Tin tức

Chuyển thể là xu hướng chủ đạo trong ngành điện ảnh Trung Quốc

17/08/2015

Tài sản trí tuệ (intellectual property - IP) là từ thông dụng trong ngành điện ảnh Trung Quốc gần đây. Phim Silent Separation / Bên nhau trọn đời đầu tiên được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết thành loạt phim truyền hình, sau đó được chuyển thể thành phim điện ảnh chiếu trong kỳ nghỉ lễ Lao động vừa qua.

Tác phẩm ra mắt ngay sau các bản chuyển thể điện ảnh của The Left Ear / Tai tráiEver Since We Loved / Vạn vật sinh trưởng. Ngoài việc đều có sự góp mặt của các ngôi sao điện ảnh trẻ tuổi hàng đầu, các bộ phim này có điểm chung là chuyển thể tiểu thuyết nổi tiếng dành cho tuổi mới lớn.

Các biên kịch trong ngành điện ảnh Trung Quốc tạo ra cụm từ “IP movie” (tạm dịch “phim từ tài sản trí tuệ”) để miêu tả xu hướng này.

Tài sản trí tuệ bao gồm quyền tác giả, bằng sáng chế và nhãn hiệu thương mại không phải là những khái niệm mới đối với các nhà làm phim Trung Quốc. Bộ phim đầu tiên của quốc gia này, Dingjun Hill / Núi Định Quân, cũng như các tác phẩm được quốc tế ca ngợi Bá Vương biệt cơCao lương đỏ, cũng chuyển thể từ các cuốn sách.

Áp phích phim Bố ơi, mình đi đâu thế

Nhưng từ năm 2013, phần lớn các bộ phim đều được chuyển thể từ các tài sản trí tuệ sẵn có. Trong số những tác phẩm cuốn hút nhất là Bố ơi, mình đi đâu thế, chuyển thể từ chương trình tạp kỹ nổi tiếng, và My Old Classmate / Bạn cùng bàn, dựa trên bài hát cùng tên.

Nhiều nhà làm phim đi theo xu hướng này và tranh nhau vơ về nhiều tài sản hơn.

Tranh giành tác quyền

Ngoài chương trình tạp kỹ hay bài hát kỳ lạ, tài sản phổ biến nhất để chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình là tiểu thuyết. Nhiều tiểu thuyết mạng bán quyền chuyển thể thành phim với giá ước tính từ 2 triệu đến 5 triệu nhân dân tệ. Bản quyền của các tiểu thuyết nổi tiếng nhất có thể trị giá tới 10 triệu tệ.

Dữ liệu công khai cho thấy quyền sở hữu trí tuệ đối với sách xuất bản trên Cloudary, một diễn đàn văn học trực tuyến, đã tăng 10 lần trong năm vừa qua.

Tính đến cuối năm 2014, 114 tiểu thuyết mạng đã được cấp phép chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình, 24 tiểu thuyết mạng dự kiến chỉ chuyển thể thành phim điện ảnh, theo báo cáo của The Economic Observer.

Cảnh trong phim Bộ bộ kinh tâm, chuyển thể từ tiểu thuyết mạng cùng tên

Tiểu thuyết – đặc biệt là tiểu thuyết mạng – được coi là hấp dẫn hơn kịch bản mới nguyên vì chúng đã có sẵn lượng người hâm mộ. Chuyển thể đề xuất biện pháp đơn giản cho các nhà sản xuất phim nhằm tận dụng lượng người hâm mộ đó. Ngay cả những người không đọc tiểu thuyết cũng bị các sản phẩm này thu hút vì hiểu biết của họ về những người hâm mộ.

Ví dụ như Bên nhau trọn đời được đăng từng chương trên mạng văn học Tấn Giang trong hơn 10 năm. Lượng người hâm mộ tiểu thuyết đông đảo là các khán giả đảm bảo của bộ phim.

“Ngẫm nghĩ ra, các nhà sản xuất đang mua người hâm mộ hơn là câu chuyện. Lượng người hâm mộ nhiệt tình của một cuốn tiểu thuyết quyết định giá trị của tiểu thuyết đó đối với một nhà sản xuất,” Nhiễm Giáp Nam, biên kịch phim Họa bì, nói.

Chung Hán Lương (trái) và Đường Yên trong phim truyền hình Bên nhau trọn đời

Viết kịch bản là phiêu lưu lớn nhất mà một nhà sản xuất phim có thể đối diện. Chuyển thể một cuốn tiểu thuyết sẵn có thành kịch bản thường mất ba tháng, nhưng phát triển một câu chuyện gốc có thể lâu hơn nhiều.

Thiếu trí tưởng tượng

Thiếu sáng tạo có thể là nguyên nhân của xu hướng chuyển thể.

Tuy nhiên hy vọng chưa tắt hẳn: sự bùng nổ điện ảnh cũng khiến vài nhà sản xuất liều lĩnh đem nội dung độc đáo lên màn ảnh.

“Vài năm trước, tôi dự một cuộc hội thảo của các biên kịch. Chỉ một người thực sự nói về việc phát triển kịch bản chất lượng – 20 người khác chỉ muốn tìm mánh khóe gài sản phẩm để quảng cáo. Dường như đơn giản là không nhiều người trong ngành này muốn sáng tạo,” Thúc Hoán, biên kịch phim Lost in Thailand, nói.

Cảnh trong phim Lost in Thailand

Hơn nữa, không phải tất cả các đạo diễn đều hưởng lợi từ phim chuyển thể. Trong khi Bố ơi, mình đi đâu thế?Running Man đạt lợi nhuận khổng lồ, chuyển thể điện ảnh của Voice of ChinaHappy Boys thất bại thảm hại.

“Mua tài sản trí tuệ có thể là cơ hội, nhưng cũng có thể là cạm bẫy. Một số tiểu thuyết mặc dù nổi tiếng nhưng quả thực không phù hợp chuyển thể,” Thư Hoán nói.

Tìm kiếm phương hướng

Việc chuyển thể cũng phổ biến ở nước ngoài: gần hai phần ba các sản phẩm Hollywood được chuyển thể từ tiểu thuyết và truyện tranh. Nổi tiếng nhất trong những năm gần đây là The Twilight SagaThe Hunger Games. Một số tác phẩm phát triển thành các loạt phim dài hơi như The Fast and the Furious, đã ra mắt phần bảy, và 007, hiện tại bao gồm 24 phim.

Cảnh trong trò chơi điện tử Toy Story 3

Nhưng trong khi các bản chuyển thể Hollywood thể hiện chất lượng cao, phim Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tại Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh, biên kịch người Mỹ William Rabkin nói mua bản quyền chỉ là bước đầu tiên. Toy Story 3 thu về 1,1 tỉ đôla ở phòng vé, tuy nhiên doanh thu các trò chơi điện tử, sách và quảng cáo truyền thông liên quan đạt 8,7 tỉ đôla.

Nhưng khả năng sinh lợi dài hạn phụ thuộc vào thành công của bộ phim. Một câu chuyện hay sẽ là cốt lõi của bất kỳ bộ phim nào.

“Câu chuyện cần phải ý nghĩa và hấp dẫn. Chúng phải nắm bắt tinh thần của thời đại. Một bộ phim khó lòng thành công nếu nhà sản xuất chỉ chăm chăm vào sự nổi tiếng của xuất bản phẩm hơn là bản thân câu chuyện,” Triệu Huy, giám đốc tiếp thị phim Bố ơi, mình đi đâu thế?, nói.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Beijing Today