Tin phòng vé

Liệu rạp chiếu ở Mỹ sống sót qua đại dịch virus corona?

06/04/2020

Virus corona đang khiến ngành điện ảnh rối loạn — làm tổn thương doanh thu phòng vé và lật ngửa ván bài đấu trí lâu nay giữa Hollywood và Thung lũng Silicon.

Ngày xửa ngày xưa, một nhúm các hãng phim lớn đã chi hàng tỉ để làm phim, và làm tiếp thị và phát hành những bộ phim đó ở các rạp trên toàn cầu. Nhưng trong hai thập kỷ qua, với sự gia tăng về nội dung và thiết bị phân phối, cách làm cũ đã thay đổi.

Thế rồi, từ giữa tháng 3, COVID-19 bắt đầu lan tràn ở Mỹ trên diện rộng, theo cách khiến Sean Hannity của Fox News nói đến việc trưng dụng các du thuyền và Donald Trump thôi gọi dịch bệnh này là trò lừa bịp — và ngành công nghiệp điện ảnh bị đảo lộn.

Điều đầu tiên xảy ra là một loạt các bộ phim bom tấn phải dời ngày phát hành: Black Widow, cuộc phiêu lưu siêu anh hùng Marvel mới nhất của Disney, đã bị đẩy khỏi phát hành ngày 1 tháng 5. Chuyện đó theo sau tin Disney hoãn Mulan, vốn dự kiến ra rạp ngày 27 tháng 3. No Time to Die cũng thế, được đẩy từ ngày 10 tháng 4 đến trước Lễ Tạ ơn; A Quiet Place Part II của Paramount; New Mutants của 20th Century Studios; và F9 của Universal, phần mới nhất trong loạt Fast & Furious. Người ta ước tính rằng tính chung những bộ phim đó sẽ mang về hơn 1 tỉ đôla ở phòng vé.

“Cái năm đã được trông đợi là năm phục hồi cho việc kinh doanh rạp chiếu là thế này đây — hỏng hết rồi,” một điều hành hãng phim muốn giấu tên nói. “AMC, Regal, những công ty tương tự, gặp rắc rối lớn. Vì phát trực tuyến, chúng ta đã dọn món để người ta ở nhà xem phim rồi, nhưng bây giờ chúng ta lâm vào cảnh sẽ không có bất kỳ sự kiện điện ảnh lớn nào diễn ra vào cuối tháng 5. Các rạp chiếu sẽ xoay xở làm sao?” 

Một phát ngôn viên của AMC từ chối bình luận. Jon Goldstein, đối tác tại Emagine Entertainment, sở hữu 25 rạp chiếu với gần 300 màn hình ở Michigan, Illinois, Minnesota và Wisconsin, vẫn lạc quan về lâu dài. “Tôi nghĩ có thể chúng ta đều đồng ý rằng điều này sẽ dẫn đến suy thoái,” Gold Goldstein nói, ý chỉ dịch bệnh do virus. “Và bất cứ khi nào có suy thoái, cho dù là năm 1987 hay 2001 hay 2008, năm sau đó đã có sự tăng trưởng hai chữ số ở phòng vé.”

Trong một dấu hiệu cho thấy mọi thứ có thể không trở lại như trước khi có corona, vào ngày 10 tháng 4, Universal sẽ phát hành bộ phim phiêu lưu hài hoạt hình Trolls World Tour ở rạp (giả sử có rạp nào còn mở) và trên các dịch vụ phát trực tuyến — đóng lại cái gọi là cửa sổ phát hành rạp.

Cửa sổ phát hành — thời gian giữa phát hành phòng vé và phát hành gia đình — đã thu hẹp trong vài thập kỷ qua, vì lượng nội dung giải trí bùng nổ, và việc phân phối nội dung đã nhảy từ rạp chiếu sang tivi sang máy tính xách tay sang iPhone. Năm 1997, cửa sổ phát hành trung bình năm tháng và 22 ngày, theo báo cáo từ Hiệp hội chủ sở hữu rạp chiếu Hoa Kỳ. Đến năm 2019, đã giảm mạnh xuống còn hai tháng và 21 ngày.

Có phát hành được ở rạp nào hay không không cần biết, các Quỷ lùn tinh nghịch sẽ khuấy đảo thế giới streaming

Nhưng cửa sổ đó vẫn còn giá trị. Năm ngoái, theo Hiệp hội Điện ảnh, 11,4 tỉ đôla đã được người ta chi vào việc mua vé xem phim. Các hãng phim lấy khoảng 60% con số đó. Phần còn lại về tay các rạp chiếu phim, thường hòa vốn bằng doanh thu bán vé và kiếm được tiền nhờ bán bỏng ngô và thức uống, theo Goldstein.

Do virus corona, nhiều rạp chiếu phim đã bị đóng cửa; những rạp vẫn còn mở phải bằng cách nào đó thu hút những người xem không sợ bị bệnh và chịu khó xem một bộ phim cũ. (“E.T. cũng hay,” Goldstein nói. “Bố già luôn lôi kéo đám đông.”)

Câu hỏi lớn là chuyện gì xảy ra với các hãng phim. David Offenberg, giáo sư tài chính về giải trí tại Đại học Loyola Marymount, dự đoán khi COVID-19 cuối cùng lắng xuống, người ta sẽ quay trở lại rạp chiếu phim. “Nhiều năm nay đã nói về việc đóng cửa sổ phát hành, và nó vẫn chưa xảy ra. Người tiêu dùng vẫn thích đến rạp,” Offenberg nói.

Seth Byers, từng là phó chủ tịch điều hành và nghiên cứu sáng tạo của Universal, và vào năm 2019 đã ra mắt Pool Party Creative, chuyên sản xuất quảng cáo chiếu rạp cho các khách hàng như Amazon và Hulu, cho biết mô hình cũ này phải thích ứng với thị trường đang thay đổi.

Từ trái qua: Mulan, Jungle Cruise, và Black Widow, ba phim lớn của Disney đều đã công bố lịch phát hành mới, thay cho lịch phát hành đã định trong năm 2020

Các hãng phim bơm hàng trăm triệu đôla vào việc sản xuất và tiếp thị các bộ phim bom tấn. Những khổng lồ công nghệ như Amazon và Apple, tương đối mới mẻ với ngành kinh doanh giải trí, thay vào đó tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái toàn bộ nội dung mà họ có thể tính phí thuê bao hàng tháng để truy cập.

Cho đến nay, hai công ty dường như đã làm chủ được hỗn hợp công nghệ-giải trí: Netflix, công ty công nghệ nắm bắt sản xuất nội dung giải trí, và Disney, với sự ra mắt của Disney+, đã trở thành một trong những hãng phim tích hợp theo chiều dọc đầu tiên kể từ khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phán quyết, vào năm 1948, rằng hãng phim không được sản xuất nội dung và kiểm soát việc phân phối nội dung đó.

Cấu hình — và trí tuệ — lai ghép đó cho biết chuyện gì sắp tới. “Chúng ta sắp trải nghiệm một hiệu ứng domino văn hóa hàng loạt toàn ngành,” Byers nói.

Trong thâm tâm, nhiều nhà điều hành băn khoăn liệu các hãng phim chưa được mua lại bởi những khổng lồ như AT&T hay Viacom có khả năng tái cấu trúc từ trên xuống kiểu đó hay không.

Virus corona đang khiến ngành điện ảnh rối loạn — làm tổn thương doanh thu phòng vé và lật ngửa ván bài đấu trí lâu nay giữa Hollywood và Thung lũng Silicon

Nhiều thay đổi trong kinh doanh phim ảnh gán cho virus corona đã được dự đoán bởi kinh nghiệm của Sony Pictures với The Interview năm 2014, về hai nhà báo (do Seth Rogen và James Franco thủ vai) được CIA tuyển dụng để ám sát nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Bộ phim đã chọc giận Bình Nhưỡng, đe dọa có hành động trả đũa. (Một vụ hack Sony Pictures được nhiều người cho là do Bắc Triều Tiên tiến hành là quả báo cho bộ phim.) Sony đã chọn không phát hành bộ phim này ở rạp mà phát trên Google Play, Microsoft Xbox và YouTube.

The Interview đã xoay xở để hòa vốn, dù từ bỏ tất cả các khoản thu ở phòng vé lẽ ra có thể đã thu được. Dave Harvilicz và Andy Martinez, đồng sáng lập Kernel, công ty khởi nghiệp được Sony thuê để tạo ra một cổng thông tin cho những người sẵn sàng trả 5,99 đôla để xem The Interview, được Sony ghi công trong việc làm giảm tối thiểu ma sát giữa điểm tiếp xúc và mua hàng.

Việc xem phim ở nhà dễ dàng sẽ tiếp tục là tin xấu cho các rạp chiếu vốn đang vật lộn để duy trì hoạt động trong thời đại thu hẹp cửa sổ phát hành và, giờ lại thêm virus corona.

Goldstein của Emagine Entertainment không nản lòng. Ông nói, “Có 60.000 bộ phim ngoài kia, và nếu bạn biết nội dung và có thể tuyễn chọn cho người ta, chúng tôi khác với một dịch vụ phát trực tuyến là ở chỗ đó.”

Ông nói thêm rằng có những rạp chiếu Emagine hiện bao gồm các tiện nghi như chỗ chơi ném rìu và phòng chiếu riêng tư 30 chỗ ngôi. Và, tất nhiên, họ rất thận trọng trong việc chống virus. “Chúng tôi cho khử trùng khắp mọi nơi. Nhân viên quầy thức ăn thức uống của chúng tôi đeo găng tay. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể,” Goldstein nói.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair