Nhân vật & Sự kiện

Chinawood: Tại sao nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc gặp thách thức ở thị trường quốc tế

22/07/2017

Khán giả Mỹ bình thường sẽ không nhận ra ngay The Great Wall là phim đồng sản xuất với Trung Quốc, quay hoàn toàn ở Trung Quốc, do đạo diễn Trung Quốc chỉ đạo, và có sự tham gia của một số minh tinh điện ảnh Trung Quốc nổi tiếng nhất.

Nhưng với nhiều chuyên gia phân tích trong ngành, The Great Wall là phép thử xem một phim kinh phí lớn, đa văn hóa có thể làm mô hình cho các xuất phẩm đồng sản xuất Trung-Mỹ trong tương lai tốt đến mức nào.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu (áo đỏ) chỉ đạo Matt Damon (phải) trên trường quay The Great Wall

Thật không may, phim chưa làm ra được đủ số 150 triệu đôla kinh phí sản xuất, thu ròng chỉ được 128,04 triệu trong 15 ngày đầu tiên, trong khi các chuyên gia đề xuất phim này cần đạt 450 triệu doanh thu ròng thì mới không bị xem là một thất bại phòng vé. Phê bình dành cho bộ phim cũng xoàng như doanh thu vậy. Nhìn chung, phim đạt trung bình 5/10 sao trên Douban, một trang mạng bình sách và bình phim nổi tiếng của Trung Quốc.

Việc The Great Wall rớt xa kỳ vọng có nghĩa câu hỏi liệu phim Trung Quốc làm có thể nắm bắt được khán giả phương Tây sớm không, và tại sao đến nay quá nhiều phim Trung Quốc không làm được chuyện đó, lại tiếp tục là đề tài tranh luận. Mặc dù The Great Wall chẳng phải là dấu hiệu kết thúc việc đồng sản xuất giữa Mỹ và Trung Quốc, phim này quả có chỉ ra một số vấn đề nhất định về cơ chế trong mô hình đó nói riêng và trong nền điện ảnh Trung Quốc nói chung sẽ phải được giải quyết trước khi ta có thể kỳ vọng phim do Trung Quốc sản xuất làm ăn thành công ở Mỹ.

Tại sao đồng sản xuất?

Tìm một đối tác Trung Quốc là bước đầu tiên để làm phim và phát hành ở Trung Quốc, không thì không thể thâm nhập được thị trường cực kỳ giới hạn của nước này. Trung Quốc ấn định hạn ngạch 34 phim nhập khẩu ăn chia doanh thu cho phim nước ngoài vào Trung Quốc, những suất đáng thèm muốn. Nhưng dù một phim được đảm bảo một suất trong đó, người nước ngoài không được phép độc lập phát hành phim của họ, và phải phát hành thông qua một doanh nghiệp Trung Quốc. Hoạt động làm phim cũng chịu những giới hạn tương tự ngăn cản hãng phim nước ngoài làm phim mà không có đối tác Trung Quốc.

Nữ diễn viên Trung Quốc Cảnh Điềm của The Great Wall tại sự kiện ra mắt phim này ở Bắc Kinh cuối năm 2016

Kết quả của những rào cản này, xuất phẩm đồng sản xuất, cho phép một nhà sản xuất nước ngoài làm phim hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc, đã nổi lên như một cách tăng cường thâm nhập thị trường điện ảnh Trung Quốc. Dạng đồng sản xuất phổ biến nhất là hợp tác sản xuất, trong đó cả hai bên đầu tư và sản xuất phim, vì những xuất phẩm này được xem là phim nội địa nhờ đó không phải chịu hạn ngạch nhập khẩu và có thể được phát hành thẳng ở Trung Quốc. Để đủ tư cách là phim hợp tác sản xuất, ít nhất một phần ba diễn viên của bộ phim phải là người Trung Quốc và phim phải chứa nội dung quan trọng mang yếu tố văn hóa Trung Quốc.

Đối với các nhà sản xuất phim Trung Quốc, đồng sản xuất là cơ hội hấp dẫn để các ngôi sao và nhà làm phim Trung Quốc đột phá vào thị trường quốc tế. Qua xuất phẩm đồng sản xuất và đầu tư vào tài sản điện ảnh của Mỹ, Trung Quốc đã ngày càng đẩy mạnh mục tiêu làm phim cho khán giả quốc tế. Theo nghĩa này, đồng sản xuất có vẻ là cùng thắng — các ngôi sao Trung Quốc có cơ hội nhắm tới khán giả Mỹ, còn Mỹ được thâm nhập vào thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.

Về lý thuyết, những quan hệ đối tác như thế tạo ra các xuất phẩm tồn tại hai nền văn hóa cho phép văn hóa Trung Quốc được quốc tế thưởng thức và xuất phẩm nước ngoài có cơ hội trình chiếu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thực tế, đồng sản xuất khó, nếu không nói là bất khả thi, hấp dẫn cả khán giả Trung Quốc lẫn khán giả quốc tế — The Great Wall là ví dụ điển hình. Nhiều vấn đề làm cho The Great Wall thất bại, trong đó có cách kể chuyện không cảm hứng, nhân vật không có ý nghĩa, và đủ loại vấn đề và trì hoãn trong sản xuất, có thể được quy về những vấn đề lớn hơn trong đồng sản xuất Trung-Mỹ.

Áp phích The Great Wall ở Nhà hát Trung Hoa TCL, Los Angeles, tại buổi công chiếu toàn cầu do Legendary Pictures và Universal Pictures tổ chức ngày 15/2/2017

Bức tường thành kiểm duyệt

Những hạn chế do cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc áp đặt là trở ngại chủ yếu mà việc đồng sản xuất phải vượt qua, trong nỗ lực thu hút cả thị trường Trung Quốc lẫn quốc tế. Tất cả phim ảnh, dù sản xuất ở Trung Quốc hay nước ngoài, phải được cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc chấp thuận dành cho tất cả khán giả, vì ở Trung Quốc không có hệ thống phân loại phim. Các nhà kiểm duyệt thẩm định kịch bản hoặc phim thành phẩm để ngăn ngừa những nội dung mà họ xem là phá hoại ổn định xã hội, đạo đức xã hội, hoặc nhà nước Trung Quốc.

Điều này rõ ràng tác động đến nhà sản xuất Trung Quốc và đối tác của họ — nhưng cũng ảnh hưởng đến Hollywood qua việc buộc nhà sản xuất loại bỏ những cảnh nào đó trước khi một bộ phim được trình chiếu ở Trung Quốc. Cloud Atlas loại một số cảnh có tính tranh cãi, chẳng hạn yêu đương đồng giới và một cảnh miêu tả quan hệ tình dục giữa người nhân bản với quản lý của cô. Nhiều thay đổi khác xảy ra vì những lý do kém rõ ràng — Mission: Impossible III phải cắt biên tập một cảnh trong đó nhân vật của Tom Cruise băng qua dây phơi đầy quần áo, vì việc thể hiện thiếu máy sấy quần áo ở Thượng Hải được coi là miêu tả thành phố này theo ý xấu.

Kiểm duyệt phim cho thấy mối quan tâm của Trung Quốc trong việc gìn giữ hình ảnh tích cực về Trung Quốc. Mối quan tâm này gần đây được tái khẳng định bằng luật điện ảnh mới khuyến khích việc truyền bá “những giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” trong phim Trung Quốc, trong khi không thay đổi bất cứ quy định hay thực hành nào trong ngành này.

Lana và Andy Wachowski cùng Tom Tykwer và nữ diễn viên Trung Quốc Châu Tấn tham dự sự kiện ra mắt sử thi giả tưởng Cloud Atlas ở Bắc Kinh ngày 21/1/2013 [Ảnh: China.org.cn]

Tuy nhiên, những nỗ lực đó của chính phủ là đối trọng với việc thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Trong một phỏng vấn với Harvard Political Review, giáo sư Stanley Rosen của University of Southern California giải thích: “Nếu bạn có những giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi trong một bộ phim, bất luận là giá trị gì, thì bạn không chỉ thất bại dứt khoát ở quốc tế, mà cũng sẽ thất bại ở trong nước, vì đó không phải là điều người ta muốn xem.”

“Trong những phim như Tiny Times, … toàn về chủ nghĩa vật chất và tiêu dùng xả láng của những đứa trẻ giàu có — điều mà nhà nước Trung Quốc đặc biệt không thích. Nhưng phim này vẫn hốt khẳm ở phòng vé trong khi cạnh tranh với Hollywood,” Rosen nói tiếp, “thế nên bạn có sự đối nghịch cơ bản. Bạn muốn nhấn mạnh điều gì, chính trị hay thương mại?” Sự đối nghịch giữa mục tiêu chính trị và thương mại phần lớn nằm trong cách mà nhà kiểm duyệt giới hạn câu chuyện có thể được kể. Nội dung nào có xu hướng bán tốt ở phòng vé — tình dục, bạo lực, và chủ nghĩa cá nhân nổi loạn — thường bị các nhà kiểm duyệt loại bỏ. “Những người hùng trên phim Mỹ như Iron Man hay Avenger chống đối chính phủ thẳng thừng,” Rosen nói, “Bạn không thể làm vậy trong phim Trung Quốc.”

Những căng thẳng khiến khó mà nói liệu những hạn chế của chính phủ đối với ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc có đạt mục tiêu của chính phủ không. Một mặt, các nhà sản xuất phim Hollywood nỗ lực có chủ ý để khắc họa đất nước và con người Trung Quốc theo cách tích cực, đôi khi cực kỳ tốn kém — trong Red Dawn, nhân vật phản diện Trung Quốc được biến thành Bắc Triều Tiên bằng kỹ thuật số ở giai đoạn hậu kỳ. Mặt khác, Trung Quốc không thành công trong việc phóng chiếu hình ảnh tích cực về văn hóa Trung Quốc với quốc tế, khi nỗ lực ở những xuất phẩm đồng sản xuất đa văn hóa như The Great Wall không thành công trong việc thâm nhập thị trường Mỹ lẫn thị trường Trung Quốc.

Những cảnh cụng ly uống rượu xa hoa trong phim Tiny Times đã kích thích nhu cầu rượu vang đắt tiền ở khán giả Trung Quốc

Nhu cầu địa phương

Phải chăng vấn đề chỉ là các nhà làm phim Trung Quốc không có khả năng sáng tạo những nội dung giải trí mà phần còn lại của thế giới muốn xem? Thành công trong quá khứ nói ngược lại — ai có thể quên phim võ thuật Trung Quốc thập niên 80 và 90 đã đem đến cho phương Tây Lý Tiểu Long và Thành Long? Tuy nhiên, kể từ thời đó thì Trung Quốc và thị trường điện ảnh của nước này đã thay đổi mạnh. “Thời đó chưa có thị trường điện ảnh trong nước, nên các nhà làm phim nhất thiết phải làm phim cho khán giả quốc tế,” Mathew Alderson, luật sư làm việc ở Bắc Kinh chuyên về lĩnh vực giải trí và truyền thông Trung Quốc, nói với Harvard Political Review. “Nhưng ngày nay họ làm phim hấp dẫn hoặc nhắm đến thu hút khán giả nội địa, chuyện này hoàn toàn dễ hiểu vì họ có tầng lớp trung lưu nay vào khoảng ba phần tư của một tỉ người.”

Theo Alderson, vấn đề chính trị hay kinh tế không lớn bằng vấn đề khán giả mục tiêu. “Bạn không thể cứ kỳ vọng nền điện ảnh nước nhà làm hài lòng khán giả nước ngoài khi nó tập trung vào phim nội địa, và nghịch lý hay vấn đề là ở chỗ đó,” ông giải thích.

Sự tập trung vào khán giả trong nước như thế có vẻ được tưởng thưởng. Phim nội địa đạt thành tích ấn tượng ở phòng vé Trung Quốc mấy năm qua, bao gồm Lost in Thailand, The Mermaid, và Journey to the West. Với những câu chuyện thành công trong nước như thế, các nhà sản xuất Trung Quốc ngại mạo hiểm đánh mất khán giả trong nước để mưu cầu thành công quốc tế.

Làm phim hấp dẫn khán giả nội địa là đặt cược ăn chắc cho các nhà sản xuất Trung Quốc

Với những ai quan tâm hơn khía cạnh thương mại của nền công nghiệp này thì hiển nhiên nhắm vào khán giả nội địa mình hiểu rõ thay vì mạo hiểm trong những xuất phẩm đa văn hóa là an toàn hơn. Xem ra sự đón nhận hờ hững dành cho The Great Wall khẳng định điều đó. Nếu như phim thể hiện phong cách nghệ thuật cao, kể chuyện bằng hình ảnh mà Trương Nghệ Mưu, đạo diễn của The Great Wall, vốn nổi tiếng, và các ngôi sao Trung Quốc có câu chuyện nền nhiều hơn, thì ít ra phim đã nắm bắt được khán giả nội địa rồi. Trong việc chấp nhận mạo hiểm cố gắng dành cho khán giả cả hai nước, The Great Wall chẳng hấp dẫn được ai.

Nới lỏng kiểm soát?

Không rõ tại sao phim Trung Quốc lại không thành công trên trường quốc tế. Dù sao, phải có thay đổi nào đó trong công nghiệp điện ảnh Trung Quốc thì chúng ta mới có thể thấy một kỷ nguyên vàng mới của phim Trung Quốc khắp thế giới, dù đó là nới lỏng kiểm duyệt, cải thiện cách kể chuyện, hay tầm nhìn thương mại quốc tế nhiều hơn đối với nhà sản xuất Trung Quốc.

Thay đổi có thể có ở tương lai với các cuộc tái đàm phán sắp tới về hạn ngạch nhập khẩu phim của Trung Quốc. Kỳ hạn tái đàm phán là tháng 2/2017 đã đến rồi đi, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra lúc nào đó trong năm nay. Giới chức Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng những cuộc đàm phán sẽ tăng số lượng phim nhập khẩu, với Cục trưởng Cục điện ảnh Trung Quốc Trương Hồng Sâm cảnh báo nhiều cạnh tranh hơn từ phim nước ngoài trong năm 2018. Cục trưởng Trương có vẻ tự tin vào sự tráng kiện của ngành này bất chấp những sụt giảm doanh thu phòng vé.

Ảnh trái: Áp phích tiếng Trung của Beauty and the Beast. Giới kiểm duyệt Trung Quốc thể hiện họ biết về khoảnh khắc đồng tính nam trên phim (ảnh phải) nhưng không cắt

Việc nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu ăn khớp với một vài việc được xem là sự nới lỏng hơn về kiểm duyệt của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ quan trọng ở đây là hơn — nội dung đồng tính nam thoáng qua trong Beauty and the Beast đã lọt lưới kiểm duyệt của Trung Quốc, nhưng Moonlight nói chung được xem là không thích hợp cho thị trường này vì nội dung đồng tính nam.

Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ đó không nhất thiết sớm dẫn đến những thay đổi cơ bản trong công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Theo Alderson, “Bạn không thể cho rằng Trung Quốc sắp trở nên như Hoa Kỳ và mở cửa thị trường với thế giới còn lại, bất luận đó là thị trường phim điện ảnh hay truyền hình hay bất kỳ thứ gì khác.”

Việc tăng hạn ngạch phim nhập khẩu có thể, thông qua cạnh tranh, cải thiện chất lượng của phim nội địa vì các nhà làm phim Trung Quốc buộc phải cạnh tranh dữ dội hơn với phim nước ngoài. Nếu việc nới lỏng kiểm duyệt xảy ra, thì cũng sẽ giúp các nhà sản xuất Trung Quốc kể nhiều loại câu chuyện mà trước đó từng bị hạn chế. Tuy nhiên, chuyện này sẽ điều chỉnh sự đối nghịch giữa lợi ích kinh tế với lợi ích chính trị hay làm thay đổi những tính toán của nhà sản xuất trong nước thì còn tùy vào suy đoán.

Cảnh trong phim Wu Kong / Ngộ Không kỳ truyện - bộ phim Trung Quốc mới nhất kể câu chuyện phái sinh về nhân vật Tôn Ngộ Không từ tác phẩm kinh điển Tây du ký tiếp tục khai thác tốt sự yêu thích của khán giả nội địa

Một xuất phẩm đồng sản xuất Trung-Mỹ thành công rộng rãi không phải là bất khả thi, mà đặt cược an toàn hơn sẽ là những xuất phẩm đó tiếp tục nhắm vào một đối tượng khán giả cho đến khi có thay đổi phù hợp trong môi trường luật pháp và sáng tạo của Trung Quốc.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Harvard Political Review