Nhân vật & Sự kiện

Liệu Trung Quốc có mở cửa trở lại cho nội dung giải trí của Hàn Quốc?

27/04/2021

Một trong những hệ quả bất ngờ của đại dịch toàn cầu và những tiến triển chính trị năm vừa qua đó là quan hệ ấm lên giữa hai nước sản xuất chương trình giải trí lớn nhất khu vực, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, hy vọng bừng lên ở cả hai quốc gia khi phim Hàn Quốc cuối cùng cũng được chiếu ở Trung Quốc từ sau khi bị cấm năm 2016.

Global Times đưa tin bộ phim Trung Quốc Catman, với ca sĩ kiêm diễn viên Hàn Quốc Oh Se Hun (một thành viên nhóm nhạc EXO), cuối cùng đã có thể được phát hành ngày 14/3. Nhưng trong một động thái gây khó khăn điển hình của các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc, bộ phim một lần nữa đã bị từ chối chỉ vài ngày trước khi phát hành

Trong các tín hiệu tích cực, một thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa các tập đoàn phát thanh truyền hình nhà nước, China Central Television (CCTV) và KBS của Hàn Quốc được hồi thông báo cuối tháng 2. Trong khi chi tiết còn chưa rõ — hai bên chỉ nói sẽ hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển chương trình và băng hình trực tuyến — được hiểu là chính quyền Trung Quốc đã cho phép ngành giải trí ở cả hai nước có thể hợp tác với nhau.

Đầu tháng 3, tờ Global Times đưa tin bộ phim Trung Quốc Catman, với ca sĩ kiêm diễn viên Hàn Quốc Oh Se Hun (một thành viên nhóm nhạc EXO), cuối cùng đã có thể được phát hành ngày 14/3. Ban đầu dự định mở màn năm 2017, bộ phim đã bị cất vào kho từ khi các ngôi sao Hàn Quốc bị cấm cửa ở Trung Quốc giữa năm 2016. Nhưng trong một động thái gây khó khăn điển hình của các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc, bộ phim một lần nữa đã bị từ chối chỉ vài ngày trước khi phát hành.

Trong khi ảnh hưởng ngay lập tức của tất cả những điều này lên doanh thu phim ảnh chưa rõ ràng, những người bán phim Hàn tại Hội chợ phim châu Âu (EFM) gần đây cho biết mối quan tâm lớn hơn từ những người mua Trung Quốc: “Giờ đây khi mà mối quan hệ Trung–Hàn khá lên, các công ty Trung Quốc đang đề xuất nhiều buổi gặp gỡ hơn,” giám đốc kinh doanh quốc tế hãng Finecut Kim Yun Jeong cho biết. “Đương nhiên sẽ có những bên muốn gặp bất kể tình huống, nhưng giờ chúng tôi có nhiều bên liên hệ. Điều này là mới — không khí của việc khách hàng Trung Quốc trở lại.”

Một cảnh phim The Wailing của Na Hong Jin được Infotainment China mua nhưng chưa thể phát hành

Các nhà phân phối Trung Quốc không cởi mở bình luận về việc này, nhưng một người mua hàng đầu phát biểu không chính thức với Screen Daily: “Chúng tôi nghe được rằng tình hình đang tiến triển, nhiều người đang nói về điều này, và chúng tôi kỳ vọng phim Hàn Quốc sẽ có thể được phát hành trong tương lai. Nhưng chúng tôi không biết chính xác thời gian.”

Cindy Lin, nhà sáng lập Infotainment China, hãng đã mua The Wailing của Na Hong Jin năm 2016, nhưng chưa thể phát hành, nói về phim Hàn Quốc: “Chúng tôi đang trông chờ, nhưng trừ phi đó là một tựa rất quyền lực, chúng tôi vẫn e ngại mua lúc này vì trong kho vẫn còn phim. Có vẻ những lính mới sẽ có động lực thử nước trước qua việc mua phim [Hàn Quốc].”

Nỗi đau địa chính trị

Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình ở cả hai nước rất nhiệt tình với việc tiếp tục hợp tác này. Họ đã luôn làm việc với nhau thoải mái, cả đồng sản xuất và trao đổi phim điện ảnh truyền hình, tận dụng triệt để mối liên hệ văn hóa gần gũi giữa hai nước. Nhưng tất cả kết thúc năm 2016 khi Trung Quốc phản đối việc Hàn Quốc ra quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, với danh nghĩa phòng ngừa hiểm họa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên.

Poster tiếng Hàn của My Roomate is a Gumiho, bộ phim nguyên tác Hàn Quốc đầu tiên được iQiyi thông báo phát hành

Từ tháng 7/2016 trở đi, các diễn viên, ca sĩ và nhà làm phim Hàn Quốc bắt đầu gặp khó khăn để được cấp thị thực làm việc ở Trung Quốc, và phim Hàn không vượt qua được kiểm duyệt để chiếu ở rạp. Các phim điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc, vốn đã quen thuộc với khán giả Trung Quốc, biến mất khỏi các hạ tầng phát trực tuyến của Trung Quốc. Có vẻ không có một sự thẳng tay cấm đoán các công ty Trung Quốc mua sản phẩm trí tuệ của Hàn Quốc để chuyển thể thành phim do Trung Quốc sản xuất, nhưng việc này cũng bắt đầu chậm lại. Các sản phẩm hợp tác Trung–Hàn, đã từng bùng nổ trước vụ THAAD, bỗng nhiên không thể nào được phê duyệt.

Những dấu hiệu của quan hệ hàn gắn ở mức độ chính phủ nổi lên đầu năm ngoái khi hai nước bắt đầu hợp tác trên các vấn đề liên quan tới sức khỏe cộng đồng trong cuộc chiến chống COVID-19. Khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đi công tác ở Hàn Quốc cuối tháng 11/2020, chính là thời điểm được xem là nỗ lực củng cố mối quan hệ sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sau chuyến thăm quan trọng này, hai nước bắt đầu nói về ‘Năm Trao đổi Văn hóa Trung-Hàn’ trong năm 2022, đánh dấu kỷ niệm 30 năm đặt quan hệ ngoại giao Trung Quốc–Hàn Quốc, cũng là năm Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa Đông (4-20/2). Nhiều điều có thể thấy được từ việc Trung Quốc và Hàn Quốc cùng ký vào Thỏa thuận Kinh tế Toàn diện vùng (RCEP), một thỏa thuận tự do thương mại mới giữa 15 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm đẩy mạnh giao thương hợp tác song phương.

Cảnh từ bộ phim tội phạm Dirty Money được Acemaker Movieworks bán cho Youku của Trung Quốc

Đột phá OTT

Những người quan sát trong ngành ở Trung Quốc tin rằng bến cảng đầu tiên để nhập các nội dung giải trí Hàn Quốc sẽ là các hạ tầng phát trực tuyến, vốn đã tìm kiếm mua phim Hàn nhiều tháng nay. Hồi tháng 12, iQiyi thông báo bộ phim nguyên tác Hàn Quốc đầu tiên, My Roomate is a Gumiho, và mua nhiều phim khác, mặc dù những phim này đã bán quyền chiếu quốc tế, có hiệu lực bên ngoài Trung Quốc Đại lục. Tại Hội chợ phim châu Âu gần đây, hãng sản xuất–phát hành Hàn Quốc Acemaker Movieworks bán bộ phim tội phạm Dirty Money cho Youku của Trung Quốc.

“Người mua Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến thị trường này, với người mua từ các hạ tầng OTT nói với tôi rằng giờ đây họ có thể gửi nội dung giải trí tiếng Hàn cho các nhà kiểm duyệt,” Dana Kim, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của Megabox Plus M, nhận xét ở EFM. “Việc đóng băng nội dung Hàn Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn, nhưng giờ đây họ đã được phép gửi để phát sóng. Bên kiểm duyệt phim điện ảnh và truyền hình khác nhau, nhưng OTT ở về phía truyền hình nên họ đang tỏ ra quan tâm hơn.”

Nhập khẩu phim chiếu rạp và hợp tác sản xuất phim có thể sẽ khó khăn hơn, không chỉ vì Cục Điện ảnh mới của Trung Quốc đã quá thận trọng kể từ khi thành lập vào năm 2018, mà còn vì khán giả Trung Quốc dường như hướng nội hơn nhiều khi thị trường đã phục hồi sau đại dịch. Ngoại trừ Soul của Disney và việc tái phát hành Avatar, các phim Hollywood đã nhận được sự đón nhận không mấy nồng nhiệt kể từ khi các rạp mở cửa trở lại vào mùa hè năm ngoái và nhiều phim nước ngoài khác cũng gặp khó khăn.

Các phim Hàn gây ấn tượng với giới phê bình và thu hút người mua tại Liên hoan phim Berlin và EFM 2021

Thị trường cũng trở nên phân cực hơn, với một số ít phim bom tấn sản xuất trong nước thu lợi nhuận kếch xù, trong khi nhiều phim nội địa nhỏ hơn không có lợi nhuận. Phim Hàn Quốc có thể gặp một số phận khác với các sản phẩm không phải của châu Á — phim Nhật Bản vẫn hoạt động tốt ở Trung Quốc — nhưng thành công phòng vé thì không được đảm bảo.

“Đã bốn năm rồi; và có một sự thay đổi lớn trong khán giả Trung Quốc khi những người sinh vào nửa sau thập niên 1990, hoặc khoảng đầu thiên niên kỷ, trở thành đa số,” Lin nói. “Chúng tôi rất tò mò muốn xem những khán giả trẻ này phản ứng thế nào, vì phim nước ngoài nói chung đang giảm thị phần.”

Và cho dù đạt được bất cứ kết quả nào, thì môi trường cho nội dung giải trí của Hàn Quốc có thể sẽ vẫn trôi chảy và không thể đoán trước được như mối quan hệ chính trị giữa hai nước. Trong một thế giới hậu Covid, Hàn Quốc sẽ thấy mình bị mắc kẹt giữa hai siêu cường cạnh tranh là Mỹ và Trung Quốc, giống như nhiều quốc gia Đông Á khác. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của Biden đối với Trung Quốc lẫn khu vực rộng lớn hơn.

Nhóm nhạc Kpop BTS đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc vào năm ngoái, khi một thành viên của họ đưa ra bình luận về Chiến tranh Triều Tiên

Rồi còn có vấn đề về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang trỗi dậy. Không có gì lạ khi thấy các thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc về việc liệu kim chi và hanbok thực sự là của Trung Quốc, chứ không phải của Hàn Quốc, và nhóm nhạc Kpop BTS đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc vào năm ngoái, khi một thành viên của họ đưa ra bình luận về Chiến tranh Triều Tiên.

Nhưng vấn đề lớn nhất về phía Hàn Quốc đó là Trung Quốc cần những phim hay để gây dựng lại thị trường phim chiếu rạp, và trong tình hình chính trị hiện tại, phim Hàn có thể được chấp nhận hơn phim từ Hollywood. Trên mặt trận phát trực tuyến, phim Hàn đang cực kỳ phổ biến khắp các khu vực và sẽ giúp các hạ tầng phát trực tuyến Trung Quốc đấu lại các đối thủ Mỹ, và còn có thể giúp các dịch vụ phát trực tuyến Trung Quốc mở rộng thêm nữa.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily