Nhân vật & Sự kiện

Du hành thời gian: Hai phong cách phim bộ truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc

22/08/2022

Người xem phim ở phương Tây đã rất quen thuộc với câu chuyện du hành thời gian kinh điển.

Một người nào đó du hành ngược thời gian hoặc du hành tới tương lai, thường là với sự hỗ trợ của công nghệ, làm xáo trộn lịch sử như đã được viết (hoặc sắp xảy ra), và phải đối phó với hậu quả. (Trong khi đó, người xem phải vật lộn để điều hướng vô số lỗ hổng cốt truyện nổi lên.)

Trịnh Gia Dĩnh và Lưu Thi Thi trong phim bộ du hành thời gian Bộ bộ kinh tâm năm 2011

Nhưng hầu hết phim bộ truyền hình Trung Quốc và Hàn Quốc đều tiếp cận du hành thời gian hoàn toàn khác. Thay vì để các nhân vật chính di chuyển qua lại thời gian, các tác phẩm này sử dụng một khái niệm được gọi là transmigration (hiểu là hoán dịch), kết hợp việc chuyển hồn với du hành thời gian.

“Khi công chúng nói về những khái niệm này trong điện ảnh và truyền hình [Hàn Quốc], họ thường nói về những cách kể chuyện đặc thù như du hành thời gian, luân hồi hoặc cơ hội sống lần thứ hai, thay vì sử dụng một từ bao hàm tất cả các nghĩa mà từ transmigration bao gồm,” Sarah Chung, người sáng lập Dramabeans.com, trang web dành cho fan phim bộ truyền hình Hàn (Kdrama), nói với Inverse.

Transmigration đơn giản có nghĩa là sự di chuyển của một linh hồn giữa các thế giới và thời gian. Phim bộ truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc sử dụng khái niệm này, linh hồn của nhân vật chính bất ngờ di chuyển giữa các cõi và cư trú trong cơ thể của một người đang tồn tại (kiểu bước nhảy lượng tử chỉ là không có thành phần công nghệ và nói chung là khoảng cách thời gian xa hơn). Nó khác với những câu chuyện luân hồi hay tái sinh phổ biến trong văn hóa đại chúng Trung Quốc và Hàn Quốc, ở chỗ “người du hành thời gian” không tái sinh trong cùng một thế giới.

Một biên kịch nhập thân vào câu chuyện của chính mình trong phim bộ Trung Quốc The Romance of Tiger and Rose

“Nhiều cốt truyện xuyên không là một hình thái sảng vấn, trong đó nhân vật chính bắt đầu hành trình vượt trở ngại và trưởng thành với tư cách cá nhân,” E và J, biên tập viên của dramapotatoe, trang web giải trí của Trung Quốc, nói với Inverse. “Là một hành trình thỏa mãn cho những khán giả thấy liên hệ sâu sắc đến những thử thách đó.”

Khái niệm này có nhiều biến thể, nhưng khía cạnh cốt lõi của một phim bộ truyền hình xuyên không là vượt thời gian và không gian — nhưng vì lý do văn hóa lẫn chính trị, các biến thể có thể khá cụ thể.

Hoán dịch là gì?

Trong phương tiện truyền thông Trung Quốc, transmigration được biết đến rộng rãi là xuyên vệt — mặc dù có các nhóm phụ riêng biệt trong thể loại — còn ở Hàn Quốc, nó được gọi là hoegwi hoặc bing-ui, hoặc kết hợp cả hai.

Transmigration — như chúng ta thấy trong sách và phim truyền hình ngày nay — không liên quan đến văn học truyền thống; nó rất đương đại,” AvenueX, một nhà phê bình phim truyền hình Trung Quốc trên YouTube, nói với Inverse. “Mãi đến những năm 80 hoặc 90 mới xuất hiện, và xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết.”

Cỗ máy thời gian là phim bộ truyền hình chuyển thể Tầm Tần ký của TVB năm 2001

Tầm Tần ký là cuốn tiểu thuyết du hành thời gian năm 1997, trong đó một mật vụ ở thế kỷ 21 sử dụng cỗ máy thời gian để chuyển mình đến triều đại nhà Tần và sử dụng kiến thức của mình để định hình các sự kiện lịch sử. Mặc dù không hẳn là câu chuyện xuyên không, nhưng Tầm Tần ký đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể loại này, và phim bộ truyền hình chuyển thể năm 2001 của TVB, Cỗ máy thời gian, đã trở thành nguyên mẫu cho các phim bộ truyền hình xuyên không hiện đại.

Xiran Jay Zhao, tác giả bộ ba Iron Widow sách bán chạy trên The New York Times và là một Youtuber về lịch sử-văn hóa Trung Quốc, lưu ý rằng kể từ khi ra đời, nhiều nhánh phụ khác biệt về transmigration đã phát triển.

Xuyên thư nghĩa là “nhập vào sách,” họ nói với Inverse. “Ví dụ, trong The Romance of Tiger and Rose, biên kịch Trần Thiên Thiên (Triệu Lộ Tư), đã nhập thân vào kịch bản lịch sử của chính cô ấy.”

Họ nói thêm, “Xuyên kim là một người từ quá khứ hoán dịch tới hiện tại, trong khi xuyên thành đề cập đến việc nhập vào một người cụ thể.”

Ba người bạn được kết nối xuyên thời gian và không gian trong Someday or One Day

Ở Hàn Quốc, sự gia tăng những câu chuyện hoán dịch kéo theo sự quan tâm từ lâu về luân hồi trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc.

Sara Bechtol, biên tập viên cho kênh giải trí The Swoon của Netflix Hàn Quốc, nói với Inverse: “Tôi đã quan sát sự luân hồi là một chủ đề phổ biến trong các phim bộ truyền hình Hàn Quốc, hơn cả hoán dịch thời gian. Những phim đó thường miêu tả nhân vật nghèo khó, chăm chỉ được tái sinh thành người giàu có, thành đạt, hoặc trong một số trường hợp, con người được đầu thai thành động vật hoặc thiên nhiên.”

Hwansaeng có nghĩa là ‘sự tái sinh’, và nhân vật có thể nhớ hoặc không nhớ kiếp trước của họ,” Sarah Chung của Dramabeans giải thích. “Hơn nữa, một số câu chuyện có thể chứa các yếu tố của nhiều hơn một cách diễn dịch. Kết hợp những cách diễn dịch này được gọi là hoe-bing-hwan.”

Nguồn gốc của nó cũng có thể bắt nguồn từ những cuốn tiểu thuyết du hành thời gian đầu thế kỷ 21.

Phim bộ du hành thời gian Rooftop Prince của Hàn Quốc năm 2012

“Cuốn tiểu thuyết hoegwi đầu tiên được xuất bản ở thị trường tiểu thuyết thể loại trong nước là tiểu thuyết võ hiệp năm 2004 của Lee Sang Hyun, Baekdo,” Sarah Chung nói. “Tuy nhiên, phải đến thập niên 2010 các tiểu thuyết hoegwi mới trở nên nổi tiếng, trùng hợp với sự phát triển của webtoon và tiểu thuyết mạng.”

Thỏa mãn và hoài niệm kỳ ảo

Theo tác giả Zhao, để hiểu được thành công của các phim bộ truyền hình xuyên không ở Trung Quốc, bạn phải nhìn nhận sự phổ biến của phim bộ cổ trang nói chung. Người Trung Quốc thích phim truyền hình cổ trang — và do đó, hầu hết các phim truyền hình du hành thời gian — Zhao giải thích, vì họ hoài niệm về thời kỳ tiền thuộc địa.

Họ nói thêm, “Trung Quốc là quốc gia thống trị trong khu vực vào thời trước thế kỷ 19 và 20. Điều này, kết hợp với tính thẩm mỹ tuyệt vời của hán phục trong phim truyền hình Trung Quốc, có nghĩa là bất cứ lúc nào cũng có một số lượng lớn phim truyền hình du hành thời gian được phát.”

Hae Soo bị cuốn vào cuộc cung đấu 1000 năm trước trong Moon Lovers: Scarlet Heart Ryeo

Tạ Hiểu Diệp, người dẫn chương trình truyền hình, nhà sản xuất và người sáng lập Tập đoàn Giải trí Trung Quốc, nói với Inverse rằng khán giả Trung Quốc thích những câu chuyện về những nam nhân làm thơ và phải lòng phụ nữ xinh đẹp, hoặc những kiếm khách hành hiệp trượng nghĩa.

“Khán giả thích thú dự đoán nhân vật chính sẽ làm gì...”

“Nhiều phim truyền hình trong số này dựa trên những câu chuyện chúng tôi lớn lên, chẳng hạn Tây du ký (1986) và Tam Quốc chí (1994), và gợi chúng tôi nhớ những trò chơi điện tử từng chơi khi còn nhỏ. Kết quả là, có một tác động hoài niệm mạnh mẽ,” Tạ Hiểu Diệp nói.

“Bởi vì người Trung Quốc rất rành rẽ lịch sử,” Zhao nói, “Chúng tôi thích tưởng tượng mình sẽ làm gì nếu được quay ngược thời gian với bao nhiêu kiến thức trong đầu, đặc biệt là tại các ngã ba lịch sử quan trọng, chỉ một thay đổi là cũng đủ gây hiệu ứng gợn lớn trong lịch sử.”

Zhao lấy phim bộ Cỗ máy thời gian làm ví dụ. Câu chuyện kể về nhân vật chính xuyên không trở về cuối thời Chiến Quốc của Trung Hoa khi cậu bé có ý định trở thành hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc qua đời.

Phim bộ du hành thời gian Faith của Hàn Quốc năm 2012

“Vì vậy, bây giờ, anh ấy phải đặt một cậu bé khác vào vị trí đó và đảm bảo rằng chuỗi sự kiện sau đó vẫn xảy ra, nếu không sẽ không có Trung Quốc nào trong tương lai để quay trở lại,” Zhao giải thích.

“Tương tự, Bộ bộ kinh tâm diễn ra trong một thời kỳ hỗn loạn trong đó nhiều con trai của Hoàng đế Khang Hy tranh giành ngai vàng, nhưng nhân vật chính du hành thời gian đã biết ai sẽ thắng,” họ nói thêm. “Khán giả thích thú dự đoán nhân vật chính sẽ làm gì khi đã biết trước hết mọi chuyện và liệu hành động của họ có làm ảnh hưởng đến các sự kiện hay không.”

Cách diễn dịch khác nhau cho những người khác nhau

Văn hóa đại chúng Hàn Quốc, cũng như ở phương Tây, đã mê mẩn các cách kể chuyện du hành thời gian chuẩn — một người, chuyển thân thể sang các khoảng thời gian mới — cho đến khi các phim bộ truyền hình du hành thời gian của Trung Quốc trở nên phổ biến.

Thousand Years of Love (2003) là phim bộ du hành thời gian đầu tiên của Hàn Quốc, tập trung vào Công chúa Buyeo Ju (Sung Yu Ri) của triều đại Baekje (18 trước Công nguyên-600 sau Công nguyên), du hành đến năm 2003 khi đang cố gắng tránh nạn xâm lược vương quốc của cô, Tướng quân Silla, Kim Yu Seok (Kim Nam Jin).

Thousand Years of Love là phim bộ du hành thời gian của Hàn Quốc theo chân công chúa Buyeo Ju của triều đại Baekje

Đây là phim bộ tiên phong vào thời điểm đó, và trong hai thập kỷ tiếp theo, đã truyền cảm hứng cho hàng chục phim truyền hình du hành xuyên thời gian, bao gồm Rooftop Prince (2012), Faith (2012), Splash Splash Love (2015), v.v...

“... một hình thức thoát ly hiện thực thú vị”

Tuy nhiên, phải đến Moon Lovers: Scarlet Heart Ryeo năm 2016 — dựa trên bộ tiểu thuyết Trung Quốc đã chuyển thể thành phim truyền hình Bộ bộ kinh tâm phát sóng năm 2011 — ý niệm hoán dịch trở nên phổ biến hơn với những người hâm mộ Kdrama.

Scarlet Heart Ryeo Mr. Queen là số ít phim truyền hình Hàn trong đó một linh hồn du hành xuyên thời gian nhập vào một cơ thể khác,” Bechtol của The Swoon nói; mỗi phim vừa nêu đều được chuyển thể từ bản gốc của Trung Quốc. “Trong các phim bộ truyền hình, phần lớn việc hoán đổi linh hồn diễn ra trong cùng một dòng thời gian còn phim truyền hình du hành thời gian tiêu chuẩn thường liên quan đến một nhân vật đi vào quá khứ hoặc tương lai.”

“Phim truyền hình cũng có thể bao gồm những trò tai quái lố bịch cho dù đó là một học sinh trung học trong cơ thể người lớn hay một đầu bếp thời hiện đại trong cơ thể của Nữ hoàng Joseon,” cô nói thêm. “Nội dung giải trí này là một hình thức thoát ly thực tế dễ chịu, nhưng cũng có thể liên hệ với những bài học mà các nhân vật thu được.”

Thái tử phi thăng chức ký đã chiếm được trái tim của khán giả bằng câu chuyện đấu đá đỉnh cao

Nó cũng cho phép người kể chuyện Hàn Quốc tạo khác biệt cho tác phẩm của họ trong khi đi theo những ý tưởng mà người xem yêu thích.

Sarah Chung của Dramabreans nói: “Trong bối cảnh dày đặc phim truyền hình bão hòa với những chủ đề quen thuộc, các biên kịch không ngừng tìm kiếm những cách kể chuyện mới mẻ.”

“Nội dung phù phiếm”

Phim bộ mạng nổi tiếng của Trung Quốc, Thái tử phi thăng chức ký / Go Princess Go! — câu chuyện về một tay chơi thời hiện đại xuyên ngược thời gian 1.000 năm và nhập vào thân xác của Thái tử phi (Trương Thiên Ái) — đột ngột bị xóa khỏi trang web của công ty sản xuất LeTV vào năm 2015. Một tuần sau, nó được phát hành lại, sau khi một phần ba nội dung ban đầu đã được chỉnh sửa.

Người ta cho rằng bộ phim bị gỡ xuống vì nội dung tích cực về LGBT — điều này đã được xác nhận vào năm 2016 khi Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) ban hành hướng dẫn mới về quản lý phim bộ trên mạng nói rằng cấm những nội dung tín ngưỡng phong kiến — bao gồm sở hữu linh hồn, luân hồi, phù thủy cũng như đồng tính luyến ái và ngoại hôn.

The Romance of Tiger and Rose (2020) đã vượt qua kiểm duyệt bằng cách đưa nhân vật chính Trần Thiên Thiên (trái) vốn là biên kịch lọt vào chính câu chuyện của mình viết

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà chức trách Trung Quốc can thiệp vào nội dung của các phim bộ du hành thời gian do Trung Quốc sản xuất.

Vào năm 2011, SARFT đã phát hành một báo cáo chỉ trích các bộ phim truyền hình du hành thời gian vì “những âm mưu kỳ lạ, kỹ xảo vô lý và mê tín phong kiến,” và sau đó bày tỏ không đồng tình với những bộ phim này tại một hội nghị, với lý do “không chính xác về lịch sử, diễn xuất cường điệu, và nội dung phù phiếm.”

Sau đó, năm 2012 SARFT đã ban hành sáu hướng dẫn phát triển phim truyền hình, trong đó có một hướng dẫn cho rằng “phim cổ trang trong trang phục cổ trang không được tạo hài.” (Đã phải hủy chiếu nhiều phim bộ truyền hình du hành thời gian vào thời điểm đó lấy bối cảnh lịch sử và nhằm mục đích gây cười.)

Tuy nhiên, bất chấp các quy định mới, các phim truyền hình du hành thời gian mới như Joy of Life (2019) và The Romance of Tiger and Rose (2020) đã vượt qua kiểm duyệt bằng cách áp dụng việc viết tiểu thuyết hoặc bối cảnh giấc mơ, hoặc bằng cách đặt câu chuyện trong các triều đại hư cấu.

Điều không tưởng xảy ra khi một người hiện đại bị ép vào bối cảnh lịch sử trong Mr. Queen

Ở Hàn Quốc, các bộ phim truyền hình du hành thời gian ít chịu quản lý hơn — nhưng nếu một bộ phim xuyên tạc lịch sử Hàn Quốc, bộ phim đó cũng có thể bị hủy chiếu hoặc “bị gỡ xuống”.

Đây là trường hợp của Mr. Queen, phim bộ truyền hình Hàn Quốc năm 2020 kể về một đầu bếp hiện đại phát hiện ra mình trong cơ thể của Nữ hoàng Cheorin (Shin Hye Sun) thời Joseon. Anh chật vật thích nghi với cơ thể mới của mình, len lách trong các lễ nghi cung đình và duy trì mối quan hệ với Vua Cheol Jong (Kim Jung Hyun). Bộ phim nhận hơn 4.000 lời phàn nàn từ những người xem không hài lòng về sự không chính xác lịch sử.

Do các khiếu nại đó, tiểu ban của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) đã thông báo bộ phim sẽ nhận được “hướng dẫn hành chính” cho những cảnh gây tranh cãi của nó.

Tiếp theo là gì?

Splash Splash Love năm 2015

Đối với AvenueX, đã xem lại các phim bộ truyền hình Trung Quốc trong gần năm năm, du hành thời gian đã trở nên sáo rỗng và bị lạm dụng quá mức.

“Tôi nghĩ phim truyền hình xuyên vệt ngày nay hơi lỗi mốt," cô nói. “Thể loại này đã bị khai thác triệt để và làm lố.”

Tuy AvenueX thừa nhận hoán dịch là một công cụ cốt truyện tốt để tạo ra các kịch bản thú vị, cô lo lắng về tương lai của thể loại này trong bối cảnh phim truyền hình ngày càng trở nên quan tâm đến việc kiếm nhiều tiền hơn là cung cấp nội dung nguyên tác hay.

Đối với những người sáng tạo phim ở Hàn Quốc và nước ngoài, hoán dịch có thể đúng là gia vị cần thiết để thêm vào câu chuyện du hành thời gian nhàm chán.

Joy of Life (2019) của Trung Quốc vượt kiểm duyệt bằng bối cảnh triều đại hư cấu

Những phim bộ truyền hình Hàn du hành thời gian nổi tiếng nhất đều là chuyển thể từ các tác phẩm Trung Quốc. Tuy nhiên, khi hình thức này ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông, chúng ta hãy mong đợi phim truyền hình dựa trên các nguyên tác có thể cung cấp một cái gì đó thực sự độc đáo và bất ngờ.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Inverse