chính kịch” cỡ nào cũng bị cướp mất một đề cử Oscar Nam diễn viên phụ mà ông xứng đáng!

Tom Cruise và người hâm mộ Đài Loan tại sự kiện quảng bá The Mummy 2017 ở Đài Bắc

Tom Cruise thì sao? Dày dạn trận mạc với giới truyền thông và phê bình đến nay, Tom Cruise vẫn là Tom Cruise. Thành tích phòng vé hay điểm trên RT (hiện chỉ 17%) – tôi không nghĩ có điều nào khiến Cruise vui hơn là đóng phim, làm hết mình với nhân vật của anh, và bước đi trên thảm đỏ công chiếu (ở Hàn, Trung, Nhật, hay Ấn Độ) làm minh tinh điện ảnh cuối cùng của Hollywood (danh hiệu Hollywood rất muốn kéo xuống mà chưa được!).

Số liệu thống kê có sức mạnh của chúng, đúng. Kết quả phòng vé – tiền là quyết định, đúng. Nhưng có một thủ thuật gọi là “cherry-picking” (chỉ chọn số liệu có lợi cho lập luận) – truyền thông ở cái chốn thị phi Hollywood rất thích dùng. Còn giới phê bình, không ai biết họ nghĩ gì, nhưng cách hành xử của họ thì như thể phụ huynh của diễn viên! Tốt hơn hết diễn viên hãy đóng những phim, những vai hợp ý họ, đúng như họ muốn.

Bài học cuối cùng là: bạn có muốn để số liệu thống kê, kết quả phòng vé, truyền thông, bài bình phim dẫn dắt niềm vui của bạn, sự thưởng thức-cảm nhận của bạn với một bộ phim, sự yêu thích của bạn dành cho một diễn viên nào đó không? Nếu bạn đáp có, và trong trường hợp The Mummy 2017, tôi không còn gì để nói. Nhưng nếu bạn đáp không, tôi cũng không nói The Mummy 2017 hay lắm, đi xem đi! Nhưng tôi đảm bảo với bạn có những khoảnh khắc kinh dị (như một tờ nào đó viết, trong cơn đọc hoa mắt không thể nhớ nổi tờ nào, khá thô lỗ mà rất xin lỗi tôi sẽ dịch “sợ chết tía đi được!”).

Rốt cuộc thứ hai tuần này đúng là khỏe rồi – tôi đâu có ngồi đọc khoảng một chục tin để chọn một. Để không dẫn dắt suy nghĩ, tuần này QVĐA nghỉ tin phòng vé Bắc Mỹ!

© Yên Khuê @Quaivatdienanh.com