Bình luận phim

Star Wars: The Last Jedi truyền lửa từ nhân vật cũ tới nhân vật mới

18/12/2017

Star Wars đã tạo nên một thế giới riêng cho mình suốt 40 năm qua và với kế hoạch làm phim hiện tại của Lucasfilm, thì việc có từ “cuối cùng” trong tựa phim dường như là cố tình đánh lạc hướng khán giả.

Ngược lại, bộ phim mới nhất, và cũng là dài nhất, trong loạt phim này thể hiện rõ tinh thần truyền lửa từ những nhân vật cũ tới nhân vật mới. Đầy những cảnh hành động nhằm mục đích thỏa mãn người hâm mộ, biên kịch kiêm đạo diễn Rian Johnson hoàn toàn dấn thân vào thế giới của George Lucas, mang lại lợi nhuận hàng tỉ đôla cho Disney như được mong đợi.

Rey (Daisey Ridley, trái) cố gắng thuyết phục Luke Skywalker (Mark Hamill) dạy cô trở thành một Jedi

Như cảnh cuối của The Force Awakens cho thấy, The Last Jedi kể về việc Rey (Daisey Ridley đóng) đang cố gắng thuyết phục Luke Skywalker (Mark Hamill) dạy cô trở thành một Jedi. Nhưng gần 15 phút mở đầu phim tập trung vào việc Đế chế thứ nhất, do Tướng Hux (Domhnall Gleeson) cầm đầu, tấn công Quân nổi dậy, ra sao. Hux có vẻ lố bịch một cách quá đáng nhưng cuối cùng quân phát xít vũ trụ cũng vẫn thành công trong việc dồn những nhân vật chính diện vào đường cùng.

Trên mặt đất – hay chính xác hơn là ở “nơi hẻo lánh nhất trong vũ trụ”, thực tế là đảo Skellig Michael thuộc Ireland – Rey đã tìm thấy Luke, đang trong trạng thái ẩn dật và sẵn sàng quay lưng với tất cả những gì liên quan tới Jedi và Thần lực. Với Luke, mọi thứ đã kết thúc và nhiệm vụ của Rey sẽ là cố gắng khiến ông đổi ý.

Sự khác biệt thế hệ cũng tồn tại ở mặt tối của cuộc chiến. Khi Kylo Ren (Adam Driver đóng), người con trai phản bội của Leia và Han Solo, xuất hiện trong bộ đồ của Darth Vader, Lãnh đạo Tối cao Snoke (Andy Serkis) quát, “Bỏ cái mặt nạ lố bịch đó ra!” Đây là kiểu chế nhạo không thương tiếc thường khiến khá giả thích thú. Johnson – người đầu tiên sau George Lucas tự mình viết kịch bản và đạo diễn một bộ phim Star Wars – rất thích dùng khiếu hài hước mang tính châm chích này trong những tình huống gay cấn trong phim.

Kylo Ren (Adam Driver đóng), người con trai phản bội của Leia và Han Solo

Người hâm mộ sẽ phải tự đánh giá xem bộ phim có chất lượng bằng The Empire Strikes Back ra mắt vào thập kỷ 1980 không. Nhưng có một điều The Last Jedi chắc chắn làm được, đó là đảo lộn công thức tốt và xấu. Ngay lúc Luke sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì liên quan tới đạo Jedi, Kylo Ren cũng đang phải đặt câu hỏi với việc hắn sẽ thừa kế gì từ gia đình mình. Tình huống và quan điểm luôn thay đổi, và đây chính là điều cần thiết để khiến người hâm mộ tiếp tục háo hức chờ đợi phần tiếp theo, có thể phải hai năm nữa mới ra rạp.

Trong phim này, Johnson có mai mục tiêu: đưa cuộc đối đầu giữa Đế chế Thứ nhất và Quân nổi dậy lên tầm cao mới, và phát triển thêm những nhân vật mới được giới thiệu cách đây hai năm.

Với mục tiêu đầu tiên, cả The Force Awakens và The Last Jedi đều không giải thích làm thế nào mà Đế chế Hắc ám lại có thể trở lại hùng mạnh như vậy chỉ 30 năm sau khi bị đánh đổ. Việc Snoke từ đâu đến và sao lại có khuôn mặt như một gốc cây già như vậy còn khó hiểu hơn.

Chiến binh quả cảm Finn, John Boyega (phải) và cuộc phiêu lưu của anh với nhân vật mới, Rose Tico (Kelly Marie Tran đóng) không phải là yếu tố hấp dẫn nhất của bộ phim

Trong phần lớn thời lượng của bộ phim liên quan tới phe phản diện, chúng ta theo chân Kylo Ren, người về vẻ bề ngoài vẫn thật khó chấp nhận là con đẻ của Leia (Carrie Fisher đóng) và Han Solo (Harrison Ford đóng). Dù vậy, bộ phim đã tiết lộ những góc phức tạp thú vị hơn của nhân vật và hứa hẹn sẽ còn nhiều điều cần được tiết lộ về Kylo Ren trong phần tiếp theo, Star Wars: Episode IX do J. J. Abrams đạo diễn.

Mục tiêu quan trọng hơn của Johnson trong bộ phim này là khiến khán giả tiếp tục ủng hộ và đồng cảm với thế hệ mới của Quân nổi dậy. Trong vai chiến binh quả cảm Finn, John Boyega được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt cách đây hai năm, nhưng trong phần này, anh có vẻ chỉ trôi nổi làm nền cho các nhân vật khác. Cuộc phiêu lưu của anh với nhân vật mới, Rose Tico (Kelly Marie Tran đóng) không phải là yếu tố hấp dẫn nhất của bộ phim.

Hành trình đáng nhớ nhất của Quân nổi dậy là hành trình của phi công Poe Dameron do Oscar Isaac đóng. Vai trò của anh có vẻ mờ nhạt trong The Force Awakens nhưng anh tỏ ra tự tin và táo bạo hơn nhiều trong The Last Jedi. Trong phần này, Poe bận rộn không chỉ khi chiến đấu với Đế chế Thứ nhất mà còn với một nhân vật mới, Phó Đô đốc Amilyn Holdo do Laura Dern đóng. Cùng thế hệ với Leia, Holdo thân là đồng minh của Quân nổi dậy, nhưng lại không hề ưa “những thằng choai choai thích bắn giết” như Poe và luôn luôn tỏ ra chống đối mọi đề xuất của anh, tới mức khán giả có thể phải tự hỏi có khi nào bà ta thực sự trung thành với Đế chế Thứ nhất không. Chắc phải đợi tới phần phim tiếp theo thì ta mới có thể biết được hoàn toàn câu chuyện của Holdo.

Phó Đô đốc Amilyn Holdo do Laura Dern (phải) đóng

Pha trộn trong tất cả những diễn biến này là cảm giác nuối tiếc day dứt về cái chết của Carrie Fisher, chỉ vài tháng trước khi bộ phim đóng máy.

Nhưng trong khi những cảnh hành động diễn ra trên không trung và trên mặt đất (với một trận chiến đỉnh điểm với những cỗ máy AT-AT khổng lồ gợi tưởng tới The Empire Strikes Back), cuộc chiến phức tạp nhất là trong thâm tâm Luke Skywalker. Sau nhiều năm ẩn dật, người học trò của của Yoda cho rằng bản thân chỉ là “một huyền thoại và một kẻ thất bại”, và ông muốn để tất cả những gì liên quan tới đạo Jedi biến mất theo năm tháng, dẫn tới một cuộc chiến tư tưởng hấp dẫn giữa Rey và Kylo Ren. Đây chính là mục đích chính của bộ phim, và sẽ là bàn đẩy cho những gì diễn ra trong Episode IX.

Johnson nhiều khi thích kết nối những mạch truyện rời rạc với nhau, và vậy không hẳn là điều không tốt nếu đạo diễn có tài tung hứng những câu chuyện phụ khác nhau, và phần lớn thời gian Johnson cũng có khả năng này. Những cảnh hài hước có lúc hơi lạc lõng trong loạt phim này, nhưng phần lớn thời gian cũng có thể cho là có hiệu quả.

Phi công Poe Dameron do Oscar Isaac (phải) đóng và Leia (Carrie Fisher)

Có thể bộ phim hơi dài quá. Nhiều nhân vật có thể là hơi thiếu mục tiêu và chính kiến, và có những cảnh người xem cảm giác như nhân vật chỉ chạy loanh quanh mà không biết mình đến đây bằng cách nào. Nhưng có một sự mới mẻ khác biệt trong cách tiêp cận thế giới này của Johnson mà khiến bộ phim vẫn sống động và hấp dẫn, và có thể đây là điều quan trọng nhất khi làm bộ phim phần hai trong loạt phim ba phần này.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter