Bình luận phim

Nhóc Trùm của Alec Baldwin kỳ ảo hơn trông đợi

31/03/2017

Ý tưởng cơ bản đằng sau The Boss Baby, bất chấp việc marketing phim, không phải là về một đứa bé làm sếp một công ty.

Đúng hơn đây là giai điệu kỳ ảo về xu hướng các em bé làm bá chủ cuộc sống của cha mẹ, được lọc qua sự tưởng tượng quá nhanh nhẩu của cậu anh trai, Tim. Đích xác Tim không chào đón thành viên mới bổ sung vào gia đình, nhận ra đứa nhỏ cướp hết mọi sự chú ý dành cho mình.

Bánh quy không dành cho sửu nhi

Than ơi, kết quả là bộ phim thì thông minh, nhưng chẳng vui gì nhiều. Ý tưởng có tính giải trí, nhưng The Boss Baby không hoàn toàn chuyển tải được tiềm năng khôi hài của đứa bé siêu thực. Phỏng theo cuốn truyện thiếu nhi cùng tên của Martha Frazee xuất bản năm 2010, phim đủ dễ thương; thậm chí còn khoe được một số hình ảnh thực sự thú vị và chọn lựa diễn viên lồng tiếng có cơ sở. Nhưng chung quy lại, phim thật đáng quên.

The Boss Baby là câu chuyện siêu thực chủ yếu dựa vào trí tưởng tượng của một nhân vật chính 7 tuổi

Ngay cảnh đầu tiên, The Boss Baby lập tức dựng nên cả một thần thoại xung quanh chuyện em bé từ đâu mà ra — một công ty trên trời có tên là Baby Co., nơi sản xuất các em bé trên dây chuyền và đóng bỉm/hong khô/cho ăn trước khi thả bằng dù xuống gia đình mới. Hệ thống kiểm tra chất lượng của công ty này lọc ra những em bé không biết bi bô như người lớn mong chờ ở con nít, chuyển qua phễu thành quản lý cấp trung ở Baby Co., ở đó chúng mòn mỏi trên bàn giấy và uống sữa công thức để mãi mãi là em bé.

Bận rộn điều hành công việc trong cũi em bé

Trong khi đó, dưới đất, Tim (do Miles Bakshi lồng tiếng lúc nhỏ và Tobey Maguire lồng tiếng lúc lớn) sống một cuộc đời may mắn, hoàn hảo là báu vật trong mắt cha mẹ đã bảy năm. Cả gia đình ở trong một ngôi nhà xinh xắn có sân sau, và họ thường làm những chuyến “phiêu lưu” được phóng đại trong trí tưởng tượng của Tim: tắm bồn trở thành lặn biển sâu, và chuyện đi xe đạp mỗi ngày là một điệp vụ bất chấp cái chết. Bố mẹ Tim (Jimmy Kimmel và Lisa Kudrow) đều làm việc rất cực khổ ở Puppy Co., nhưng tối về họ luôn đọc truyện và hát cho Tim nghe trước khi ngủ. Đời thật đẹp.

Rồi một ngày, Tim có em trai mới. Em bé về nhà bằng taxi; nó mặc vét và ghi-lê, xách cặp, lập tức trưng dụng sự quan tâm của bố mẹ. Trước sự chán nản thất vọng của Tim, không ai khác buồn nghĩ có gì kỳ cục đang xảy ra.

Và sự tình càng kỳ cục hơn khi nhóc tì bắt đầu cho Tim biết lý do cậu ta tới đây. Cậu ta thực sự là Nhóc Trùm / Boss Baby (Alec Baldwin), một quản lý cấp trung đang lên có tham vọng trở thành lãnh đạo Baby Co. Cậu ta tạm thời gia nhập vào gia đình của Tim vì đang làm nhiệm vụ trực tiếp từ công ty — cứu thị trường trẻ sơ sinh không bị biến mất.

Hóa ra công ty của bố mẹ Tim, Puppy Co., đã nảy ra một sản phẩm mới thậm chí còn dễ thương hơn em bé, đe dọa chiếm lấy trái tim của các phụ huynh và xóa sạch nhu cầu bé sơ sinh. Cách duy nhất giữ cho thị trường em bé tồn tại — và để Tim thoát khỏi đứa em trai đáng sợ này, người có thể biến Baby Co. thành một sứ mạng hoàn tất — là hai anh em phải hợp tác phá hỏng kế hoạch của Puppy Co.. Đương nhiên, nỗ lực này phức tạp hơn người ta tưởng.

Nhóc Trùm có máy ghi âm

Phim dùng phong cách hoạt hình và hình ảnh thú vị để gợi lên hoài niệm xuyên thế hệ

Câu chuyện của The Boss Baby thực sự không chặt chẽ chút nào — cốt truyện mỏng một cách đáng ngạc nhiên vì thiếu độ phức tạp để khiến bạn quan tâm điều có vẻ là “bí ẩn” trung tâm ngay từ đầu: nguồn gốc sự đối đầu giữa Baby Co. và Puppy Co. Sự kỳ lạ của một đứa bé mặc vét đã lấn át hoàn toàn cốt truyện, khiến có cảm giác như chẳng khác gì cái cớ để Nhóc Trùm làm trò.

Nhưng phim có hai điều đáng để theo dõi. Trước hết là hình ảnh gợi nhớ phong cách hoạt hình xưa cũ hơn, chủ yếu từ thập niên 1960. Sự liên tưởng trải từ màu sắc tinh tế của hoạt hình chính thống đến những chuyển cảnh gợi nhớ tác phẩm của các nhà hoạt hình giữa thế kỷ 20 như Cliff Roberts, Eyvind Earle, và Saul Bass.

Phong cách đó đi cùng với những lựa chọn về hình ảnh khác nhằm gợi lên cùng thời kỳ, hiện diện đáng kể trong đủ loại đồ chơi của trẻ con mà nhiều thế hệ sẽ nhớ, như điện thoại đồ chơi Fisher Price (lần đầu được bán năm 1962) và trò xếp tháp vòng (ra mắt năm 1960). Trò chơi bẫy chuột liên hoàn (1963) cũng có mặt. Phông nền của bộ phim rải đầy những thứ đồ chơi có sức hấp dẫn nhiều thế hệ, và nhìn thấy những thứ tiêu biểu cho các thời kỳ đem lại một cảm giác an ủi của hoài niệm. Về hình ảnh, The Boss Baby như một cái nháy mắt với những con nghiện phim hoạt hình trong số khán giả vậy.

Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền

The Boss Baby không đả động đến Donald Trump, ít nhất là không cụ thể

Một lợi thế lớn khác của bộ phim là Baldwin — mà cần phải được làm rõ, là dự án này đã có từ trước khi ông bắt đầu làm Donald Trump trên chương trình Saturday Night Live. Giọng nói của Baldwin đồng bộ một cách phi lý với một đứa trẻ sơ sinh béo ú, chính là điều khôi hài nhất về The Boss Baby.

Và trước khi bạn nhớ tới bóng ma không thoát khỏi về Trump, thì Baldwin bắt đầu đóng vai này trên SNL tháng 10/2016. Trailer đầu tiên cho Boss Baby ra mắt hai tuần sau đó, và cả êkíp marketing của bộ phim lẫn cánh nhà báo giải trí đều vui mừng nhấn vào mối liên hệ được cho là có giữa hai chuyện này.

thực ra là có liên hệ không? Có chứ, tác giả nghĩ vậy. Chúng ta thấy Nhóc Trùm chơi golf trong phòng còn Tim lên kế hoạch phá bĩnh Puppy Co. cho cả hai; “Anh bận giao việc,” cậu tuyên bố. Lát sau, lúc được khuyến khích cười trước camera, Nhóc Trùm nói, “(Việc này) làm anh thấy yếu đuối.” (Nhân viên của Trump mới đây nói với tờ New York Times rằng “là một ứng viên tổng thống, ông ấy muốn trông nghiêm khắc, và bác bỏ bất cứ hình ảnh vận động nào có vẻ yếu đuối.”)

Cuối cùng Nhóc Trùm cũng được thưởng cho thành tích của mình — một toilet bằng vàng trong một tòa nhà chọc trời — và có một cảnh chớp nhoáng trong đó các bé sơ sinh hân hoan xịt sữa vào người cậu ta (cũng hợp lý, vì chúng là em bé mà). Cậu ta là kiểu người tham danh hám chức nóng nảy bị ám ảnh với việc phải đảm bảo hình của cậu ta được gắn trên bức tường danh vọng của Baby Co.

Nhóc Trùm là kẻ hoang tưởng tự đại nóng nảy tồn tại trong suốt lịch sử nhân loại

Nhưng tất cả những yếu tố này đều có thể dễ dàng xuất hiện trong một phiên bản The Boss Baby được làm trong thế giới không có Trump, và cũng vẫn thể hiện cùng một kiểu nhân vật: một kẻ tự cao tự đại không ngừng, ám ảnh với địa vị, và khó khăn trong việc kết nối với con người. Một kẻ như thế tồn tại khắp trong lịch sử nhân loại; hầu hết người ta làm việc cho hắn hoặc có lúc nào đó hẹn hò với hắn.

Thế nên nếu The Boss Baby phát biểu gì đó về Trump thì, chủ yếu là vị tổng thống này thuộc vào hàng dài những kẻ hoang tưởng tự đại ám ảnh bản thân trèo lên bậc thang cao nhất mà họ tìm thấy, và cư xử như trẻ nít khi đụng chuyện. Gói chủ đề này lại trong một câu chuyện đơn giản về tưởng tượng của một cậu bé và tình thương bao la của cha mẹ, The Boss Baby chính là kết quả. Phim không chọc ngoáy, mà tung vài nắm đấm nhẹ nhàng trong quá trình đi đến thỏa thuận.

The Boss Baby (xếp loại PG, thời lượng 97 phút) phát hành ngày 31/3/2017 ở Việt Nam với tựa Nhóc Trùm.
Đạo diễn Tom McGrath. Với các diễn viên lồng tiếng chính Alec Baldwin, Jimmy Kimmel, Lisa Kudrow, Steve Buscemi, Tobey Maguire.

Đánh giá: ★★☆☆☆

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox