Tin tức

Cách Made in Hong Kong trở thành một phim kinh điển và tìm đường ra rạp ở Mỹ 23 năm sau

26/05/2020

Khi Aliza Ma nghiên cứu điện ảnh Hồng Kông ở đại học, Made in Hong Kong là trọng tâm chính.

“Khóa học nói về tầm quan trọng của bộ phim này, một phim độc lập được thực hiện vào thời điểm chuyển giao về Trung Quốc,” Aliza Ma kể, hiện cô là người quản lý chương trình phim cho rạp chiếu phim Metrograph của New York. “Bạn chỉ có thể xem nó trên băng VHS được sao chép kém.”

Autumn Moon (Lý Xán Sâm) đang trên đường gia nhập băng đảng Tam Hoàng

Bộ phim đột phá năm 1997 của Trần Quả được quay trên những thước phim thừa với kinh phí và êkíp rất nhỏ. Câu chuyện theo chân bốn người trẻ tuổi đối mặt với một thế giới mới và thù địch. Autumn Moon (Lý Xán Sâm) đang trên đường gia nhập băng đảng Tam Hoàng, con đường dễ dàng với một đứa trẻ ở nhà xã hội, nhưng lòng trung thành của anh với Sylvester (Lý Đống Toàn) và Ping (Nghiêm Hủ Từ) khiến anh cân nhắc lại. Ẩn hiện trên đầu họ là vụ tự tử của Susan, một nữ sinh.

Với những cảnh quay ứng biến, đoàn phim đa phần không chuyên và địa điểm sống động, Made in Hong Kong đã mở rộng ngôn ngữ điện ảnh và có tác động sâu sắc đến các nhà làm phim tiếp theo. Phim đã thắng giải thưởng cả ở Hồng Kông lẫn quốc tế, và khởi đầu sự nghiệp của Trần Quả với vai trò đạo diễn và nhà sản xuất.

Nhưng bộ phim chưa bao giờ được phát hành rạp ở Bắc Mỹ.

Ping (Nghiêm Hủ Từ)

“Một vài năm trước, tôi bị sốc khi thấy một phiên bản Made in Hong Kong được phục chế đẹp đẽ tại Liên hoan phim Viễn Đông (FEFF) ở Udine, Ý,” Aliza Ma nói. “Như thể được xem bộ phim này lần đầu.”

Người đồng sáng lập (cùng Thomas Bertacche) của FEFF, Sabrina Baracetti, đã lên chương trình chiếu bộ phim của Trần Quả vào năm 1998, khi liên hoan được gọi là Phim Hồng Kông. “Made in Hong Kong gần như không thể xem trên bất kỳ hạ tầng analogue hoặc kỹ thuật số nào,” Baracetti nói qua email.

“Đây là bộ phim khiến chúng ta phải mê mẩn điện ảnh châu Á. Nó là một minh chứng tuyệt vời cho những gì các nhà làm phim và nghệ sĩ có động lực có thể đạt được, ngay cả với những phương tiện rất hạn chế. Xem một lần nữa, bộ phim đã chứng tỏ là kỳ công của vẻ đẹp và niềm vui và, chúng ta có thể thừa nhận không ngượng ngùng, một trải nghiệm cảm động sâu sắc.”

Ẩn hiện trên đầu họ là vụ tự tử của Susan, một nữ sinh

Việc phục chế được L’Immagine Ritrovata thực hiện tại trụ sở của họ ở Hồng Kông và Bologna. Họ làm việc từ phim âm bản gốc, được Trần Quả và nhà quay phim Nghiêm Tinh Bái giám sát.

“Trần Quả là bạn thân của chúng tôi,” Baracetti nói thêm. “Chúng tôi tự hào được tôn vinh ông ấy như vầy.”

Khi làm bộ phim này, Trần Quả đã làm trong cơn ngẫu hứng để ghi lại một khoảnh khắc huy hoàng trong lịch sử Hồng Kông.

“Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp điện ảnh chính thống không quá quan tâm đến những gì sẽ xảy ra với Hồng Kông,” đạo diễn nói với South China Morning Post qua email. “Đó là lý do tôi quyết định biến nó thành một bộ phim độc lập. Nó được hoàn thành với kinh phí nhỏ và một nhóm nhỏ gồm năm người. Tuyệt phải không?”

Trần Quả thắng giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Made In Hong Kong tại Lễ trao giải điện ảnh Bauhinia Vàng

Aliza Ma thừa nhận cô không hề biết những bộ phim như thế này thậm chí tồn tại ở Hồng Kông. “Tôi đã liên hệ điện ảnh ở đó với hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ – những phim theo công thức kể đi kể lại những câu chuyện giống nhau. Rồi có Trần Quả ở đây nhặt nhạnh phim thừa cho cảnh quay của ông ấy,” cô nói.

“Năng lực tự làm mọi thứ của ông ấy thực sự truyền tải thành những gì nhìn thấy trên màn ảnh. Cách bộ phim chuyển động là rất trực giác. Với rất ít nguồn lực, họ đã xoay xở để tạo ra thứ gì đó lớn lao hơn.”

Ma cũng bị ấn tượng bởi cách pha trộn các thể loại của Trần Quả. “Người ta không hay nói đến sự chơi chữ trong tựa đề. Autumn Moon là một tay xã hội đen, anh ta đã được tạo thành (made) trong suốt quá trình làm phim. Nhưng đây là phim ít tính tội phạm nhất trong tất cả các bộ phim tội phạm. Anh ta thực sự là một gã ủ ê cố gắng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.”

Autumn Moon của Lý Xán Sâm trong phim Made in Hong Kong (1997) thực sự là một gã ủ ê cố gắng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống

Trần Quả ghi nhận một sự thay đổi thế hệ kể từ khi phát hành bộ phim lần đầu. “Trước đây, những người trẻ tuổi ở Hồng Kông không quan tâm đến xã hội và chính trị, nhưng bây giờ họ để ý hơn,” ông nói. “20 năm sau, họ đi đầu trong xã hội. Họ đi thẳng vào những vấn đề đối mặt với họ, [và] cố gắng giải quyết chúng. Họ không còn thờ ơ hay chống đối. Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi.”

Metrograph đã trở thành một trong những rạp chiếu phim kinh điển hàng đầu ở New York, một phần dựa trên lịch trình chiếu đa dạng rộng rãi. Gần đây, công ty đã mở thêm việc phát hành, xây dựng một thư viện phong phú bao gồm các tựa như A Bigger Splash, phim tài liệu về họa sĩ David Hockney.

“Khán giả của chúng tôi rất quan tâm đến các bộ phim Hồng Kông từ thời kỳ đó,” Ma nhận xét. “Khi tôi xem Made in Hong Kong ở Udine, ngay lập tức tôi nhận ra rằng chúng tôi phải hợp tác với họ để mang bản phim phục chế đến Mỹ.”

Trong phim, nhân vật của Lý Xán Sâm phải quyết định có gia nhập băng đảng Tam Hoàng hay không

Bộ phim đã có một đợt chiếu dài tại Metrograph, giống các rạp chiếu phim khác ở New York đã được lệnh đóng cửa vì đại dịch virus corona vào tháng 3, và dự kiến sẽ chiếu ở 15 thành phố khác trên khắp nước Mỹ.

“Tôi xúc động sâu sắc rằng bộ phim phát hành 23 năm trước này đã được phục chế cho một thế hệ khán giả mới xem,” Trần Quả nói. “Như thể sinh đứa con thứ hai. Tôi thực sự rất vui khi bộ phim sẽ được phát hành tại Mỹ; nó vượt xa mong đợi của tôi.”

Trần Quả giải thích tiếp rằng trong khi giới trẻ có thể không hài lòng với các hệ thống xã hội toàn cầu, Made in Hong Kong đã đánh vào các vấn đề xã hội độc đáo.

Lý Xán Sâm và Nghiêm Hủ Từ trong một cảnh phim Made in Hong Kong (1997)

“Giới trẻ Hồng Kông rất sợ mất đi thứ quý giá nhất trên đời – và đó là tự do. Tôi cá là những người trẻ tuổi ở Mỹ cũng vậy. Bạn có nghĩ vậy không?”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post