Tin tức

TVB có đánh mất khán giả vì chiếu nhiều phim Đại lục hay không

27/08/2015

Television Broadcasts Ltd. (TVB), đài truyền hình miễn phí lớn nhất Hồng Kông, gần đây bị công kích vì dành các khung giờ vàng cho phim truyền hình do Đại lục sản xuất.

Các nhà phê bình ngờ vực lựa chọn chương trình của đài truyền hình này, cáo buộc TVB quảng bá “quyền lực mềm” của Đại lục, trả giá bằng nền văn hóa bản địa Hồng Kông.

Cuối tháng 4 vừa qua, TVB khởi chiếu The Empress of China / Võ Tắc Thiên truyền kỳ, bộ phim truyền hình ăn khách của Đại lục, bảy ngày mỗi tuần.

Bộ phim, dựa trên những sự kiện ở thế kỷ 7 và 8, phác họa sự lên ngôi của Võ Tắc Thiên – nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc – đánh dấu khởi đầu của lịch phát sóng mới ở khung giờ vàng thứ ba buổi tối (từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút tối) của TVB.

Trong khi bộ phim hiển nhiên hoành tráng – được biết đây là một trong số những phim tốn kém nhất trong lịch sử truyền hình Trung Quốc, với dàn diễn viên toàn sao đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan – TVB bị cáo buộc cố làm thay đổi thị hiếu của khán giả địa phương và khiến họ cởi mở hơn với văn hóa Đại lục.

Cảnh trong phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ

Vì diễn biến này nối tiếp những căng thẳng và xung đột giữa người Hồng Kông và người Đại lục, TVB được coi là có mục đích bí mật.

Về phần mình, đài truyền hình này phớt lờ những cáo buộc vì cho rằng nực cười và nói họ chỉ cố gắng cung cấp nội dung hay và nổi tiếng, đồng thời tăng số lượng khán giả.

Sau đó, TVB cũng chỉ ra rằng lịch phát sóng mới đã đem lại kết quả khả quan.

Nhưng có thật vậy không?

Theo báo cáo tỷ suất truyền hình mới nhất, Võ Tắc Thiên truyền kỳ đạt tỷ suất cao nhất là 37 trong hai tập cuối, tỷ suất trung bình là 33.

Vì mỗi điểm tỷ suất tương đương khoảng 65.000 khán giả, hơn 2,4 triệu khán giả Hồng Kông được cho là đã xem tập phim cuối. Đây thực sự không phải con số nhỏ khi dân số Hồng Kông là 7 triệu người với khoảng 2 triệu hộ gia đình.

Tuy nhiên nếu nhìn vào tỷ suất trung bình của bộ phim truyền hình Trung Quốc, thành tích của Võ Tắc Thiên truyền kỳ không là gì so với các sản phẩm của chính TVB trong nhiều năm qua.

Bao la vùng trời 2 – phim truyền hình ăn khách của TVB năm 2014

Tỷ suất khán giả trung bình trong 10 tuần qua chỉ là 26, đa số nằm trong khoảng từ 23 đến 31. So với phim truyền hình đạt tỷ suất cao nhất năm ngoái là Bao la vùng trời 2, năm nay TVB quả thực đã đánh mất khán giả.

Tỷ suất trung bình của Bao la vùng trời 2 là 36 điểm, cao hơn 10 điểm so với Võ Tắc Thiên truyền kỳ. Như vậy, TVB có thể đã mất khoảng 650.000 khán giả.

Ngoài việc phát sóng Võ Tắc Thiên truyền kỳ, TVB cũng khởi chiếu phim truyền hình do Hồng Kông và Trung Quốc đồng sản xuất Master of Destiny / Thiên địa phong vân từ cuối tháng 6. Tuy nhiên, tỷ suất của phim này cũng tuột dốc sau điểm số trung bình 24 ở tuần đầu tiên.

Vào trung tuần tháng 7, phim chỉ đạt 21 điểm phần trăm, gần ngưỡng báo động 20 điểm.

Võ Tắc Thiên truyền kỳ, với dàn diễn viên bao gồm những tên tuổi hàng đầu như Phạm Băng Băng, Trương Phong Nghị và Trương Quân Ninh, nổi đình nổi đám ở cả thị trường truyền hình Trung Quốc lẫn Đài Loan.

Áp phích phim Thiên địa phong vân

TVB cũng đạt vài thành công ban đầu khi họ bắt đầu chiếu bộ phim bảy ngày mỗi tuần và chiếu cả thảy 74 tập phim từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 7.

Việc sắp xếp phát sóng này là cú huých nhẹ đối với dân địa phương để thay đổi thói quen xem truyền hình của họ, vì trước đây người Hồng Kông chỉ được “cung cấp” phim truyền hình từ thứ hai đến thứ sáu.

Báo cáo tỷ suất truyền hình mới nhất chỉ ra TVB đạt kết quả hỗn hợp về phần chiến lược chương trình mới của họ.

TVB đã thử phản ứng của khán giả Hồng Kông qua việc sắp xếp hai phim truyền hình do Trung Quốc sản xuất vào khung giờ vàng, và chỉ để duy nhất một phim hài tình huống thời lượng nửa tiếng vào danh sách chương trình.

Trương Quân Ninh trong một cảnh phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ

Dường như nhà quản lý nghĩ rằng các chương trình mua được sẽ là đủ để thu hút khán giả và tiền quảng cáo, và công ty không cần đầu tư vào sản phẩm của chính họ.

Trong khi nhu cầu giảm chi phí có thể thực sự là lý do để cắt giảm các sản phẩm chính gốc, rõ rằng các yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng.

Một số quan sát viên truyền thông Hồng Kông cho rằng TVB đang trải qua sự thay đổi quan trọng sau khi Lê Thụy Cương, một lão làng truyền thông thân Đại lục, trở thành cổ đông.

Trong kế hoạch của nhà đài, các phim truyền hình Đại lục ăn khách sẽ lên sóng, dần dần tách người Hồng Kông ra khỏi những sản phẩm địa phương, theo lời các quan sát viên Hồng Kông.

Khi khán giả chấp nhận các chương trình mới với số lượng đủ lớn, nhiều chương trình của Trung Quốc hoặc đồng sản xuất Hồng Kông – Trung Quốc sẽ được chiếu trong giờ vàng.

TVB độc quyền truyền hình ở Hồng Kông

Mặc dù TVB muốn công chúng tin rằng đây là một quyết định kinh doanh bình thường, rõ ràng là có ý đồ đằng sau những quyết định này.

Các đài truyền hình đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc. Ở Hồng Kông, TVB có thể là phương tiện truyền thông bảo trợ lợi ích của chính quyền trung ương và giúp quản lý ủy quyền thành phố.

Nhằm triệt tiêu cạnh tranh, chính quyền Hồng Kông lựa chọn không cấp thêm giấy phép truyền hình miễn phí cho các đối thủ mới.

Với quyết định không gia hạn giấy phép phát sóng của Asian Television (ATV) đầu năm nay, Hồng Kông sẽ có duy nhất một đài truyền hình vệ tinh mặt đất mạnh.

Nhưng TVB đúng đắn hay không khi lạm dụng độc quyền thực tế của mình và thay đổi lịch phát sóng chương trình nhằm phục vụ lợi ích của Bắc Kinh hơn là lợi ích của dân địa phương?

Câu hỏi này chắc chắn xuất hiện thường xuyên hơn trong các tháng tới.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: EJ Insight