Nhân vật & Sự kiện

Tiền Trung Quốc đổ vào ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc giữa cuộc chiến phát trực tuyến

30/03/2021

Điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc tận hưởng sự nổi tiếng ở các nước châu Á không phải chuyện gì mới mẻ, khi mà các nội dung truyền thông Hàn Quốc đã ngày càng được xem nhiều trên khắp các lục địa trong vài thập niên vừa qua.

Kể từ khi ra mắt các dịch vụ phát trực tuyến, hay dịch vụ trả tiền như Netflix, nhiều khi người hâm mộ cả trong lẫn ngoài Hàn Quốc có thể tiếp nhận những bộ phim mới nhất cùng một lúc.

iQIYI, dịch vụ nội dung giải trí của Trung Quốc, đã mua quyền phát hành bộ phim của tvN Cliffhanger, có ngôi sao Jun Ji Hyun (phải)

Nhưng ở thị trường Trung Quốc khổng lồ, chuyện lại khác. Kể từ khi chính phủ Trung Quốc cấm bất cứ nội dung Hàn Quốc nào được tiêu thụ ở Trung Quốc năm 2017 — một hành động trừng phạt kinh tế sau khi Hàn Quốc cho phép lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) từ Mỹ — không có phim Hàn nào được phát hành chính thức ở Trung Quốc. Cũng cực khó cho các ca sĩ Hàn Quốc, kể cả các ngôi sao như BTS, được biểu diễn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây tình hình đã bắt đầu thay đổi. Hồi tháng 12, cơ quan quản lý truyền thông Trung Quốc đã cho phép trò chơi video Hàn Quốc lần đầu tiên được bán ở Trung Quốc sau gần bốn năm. Có thể đây không phải là dấu hiệu rõ ràng cho việc nội dung giải trí Hàn Quốc được vào lại thị trường Trung Quốc, nhưng các dịch vụ giải trí trả tiền của Trung Quốc đã tích cực đầu tư vào nội dung Hàn Quốc trong vài năm qua mặc dù không được phát hành ở Đại lục.

Ví dụ, iQIYI, dịch vụ nội dung giải trí của Trung Quốc, đã mua quyền phát hành bộ phim của tvN Cliffhanger, có ngôi sao Jun Ji Hyun. Phim sẽ được phát sóng trên tvN cuối năm nay ở Hàn Quốc và qua iQIYI toàn cầu, ngoại trừ Hàn Quốc và Trung Quốc. Dịch vụ này mua hơn 30 phim Hàn năm ngoái gồm cả The Spies Who Loved MeBackstreet Rookie của MBC.

The Spies Who Loved Me

Động thái này có vẻ là một phần trong chiến lược của hãng Trung Quốc này để hướng tới khán giả ở các nước khác với các nội dung chất lượng trong cuộc cạnh tranh nảy lửa trước những đối thủ như WeTv và Youku của Trung Quốc, cũng như các dịch vụ phát trực tuyến quốc tế như Netflix và Disney Plus, cũng đang mở rộng quốc tế và nhu cầu gia tăng cho các dịch vụ phát trực tuyến giữa đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia cho biết việc lấy được các nội dung giải trí Hàn Quốc chất lượng cho hạ tầng của mình là quan trọng đối với những hãng nào muốn thu hút khán giả châu Á và cũng là để tồn tại trong thị trường đầy cạnh tranh.

“Việc hãng Trung Quốc mua phim Hàn Quốc là một phần trong cuộc chiến nội dung và vốn tư bản giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh giành nội dung Hàn Quốc để tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh phát trực tuyến. Tóm lại, các công ty Trung Quốc không thể vận hành mà thiếu nội dung Hàn Quốc. Đương nhiên, các hãng sản xuất Trung Quốc đã đầu tư số tiền lớn vào làm nội dung gần đây và tạo ra rất nhiều xuất phẩm. Nhưng chất lượng không bằng nội dung Hàn Quốc,” nhà phê bình văn hóa Kim Sung Soo nói.

Backstreet Rookie

“Hơn nữa, nội dung đến từ Mỹ rất tuyệt nhưng không được người châu Á chấp nhận hoàn toàn nói về mặt văn hóa. Còn nội dung Hàn Quốc thì được làm tốt từ quay phim và diễn xuất, tương đương với Mỹ, và còn có triết lý châu Á trong đó coi trọng gia đình và cộng đồng, rất hấp dẫn với khán giả châu Á, đặc biệt các nước Đông Nam Á.”

Ông bổ sung thêm rằng nội dung Hàn Quốc khá rẻ xét về chất lượng và cũng có tính cạnh tranh ở các nước phương Tây nữa.

“Nếu bạn nghĩ về phim nguyên tác Sweet Home được Netflix đầu tư 30 tỉ won, nhưng phim thành công rực rỡ ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu bên cạnh thị trường châu Á. Khi Netflix bắt đầu làm ăn ở Hàn Quốc, thị trường Hàn Quốc đơn giản được xem là phép thử cho thị trường châu Á. Nhưng hóa ra so với Hollywood, Hàn Quốc là xưởng phim chi phí hiệu quả có thể tạo ra nội dung hấp dẫn cả quốc tế.”

Ngoài mua, nhiều công ty Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư trực tiếp làm phim Hàn Quốc để quảng cáo sản phẩm của mình trong những năm vừa qua.

Sweet Home được Netflix đầu tư 30 tỉ won, nhưng phim thành công rực rỡ ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu bên cạnh thị trường châu Á

Năm ngoái, We TV của Tencent đã đầu tư 100 tỉ won (91,1 triệu USD) vào JTBC Studio, hãng sản xuất The World of the Married. Chi tiết thỏa thuận này không được tiết lộ, nhưng phần lớn dự kiến họ sẽ đẩy việc phát hành qua nhiều kênh cùng một lúc.

Nhiều công ty Trung Quốc đã mua quảng cáo đặt sản phẩm trong phim cho các sản phẩm như lẩu ăn liền. Ví dụ, trong phim True Beauty của tvN, có một cảnh nhân vật ăn lẩu ăn liền Trung Quốc gần một cửa hàng tiện lợi. Một trang mua sắm trực tuyến Trung Quốc cũng xuất hiện trong phim.

Đây không phải lần đầu tiên các công ty Trung Quốc tận dụng việc quảng cáo đặt sản phẩm. Năm 2014, một nhân vật trong Three Days của SBS sử dụng ứng dụng Taobao để đặt chỗ. Sản phẩm đồ uống pha trộn Rio cũng xuất hiện trong bộ phim năm 2016-2017 của tvN Guardian: The Lonely and Great God. Một chiếc xe SUV Trung Quốc cũng xuất hiện trong bộ phim năm 2018 của KBS Your House Helper.

Cũng phổ biến việc một hãng sản xuất ký hợp đồng tài trợ và quảng cáo sản phẩm trong phim. Tuy nhiên, có người vẫn bày tỏ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc, vẫn nằm dưới ảnh hưởng kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc, có thể gây hại cho bộ phim trên danh nghĩa tài trợ.

Cảnh nhân vật ăn lẩu ăn liền Trung Quốc gần một cửa hàng tiện lợi trong phim True Beauty

“Không tránh khỏi việc nhìn thấy quảng cáo cài sẵn trong phim. Nhưng thật lạ khi nhìn thấy chữ và sản phẩm Trung Quốc trong phim Hàn bởi ở Hàn Quốc thì thường không thấy những điều này. Một khi tôi thấy gì đó lạ trên màn hình, tôi không thể nào tập trung vào nội dung được nữa. Hơn nữa, tôi cũng lo rằng việc Trung Quốc đầu tư sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới phim và làm nhiễu câu chuyện theo hướng có lợi cho Trung Quốc vì họ đã luôn khẳng định rằng trang phục truyền thống Hàn Quốc là của họ, là một ví dụ,” Lee Ye Seul, một người hâm mộ 33 tuổi chia sẻ.

“Có khả năng phim Hàn có thể bị ảnh hưởng bởi tiền bạc của Trung Quốc, dưới ảnh hưởng kiểm duyệt nội dung văn hóa nước này. Các hãng nhận tiền từ Trung Quốc nhiều hơn, họ sẽ cần tuân theo chỉ dẫn của Trung Quốc nhiều hơn, điều này có thể giới hạn tự do thể hiện,” nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun cho biết.

Tuy nhiên, một số khẳng định rằng điều này không đáng lo trong ngành nội dung trả tiền bởi nó phải tương xứng tiêu chuẩn toàn cầu.

Quảng cáo Bibimbap ăn liền của Trung Quốc trong phim Hàn Vincenzo mới đây

“Nếu bạn là một đạo diễn được nhà đài địa phương thuê, thì bạn phải đảm bảo những tiêu chuẩn của người dân địa phương. Nhưng nói về nội dung giải trí trả tiền, điều này là không thể. Các nhà cung cấp dịch vụ nội dung giải trí trả tiền đang háo hức thuê nhiều đạo diễn và biên kịch tài năng hơn và để họ làm việc của mình và sẽ không mạo hiểm để mất những tác giả này bằng việc tạo áp lực. Nhiều đạo diễn, không đủ tài năng, có thể tình nguyện làm gì đó theo ý Trung Quốc, nhưng ngành này vận hành dựa trên vốn tư bản và năng lực,” nhà phê bình văn hóa Kim Sung Soo nói.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times