Tin tức

Phim không bom tấn của nước ngoài vào thị trường Trung Quốc như thế nào

04/10/2017

"Tháng bảo hộ phim trong nước" của Trung Quốc - năm nay rơi vào từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8 - cuối cùng đã qua. Sau màn đột phá đưa Wolf Warrior 2 vào các sách kỷ lục (thu hoạch 5 tỉ nhân dân tệ [765 triệu đôla] ở phòng vé ngay sau một tháng đầu tiên ra rạp), phim nước ngoài lại đổ bộ các cụm rạp chiếu Trung Quốc.

Dẫn đầu là Dunkirk của Warner Brothers, đã cập bờ biển Trung Quốc ngày 1/9 và quét sạch tất cả mọi thứ trước đó, với doanh thu 259 triệu nhân dân tệ trong tuần đầu tiên; tiếp theo là Spider-Man: Homecoming của Sony-Columbia vào ngày 8/9 và sau đó, ngày 15/9, War for the Planet of the Apes của 20th Century Fox. Đến ngày 1/10, một lần nữa cửa sẽ đóng lại với các phim lớn của Hollywood cho cuộc chạy đua trong khoảng thời gian kéo dài một tuần lễ đầy tiền và đầy lòng yêu nước xung quanh ngày Quốc khánh Trung Quốc.

Dunkirk của Christopher Nolan, một trong 34 phim bom tấn nước ngoài trình chiếu ở Trung Quốc trong hạn ngạch phim ăn chia doanh thu, kiếm được 39,6 triệu đôla tuần đầu công chiếu ở đây

Tuy nhiên, ngoài phim bom tấn, có chút đa dạng phim nước ngoài quy mô nhỏ đang ra mắt lặng lẽ hơn ở Trung Quốc trong tháng này: phim hoạt hình Nhật Bản A Silent Voice, phim hoạt hình Monster Island của Mexico, Contratiempo của Tây Ban Nha và Pursuit của Ireland.

Những xuất phẩm phim quy mô nhỏ hơn nhập khẩu - hầu hết do những đơn vị không thuộc các hãng phim “sáu ông lớn” truyền thống của Hollywood sản xuất và điều phối - không được kỳ vọng có thành công lớn ở Trung Quốc. Nhưng chính thông qua việc những phim này được phát hành mới có thể đánh giá ngành điện ảnh Trung Quốc - và các cơ quan quản lý chức năng - đang định vị họ thế nào để đối phó với các đấu thủ quốc tế đang tìm cách mở rộng chỗ bám chân – và doanh thu phòng vé - ở đất nước này.

Khác với thông qua hạn ngạch dành cho cái được gọi là phần trướng phiến, tức "phim ăn chia doanh thu", trong đó nhà sản xuất có thể nhận được 25% doanh thu phòng vé của bộ phim (từ năm 2012 hạn ngạch hàng năm được ấn định là 34 phim, 14 phim trong số đó có thể ở định dạng 3D và IMAX), còn một cách khác để phim nước ngoài vào Trung Quốc. Đây là chỗ cho các tùy chọn "phí khoán" và "mua đứt".

Một cảnh trong phim Contratiempo của Tây Ban Nha

Không thể cạnh tranh với các hãng phim lớn lấy một suất trong hạn ngạch phim ăn chia doanh thu, nhà sản xuất có thể bán trọn gói quyền phát hành phim của họ cho các công ty Trung Quốc, một thỏa thuận mà sau đó nhà sản xuất không còn dính dáng đến bất cứ lợi nhuận nào mà phim của họ làm ra ở phòng vé.

Đối với các chủ sở hữu nước ngoài, đây chừng có vẻ là một thỏa thuận tồi - nhưng ít nhất với thương vụ đó họ cũng có thể lấy lại một phần ngân sách dẫu có nhỏ nhoi, thay vì nhìn phim của mình thoải mái có mặt dưới dạng đĩa DVD lậu hoặc tải xuống bất hợp pháp. Chừng mới cách đây một thập niên thôi, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ bán với số lượng lớn với mức giá giảm đến không ngờ.

Nhiều nhà điều hành lõi nghề ở Trung Quốc đã vận hành như thế này: sau khi khấu trừ thuế và các khoản thanh toán cho nhà rạp và hãng phát hành phim quốc gia, các nhà phát hành địa phương vẫn còn lấy được 30% tổng doanh thu của bộ phim ở phòng vé Trung Quốc.

Quyền phát hành phim Expendables năm 2010 ở Trung Quốc với giá 3,4 triệu tệ nhưng làm ra tới 216 triệu tệ thúc đẩy nhiều nhà phát hành chớp lấy cơ hội về phim nước ngoài

Thành công đột phá trong sân chơi này là bộ phim hành động The Expendables năm 2010 của Sylvester Stallone. Nhà phát hành E Stars trả cho Nu-Image/Millennium 3,4 triệu nhân dân tệ mua quyền phát hành bộ phim này ở Trung Quốc; phim kết thúc với doanh thu 216 triệu nhân dân tệ, và báo chí đưa tin công ty phát hành mới nổi đó thu hơn 60 triệu nhân dân tệ.

Từ đó cuộc tranh giành đã bắt đầu, với các công ty chi những khoản tiền tăng lạm phát hơn bao giờ hết cho phim Expendables tiếp theo. Năm 2012, Le Vision Pictures đã trả 54,8 triệu nhân dân tệ cho The Expendables 2, phim này thu về 330 triệu nhân dân tệ. Năm ngoái, Le Vision thành công tương tự bằng cách trả 6 triệu đôla Mỹ cho quyền phát hành Mechanic: Resurrection - tăng gần gấp 10 lần so với The Mechanic năm 2011.

Với việc các cơ quan chức năng đang băn khoăn về sự sụt giảm trong doanh thu vé lẫn việc thử nghiệm những phương cách chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường điện ảnh Trung Quốc hơn nữa, năm ngoái nhiều phim "mua đứt" đã được cấp phép trình chiếu ở nước này: 47 tựa đã được ra rạp, bất chấp hạn ngạch bất thành văn cho loại phim nhập khẩu này là 30.

Ed Skrein (trái) và Loan Chabanol trong phim The Transporter Refuelled

Con số đó phản ánh hoạt động của các công ty phát hành Trung Quốc giàu kinh nghiệm lẫn mới nổi trên thị trường điện ảnh quốc tế là mua phim tên tuổi nhưng chủ yếu theo kiểu đầu cơ; có đơn vị hoàn toàn bỏ qua vấn đề liệu các tựa sách mà họ mua quyền phát hành đó có khán giả ở Trung Quốc hay không.

Một ví dụ cho thấy canh bạc như vậy có thể phản đòn là quan hệ đối tác giữa Fundamental Films với nhà làm phim Luc Besson. Không bằng lòng với việc chỉ tạo nên tên tuổi (và rất nhiều tiền) bằng cách nhập các phim như Lucy (2014), Brick Mansions (2014), Taken 3 (2014) và The Transporter Refueled (2015), tháng 11 năm ngoái công ty có trụ sở ở Thượng Hải này đã mua 28% cổ phần trong Europa Corp của nhà đạo diễn người Pháp với 67 triệu USD.

Biến đổi từ chỉ là nhà phân phối thành nhà sản xuất nội dung, dàn tấn công bốn phim năm nay của công ty này – hai phim Trung Quốc The Precipice Game Super Express, cùng với The Warrior's GateNine Lives của Europa - đều thất bại ở phòng vé Trung Quốc.

Valerian and the City of a Thousand Planets thu được chưa đến 400 triệu nhân dân tệ ở Trung Quốc

Quan trọng hơn, Fundamental không thể lèo lái bộ phim do Besson đạo diễn Valerian and the City of a Thousand Planets đến thành công, và phim này đã nhanh chóng tàn lụi sau khi bắt đầu công chiếu ở các rạp Trung Quốc vào ngày 25/8 và thu về chưa đến 400 triệu nhân dân tệ ở phòng vé.

Giới chức Trung Quốc giờ đây kẹt trong các cuộc đàm phán kéo dài với các đồng cấp quốc tế về hạn ngạch nhập khẩu phim của đất nước này, những ai muốn trở thành ông trùm điện ảnh của Trung Quốc nên lưu ý.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post