Tin tức

Budapest - nơi tạo ra những giấc mơ Hollywood

15/02/2017

Ryan Gosling, Harrison Ford, Hugh Jackman. Việc phát hiện những nam diễn viên Hollywood đình đám không còn là chuyện to tát ở Budapest nữa, nơi này giờ đây là một trong những trung tâm sản xuất phim nước ngoài hàng đầu châu Âu nhờ chính sách giảm thuế hấp dẫn và cơ sở vật chất tiên tiến.

Một số phim bom tấn lớn nhất của Mỹ trong những năm gần đây đều được quay ở thành phố này, trong số đó có phim hành động hài Spy (2015) của Jude Law và phim hình sự kỳ bí Inferno (2016) có sự tham gia của Tom Hanks.

Nam diễn viên Hugh Jackman trò chuyện với đoàn làm phim bên cầu Szabadsag ở Budapest trong lúc quay phim ở đây năm 2011

Ngôi sao 60 tuổi đóng bộ phim hậu truyện của Da Vinci Code của Dan Brown đã lưu lại thủ đô của Hungary vài tuần trong thời gian quay phim.

“Đó là một trong những thành phố xinh đẹp nhất trên thế giới,” Hanks nói một cách đầy thiện cảm sau thời gian lưu lại đó.

Budapest lại được lên tít khi anh chàng hào hoa Gosling lưu lại thành phố này năm tháng để quay phần tiếp theo của bộ phim khoa học viễn tưởng Blade Runner (1982) hồi đầu năm 2016.

Câu chuyện ảnh bìa tháng 1 của tạp chí GQ hào nhoáng dành cho đàn ông của Mỹ cho thấy Gosling tạo dáng trong những bức ảnh đầy phong cách được chụp ở những địa điểm đẹp nhất của Budapest (ảnh dưới).

Một thắng lợi về mặt quảng bá tiếp thị cho chính quyền Hungary, ngoại trừ một lưu ý khó chịu nhỏ.

Ở một trong những bức hình, không biết đến những đối thủ chính trị ngầm, Gosling đang nằm nhàn hạ trên giường trong khách sạn cầm tờ báo Magyar Nemzet, đây là tờ báo thuộc về đối thủ của Thủ tướng phe cánh hữu Viktor Orban.

'Mister Cinema'

Sai sót về mặt PR này ngay lập tức được đài truyền hình thân chính phủ TV2 khắc phục bằng cách làm mờ tên tờ báo khi đăng hình.

Ông chủ của đài TV2 thân thiết với Orban kết đồng minh với Andy Vajna, ủy viên hội đồng điện ảnh quốc gia từ năm 2011.

Bể nước trong trường quay của Korda Studios ở Budapest

Thường được nhắc đến với biệt danh 'Mister Cinema', nhân vật quyền quý này tạo dựng phần lớn sự nghiệp ở Hollywood và sản xuất nhiều tác phẩm thành công như RamboTerminator.

Vajna là một trong số những quân sư có công trong việc đẩy mạnh tiếng tăm của Budapest như một kinh đô điện ảnh đẳng cấp thế giới, đáng lưu ý là bằng cách đồng đầu tư phim trường hiện đại Korda Studios.

Khai trương gần mười năm trước, khu phức hợp khổng lồ này được đặt giữa vườn nho trải dài hai mươi mấy cây số (khoảng 12 dặm) từ thủ đô.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, khu vực này từng là căn cứ quân sự.

Hiện tại, những cuộc xung đột diễn ra ở đó chỉ là giả, được tạo ra ở một trong những trường quay thu âm lớn nhất của châu Âu.

Cảnh sao Hỏa trên phim The Martian được dựng trong phim trường của Korda Studios

Với tác phẩm gây chấn động phòng vé The Martian của Matt Damon, hãng phim đã chuyển vào hơn 4.000 tấn đất đỏ để biến khu vực này thành sao Hỏa.

Thực ra, bản thân thành phố Budapest cũng đã xuất hiện trong phim, mặc dù được giả trang thành Bắc Kinh. Thành phố linh hoạt này trước đó từng “sắm vai” Paris, Vienna và Moscow trong các phim khác.

Phát triển nhân tài trong nước

Với cơ sở hạ tầng công nghệ cao, những ưu đãi thuế và đội ngũ nhân công có tay nghề giá rẻ đã biến Budapest thành “hạ tầng quay phim quan trọng thứ hai ở châu Âu sau London,” Daniel Kresmery, quản lý bộ phận sản xuất và phát triển của Korda, nói.

“Và chúng tôi chỉ mới chạy 75% công suất thôi đấy,” anh cười toe toét và nói thêm.

Tom Hanks mặc đồ bệnh nhân trong một cảnh mở đầu bộ phim Inferno. Cảnh được quay ở khu vực Gutenberg của Budapest

Năm 2004 Hungary ban hành luật thuế giúp các nhà làm phim có thể lấy lại 25% chi phí.

Kế hoạch hấp dẫn này đã thành công. Năm 2016, việc sản xuất phim trong nước lẫn quốc tế đã bơm hơn 270 triệu euro (tương đương 280 triệu đôla) vào Hungary, so với 105 triệu euro hồi năm 2011, theo thông tin từ chính phủ.

“Ngành công nghiệp này đóng góp 0,15% GDP của Hungary, là tỷ trọng cao nhất toàn châu Âu,” Agnes Havas, giám đốc Quỹ điện ảnh quốc gia do Vajna bổ nhiệm, nói với AFP.

Hiện nay có khoảng 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh Hungary, sử dụng khoảng 4.000 lao động.

Nhưng nhà máy chế tạo giấc mơ này không chỉ tạo ra những tác phẩm lớn của Mỹ, mà còn phát triển những tài năng trong nước như Laszlo Nemes, người thực hiễn bộ phim kinh dị về nạn tàn sát người Do Thái Son of Saul đoạt giải Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 2016.

Đạo diễn Laszlo Nemes, phải, cùng các diễn viên phim Son of Saul trên trường quay. Bộ phim đã đem về cho Hungary giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc 2016

Trong khi đó, người đồng nghiệp đồng hương Kornel Mundruczo nhận giải của ban giám khảo Liên hoan phim Cannes 2014 cho tác phẩm White God.

“Những dịch vụ do ngành điện ảnh cung cấp thật sự rất đỉnh,” nhà làm phim độc lập này phát biểu, nói thêm rằng anh rất “tự hào” về thành phố của mình nơi anh vừa hoàn tất việc quay bộ phim mới nhất.

Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AFP