Nhân vật & Sự kiện

Thời hoảng loạn: Nội tình mùa hè địa ngục cho ngành kinh doanh phim ảnh Hollywood 2017

05/09/2017

CEO của AMC Entertainment đã chịu đựng một tuần bầm dập, chứng kiến công ty vận hành rạp chiếu mà ông lãnh đạo mất đi 27% giá trị trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi giới phân tích báo động doanh thu quý tới của công ty sẽ tệ hơn dự đoán. Hôm 4/8, một báo cáo tai họa được công bố cho thấy chuỗi rạp chiếu lớn nhất nước Mỹ này chìm trong thua lỗ giữa cơn suy thoái phòng vé lan rộng toàn ngành điện ảnh, ông đã thộn ra.

“Nói rằng chúng tôi thất vọng là nói giảm nói tránh,” Aron cho biết. “Quý vừa rồi hoàn toàn phá sản.”

AMC không là công ty duy nhất bị tổn hại. Với toàn bộ chuỗi cung ứng kinh doanh điện ảnh — từ những hãng phim làm ra phim đến những công ty đưa phim đến người tiêu dùng — đây là mùa hè địa ngục. Những thất bại oành oạch như King Arthur: Legend of the SwordBaywatch kéo phòng vé tuột luốt. Doanh thu vé giảm 10,8% trong mùa hè và 3% cả năm tính đến nay. Doanh thu rạp chiếu dự kiến giảm qua hai tháng kế tiếp. Cuối tuần kết thúc, công bố quán quân mới của phòng vé, The Dark Tower, làm ra chưa tới 20 triệu đôla. Cùng kỳ cuối tuần đó năm ngoái, Suicide Squad tung cước 134 triệu. Hè được xem là mùa làm ăn sinh lời nhất trong năm đối với các hãng phim — ở năm 2017 này, họ không thể đợi tới lúc cất đồ bơi lên nóc tủ.

Nhà phân tích Jeff Bock quy thành tích phòng vé nghèo nàn này cho một nhân tố — “đó là quá dựa dẫm vào những phần tiếp theo mang lại thành công cho Hollywood,” ông nói. “Ai nấy đều thất vọng trừ Guardians of the Galaxy Vol. 2.”

Mối đe dọa từ dịch vụ streaming kỹ thuật số cũng tăng lên, chạm đến các hãng phim, Bock lập luận. Trong cuộc chiến giành người xem trên vùng đất truyền thông bị phân mảnh, các hãng phim đang thua trận.

King Arthur: Legend of the Sword thất bại khó đỡ

“Câu chuyện của mùa hè năm ngoái là Stranger Things [của Netflix], còn năm nay là Game of Thrones [của HBO],” Bock nói. “Trước kia chuyện từng là ‘Hè này có phim gì ở rạp?’”

Đến lượt mình, câu hỏi đó kích hoạt một cuộc rớt giá cổ phiếu rạp chiếu dữ dội. Từ đầu tháng 8, bốn chuỗi rạp hàng đầu ở Bắc Mỹ mất 1,3 tỉ đôla giá trị. Sự chảy máu này chắc còn tiếp tục vì phòng vé tăng tốc sụt giảm. Nếu quý hai tồi tệ, hãy chờ xem quý tới — ước tính doanh thu vé có thể giảm 15% so với năm trước.

Các hãng phim lớn là những người bị trừng phạt vì lục lọi chạn thức ăn phim chuỗi quá nhiều lần rồi, nhưng có những tuần tàn bạo quá sức cho những đấu thủ độc lập. EuropaCorp cầm chắc thua lỗ hàng chục triệu đôla vì Valerian and the City of a Thousand Planets, một dự án đam mê trị giá 180 triệu đôla từ nhà sáng lập và đạo diễn Luc Besson nếu kiếm được 60 triệu ở Bắc Mỹ thì đã là may mắn lắm. Broad Green, hãng phim độc lập đứng sau A Walk in the Woods, công bố đóng cửa bộ phận sản xuất phim và cắt giảm 20% nhân sự sau nhiều năm thất bại.

Valerian and the City of a Thousand Planets, một dự án đam mê và tốn kém Luc Besson mắc cạn ở phòng vé Bắc Mỹ

Sự bất định còn được củng cố thêm ở khoảng trời độc lập. Open Road, đã chống lưng cho phim đoạt giải Oscar năm 2016, Spotlight, được bán cho Tang Media hôm 7/8 với số tiền không được tiết lộ, còn Hasbro suýt nữa đã thu tóm Lionsgate trước khi các cuộc đàm phán bị vỡ trận.

Nhà phát hành độc lập mới Annapurna ghi được điểm với giới phê bình bằng phim đầu tiên mà công ty phát hành, Detroit của Kathryn Bigelow, nhưng bộ phim chính kịch kinh phí 30 triệu nói về cuộc nổi loạn năm 1967 chật vật hòa vốn bất chấp được đẩy bằng marketing.

Quy kết giai đoạn khó khăn này của Hollywood chính là do các bộ phim thì dễ rồi. Nhưng vấn đề vượt xa chuyện kiểm soát chất lượng. Một điều mà ngành điện ảnh đặc biệt thông thạo những năm gần đây là khai phá những nguồn vốn mới; từ Đức đến Trung Quốc đến Texas, các nhà điều hành hãng phim đã sục sạo khắp toàn cầu sử dụng quyền lực mềm và thảm đỏ mời mọc và ‘selfie’ bằng minh tinh điện ảnh để đoạt lấy tiền của những nhà đầu tư giàu có. Nhưng nhà giàu ngu đã khôn lên. Chán ngán mất đi hàng đống tiền cho những phim lẽ ra là thắng như Ghostbusters khởi động lại và The Brothers Grimsby, Lone Star Capital cắt thỏa thuận bỏ vốn với Sony vào tháng 7. Quỹ này bực mình ở chỗ đó không phải là thỏa thuận tốt và không cần thiết phải bỏ tiền ra. Thôi rồi, vì theo một nhà điều hành đã gặp gỡ Sony về việc thay vào Lone Star, các nhà bỏ vốn không quan tâm và không ấn tượng với những phim sắp tới của hãng.

AMC, chuỗi rạp chiếu lớn nhất nước Mỹ thua lỗ giữa cơn suy thoái lan rộng Hollywood

Rồi đến cơn đau đầu Trung Quốc, một loạt thắt chặt trên cả nước này đe dọa đến nguồn tăng trưởng hứa hẹn nhất của kinh doanh điện ảnh. Các nhà điều hành Viacom đã bay đi Trung Quốc cố giải cứu 500 triệu đôla từ Huahua sau khi công ty truyền thông này không chi tiền đợt tháng 6 cho Paramount. Chuyến công tác của họ xảy ra vào lúc Dalian Wanda, tập đoàn khổng lồ đã kích hoạt sự tiêu xài xả láng tiền Trung Quốc vào Hollywood với thương vụ thu tóm Legendary và AMC, đang thoái vốn tài sản trong lĩnh vực du lịch trị giá 9 tỉ đôla để trang trải nợ nần.

Stan Rosen, chuyên gia về chính trị và xã hội Trung Quốc tại USC, nói rằng các hạn chế mới có hiệu lực của quốc gia này về đầu tư ra nước ngoài mở ra sự đầu tư có chọn lọc trong các ngành có lợi cho Trung Quốc. “Họ sẽ xem xét hết sức kỹ lưỡng bất cứ khoản đầu tư nào,” ông nói. “Thông điệp rất rõ ràng rằng không phải chỉ vì bạn có thể ký hợp đồng với công ty nước ngoài thì có nghĩa thỏa thuận đó sẽ được chấp thuận.”

Vương Kiện Lâm, chủ tịch Dalian Wanda, tập đoàn khổng lồ đã kích hoạt sự tiêu xài xả láng tiền Trung Quốc vào Hollywood với thương vụ thu tóm Legendary và AMC

Aynne Kokas, giáo sư Đại học Virginia và tác giả cuốn Hollywood Made in China, nói việc đầu tư nước ngoài hoãn lại đang góp thêm quan ngại của ngành điện ảnh đối với Trung Quốc. Quốc gia này đang trong giai đoạn biến chuyển chính trị, chọn lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc mới. Các hãng phim cũng đang đàm phán hạn ngạch nhập khẩu phim hàng năm mới với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, đế thêm căng thẳng bằng việc kiểm toán có thể phơi bày gian lận báo cáo phòng vé của các nhà phát hành Trung Quốc.

Vì công nghiệp điện ảnh Trung Quốc không tăng trưởng nhanh chóng như dự đoán, các hãng phim Mỹ có thể có đòn bẩy. Kokas dự đoán hạn ngạch sẽ được tăng lên nhưng cảnh báo rằng chừng nào chuyện đó chưa xảy ra chừng đó “sự bất định còn tiếp diễn”.

Cả Kokas lẫn Rosen đều tin rằng những hạn chế về đầu tư ra nước ngoài sẽ được dỡ bỏ, nhưng sự trì trệ đang dẫn đến kinh hoàng khắp các hãng phim. Sự tình sẽ được cải thiện ở hè năm tới thì đúng rồi, khi đó các hãng phim tìm cách quyến rũ người xem quay lại rạp chiếu với The Incredibles 2, Jurassic World: Fallen Kingdom và phim ăn theo Star Wars về Han Solo. Lý thuyết có vẻ là khán giả vẫn còn thích phần tiếp theo… đối với đúng chuỗi phim.

Jurassic World: Fallen Kingdom, một trong những mặt hàng chủ lực để các hãng phim dụ dỗ người xem quay lại rạp chiếu

Eric Wold, chuyên viên phân tích cao cấp tại B. Riley & Co., không tin rằng phòng vé hè 2017 tệ hại dẫn tới báo động. “Người ta thường phản ứng hơi quá một chút khi bạn có một giai đoạn phòng vé yếu kém ngắn hạn,” Wold nói. “Phản ứng đầu tiên là kiểu của vấn đề mang tính hệ thống trong ngành này.”

Loại bỏ yếu tố thay đổi trong khẩu vị khách hàng, phòng vé sẽ có thể bật lên lại. Nhưng trong một thế giới của những khổng lồ kỹ thuật số và khổng lồ truyền thông, các công ty phim có vẻ hết sức còi cọc. Lấy ví dụ thương vụ 85 tỉ đôla của AT&T với Time Warner (thương vụ vẫn đang chờ chính phủ thông qua). Tập đoàn viễn thông này chi ra một khoản tiền ‘khủng’ cho công ty đứng sau HBO và Warner Bros. Thế nhưng với tất cả hỏa lực màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ, Time Warner sẽ đóng góp chưa đến 20% doanh thu của tập đoàn viễn thông này. Có phải chúng ta đang tiến vào thời đại phim bom tấn và những chương trình tản nhiệt là thứ gì đó được đẩy lên bằng một kế hoạch viễn thông tốn kém hơn?

Rồi sẽ có ngày, và ngày đó có lẽ đang đến rất nhanh, chương trình giải trí không còn là vua. Mà đó là chất phụ gia.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety