Tin tức

Khán giả Đại lục vẫn thích phim từ Hồng Kông hơn

28/02/2017

Những bộ phim Trung Quốc do các nhà làm phim Hồng Kông đạo diễn làm ăn ở phòng vé tốt hơn phim do các đạo diễn Đại lục lèo lái. Việc này vẫn tiếp diễn bất chấp một thập kỷ phát triển mạnh của thị trường điện ảnh Đại lục.

Nhiều nguyên nhân đằng sau lợi thế liên tục của các nhà làm phim Hồng Kông. Một trong số đó, theo những người gạo cội trong ngành, là sự đào tạo không đầy đủ ở Trung Quốc cho việc làm phim thể loại. Một nguyên nhân khác đó là cách các học viện điện ảnh Trung Quốc dạy dỗ sinh viên.

Trịnh Thiếu Thu, Lâm Doãn, Châu Tinh Trì và Mạc Văn Úy tại buổi họp báo ra mắt phim Mermaid tại Bắc Kinh hôm 18/1/2016, với ca khúc You Are the Best in the World quảng bá cho phim của Châu Tinh Trì. Ca khúc này 'cover' từ ca khúc trong phim truyền hình Thần điêu đại hiệp năm 1983

“Khán giả Đại lục muốn giải trí, nhưng không có đủ nhà làm phim giỏi thế loại phim này,” Thích Gia Cơ, nhà làm phim từ Hồng Kông đã thực hiện nhiều dự án phim ở Trung Quốc Đại lục cho biết.

“Đa số đạo diễn Đại lục được đào tạo tại các học viện điện ảnh,” ông bổ sung. “Con mắt của họ vẫn đặt vào những người gọi là nhà làm phim, nhà lý luận điện ảnh tiến bộ như Sergei Eisenstein và những bậc thầy người Nga khác. Họ không hứng thú mấy với phim thể loại, chính là kiểu khán giả yêu thích.”

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, phòng vé Trung Quốc đã tận hưởng mức tăng trưởng hằng năm khoảng 35%, đưa quốc gia này thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, năm 2016 chứng kiến sự suy giảm với mức tăng trưởng chỉ 3,7%, theo dữ liệu từ Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Truyền thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc.

Một khảo sát tốp 50 phim doanh thu cao nhất ở Trung Quốc do Entgroup thực hiện, phim từ các nhà làm phim Hồng Kông chiếm nhiều vị trí đầu trong số các phim Trung Quốc, đọ găng với nhiều bom tấn Hollywood.

Monster Hunt năm 2015 của Hứa Thành Nghị

Trong tốp 50, có 15 phim Hoa ngữ do các đạo diễn Hồng Kông thực hiện hoặc hợp tác với Hồng Kông. Chỉ 12 phim là sản phẩm của Trung Quốc. Phần còn lại hoặc là bom tấn Hollywood hoặc là phim nước ngoài đồng sản xuất với Trung Quốc.

Phim hài kỳ ảo The Mermaid (2016), do Châu Tinh Trì người Hồng Kông đạo diễn, và Monster Hunt (2015), cũng là một phim kỳ ảo do Hứa Thành Nghị đến từ Hồng Kông chỉ đạo, đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trong danh sách phim ăn khách nhất mọi thời đại ở Trung Quốc. The Mermaid thu về 494 triệu USD với hơn 92 triệu người xem ở các rạp chiếu, còn Monster Hunt thu về hơn 340 triệu USD.

Năm 2013 Journey to the West: Conquering the Demons của Châu Tinh Trì, bộ phim hài-kỳ ảo có phần dựa vào tiểu thuyết kinh điển Tây du ký của văn học Trung Quốc, thu về 182 triệu USD, đứng thứ 14 trong danh sách phim có doanh thu cao ở Trung Quốc. The Monkey King 2 (2016) và The Monkey King (2014) của Trịnh Bảo Thụy, cũng là bản chuyển thể Tây du ký, lần lượt đứng thứ 16 với 174 triệu USD và 23 với 152 triệu USD.

Operation Mekong năm 2016 của Lâm Siêu Hiền

Phim hành động hình sự Operation Mekong (2016), do Lâm Siêu Hiền đạo diễn, đứng thứ 17 với 172 USD. Phim hài cờ bạc From Vegas to Macau III (2016), do Lưu Vĩ Cường và Vương Tinh đạo diễn, và From Vegas to Macau II (2015) do Vương Tinh đạo diễn, chiếm vị trí thứ 21 và 27, trong khi The Taking of the Tiger Mountain (2014) của Từ Khắc đứng thứ 32 với 129 triệu USD.

Mojin: The Lost Legend (2015) của Trung Quốc đứng thứ năm với 245 triệu USD, nhưng nó do đạo diễn Trần Quốc Phú người Đài Loan chỉ đạo. Lost in Hong Kong (2015) và Lost in Thailan (2012) đều do Từ Tranh đạo diễn, cũng có mặt trong danh sách tốp 50 này. Lost in Hong Kong thu về 40 triệu USD và đứng thứ sáu trong danh sách, trong khi Lost in Thailand đứng thứ 13 với 185 triệu USD.

Giáo sư Trác Bá Đường, một nhà làm phim gạo cội, cựu giám đốc Học viện Điện ảnh tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói rằng trong khi các nhà làm phim Đại lục đã bắt kịp về khía cạnh kỹ thuật của việc làm phim, nhưng họ vẫn thiếu kỹ năng kể chuyện đối với phim thương mại.

“Các nhà làm phim Hồng Kông có khi không thể làm phim về những câu chuyện Đại lục địa phương, nhưng các nhà phim Đại lục cũng không thể làm phim thương mại như những phim mà Vương Tinh và Châu Tinh Trì làm,” giáo sư Trác nhận xét, ông hiện đang mở thêm nhiều khóa điện ảnh mới ở Macau.

Các trường điện ảnh ở Đại lục là trường chuyên, ông nói thêm, cũng có thể là lý do tại sao Đại lục chưa sản xuất được những nhà làm phim có thể đứng đầu phòng vé.

Ông thêm rằng nhiều sinh viên điện ảnh Đại lục nhận ra sự bất tương xứng trong chương trình của mình và tới Hồng Kông, và hơn 90% sinh viên sau đại học tại Học viện Điện ảnh đến từ Trung Quốc đại lục.

Đạo diễn Từ Khắc, giữa, tại buổi ra mắt phim The Taking of Tiger Mountain ở Bắc Kinh ngày 16/12/2014

“Sự đào tạo quan trọng nhất cho các nhà làm phim là đem lại cho họ môi trường để sáng tạo,” ông Trác Bá Đường kết luận, “nhưng hệ thống đào tạo Đại lục giới hạn cách nghĩ của sinh viên.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety