Bình luận phim

5 điều Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí đạt được, dù hay hay dở

28/04/2017

Với các nhân vật tí hon màu xanh lần đầu bước vào nhận thức của công chúng năm 1958, khi họa sĩ người Bỉ Peyo tạo ra chúng, thì Smurfs: The Lost Village (phát hành ở Việt Nam ngày 28/4/2017 với tựa Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí) là một phim điện ảnh hoạt hình tái khởi động quá dài, tốn sức, nhưng cân bằng giới tính một cách đáng ghi nhận.

Từ khi được sáng tạo ra tới nay, chúng đã trở thành chủ đề của nhiều truyện tranh, phim bộ truyền hình, phim điện ảnh hoạt hình và cả chuỗi hàng hóa ăn theo. Giờ đây chúng sẵn sàng để lên những khung hình cận cảnh trong một kỷ nguyên mới.

Tí Cô Nương, Tí Cận, Tí Vụng Về, và Tí Đô sửng sốt

Với tiếng tăm sẵn có, Smurfs: The Lost Village khôn ngoan sửa chữa sai lầm ngớ ngẩn đã tồn tại suốt lịch sử loạt phim này: sự thiếu vắng gần như hoàn toàn các nhân vật nữ, ngoại trừ một ít (điển hình là Tí Cô Nương) do phù thủy Gà Mên tạo ra từ vật chất tối và sau đó tốt đẹp lên nhờ phép thuật của Tí Vua. Điều này vẫn ổn trong những phần phim Xì Trum đầu, nhưng 2017 không phải là thời điểm hay cho việc thiếu các chị em – nhất là khi bạn muốn bán đồ chơi Xì Trum cho trẻ con đủ giới tính.

Smurf: The Lost Village phân bổ nỗ lực về bình đẳng giới khá là khéo léo, mở ra một vương quốc mới đầy tiềm năng cho các xì trum. Nhưng sự mở rộng đáng khen đó không xóa đi được sự thật rằng The Lost Village không phải là một phim hay, tuy nhiên điều đó cũng chẳng phải là tội lỗi tày đình gì trong thời đại phim dành cho thiếu nhi cũng phong phú và đa dạng không kém phim cho người lớn.

Từ đó kéo theo câu hỏi: Chính xác Smurfs: The Lost Village hay ở chỗ nào? Tại sao nó còn tồn tại vậy? Hay dở thế nào chưa biết, sau đây là năm điều bộ phim đã thể hiện được.

Chiêu đãi đôi mắt bạn, và cố gắng đừng để bị ngộ độc đường

Làm tiêu tan các khớp thần kinh nhận thức của trẻ nhỏ

Mọi thứ về thị giác nổ mắt của The Lost Village bị đẩy tới cấp 11, từ thân thể màu xanh của dân Xì Trum tới màu sắc rực rỡ, bùng nổ của ngôi làng và khu Rừng Cấm chúng phiêu lưu. Hơi… nhiều.

Tại sao chúng lại vào Rừng Cấm? Ừ thì, ban đầu, một nhóm Xì Trum lẻn vào hang ổ của Gà Mên (Rainn Wilson), hắn ở cùng chú mèo trung thành, khó chịu Azael (tình cờ, lấy theo tên của thần chết), để cứu Tí Cô Nương bị bắt cóc. Khi trốn ra, đám Xì Trum phát hiện Gà Mên đã có những mưu đồ về một làng xì trum bí ẩn trước giờ không hề được biết tới. Hắn muốn bắt cóc tất cả, phát ra một loại khí Smurffocide rộng khắp, tàn phá với mục đích chế tạo những chất độc hiệu nghiệm hơn sẽ đưa hắn trở thành phù thủy quyền lực nhất thế giới.

Những Xì Trum quen thuộc với chúng ta, do Tí Vua (Mandy Patinkin) cai quản, không hề biết làng này tồn tại. Nhưng Tí Cô Nương (Demi Lovato), Tí Đô (Joe Manganiello), Tí Vụng Về (Jack McBrayer), và Tí Cận (Danny Pudi), trốn ra khỏi làng trái ý Tí Vua và tự cho mình nhiệm vụ tìm và cảnh báo cho những cư dân của ngôi làng thất lạc kia – có nghĩa là phiêu lưu vào Rừng Cấm.

Khi cuối cùng cũng vào được rừng, Tí Cô Nương bị kiệt sức, quay lại bộ ba tí kia và kêu la ầm ĩ, “Ối!” trước khi ngay lập tức bị bông hoa vàng nửa-ăn thịt chộp lấy.

Ít nhiều đó cũng là cảm giác khi xem The Lost Village. Mọi thứ nhìn thật tuyệt, đến mức bắt đầu có cảm tưởng hành hung các giác quan. Cầu vồng! Muôn hoa rạng rỡ! Những chú thỏ phát sáng! Thác nước đa sắc và sông chảy hối hả! Lố bịch hơn nữa, bộ phim quay 3D, có nghĩa là màu sắc không chỉ bật vào bạn theo nghĩa bóng mà thực sự nhảy ra khỏi màn ảnh.

Điều kỳ diệu đó chắc là có thể khiến một đứa nhóc 4 tuổi phấn khích (và thực sự, đám trẻ con trong phòng chiếu của người viết hú hét suốt). Nhưng trong vòng chỉ có một tiếng rưỡi, The Lost Village là một sự phồn vinh màu sắc không ngừng, và người viết không thể tưởng tượng phim này lại không làm cho thần kinh thị giác của trẻ nhỏ bị kích thích thái quá, kể cả khi chuyển sang màn hình máy tính bảng và màn hình trên ô tô. 

Tái chiếm một thế giới quen thuộc bằng những nhân vật (nữ) mới

Đưa các chị em vào những loạt phim mà trước đó chủ yếu chỉ có nam giới – như của Marvel hay, nổi tiếng và dữ dội là Ghostbusters hè năm ngoái – có những rủi ro. Người hâm mộ nổi cáu, phát điên lên khi thấy thế giới yêu thích của họ bị thay đổi để tăng tính dung hợp.

Smurfs: The Lost Village phá vỡ một số vấn đề mà những loạt phim như thế này gặp phải bằng cách trở thành dự án khởi động lại bên lề, kết hợp một số nhân vật và kẻ xấu cũ với một loạt nhân vật mới, được giả định là, đã có từ đầu. (Mỉa mai thay, câu giới thiệu phim “Họ không hề cô độc.”)

Chúng ta vẫn có Tí Vua và đám Xì Trum. Nhưng còn thêm Tí Ngọc và Tí Hậu rồi Tí Hoa và Tí Bão, giống dân Xì Trum, chúng đều có những tính cách khác biệt. Người thì cứng cỏi. Người thì hoạt bát. Người lại thích hát. Người thích cưỡi bọ rồng như cưỡi ngựa.

Quan trọng nhất, không ai trong số các cô xì trum này phải chịu điều mà Tí Cô Nương và đồng bọn từng gánh chịu: nhục nhã khi biết rằng mình thực ra là sản phẩm của gã phù thủy ác ôn, làm từ đất sét, và ban đầu có mục đích hại những xì trum khác. Thay vì thế, cư dân xì trum ở ngôi làng kỳ bí chỉ là những xì trum bình thường, có những tính cách khác nhau (nếu không muốn nói là đều đều). Và gợi ý rõ ràng rằng bây giờ tất cả xì trum sẽ sống hòa thuận.

Một gợi ý hiện đại xuyên suốt, tất nhiên, nhưng là mẹo hay về mặt kể chuyện – chỉ là có nhiều chuyện để kể trong thế giới kỳ ảo đa dạng hơn – và cả một màn kinh doanh vật phẩm ăn theo rầm rĩ.

Bán nhiều thứ về xì trum

Bởi vì, đúng, có rất nhiều thứ liên quan tới Smurfs: The Lost Village để bán. Có sách – một cuốn tiểu thuyết, hướng dẫn thăm làng, và truyện kể kiểu cổ tích. Còn có cuốn sách 45 USD về quá trình làm phim. Còn có bộ quần áo nam châm. Lịch tường 2018 (bao gồm cả bốn tháng cuối 2017). Bộ mực ma thuật (bút đánh dấu không bẩn!) rồi một cuốn sách tìm đường và người bào chế thuốc Pez và một bộ xếp hình. Có những mô hình nhỏ (rất nhiều) và một số bộ đồ chơi cùng rất, rất, rất nhiều đồ bông, một vài con biết nói. Có khi còn nhiều nữa mà người viết không nhớ xuể.

Ô, và Happy Meal của Mc'Donald là không tránh khỏi rồi đó.*

Tí Vua không hài lòng

Phim cho thiếu nhi để bán hàng là một thông lệ già như Tí Vua, một truyền thống được vinh danh theo thời gian ở Mỹ và người viết dự đoán sẽ không bao giờ biến mất. Nhưng cũng đáng nói rằng thời người viết (lắc lắc ngón tay già nua), người ta thường vẫn có cảm giác phim ra trước vật phẩm theo sau.

Giờ thì mọi thứ đã thay đổi. Bất luận do kỳ vọng cá nhân hay bản thân bộ phim, nhưng xem The Lost Village người viết thấy mình thường xuyên tự hỏi liệu nhân vật mình vừa nhìn thấy có lên thành đồ nhựa hay vải nhung có mặt ở tiệm đồ chơi Toys R Us chưa. Người viết thực sự bất ngờ khi biết chiếc máy ảnh/máy in ảnh selfie hình bọ rùa nhỏ nhỏ hay hay mà đám xì trum dùng suốt bộ phim không có, ít nhất là theo người viết biết, trên thị trường của hành tinh chúng ta. Có thể là lần tới.

Nhắc bạn nhớ Danny Pudi trong Community đến nhường nào

Pudi lồng tiếng cho Tí Cận, quá hợp cho nam diễn viên đã vào vai Abed kỳ quặc tuyệt diệu trong phim truyền hình Community.

Tí Cận là một vai lớn cho anh, và là vai đặc thù cho việc chọn diễn viên nhìn chung là thông minh của bộ phim, bắt đầu với Patinkin lồng tiếng Tí Vua và mở rộng tới dàn diễn viên nổi bật (Jakes Johnson trong vai Tí Quạu, Tituss Burgess vai Tí Điệu, Gordon Ramsay vai Tí Làm Bánh) và vài thoáng thiên tài (đỉnh cao là Julia Roberts vai Tí Hậu, Tí Vua phiên bản nữ). Ngôi làng kỳ bí được nhiều giọng nữ quen thuộc lồng tiếng – Ellie Kemper, ca sĩ nhạc pop Meghan Trainor, Ariel Winter của Modern Family – và hiệu ứng tổng quan là cảm giác thân quen.

Nhưng chỉ có Pudi làm người viết nhớ nhất, và nghe giọng anh trong vai chàng Tí Cận thông minh toàn dán mắt vào sách chỉ đường gợi người viết nhớ rằng bất chấp vai diễn trong Powerless, đến giờ, hầu như tài năng của anh chưa được khai thác. Hollywood, hãy nhớ lấy điều đó.

Khởi động lại chuỗi phim Xì Trum trong mong chờ (hy vọng rằng) có một phim hoạt hình 'streaming'

Quá là rõ ràng là Smurfs: The Lost Village tồn tại để tạo ra một cái nền cho thế giới Xì Trum mới ít nhiều giống cái cũ, ngoại trừ nhiều con gái hơn – và, đoán chừng, nhiều bé gái trong khán giả nữa.

Hai nhân vật phản diện: phù thủy Gà Mên và mèo Azael

Tuy nhiên The Lost Village có vẻ hợp với kiểu phim hoạt hình truyền kỹ thuật số (streaming), loại mà cháu gái người viết xem trên Netflix, hơn là cả đống phim nhiều phần để chiếu rạp.

Hình ảnh nổ mắt, những câu nói hài hước, và những đoạn nhạc pop nhẹ nhàng bất ngờ của The Lost Village ban đầu thì thú vị, nhưng hiệu quả nhanh chóng trở nên giảm dần. Không ai quan tâm ngôi làng kỳ bí làm sao mà bị thất lạc. Không ai thắc mắc bộ tộc làm sao mà chia cắt. Không có chuyện quá khứ, không thần thoại, không gì cả ngoại trừ lời đe dọa ngày càng đuối dần của Gà Mên. Cốt truyện của The Lost Village ít nhiều là The Lord of the Rings, nhưng thay vì cứu người Hobbit thoát khỏi đội quân Mordor, hành trình của các người hùng của chúng ta không hiểm nguy đến thế, mà đầy sự lạ lùng và những mảng miếng hài hước, và đầy những thước phim lắp ghép [montage] (có lẽ do tăng thời lượng), và khép lại bằng một bữa tiệc nhảy nhót hoành tráng với ca khúc mới của Meghan Trainor (tựa I’m a Lady).

Tất thảy có thể diễn ra trong 22 phút, nhưng với sự thông thái bất tận của mình, các sếp ở Sony Entertainment quyết định bung lụa thành phim điện ảnh luôn.

Và thế đó. Smurfs: The Lost Village vui nhộn tưng bừng mà thiếu chất, điều khó bào chữa khi những phim như MoanaKubo and the Two Strings rồi Finding Dory đến The Lego Batman Movie và thẳng thắn là cả The Boss Baby được tung ra rạp mà không hề bị mất đà. Chỉ vì dành cho trẻ con không có nghĩa phải làm ngớ ngẩn đi.

Nhưng mà này: sáng chói và sặc sỡ, phim giới thiệu một đám con gái vào thế giới Xì Trum, và giọng lồng tiếng của các diễn viên thật vui. Điều hay nhất từ phim này là một thế giới hoạt hình đa dạng hơn, và có lẽ đôi chút hiệu quả hơn nhờ Danny Pudi. Và người viết cho rằng mình có thể chấp nhận được.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox


* "Happy Meal" là một suất ăn cho trẻ con bán tại chuỗi thức ăn nhanh McDonald's từ tháng 6/1979. Một món đồ chơi được tặng kèm suất ăn này, thường được chứa hết vào hộp hoặc túi giấy có logo McDonald's. (Wiki)