Tin tức

Shoplifters: Gia đình trộm cắp của Kore-eda Hirokazu làm xúc động trái tim ở Cannes

17/05/2018

Kore-eda Hirokazu tái khẳng định mình là một trong những đạo diễn xuất sắc thế giới với bộ phim tâm lý về một gia đình tội phạm làm tan nát trái tim.

Osamu và vợ Nobuyo không còn có thể quan hệ tình dục được. Ở tuổi trung niên và công ăn việc làm vạ vật, vợ chồng nhà Shibata được nhét vào một căn hộ cũ nát ở ngoại ô Tokyo, cùng với cậu con trai sắp vào tuổi teen tên Shota (Jyo Kairi), em gái của Nobuyo (Matsuoka Mayu), và người bà già nua đau yếu mà đồng lương hưu hàng tháng của bà giữ mọi thứ ràng rịt vào nhau. Căn hộ tồi tàn ẩm mốc đó khó chứa đựng nổi những mảnh đời nhồi nhét bên trong nó: hộp và đồ chơi cũ tứ tung, như thể mọi người thà sống trong đống bầy hầy họ tạo ra còn hơn là dám nhớ lại những thứ họ đã mất. Ngay dù Osamu và Nobuyo có hứng tình, thì cũng chẳng có chỗ đâu mà làm chuyện đó.

Nhưng họ yêu nhau, và tìm cách khác để bày tỏ sự gắn kết giữa họ. “Chúng mình kết nối bằng trái tim,” Osamu cười tinh quái nói, cười phá đi, chôn vùi suy nghĩ ấy đâu đó trong núi rác rưởi mà gia đình anh chất đống trong căn hộ của họ. Có lẽ anh muốn phủ nhận, nhưng anh không sai.

Gia đình Shibata gắn kết theo bất cứ cách nào khác: tình yêu, tiền bạc, sự cô đơn, nỗi khổ, tiền bạc (tiền xứng đáng được đề cập hai lần). Còn nữa, trộm vặt: Osamu và Shota khoái ăn cắp đồ cùng nhau, hai cha con cụng tay đáng yêu trước mỗi vụ trộm. Được cái là nhà Shibata có nhiều điểm chung, vì tất cả các tác nhân liên kết đa dạng đó sẽ bị thử thách trong suốt bộ phim Shoplifters kỳ diệu của Kore-eda Hirokazu, một trong những bộ phim tâm lý tinh tế, đánh lừa, cảm động sâu sắc nhất về những tác lực giữ gìn (hoặc làm rã đám) một gia đình của nhà biên kịch-đạo diễn này.

Thận trọng hồi phục từ sau lần đột phá vào phim thể loại một cách khinh suất, Kore-eda trở lại với chủ nghĩa nhân văn đã phủ bóng định hình anh là một trong những nhà làm phim có sức thuyết phục nhất trong vòng 25 năm qua, và cũng — chính vì đó — trở lại với những nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ đau khổ đã khiến mọi người thường xem anh là hậu duệ của Ozu. Tuy nhiên, Shoplifters được mài sắc bằng bản năng sát thủ vốn đang thiếu trong một số tác phẩm gần đây của nhà đạo diễn người Nhật Bản nổi tiếng này.

Trong khi phần lớn của nửa đầu tiếp tục sự rung cảm dễ chịu của Our Little Sister, và bi tình xoắn tim của nửa sau đủ để kích hoạt bất kỳ chấn thương tâm lý nào vẫn vương vấn nơi người xem từ kết thúc của Like Father, Like Son, không chừng bạn còn phải quay ngược trở lại với Nobody Knows hiện thực xã hội ám ảnh năm 2004 để tìm ra một phim Kore-eda khác buốt nhói như phim này — mổ xẻ nỗi cô đơn khi không thuộc về bất cứ ai, và sự hỗn độn của việc cứ gắn chặt lấy nhau.

Chúng ta gặp Osamu (Franky Lily) và Shota vào một trong những lần trộm vặt lu bù, nhưng câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi họ phát hiện cô bé năm tuổi tên Juri (Sasaki Miyu) bị bỏ rơi gần căn hộ của họ. Juri không phải là đứa trẻ nói nhiều nhất thế giới, nhưng những vết sẹo khắp người con bé nói được rất nhiều. Osamu mà không đưa cô bé về nhà ăn tối thì sai quá đi rồi, và dễ hiểu tại sao Nobuyo (Ando Sakura) đề nghị cô bé ở lại lâu hơn một chút. Đâu gọi là bắt cóc nếu bạn không đòi tiền chuộc, đúng không? Vả lại, có một logic cảm xúc nhất định với quan niệm rằng mọi thứ (kể cả con người) nên thuộc về ai yêu thương chúng nhất.

Và gia đình Shabata thương yêu Juri. Ngần ngừ, nhưng thương thật. Tất nhiên, chẳng hại gì khi con bé là một tên trộm bẩm sinh — chủ cửa hàng không bao giờ nghi ngờ con bé, và khi có ai bắt được con bé thì họ trừng phạt nó bằng cách cho kẹo. Tuy nhiên, tối hậu Juri cũng là một chất xúc tác trong vai trò một nhân vật, mà kịch bản rộng lượng và kiên nhẫn của Kore-eda sử dụng để khơi gợi suy ngẫm nào đó từ những người còn lại trong gia đình mới của cô.

Mọi người đang vật lộn với cách người đời nhìn họ, có những cách nhìn theo nghĩa đen hơn những cách khác. Ví dụ, Aki là một dạng lao động tình dục, ẩn đằng sau một tấm gương hai chiều thủ dâm cho những người đàn ông cô độc. Nobuyo bị nhiều người khác ở nơi làm việc để ý tới, và không ai để ý cô theo cách tốt. Trong khi đó, người bà đang xem mình có vị trí trong tất cả những chuyện này, mà phức tạp hơn thoạt đầu xuất hiện (nghĩ lại, “lương hưu” nghe có vẻ ám muội...).

Trên tất cả, Osamu đang nhìn Shota trong một ánh sáng mới, và ngược lại. Tại sao đứa trẻ không gọi anh là “bố?” Hay là để thằng bé đi học trường công chứ? Mỗi một bí ẩn này — và nhiều bí ẩn nữa — được thắt nút với thủ pháp nhẹ nhàng đến nỗi thật khó tin rằng chúng ta đột nhiên bị bỏ mặc phải gỡ rối khi có chuyện và bộ phim chuyển từ câu chuyện mảnh đời lặng lẽ thành… cái gì khác. Một cái gì đó đau đớn và chân thực và cực kỳ đẹp theo cách vụn vỡ của nó.

Thiên tài đan xen giữa xung đột và thủ đoạn, Kore-eda xoay xở để lật ngược bộ phim này từ trong ra ngoài mà không hề phản bội chân lý cộng hưởng nhất của nó. Nếu Shoplifters dành 90 phút cho phép chúng ta chìm đắm trong những hy vọng và nỗi lo hàng ngày của các nhân vật, thì 30 phút cuối của bộ phim sẽ xoắn chúng lại rồi giật rời chúng ra, vắt từng giọt tình người cuối cùng từ gia đình Shibata. Những vết nứt sâu của cảm xúc ngủ yên đột nhiên bùng nổ hiển hiện, vì mọi mẩu cảm xúc bi ai rời rạc mà bộ phim thu thập được cho đến lúc này đều dẫn hết vào một đoạn độc thoại ngắn gọn mà Nobuyo thể hiện trước máy quay.

Đó là một khoảnh khắc tràn ngập cảm xúc trong một loạt những khoảnh khắc tràn ngập cảm xúc; chỉ khi nhìn lại, khi nước mắt khô cạn, thì bạn mới thưởng thức được cách dàn dựng không cầu kỳ của Kore-eda, hay là cách anh nhẹ nhàng dẫn dắt diễn viên của mình đi tới những khoảnh khắc tan vỡ nhất bằng cách cho họ quá nhiều không gian chết trên suốt hành trình. Bạn có thể cảm nhận dàn diễn viên của anh tìm thấy nhân vật của mình trên màn ảnh. Tất cả đều có tâm hồn, và chúng ta có thể thấy những tâm hồn đó bộc lộ.

Shoplifters có thể thiếu tham vọng tiên phong chính quy của Maborosi của Kore-eda, hay trí tưởng tượng sâu sắc của After Life bất hủ của anh, nhưng những gì mới mẻ mà phim này thiếu lại tạo nên tình người nguyên chất. Không hề thuyết giảng hay khiên cưỡng, đây là một bộ phim ám ảnh về những con người bị bỏ rơi, và những thứ đẹp đẽ đã mất đi rồi tìm lại được nơi họ — là một bộ phim đòi hỏi khán giả chiêm nghiệm xem mình thuộc về đâu, và cái gì thuộc về họ.

Đạo diễn Kore-eda Hirokazu (giữa) và dàn diễn viên tại buổi ra mắt phim ở Cannes.

Bạn không được chọn gia đình của mình, nhưng gia đình vẫn là một lựa chọn mà bạn phải lặp đi lặp lại, mỗi ngày và mọi ngày.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IndieWire