Nhân vật & Sự kiện

Vì sao Hollywood mà ta từng biết đã kết thúc rồi

25/08/2017

Với lượt xem ở mức thấp nhất trong vòng hai thập niên và lợi nhuận đang teo tóp, dạng phá hủy đã tấn công công nghiệp âm nhạc, xuất bản và nhiều ngành khác giờ đang định hình lại ngành công nghiệp giải trí. Từ Aaron Sorkin trí tuệ nhân tạo đến diễn viên CGI đến biên tập bằng thuật toán, cây bút Nick Bilton của Vanity Fair khảo cứu những chuyện gì đợi phía trước.

I. KHOẢNH KHẮC GIỌT MƯA

ài tháng trước, tiên đoán về tương lai kinh tế của Hollywood trở nên mờ mịt và ngập tràn sợ hãi. Tôi đứng trên trường quay của một bộ phim có quy mô khá nhỏ ở Burbank, phía bắc Los Angeles, nói chuyện với một biên kịch về kinh doanh điện ảnh-truyền hình đã trở nên kém hiệu quả thế nào. Trên hết, đứng trước chúng tôi là khoảng 200 thành viên đoàn làm phim, những người đang thơ thẩn theo nhiều cấp độ, kiểm tra ánh sáng hay dựng lều, nhưng đa số đang chơi điện thoại giết thời gian hay nhấm nháp đồ ăn vặt từ những lều hậu cần. Khi tôi góp ý với biên kịch rằng cảnh tượng như vậy có thể khiến các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon đau tim vì nguồn nhân lực không được sử dụng và các phí tổn quá mức dành cho một sản phẩm như thế – mà bản thân nó cũng không đảm bảo thành công về mặt chiến lược – anh ta chỉ cười và đảo mắt. “Anh chẳng biết gì cả,” anh ta bảo tôi.


Về người viết: Nick Bilton đứng trang cho Vanity Fair, anh viết về công nghệ, chính trị, kinh doanh và văn hóa. Anh còn đóng góp cho CNBC, và trước đó là The New York Times. Anh đã viết ba cuốn sách, trong đó có tác phẩm bán chạy Hatching Twitter, ghi lại những biến đổi của Twitter từ khởi đầu non trẻ trở thành một công ty trị giá hàng tỉ đôla, gần đây được Lionsgate chuyển thể truyền hình. Anh sống ở Los Angeles với vợ, con trai và chó Pixel.

Ngưng một chút, anh kể tôi nghe một giai thoại xảy ra gần đây trên phim trường một chương trình truyền hình, thậm chí còn đáng sợ hơn: êkíp đang quay một cảnh ở tiền sảnh một công ty luật, với nhân vật chính trong cơn mưa chạy ào vào để nói câu thoại do biên kịch này viết. Sau một cảnh quay trước đó, đạo diễn hô “Cắt”, và biên kịch này, theo thói quen tiến lại chỗ diễn viên để nhận xét diễn xuất của anh ta. Khi họ đang trò chuyện, biên kịch thấy một giọt nước mưa còn đọng trên vai diễn viên. Anh lịch sự phủi nó xuống. Lúc đó, một nhân viên phục trang từ đâu xông lại mắng anh. “Đó không phải việc của anh,” cô gắt. “Việc của tôi.”

Nhà biên kịch chưng hửng. Nhưng anh đã làm việc ở Hollywood đủ lâu để hiểu ý thực sự của cô ấy là gì: theo nghĩa đen, lau nước mưa trên quần áo của một diễn viên là việc của cô – một công việc được trả lương hậu hĩnh và được công đoàn bảo vệ. Và như với hàng trăm người trên trường quay, chỉ có cô mới được làm.

Khoảnh khắc giọt nước mưa đó, và vô số sự việc tương tự mà tôi đã thấy trên phim trường hay được nghe những người tôi gặp trong ngành kể, có vẻ hiển nhiên là vô hại và buồn cười. Nhưng nó cũng củng cố một tình huống dường như đang dần rõ rệt và bức bối – cảm giác xảy đến cho bạn mỗi khi bạn xem Fringe hay một cô gái ngây thơ cố gắng làm mới bản thân thành một biểu tượng mạng xã hội hay người sáng lập ra thời trang thể thao hàng ngày:* Hollywood, như chúng ta từng biết, đã kết thúc rồi.

Cả một đội quân nhân viên đủ loại đằng sau một cảnh quay cho bộ phim The Next Voice You Hear của hãng MGM năm 1950

Vào giữa thập niên 90, lần đầu tiên tải về một tập tin MP3, tôi nhận ra ngành công nghiệp âm nhạc đang gặp rắc rối lớn. Những người ở tuổi tôi lúc đó (chưa đủ tuổi theo luật để uống rượu) không muốn trả 20 đôla cho một cái đĩa CD khi tất cả những gì chúng tôi thèm muốn chỉ là một bản nhạc trong album. Hơn nữa, chúng tôi muốn nhạc của mình ngay lập tức: thà tải (lậu) từ Napster hoặc cuối cùng là từ iTunes (hợp pháp) để không mất công đi tìm cửa hàng Sam Goody gần nhất. Hóa ra khuynh hướng thiên về sự hiệu quả – tùy chỉnh âm nhạc của mình và điểm bán hàng – không hề là một bản năng thế hệ. Điều đó giải thích vì sao ngành công nghiệp âm nhạc chỉ còn chừng phân nửa của mười năm trước.

Những ưu tiên này không chỉ giới hạn trong ngành âm nhạc. Tôi cũng trực tiếp cảm thấy được khoảnh khắc giọt mưa đó khi bắt đầu làm việc tại The New York Times đầu những năm 2000. Hồi đó trang web của tờ báo bị ghẻ lạnh, đẩy sang một tòa nhà cách tòa soạn trên đường West 43rd hàng dãy phố. Những trang blog mới nổi lên – Gizmodo, Instapundit, và Daily Kos mở đường cho những trang lớn hơn và hiện đại hơn như Business Insider và BuzzFeed – đã đồng loạt nở rộ khắp nước Mỹ. Song phần lớn chúng lại bị tờ Times lẫn các biên tập viên mà nhà xuất bản, cũng như những hãng thông tấn khác phớt lờ. Thường thì những tiến bộ công nghệ – bao gồm thiết bị đọc sách điện tử và những nền tảng tạo blog miễn phí trên mạng như WordPress và Tumblr – đã từng bị cả ngành chế giễu là ngớ ngẩn, cũng như Napster từng bị nhiều năm trước.

Trải nghiệm xem phim thời xưa

Dĩ nhiên, cùng một logic đã tàn phá ngành âm nhạc cũng hủy hoại ngành in ấn xuất bản: độc giả không muốn đến sạp báo để mua cả một tờ báo trong khi họ chỉ quan tâm đến một hoặc hai bài viết. Và, trong nhiều trường hợp, họ thật sự không quá quan tâm tên người viết là ai ở đầu mục. Vì vậy doanh thu quảng cáo báo chí giảm từ 67 triệu đôla năm 2000 còn 19,9 triệu đôla năm 2014. Trong khi đó, sự thảm hại tương tự cũng diễn ra trong ngành xuất bản sách. Nhiều người mua không muốn sách bìa cứng với giá 25 đôla trong khi bản điện tử chỉ 9,99 đôla. Một thuật toán thường đưa ra gợi ý tốt hơn nhân viên hiệu sách. Và khách hàng không bao giờ phải rời nhà để mua cuốn sách họ muốn. Nhận biết được điều này, Amazon đã moi ruột ngành xuất bản. Mặc dù số lượng ấn phẩm cuối cùng cũng lấy lại thăng bằng (đa phần nhờ dựa vào sách khoa học viễn tưởng hoặc kỳ bí), doanh số ngành xuất bản cũng tuột dốc trong mười năm qua.

ollywood ngày nay, dường như ở vào thế cho một cuộc tàn phá tương tự. Khán giả đang dần chuộng nội dung theo yêu cầu hơn, nhân lực thì đắt đỏ và các giới hạn ngày càng thu hẹp. Dù vậy khi tôi hỏi những người ở Hollywood liệu họ có lo sợ một số phận như thế không, câu trả lời của họ nhìn chung là bất chấp. Các nhà làm phim rất khôn khéo và linh hoạt, nhưng một số cũng quả quyết rằng công việc họ làm là rất chuyên biệt không thể so sánh với những thay đổi mạnh mẽ ở những ngành truyền thông đang rối loạn khác. “Chúng tôi khác,” một nhà sản xuất nói với tôi. “Không ai làm được điều chúng tôi làm.”

Rạp đôi Cinemas I và II mở ở thành phố New York năm 1962, ảnh chụp ngày 27/4/1971

Nhớ lại thì, câu trả lời ấy là điều các biên tập viên và các nhà sản xuất âm nhạc từng nói. Và số liệu củng cố cho thực tế. Khán giả của rạp chiếu bóng giảm xuống mức thấp nhất trong 19 năm qua, với doanh thu chỉ khoảng hơn 10 tỉ đôla – tức chỉ cỡ số cổ phiếu của Amazon, Facebook, hay Apple xê dịch trong một ngày. DreamWorks Animation được bán cho Comcast với khoản tiền còm cõi 3,8 tỉ đôla. Paramount gần đây được định giá khoảng 10 tỉ đôla, xấp xỉ giá khi Sumner Redstone thu tóm công ty này hơn 20 năm trước, trong trận chiến đấu thầu với Barry Diller. Từ năm 2007 đến 2011, tổng lợi nhuận của năm hãng phim lớn – Twentieth Century Fox, Warner Bros., Paramount Pictures, Universal Pictures, và Disney – giảm 40%. Các hãng giờ đây chỉ chiếm chưa đến 10% lợi nhuận của công ty mẹ. Đến năm 2020, theo một số dự báo, tỷ phần đó sẽ giảm xuống còn khoảng 5%. (Disney, một phần nhờ vào Star Wars và những loạt phim thành công khác, có cơ may là ngoại lệ đáng chú ý.)

Ngành giải trí, đã tiến vào một vòng xoắn ốc đi xuống do những thế lực kinh tế lớn hơn tạo ra. Khoảng 70% doanh thu phòng vé đến từ nước ngoài, điều đó có nghĩa các hãng phim phải buôn lậu một số phim hành động nổ tung và truyện tranh ly kỳ dễ dịch sang tiếng phổ thông Trung Quốc. Hay những bản làm lại và phần tiếp theo dựa trên những sở hữu trí tuệ có sẵn. Nhưng thậm chí công thức đó cũng đã cạn kiệt. Những công ty Trung Quốc, trong đó có tập đoàn Dalian Wanda, đang điên cuồng thu tóm các công ty như Legendary Entertainment, AMC, và Carmike Cinemas, một chuỗi rạp nhỏ hơn, với mục tiêu rõ ràng là học cách Hollywood làm việc để Trung Quốc có thể làm tốt hơn. Như tờ Wall Street Journal đã viết hè năm ngoái, ngày càng có nhiều phần tiếp theo đổ bộ. Tờ Fortune gọi đó là “mùa hè của những thất bại thảm hại”. Ben-Hur của MGM do Mark Burnett sản xuất, tốn 100 triệu đôla nhưng chỉ thu về 11 triệu đôla trong kỳ cuối tuần mở màn.

Một rạp chiếu bóng AMC gần Quảng trường Thời Đại ngày 23/8/2016. Tập đoàn Dalian Wanda Trung Quốc đã mua AMC Entertainment Holdings năm 2012 với 2,6 tỉ đôla

Nhưng mối đe dọa thực sự không phải là Trung Quốc. Mà là Thung lũng Silicon. Hollywood, do quá phụ thuộc vào phim chuỗi, đã nhường lại phần lớn nội dung hấp dẫn hơn cho các kênh truyền hình trả phí và dịch vụ trực tuyến như HBO và Showtime, và dần dần là các hạ tầng kỹ thuật số hoàn toàn như Netflix và Amazon. Những công ty này còn tiếp cận được các công cụ phân tích mà Hollywood không bao giờ hiểu được, và dị ứng với sự thiếu hiệu quả của Hollywood. Rất ít ai thấy được sự thay đổi một cách tường tận bằng bản thân Diller, người đã từ điều hành Paramount và Fox đến thành lập một đế chế công nghệ của riêng mình, IAC. “Tôi không hiểu sao ngày nay còn có người muốn lập công ty điện ảnh,” Diller nói tại Hội nghị thượng đỉnh New Establishment của Vanity Fair tháng 10/2016. “Họ không làm phim, chỉ làm kỹ xảo thôi.” (Phân nửa khán giả ở hội trường, có lẽ là đại diện cho ngành công nghệ, cười to vì lời châm biếm này; nửa kia, từ Hollywood, thì rúm người lại.) Khi tôi nói chuyện với Mike Moritz, ông trùm đầu tư mạo hiểm, nhà tài trợ của sự kiện, ông đã nhận định một cuộc đầu tư trên danh nghĩa vào một công ty công nghệ thành công chút ít còn đem lại nhiều tiền hơn những bộ phim ăn khách nhất của Hollywood. “Theo tôi thấy,” ông nói, “Hollywood đang chết dần.”

II. FACEBOOK TỚI

ột phần của vấn đề đó là, có vẻ như Hollywood vẫn xem những kẻ xâm nhập từ phía bắc là đối thủ. Nhưng trên thực tế, Silicon Valley đã chiến thắng rồi. Chỉ là Hollywood chưa nhận ra điều đó thôi.

Khi Netflix bắt đầu tự sản xuất nội dung năm 2013, chuyện đó đã gây sốc cho ngành công nghiệp giải trí. Điều đáng sợ nhất đối với các nhà sản xuất của ngành giải trí không đơn giản chỉ là Netflix tự quay và chiếu phim điện ảnh lẫn phim truyền hình, về cốt lõi khiến cho sự khác biệt giữa hai thứ đó không còn quan trọng nữa. (Thật vậy, một bộ phim không có rạp chiếu sẽ ra gì? Hay một chương trình có sẵn dưới dạng trọn bộ mười hai tập?)

Mối đe dọa thực sự là Netflix làm tất cả những chuyện đó bằng sức mạnh của máy tính. Ngay sau màn ra mắt đáng chú ý của House of Cards, cố nhà báo David Carr tiên đoán trên tờ Times, “Phần đáng sợ…? Những người điều hành công ty biết rằng nó sẽ thành công vang dội ngay trước cả khi ai đó hô “diễn”. Những ván cược lớn nhất giờ đây đều do Big Data định đoạt."

Quan điểm của Carr đã nhấn mạnh một xu thế lớn hơn, quan trọng hơn. Netflix không đang cạnh tranh với cơ sở hạ tầng đã định hình của Hollywood nhiều bằng cạnh tranh với những kình địch thật sự: Facebook, Apple, Google (công ty mẹ của YouTube) và những hãng khác. Trước đó không lâu có một thời điểm mà những công ty công nghệ có vẻ như ở trong vùng của họ, chẳng hạn: Apple chế tạo máy tính; Google thiết kế công cụ tìm kiếm; Microsoft tập trung vào phần mềm văn phòng. Mối quan hệ ôn hòa đủ để giám đốc điều hành một gã khổng lồ công nghệ có thể ngồi vào ghế quản trị của một tập đoàn khác, như chủ tịch Google Eric Schmidt đã từng ở Apple.

Song, ngày nay tất cả các công ty công nghệ lớn đều đang cạnh tranh khốc liệt để giành lấy một thứ: sự chú ý của chúng ta. Bốn năm sau lần ra mắt của House of Cards, Netflix, đã giành được 54 đề cử Emmy đáng kinh ngạc năm 2016, đang chi 6 tỉ đôla một năm cho chương trình giải trí mới nguyên. Amazon cũng không kém cạnh. Apple, Facebook, Twitter và Snapchat đều đang thử nghiệm nội dung mới nguyên do chính họ tạo ra. Microsoft sở hữu một trong những sản phẩm sinh lời nhất trong phòng khách của chúng ta, máy Xbox, một hệ máy chơi game đồng thời là thiết bị trung tâm cho tivi, xem phim ảnh và truyền thông xã hội. Như The Hollywood Reporter đã ghi nhận năm nay, các nhà điều hành các kênh truyền hình truyền thống lo sợ rằng Netflix và những công ty tương tự sẽ tiếp tục đổ tiền vào làm chương trình và phim mới nguyên, và tiếp tục tận hưởng nguồn tài năng sáng tạo ít ỏi của ngành công nghiệp này. Hồi tháng 7/2016, tại một cuộc họp của Hiệp hội Phê bình Truyền hình ở Beverly Hills, chủ tịch FX Networks John Landgraf nói: “Tôi nghĩ nhìn chung sẽ rất tệ cho những người viết kịch bản nếu như một công ty được nắm 40, 50 hay 60% cổ phần nội dung.”

uy vậy, nếu xem xu hướng này là khải huyền thì sẽ là sai lầm. Đây chỉ là mở đầu của một cuộc tàn phá.

Tính đến nay, Netflix mới chỉ đơn thuần đưa DVD đến khán giả nhanh hơn (thông qua việc chiếu trên mạng), phá vỡ kế hoạch kinh doanh truyền thống mỗi tuần một lần, các chương trình truyền hình có quảng cáo, và giúp củng cố động từ “luyện phim” trong văn hóa hiện nay. Cái cách làm chương trình lẫn phim ảnh nặng nề và kém hiệu quả vẫn còn và chưa được thay đổi đáng kể. Phim trường mà tôi đến thăm ở Los Angeles với 200 nhân viên không phải cho một chương trình của NBC hay Fx; mà thực ra là một xuất phẩm cho dịch vụ streaming. Sự lãng phí và kinh phí đội quá mức diễn ra khắp cả ngành. Khi xem xét sự phí phạm này, một tập phim của một chương trình truyền hình vừa phải điển hình có thể tốn 3 triệu đôla cho quay phim và sản xuất. Đem so sánh, một doanh nghiệp khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon sẽ kêu gọi được từng ấy tiền để điều hành một đội kỹ sư và máy chủ trong hai năm.

Nhưng tất cả những người làm truyền hình đều cảm thấy như đang ở một cảng an toàn, bởi vì khâu sản xuất của một dự án được các hiệp hội bảo vệ – một số như Hiệp hội Các nhà sản xuất phim Mỹ, Hiệp hội Đạo diễn Mỹ, Hiệp hội Các nhà biên kịch Mỹ, Hiệp hội Diễn viên Mỹ, Hiệp hội Các nhà biên tập điện ảnh Mỹ, Hiệp hội Chỉ đạo nghệ thuật quốc tế. Tuy nhiên, những tổ chức này thực sự khó mà đưa ra sự bảo vệ đáng kể, hay lâu dài. Các hiệp hội báo chí đã liên tục thất bại trong một thập kỷ qua. Họ có thể đã ngăn nhiều người không bị mất việc ngay lập tức, nhưng sau cùng cũng là đồng lõa trong những cuộc thôn tính lớn đã khiến lực lượng nhân sự trong ngành báo chí giảm 56% từ năm 2000. Hơn nữa, đối với những công ty khởi nghiệp, các quy định ăn sâu của chính phủ và các tổ chức trì trệ không hẳn là trở ngại, mà là một thứ để phá hủy khác. Uber và Lyft đã chi phối phần lớn các hiệp hội và những nhà lập pháp khi họ bành trướng khắp thế giới. Những tổ chức đó cũng không ngăn Airbnb phát triển khắp các thành phố của Mỹ. (Công ty này có hơn 2,3 triệu danh sách thống kê ở 34.000 thành phố). Google, Facebook và những gã khổng lồ công nghệ quảng cáo, và vô số công ty khác có tất cả, trừ yêu cầu khó kiểm soát về tính bảo mật gia tăng từ các tổ chức như Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ. Và đó chỉ là nêu ra những ví dụ dễ thấy nhất. Vào thập niên 50, điện ảnh là ngành kinh doanh bán lẻ lớn thứ ba ở Mỹ, chỉ sau cửa hàng tạp hóa và đại lý ô tô. Hãy nhìn xem Thung lũng Silicon đã làm gì với hai ngành kia rồi.

rung tâm của sự tàn phá này là yếu tố nền tảng nhất của Hollywood: rạp chiếu phim. Cũng như khách hàng giờ đây thường tránh mua album mà mua đĩa đơn (hay các dịch vụ phát nhạc trực tuyến như Spotify), và tránh sách bìa cứng để mua sách điện tử tiết kiệm hơn, thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ ngừng đến rạp, loại việc hiện đã đắt đỏ, hạn chế và bất tiện rồi. Thay vào đó phim sẽ đến với chúng ta. Nếu ngành điện ảnh tiếp tục quá trình “mở cửa sổ” (tức các hãng phim đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng để phát hành một bộ phim đã ra rạp trên các hạ tầng khác), khán giả sẽ tiếp tục ăn cắp một bộ phim họ muốn xem, hoặc sẽ đơn giản là cùng ngừng xem những phim đó. (Năm 2015, những phim đứng đầu rạp bị tải lậu hơn nửa tỉ lần). Trong khí đó, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chọn các hình thức giải trí khác, như YouTube, Netflix và trò chơi điện tử, hay chuyển sang Instagram hay Facebook.

Kết thúc đang đến với rạp chiếu: cuối cùng người ta sẽ ngừng đến rạp!

Và chỉ còn là vấn đề thời gian – có lẽ vài năm nữa – trước khi phim được chiếu trên các trang mạng xã hội. Với Facebook đó là một cuộc tiến hóa tự nhiên. Công ty này, với con số đáng nể 1,8 tỉ người dùng hoạt động mỗi tháng, theo nghĩa đen là một phần tư hành tinh, rốt cuộc đang sắp hết số người mới tham gia vào dịch vụ của Facebook. Có lẽ cách tốt nhất để tiếp tục lôi kéo các nhà đầu tư ở Wall Street bơm tiền vào cổ phiếu – Facebook hiện là công ty lớn thứ bảy trên thế giới theo giá trị vốn hóa thị trường – là khiến người ta dán mắt vào Facebook lâu hơn nữa. Còn cách nào tốt hơn là một bộ phim dài hai tiếng?

Điều này có thể bắt đầu với trải nghiệm thực tế ảo của Facebook. Bạn đeo một cặp kính Oculus Rift và ngồi trong một rạp chiếu phim ảo với bạn bè, tụ họp từ khắp nơi trên thế giới. Facebook thậm chí còn có thể thả một quảng cáo bên cạnh bộ phim, thay vì bắt người dùng trả tiền. Khi tôi hỏi một giám đốc tại Facebook vì sao điều đó chưa xảy ra, tôi được bảo rằng, “Cuối cùng cũng sẽ có thôi.”

III. AARON SORKIN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

gày nay công nghệ có thể thay đổi một ngành công nghiệp với tốc độ cực kỳ chóng mặt. Uber, nay đã được tám năm, đáng giá hơn 80% công ty trên danh sách Fortune 500. Khi nào theo đuổi một ngành công nghiệp mới, là Thung lũng Silicon làm hết mình.

Từ trái qua: King Athur, Baywatch, Valerian – những đại diện thất bại của mùa phim hè 2017

Các nhà điều hành Hollywood có thể dựa vào kỹ năng đặc biệt của họ, nhưng những kỹ sư thì khó mà nhìn nhận vấn đề như vậy. Chúng ta thường cho rằng trí thông minh nhân tạo gây ra mối đe dọa cho những công việc yêu cầu tay nghề thấp hơn, chẳng hạn như lái xe tải hoặc taxi. Nhưng thực tế giai cấp sáng tạo không phải không bị ảnh hưởng bởi phần mềm và trí thông minh nhân tạo. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo của Viện công nghệ Massachusetts đang nghiên cứu cách hướng dẫn máy tính tập trung thông tin để dự đoán sự cố cả trước khi chúng xảy ra. Hiện tại, ứng dụng này dự báo được các sự kiện có thể ảnh hưởng thị trường, hay điều khiển máy quay an ninh để hỗ trợ lực lượng phản ứng khẩn cấp trước khi thảm họa xảy ra.

Nhưng những công nghệ này còn có nhiều ứng dụng khác nữa. Nếu bạn có thể cho chiếc máy tính những kịch bản hay nhất trước giờ, cuối cùng nó có thể tạo ra một thứ gần như bản sao của một kịch bản do Aaron Sorkin viết. Với viễn cảnh đó, khó mà có việc một thuật toán có thể tạo ra một Social Network** tiếp theo, nhưng kết quả sau cùng có thể cạnh tranh với những kịch bản thường thường, và thậm chí khá tốt hiện đang thống trị nhiều rạp mỗi mùa lễ. Một dạng tự động hóa chắc chắn sẽ có ảnh hưởng cực lớn đến các biên tập viên, những người cần mẫn chẻ nhỏ hàng trăm giờ phim để tạo ra “cắt cảnh” đẹp nhất của một bộ phim hoặc chương trình truyền hình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trí tuệ nhân tạo có thể làm được điều đó bằng cách phân tích hàng trăm ngàn giờ đồng hồ của những thước phim đoạt giải? Trí tuệ nhân tạo có thể sáng tạo 50 cắt cảnh khác nhau của một bộ phim và truyền chúng đến người tiêu dùng, phân tích khán giả bắt đầu chán hay hứng thú chỗ nào, và đổi cách biên tập theo ngay, gần như kiểu trắc nghiệm A/B của hai phiên bản cho một trang web để xem phiên bản nào hoạt động tốc hơn.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trí tuệ nhân tạo có thể làm được công việc của biên kịch, biên tập phim bằng cách phân tích hàng trăm ngàn giờ đồng hồ của những thước phim đoạt giải?

Diễn viên cũng bị ảnh hưởng theo nhiều cách từ nhiều năm nay – từ việc dựa dẫm vào các siêu anh hùng mặc đồ hóa trang cho tới sự phát triển của việc làm phim bằng kỹ xảo vi tính. Nhiều hãng đại diện mà tôi từng trò chuyện có vẻ đã biết trước điều này và chuyển hồ sơ tránh xa Hollywood để nhận khách hàng từ bên thể thao chuyên nghiệp cùng với những bên khác. Có lý do để ta thấy rất nhiều người từng là diễn viên hứa hẹn, từ Jessica Alba, Kate Hudson, Jessica Biel tới chị em nhà Mowry, đều muốn làm mới mình trong những công việc mới ở tuổi 30 và 40, thời hoàng kim của họ. Tương lai báo trước nhu cầu về diễn viên giảm đi, bất chấp sự phản đối trẻ con của Donald Trump, ngoài những Meryl Streep của thế giới.

Kim Librri, người đã dành nhiều năm trong ngành điện ảnh tạo hiệu ứng đặc biệt cho những phim như The MatrixStar Wars, tiên đoán rằng đến năm 2022 phần đồ họa sẽ tiên tiến đến mức “khó phân biệt đâu là thật”. Về nhiều mặt, điều đó sắp sửa xảy ra rồi. Nếu đã xem Rogue One, bạn sẽ nhận ra Peter Cushing là một trong những diễn viên chính của phim, được ghi hình tại London năm ngoái. Cushing, đã qua đời năm 1994, được tái hiện (hầu hết) bằng kỹ xảo vi tính. Tương tự với công chúa Leia do cố diễn viên Carrie Fisher thủ vai, xuất hiện trong vai khách mời cuối phim. Phiên bản dựng bằng kỹ xảo máy tính của bà không già đi chút nào từ năm 1977. “Dù các ngôi sao từng có thể làm nêm một bộ phim, giờ đây họ có thể phá hỏng nó,” một nhà sản xuất ở Hollywood than thở với tôi. Quan điểm của ông tương tự Moritz: “Minh tinh điện ảnh, như mọi thứ khác ở Hollywood, đang chết dần.”

Peter Cushing (trái) và Carrie Fisher (giữa) trong phim Star Wars gốc năm 1977 – cả hai đều đã qua đời và được tái hiện bằng kỹ xảo CGI trong Rogue One năm 2016

IV. KHÁN GIẢ THẮNG

hững ví dụ trên đây về sự can thiệp của công nghệ – trí thông minh nhân tạo, diễn viên dựng bằng kỹ xảo vi tính, các chương trình điều chỉnh thuật toán và những cái khác – đều có ngoại lệ. Cũng như những thứ khác liên quan đến tiền và sự sáng tạo – chắc chắn sẽ có một hạng mục đứng đầu – những ai có ý tưởng hay, mới, tân tiến và những ai vượt trội hơn hẳn mọi người – thực sự không thể thay thế được. (Dĩ nhiên điều này đã được khẳng định qua trường hợp của ngành âm nhạc, báo chí và xuất bản.) Sẽ có những nhà biên kịch và thậm chí diễn viên xuất sắc. Song, người chiến thắng thật sự là người tiêu dùng. Chúng ta sẽ không phải trả 50 đôla để đi xem phim trong một tối hẹn hò, và sẽ có thể xem những gì mình muốn, vào thời điểm mình muốn, và quan trọng nhất, ở nơi mình muốn.

Và mặc dù Hollywood có thể kiểm soát được số phận của mình, thì các doanh nghiệp đã trưởng thành – những công ty vận hành theo cùng những cách qua hàng thập kỷ và nơi mà những tay chơi hàng đầu gắn chặt lợi ích – cũng khó mà thay đổi từ bên trong. Thay vào đó, người ta có thể mường tượng ra tương lai như thế này: Bạn về nhà (trên một chiếc xe tự lái) và nói to với Alexa hoặc Siri hay một trợ lý ảo nào đó chưa ra đời rằng, “ta muốn xem một phim hài có hai vai nữ chính.” Alexa trả lời: “Được, nhưng ông phải ăn tối lúc 8 giờ. Tôi có nên làm một phim dài một giờ không?” “Được, nghe hay đó.” Và rồi bạn ngồi xuống xem phim trên một chiếc tivi giống như giấy dán tường kỹ thuật số. (Samsung đang nghiên cứu các thiết bị trình chiếu linh hoạt có thể cuộn lại như giấy và bao quanh cả căn phòng.) Và bạn, may ra vào thời hoàng kim của trí tuệ nhân tạo, có thể sẽ xem phim được cùng với bạn đời của mình, đang đi công tác cách nửa vòng trái đất.

Cảnh phim Passenger, trong đó hai nhân vật (do Chris Pratt và Jennifer Lawrence, trái, đóng) chọn phim để xem cùng nhau khi họ thức dậy sớm trên con tàu không gian đầy những hành khách ngủ đông di cư sang hành tinh khác. Tương tự, may ra vào thời hoàng kim của trí tuệ nhân tạo, người ta có thể sẽ xem phim cùng với bạn đời của mình, đang đi công tác cách nửa vòng trái đất

Còn có những giả thuyết tiêu cực hơn nữa, tiên đoán rằng điện ảnh và trò chơi điện tử sẽ hợp nhất và chúng ta sẽ trở thành diễn viên trong một bộ phim, đọc thoại hoặc được bảo “coi chừng!” khi một chiếc xe hơi nổ tung lao về phía chúng ta, không khác mấy so với những trình tự mà Mildred Montag làm mỗi chiều tối trong Fahrenheit 451. Khi chúng ta sau cùng cũng đến được lúc đó, bạn có thể chắc chắn hai điều. Tin xấu là nhiều người trên phim trường của một bộ phim tiêu chuẩn Hollywood sẽ mất việc. Tuy vậy, tin tốt là chúng ta sẽ không bao giờ thấy chán nữa.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair

*Athleisure: phong cách thời trang sử dụng quần áo thể thao trong đời sống hàng ngày.
**The Social Network: tên bộ phim do Aaron Sorkin viết kịch bản.