Nhân vật & Sự kiện

Vì sao phim Trung Quốc khó bán ở nước ngoài?

23/05/2013

Nhiều dòng tít lớn trên báo trong năm 2012 cho thấy sự ngạc nhiên trước sức phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc - những kỷ lục phòng vé, số lượng rạp chiếu phim mới khai trương mỗi ngày và cuộc cạnh tranh từng tí một với Hollywood.

Cảnh trong phim Thập diện mai phục

Vậy nên khi có cơ hội xem phim Lost in Thailand, một kỳ tích ở phòng vé với kinh phí thấp của Trung Quốc, tại Hội chợ phim Berlin hồi tháng 3, giới phê bình quốc tế và khán giả đổ xô tới. Họ ngạc nhiên vì bộ phim hài thú vị, được thực hiện rất tốt, song mang nặng tính địa phương về đề tài và sự hài hước, không hấp dẫn ở các nước khác ngoài Trung Quốc.

Sự thất vọng của các nhà bình luận là một dạng phân cực cũ điển hình, đó là làm thế nào bán phim Trung Quốc ở nước ngoài trong khi vẫn xây dựng được ngành điện ảnh trong nước. Vấn đề ngày một cấp thiết hơn.

Mặc dù phòng vé ở Trung Quốc phát triển rất vững, mỗi năm tăng khoảng 30% trong hai năm qua, đưa Trung Quốc trở thành thị trường phim rạp đứng thứ hai sau Bắc Mỹ, nhưng việc xuất khẩu phim Trung Quốc đang dần suy giảm. Theo thông tin của Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT), doanh thu phòng vé ở nước ngoài của các phim Trung Quốc sụt giảm 49% trong năm 2012.

Thị trường xuất khẩu thay đổi

Khán giả châu Âu yêu mến phim của Trung Quốc và các nước châu Á khác vào đầu thế kỷ 21 khi Ngọa hổ tàng long (2000) đơn thương độc mã khai phá một thị trường mới. Các nhà phân phối và khán giả toàn thế giới chuyển sang xem phim hành động cổ trang và bối cảnh Trung Quốc và có thể bỏ qua những rào cản thông thường về phụ đề phim hay những ngôi sao xa lạ, các yếu tố thường làm cho những phim này khó bán.

Phim Ngọa hổ tàng long

Theo sau là phim Tâm trạng khi yêu (2000), dù không cùng thể loại, cũng đã phá vỡ các kỷ lục phòng vé ở nhiều nước trong đó có Vương quốc Anh, tiếp đến là Anh hùng (2002) và Thập diện mai phục (2004). Bộ ba phim Vô gian đạo (2002) của Hồng Kông cũng khiến những người mua phim đến với các phim nói tiếng Quảng Đông.

Thành công của những phim này giúp hãng Sony/Columbia mở một văn phòng sản xuất ở Hồng Kông và khuyến khích các diễn viên và nhà sản xuất khác thu lợi bằng cách thực hiện bộ phim kế tiếp theo phong cách Ngọa hổ tàng long. Đã có một vài phiên bản nhái bất hạnh chẳng hạn như Flying Dragon, Leaping Tiger (Long đằng hổ dược) (2001) và Roaring Dragon, Bluffing Tiger, còn được biết đến với tên Heroes on Fire / Nam quốc phong vân (2000).

Sự bùng nổ diễn ra tại thời điểm mà băng từ (video) vẫn còn mạnh và hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường phụ trợ theo sau việc phát hành phim tại rạp. Kể từ đó, doanh thu từ đĩa DVD và băng từ sụt giảm mạnh ở châu Âu và Bắc Mỹ - hậu quả là hai chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn HMV và Tower Records phá sản – mà doanh thu bán hàng trên mạng không thể hoàn toàn bù đắp được.

Sự sụp đổ của băng từ, suy thoái kinh tế toàn cầu và sự hồi sinh của điện ảnh địa phương ở một số khu vực có nghĩa là các nhà phân phối không còn hứng thú với việc mua nhiều phim Trung Quốc như hồi đầu những năm 2000.

Cảnh trong phim Vô gian đạo

“Chúng tôi chỉ là không mua nhiều phim Trung Quốc như lúc còn hãng Contender,” Jo Sweby nói, trước đây cô từng nhắm đến việc mua lại hãng băng Contender Entertainment Group của Anh trước khi cô và Contender cùng gia nhập công ty phân phối đa quốc gia Entertainment One (eOne). Tương tự, công ty cạnh tranh Showbox Media Group đến từ Anh, trước đây từng là chỗ dựa chính, trong hai năm nay đã không còn mua phim Trung Quốc nữa.

Không chỉ riêng các phim Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề thay đổi thị trường. “Thị trường quốc tế ngày càng khó khăn hơn, vì những hợp đồng mua sản phẩm và việc hợp tác sản xuất không để lại nhiều chỗ cho các phim độc lập hay nước ngoài,” Lợi Nhã Bác nói, ông là giám đốc điều hành công ty Emperor Motion Pictures Ltd, là hãng sản xuất phim của Hồng Kông và Trung Quốc, đồng thời là nhà phân phối ở Hồng Kông. Và ngành công nghiệp điện ảnh ở nhiều nước châu Á thành công trong việc tăng thị phần trong nước.

Nhưng thất bại của phim Trung Quốc trong việc kết nối với thị trường thương mại quốc tế là khá nặng nề, khi xét đến việc rất nhiều quỹ điện ảnh ở thời kỳ tiền suy thoái tài chính được ấn định trong danh sách cho những phim mới theo kiểu Ngọa hổ tàng long và cái ý tưởng phim Trung Quốc sẽ trở nên thịnh hành trên toàn cầu.

Cụ thể như thị trường Bắc Mỹ, là nơi hiếm khi có lời nhất nhưng cũng thường tiêu biểu nhất cho phim Trung Quốc, đã thay đổi đột ngột.

Cảnh trong phim Tâm trạng khi yêu

Nhiều công ty phân phối độc lập như Magnolia và IFC giảm việc phát hành phim ở rạp, ủng hộ những dự án video theo yêu cầu dạng cao cấp và dạng đặc biệt (lên video trước khi chiếu rạp). Những chuyên gia châu Á trong các công ty như North America ImaginationTV, Tokyopop và Indomia Releasing cũng ngưng các hoạt động phân phối. Các hãng phim Hollywood cũng mua ít phim châu Á hơn, và nhiều tựa phim Trung Quốc cũng không thành công với việc mua bán.

Well Go USA Inc. vẫn là một công ty phân phối truyền thống, ưu tiên những bộ phim nhắm đến các đối tượng khán giả khác nhau ở rạp, dù thật sự thì việc này cũng giúp công ty kiếm được hơn 70% thu nhập từ doanh thu loại đĩa DVD lỗi thời. Công ty đối thủ, China Lion Film Distribution, tìm kiếm nhóm khán giả Hoa kiều và những nước có thể phát hành phim cùng lúc với Trung Quốc và Hồng Kông.

“Ông lớn” trong ngành chiếu bóng Mỹ AMC Entertainment Inc, hiện đã rơi vào tay gã khổng lồ trong giới điện ảnh và bất động sản Wanda của Trung Quốc, cũng thò chân vào cuộc chiến phân phối ở Mỹ. Công ty đã mua và phát hành phim Lost in Thailand hồi tháng 2/2013 (tổng doanh thu chỉ đạt 57 ngàn đôla trong hai tuần đầu tiên) và hiện đang nhắm đến việc phát hành hai phim một năm.

“Có nhiều nhân tố ảnh hưởng không tốt lên doanh thu phòng vé ở Mỹ của các phim Trung Quốc,” Doris Pfardrescher, giám đốc điều hành của Well Go, nói. “Video theo yêu cầu là cách xem phim dễ dàng, đặc biệt với các phim chiếu rạp và những cơ hội cho video đang teo tóp dần. Điều thứ hai là thể loại phim. Những phim Trung Quốc thành công ở Mỹ thường là các phim hành động võ thuật, tuy nhiên các phim hiện đang thành công ở lãnh thổ Trung Quốc lại là phim hài, tình cảm và viễn tưởng – những phim thế này gặp khó khăn với việc chuyển ngữ ở nước ngoài.

Các phim Trung Quốc đang thành công ở thị trường nội địa là phim hài, tình cảm và viễn tưởng

“Nói khả năng tiêu thụ phim Trung Quốc đang sụt giảm là không hoàn toàn đúng. Với China Lion, doanh thu phòng vé năm 2012 của chúng tôi tăng 100% so với năm 2011,” Milt Barlow, người sáng lập hãng China Lion và cũng vừa rời khỏi công ty hồi đầu tháng 3, nói. “Vấn đề thực sự là các hãng phim Trung Quốc và đại lý bán hàng thiếu chú trọng để việc phát hành có ý nghĩa ở Mỹ diễn ra trơn tru. Việc sao chép bất hợp pháp là đối thủ hàng đầu của chúng tôi cạnh tranh khán giả Mỹ gốc Á ở khu vực Bắc Mỹ, nếu chúng tôi không phát hành cùng lúc với quê nhà châu Á thì bộ phim sẽ chết. Và hãy thực tế đi nào, khán giả phương Tây của dòng phim thị trường lại không thích xem những phim này.

Xác định thể loại phim

Thể loại phim mà các nhà làm phim Trung Quốc đang thực hiện cũng là vấn đề nan giải không kém. Nhiều người cho là những phim như thế quá thiển cận hoặc quá công thức.

Ngược lại, hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc, xếp một số chủ đề nhất định vào mục cấm, yêu cầu mỗi bộ phim phải được chấp nhận để phát hành phổ biến – Trung Quốc không có hệ thống đánh giá hay phân loại như phần lớn các nước khác – bị các nhà làm phim cũng như nhà phân phối ở nước ngoài đổ lỗi làm bó hẹp thể loại phim.

Các nhà sản xuất, gồm có Giang Chí Cường của công ty Edko Films Ltd và Trương Gia Chấn của Lion Rock Productions, nói rằng những hạn chế như vậy khiến họ không thể thực hiện những bộ phim hình sự đương đại cho thị trường Đại lục, dù họ có thể làm điều tương tự ở Hồng Kông. (Năm 2012, Giang Chí Cường thực hiện bộ phim Cold War / Điệp vụ đối đầu được phát hành ở Trung Quốc và đạt doanh thu phòng vé hơn 40 triệu đôla Mỹ.)

Cảnh trong phim Cold War

“Việc làm phim quan trọng nhất là thể loại và có nhân vật phản diện mạnh mẽ. Nếu không có người xấu, người tốt sẽ chẳng có việc gì để làm, nhưng thật khó để làm các phim điện ảnh đương đại vì thể loại tội phạm hiện sẽ không qua được khâu kiểm duyệt,” đạo diễn Trung Quốc Trần Đại Minh nói.

Ông Lợi Nhã Bác của công ty Emperor Motion Pictures tổng kết lại vấn đề khó xử của các đại lý bán hàng. “Phim hài Trung Quốc không đi xa được. Các phim hành động thì bại dưới tay phim Mỹ do các hiệu ứng đặc biệt. Phim chính kịch thì cần những tên tuổi lớn mà chúng ta thì không có. Và phim võ thuật cổ trang thì nhan nhản khắp nơi,” ông nói.

Giới học giả, chẳng hạn như Derek Elley - nhà phê bình chính của trang Film Business Asia - biện luận rằng năng suất 700 tựa phim một năm hiện nay của Trung Quốc có tiến bộ và đổi mới vượt xa mức được công nhận. Những đề tài đúng ra là cấm kỵ như ma quỷ và du hành vượt thời gian lại thực sự thành công trên màn ảnh. Trung Quốc thậm chí còn thích thú với bộ phim quái vật phiêu lưu hành động đầu tiên Million Dollar Crocodile hồi năm 2012 nữa.

Nhưng quan điểm thì khó mà thay đổi và điện ảnh Trung Hoa có thể còn mắc kẹt cho đến khi các đại lý bán hàng và nhà tiếp thị chủ động quảng bá sự đa dạng của Trung Quốc và tận dụng các cơ hội quốc tế như liên hoan cho việc đó. “Tôi chẳng cần xem thêm những lời ca ngợi lịch sử Trung Hoa nào nữa. Tôi ngạc nhiên vì những phim này vẫn thành công với khán giả Trung Quốc. Việc số phim Trung Quốc xuất khẩu đang giảm cũng chẳng có gì bất ngờ,” Christoph Terhechte, người tuyển chọn chính tại khu vực diễn đàn ở Liên hoan phim quốc tế Berlin, nói.

Các liên hoan phim quốc tế là cơ hội tốt để quảng bá cho sự đa dạng của phim Trung Quốc

Vì thị trường trong nước của Trung Quốc vẫn rất mạnh, nên họ ít có động lực để thực hiện nỗ lực lớn nhằm chiều theo thị hiếu toàn cầu.

“Các công ty Trung Quốc không biết gì về kinh doanh quốc tế. Đó là vì họ quá chủ trọng vào thị trường trong nước. Họ cũng giống Nhật Bản vào những năm 1970,” Lợi Nhã Bác nói. “Trung Quốc là cơ hội cho chúng tôi. Thực ra chúng tôi nên bố trí lại đội ngũ nhân viên ở phía quốc tế cũng như các tổ chức ở Trung Quốc,” ông Lợi nói. “Và thực sự thì chúng tôi đang tiến hành đấy.”

Có những phim ngoại lệ tận hưởng thành công về doanh thu, nhưng rất ít. “Thị trường Trung Quốc dần biến thành một con quái vật ghê gớm đến nỗi các bộ phim Đại lục không tiến ra được châu Á hay các nước khác trên thế giới. Lost in Thailand là một ví dụ,” Lâm Đức nói – ông là người đứng đầu công ty phân phối Clover Films Pte Ltd của Singapore, bắt đầu tự thực hiện các phim Hoa ngữ.

12 con giáp của Thành Long là một trong những phim Trung Quốc hiếm hoi kết nối được – phim thành công ở Trung Quốc và phá vỡ nhiều kỷ lục ở châu Á. Thách thức ở đây là cân bằng được nhu cầu trong nước và quốc tế - để tìm ra một phim khác như 12 con giáp.

Cảnh trong phim 12 con giáp

Những người khác chỉ ra một yếu tố không thể đổ lỗi cho nhân viên kiểm duyệt: đó là tâm trạng. “Các phim Trung Quốc trở nên quá tăm tối, hiếm lắm mới có một người hùng đặc biệt vượt trội,” nhà sản xuất và bình luận phim Trung Quốc Bey Logan nói. “Các phim như Đầu danh trạng (2007), Thập nguyệt vi thành (2009), Âm mưu hoàng tộcBack to 1942 đều không vui vẻ gì. The Last Supper / Huyết yến cũng vô cùng u ám. Đạo diễn của bộ phim là Lục Xuyên còn nói với tôi rằng đó là sự đen tối trong tâm hồn người Trung Quốc. Nhưng đó là lý do mọi người có thể thấy buồn. Đó cũng là lý do khiến các phim Diệp Vấn (2008) được đánh giá tốt. Đó là những câu chuyện đơn giản về chủ nghĩa anh hùng cá nhân được kể rất hay.

Các yếu tố kỹ thuật

Các yếu tố kỹ thuật, chuyên ngành cũng có thể gây khó cho phim Trung Quốc trong việc tung hết sức tấn công thị trường quốc tế.

“Rất khó cho các nhà phân phối nước ngoài trong việc lập chương trình và mua bán phim Trung Quốc vì trước mắt họ không biết chắc về ngày phát hành,” nhà sản xuất Thi Nam Sinh của phim Vô gian đạo nói. “Đó là vấn đề về kiểm duyệt và nội dung.”

Dù sao về lâu dài thì lịch sử và kinh tế có thể là lợi thế của Trung Quốc. Mười năm sau, bức tranh có thể là các công ty Trung Quốc khác tiếp bước Wanda Media Co Ltd và có cổ phần ở Hollywood, còn những công ty nước ngoài như Village Roadshow Pictures Asia Ltd và Fox International Productions hoàn toàn gắn với xuất phẩm Trung Hoa.

Phim của các công ty này, như Tây du ký: Mối tình ngoại truyệnHot Summer Days (2010) đã đặt khán giả và thị hiếu Trung Quốc lên hàng đầu và thu tiền trong nước cho các nhà đầu tư. Doanh thu quốc tế chỉ đơn giản được xem là phần thưởng thêm.

Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi