Tin tức

Đồ chơi người lớn lên phim

03/11/2011

Red Light Revolution (Cuộc cách mạng đèn đỏ) của đạo diễn Sam Voutas nhìn lại gần hai thập kỷ cửa hàng đồ chơi tình dục xuất hiện tại Trung Quốc.

Cửa hàng đồ chơi người lớn đầu tiên tại Trung Quốc khai trương năm 1993, cho tới nay hơn 2.000 cửa hàng tương tự đã mọc lên chỉ tính riêng ở Bắc Kinh. Quan điểm về tình dục của giới truyền thông và xã hội Trung Quốc cũng thay đổi kể từ đó, nhưng không thay đổi nhiều, theo lời đạo diễn kiêm tác giả kịch bản người Australia Sam Voutas.

Red Light Revolution sản xuất năm 2010, với tựa tiếng Trung là Hồng Đăng Mộng.

Một cảnh trong phim Red Light Revolution, câu chuyện về một cửa hàng
đồ chơi tình dục ở Bắc Kinh, mang đến cái nhìn hài hước về sự xung đột giữa
những giá trị Trung Hoa truyền thống và quan niệm tình dục hiện đại.
[Ảnh: China Daily]

Quảng bá cho bộ phim vừa được trình chiếu tại New York hôm 16/10 trong khuôn khổ Liên hoan phim hài Friars Club, Voutas cho biết đồ chơi tình dục từng là đề tài cấm kỵ.

"Tôi đã sống ở Trung Quốc trong khoảng thời gian hơn 15 năm không liên tục, và một trong những thay đổi lớn nhất trên đường phố đó là sự xuất hiện đầy bất ngờ của những cửa hàng đồ chơi người lớn," anh nói. "Trở lại với cửa hàng đầu tiên mọc lên đầu thập niên 90, hệt như bạn đang bước vào một tiệm bán thuốc, với những nhân viên bán hàng mặc áo khoác y tế trắng phau! Tất cả đã thực sự thay đổi cùng sự phát triển kinh tế tại đất nước này, bởi tầng lớp doanh nhân dần chiếm số đông trong đời sống thành thị. Với rất nhiều người, đây thực sự là một nghề kinh doanh mạo hiểm đáng để dấn thân; chi phí thấp và thu lời cao."

Quả là vậy, 70% đồ chơi tình dục tỏa ra khắp thế giới được sản xuất tại Trung Quốc; 10.000 công ty sản xuất món hàng này đặt cơ sở tại Trung Quốc, và hàng tỉ chiếc bao cao su được làm ra mỗi năm.

Những cô búp bê tình dục trưng bày tại triển lãm Thượng Hải
thu hút sự chú ý của một khách tham quan.
[Ảnh: China Daily]

Vậy có bao nhiêu phim điện ảnh về đề tài đồ chơi và cửa hàng đồ chơi tại Trung Quốc? Voutas cho biết chỉ có một. Đó là Red Light Revolution, câu chuyện về một anh chàng lái xe taxi thất nghiệp đang vận lao đao đã mở một gian hàng đồ chơi người lớn trong một con hẻm ở Bắc Kinh.

Thuận Tử (Triệu Tuấn đóng), anh chàng cô đơn và thất nghiệp, làm ăn chung với một người bạn và được giúp đỡ bởi những nhân vật thuộc tầng lớp lao động Bắc Kinh.

Phim còn có sự góp mặt của Tess Liu (The Karate Kid), Vivid Wang và nam diễn viên Nhật Bản Masanobu Otsuka (City of Life and Death).

Liu vào vai bạn gái và cũng là đối tác của Thuận Tử, lớn lên cùng định kiến rằng đồ chơi tình dục là một thứ dơ bẩn và không an toàn. Trong một cuộc phỏng vấn khác, Voutas tiết lộ Liu giấu gia đình về chủ đề của bộ phim cô tham gia. Và những nhân vật chính trong phim cũng phải đau đầu với việc sẽ nói sao với những người thân yêu về công việc họ đang làm.

Để quay bộ phim này, các nhà làm phim đã dựng tại phim trường một cửa hàng bán đồ chơi giả, trong đó có cả một xe tải đạo cụ trưng bày do một công ty sản xuất đồ chơi cung cấp đổi lại sản phẩm sẽ được quảng bá đại chúng qua những hình ảnh trong phim.

Voutas cũng nói thêm, mặc dù trên các phương tiện giao tiếp trực tuyến và với thế hệ trẻ, quan niệm về tình dục đã thay đổi rất nhiều, nhưng tình dục vẫn còn là một đề tài không được đề cập thẳng thắn, công khai trên phim ảnh hay báo chí.

"Đó vẫn còn là một điều đại kỵ, cả trên các phương tiện truyền thông lẫn đời sống riêng tư," anh nói. "Mọi người ghé các cửa hàng đồ chơi vào lúc khuya khoắt. Nhưng tôi nghĩ thật là hay khi có các cửa hàng loại này được mở ra dù ở Trung Quốc hay Mỹ; nó rất lành mạnh. Ở Trung Quốc, người ta cũng cho rằng những cửa hàng này giúp người ta cân bằng bản thân."

Vậy mà trên phim trường, những đạo cụ này cứ dần biến mất, Voutas cười và pha trò trong buổi nói chuyện sau giờ chiếu ở New York. Anh cho rằng, trên thực tế, những công cụ hỗ trợ tình dục đã được sử dụng lâu đời, từ thời phong kiến.

Đạo diễn Sam Voutas (phải)

Phim dự định sẽ được chiếu tại Anh vào tháng 1 năm sau, và điểm đến còn có thể là Canada, Singapore hay một vài liên hoan phim khác tại Mỹ. Gần đây Voutas cũng đang đàm phán với những nhà cung cấp dịch vụ video trực tuyến ở Trung Quốc, và hy vọng nó có thể được ra mắt vào dịp Tết nguyên đán, thời điểm người xem cao nhất trong năm.

Voutas đã làm bộ phim này cùng các cộng sự là nhà sản xuất Melanie Ansley và nhà làm phim Trung Quốc Vương Nhất Phàm, với nguồn kinh phí hạn hẹp, và phải chịu sự kiểm duyệt và phân loại khắt khe hơn Hollywood rất nhiều.

Ở Trung Quốc, phim phù hợp với mọi lứa tuổi mới được chiếu rạp, vì thế sau khi chật vật với sự quan liêu của ngành điện ảnh Trung Quốc (chủ đề này đã được đưa vào phim ảnh), bộ phim đã được quay mà không có giấy phép.

Mặc dù phim hài này lấy bối cảnh Bắc Kinh, đạo diễn Voutas nói rằng anh chủ ý tạo cho phim một âm hưởng phương Tây.

"Cốt truyện đặc kiểu Tây, và những câu đùa cợt cũng đặc Tây luôn," anh nói. "Riêng về nhạc trong phim, chúng tôi sử dụng những nhóm nhạc độc lập ở Trung Quốc chơi nhạc rock 'n' roll."

Kết quả là phim sẽ thu hút khán giả phương Tây, nhưng khán giả Trung Quốc cũng sẽ nhận ra những thay đổi nhanh chóng trong thế giới những chuyện thầm kín riêng tư của chính họ.


Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi