Bình luận phim

Phantom Thread: Tụng ca mê ly dành cho ám ảnh sáng tạo

25/02/2018

Qua diễn xuất gây sững sờ của Daniel Day Lewis, vai diễn mà anh khăng khăng khẳng định là cuối cùng của mình, Reynolds Woodcock, khổng lồ thời trang người Anh thập niên 50, thích những bí mật. Đặc biệt là, anh thích khâu chúng vào lớp vải lót trong trang phục, ghi dấu ấn bản thân trong lớp lót của một bộ đồ để đánh dấu nghệ thuật không thể tẩy xóa.

Nhân vật Reynolds Woodcock, khổng lồ thời trang người Anh thập niên 50, của Daniel Day Lewis

Paul Thomas Anderson – viết kịch bản, chỉ đạo và làm người vận hành máy quay không được ghi tên trong Phantom Thread – chế tác bộ phim theo đúng cách đó, đánh dấu lãnh địa của anh và nhử chúng ta khám phá những viên ngọc ẩn bên trong. Không nhất thiết bạn phải khám phá, tất nhiên. Vì Anderson, 47 tuổi, là nhà làm phim giỏi nhất, khiêu khích nhất và không ngừng tìm tòi nhất trong thế hệ của anh, bạn có thể lướt trên bề mặt những sáng tạo điện ảnh giàu sức tưởng tượng của anh và vẫn thấy choáng ngợp như thường. Nhưng tại sao lại dừng ở bề mặt? Từ Hard Eight đến Inherence Vice, nhà nghệ sĩ này lúc nào cũng thách thức khán giả phải đào sâu hơn.

Phantom Thread thú vị một cách sáng tạo và oan khiên, trên nền nhạc giao hưởng mê hoặc của Jonny Greenwood, nói về một người quá yêu bản thân nghiện làm việc và người phụ nữ rơi vào quỹ đạo của anh ta. Anderson đã bộc lộ những ảnh hưởng, bao gồm Rebecca Vertigo của Hitchcock. Nhưng ngoài nói về việc chúng ta cần tình yêu dù tình yêu giày vò ta đến thế nào đi chăng nữa, những ảnh hưởng phim ảnh ấy không phải là chỉ dẫn đúng. Anderson sử dụng tác phẩm của các nghệ sĩ khác ấy làm bàn đạp, chứ không phải là bản thiết kế – vả lại, Woodcock không phải là Hitchcock, tức là một nghệ sĩ tìm kiếm nàng thơ được tạo ra từ những bóng ma quá khứ của mình. Đó là chưa kể bộ phim này đưa bạn đến những nơi mà các phim đã nói đó còn chưa nghĩ đến.

Reynolds Woodcock và chị Cyril, do Lesley Manville đóng

Nam chính sống ở London là một nhà thiết kế hàng đầu, một con người ngăn ô cuộc sống của mình để những phiền nhiễu cá nhân không thể xâm nhập vào chiếc bong bóng mà anh tạo ra xung quanh nghệ thuật. “Hôn nhân sẽ khiến tôi lừa dối, và tôi không bao giờ muốn như thế,” Woodcock nói. Thế giới của Woodcock không loại trừ tình dục – mà chỉ loại trừ sự cam kết. Thực tế, người mẫu xếp hàng dài hy vọng thu hút sự chú ý của anh, còn anh thì chỉ luôn đăm chiêu nghĩ cách khai thác cho đến khi loại bỏ họ. Thực ra là chị của anh nghĩ thì đúng hơn. Bà chị tên Cyril, do Lesley Manville tuyệt vời đóng. Rồi mắt anh bắt gặp Alma (Vicky Krieps), cô hầu phòng đang làm việc tại một khách sạn ven biển. Cô gái trẻ nhảy lên giường anh nhưng dường như không được chuẩn bị để thúc đẩy sự sáng tạo cho anh. Giữa họ chỉ có nhục dục hoàn toàn không có tình yêu cho đến khi Woodcock may đo một bộ trang phục trên người Alma… và sự tưởng tượng của anh về cô bừng lên sức sống. (Được rồi, có lẽ có rất nhiều Vertigo trong đó.)

Rồi anh đi tiếp. Vị thần thời trang này đang chật vật để bắt kịp những thay đổi trong thời trang cao cấp, và không có chỗ nào cho Alma trong cuộc đời của anh ngoại trừ là một sự phân tâm. Rắc rối bắt đầu khi cô ấy chen vào công việc của anh. Những phiền toái vụn vặt như cô ta cắn bánh mì nướng thành tiếng chẳng là gì so với việc chỉ trích thiết kế hay lựa chọn vải của anh. Để tái lập mối quan hệ của họ, Alma quyết định giải tán nhân viên và làm anh ngạc nhiên với bữa tối nấu tại nhà cho hai người. “Hãy làm rõ với tôi," Cyril bảo cô. “Đừng làm thế.” Cô ta cứ làm thế. Kết quả là một thảm họa. Nàng thơ đã khiến nghệ nhân mất thăng bằng. Cô tăng cường tác động bằng cách chọc tức anh nổi ghen tại bữa tiệc năm mới. Rồi cô bắt đầu những biện pháp quyết liệt hơn nữa để thu hút sự chú ý của anh.

Không có chỗ nào cho Alma (Vicky Krieps) trong cuộc đời của anh ngoại trừ là một sự phân tâm

Nằm sốt trên giường và gần chết, Woodcock cho phép Alma bắt đầu chăm sóc cho anh khỏe lại – đó là thời điểm Anderson chuyển Phantom Thread thành một phim hài đen tối về các mối quan hệ phát triển mạnh mẽ chỉ sau khi đã bị đổ vỡ và theo một hình thức mới. Thủ đoạn tình dục, trước sau, vang vọng xuyên suốt bộ phim.

Day-Lewis thành thạo đường hoàng phác đường cung cho nhân vật của anh từ một bạo chúa từ xa thành một nô lệ tự nguyện – sự đắm mình trong vai diễn của anh, đến từng điều nhỏ nhặt của Woodcock, là tất cả. Sinh trưởng ở Luxembourg, Krieps khó khăn hơn trong việc thể hiện một phụ nữ phải là tất cả đối với một người đàn ông bất khả. Nhưng cô hết sức vững vàng, cưỡi trên những con sóng chỉ đạo lắt léo và kịch bản mãnh liệt của Anderson cho tới khi Alma đảo ngược tình thế. Bộ phim lộng lẫy trong mọi chi tiết, với trang phục của Mark Bridges và dựng phim của Mark Tildesley làm choáng ngợp các giác quan. Nhưng chủ đề quan trọng hơn cả là nỗi thống khổ và niềm hưng phấn của sự sáng tạo.

Bộ phim lộng lẫy trong mọi chi tiết

Thật là vô cùng hấp dẫn khi xem diễn viên và nghệ sĩ đằng sau máy quay (những người cùng chia sẻ ám ảnh sáng tạo) thương lượng một cuộc ngừng bắn gian nan giữa nghệ thuật và cuộc sống. Anderson chủ ý và khôn khéo tiết lộ những bí mật mà anh đã khâu vào tấm vải ma thuật điện ảnh của anh.

Có lẽ cần phải hơn một lần xem mới hiểu hết Phantom Thread – một thách thức mà bất kỳ người yêu phim chân chính nào cũng sẽ hăm hở chấp nhận. Lời khuyên lúc này là: hãy cứ ngồi vào rạp và thưởng thức.

Phantom Thread, thời lượng 130 phút, phân loại R. Phát hành ở Việt Nam từ ngày 23/2/2018 với tựa Bóng ma sợi chỉ.

Đánh giá: 3,5/4 sao

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Rolling Stone