Nhân vật & Sự kiện

#Thập niên 2010 nhìn lại: 10 phim cho chúng ta biết mình là ai và từ đâu mà đến

23/12/2019

Esquire kết tinh 10 phim hay trong thập niên 2010 đã làm thay đổi căn bản điện ảnh mà ta đã biết.

Danh sách mười phim hay nhất cuối năm không chỉ là dịp thường niên để các nhà phê bình tự cao tự đại đánh cắp bài diễn thuyết lẫn nhau và xếp hạng một cách chủ quan, lý luận tại sao những phim họ thích lại hay hơn phim bạn thích. Hay, ít nhất là, chúng nên thế. Lý tưởng thì, chúng cung cấp cơ hội để suy ngẫm — cơ hội để nhìn lại 12 tháng trước và lấy nhiệt độ của nền văn hóa, chúng ta đang ở đâu lẫn chúng ta đã ở đâu. Điều gì khiến ta cười? Điều gì châm ngòi cho một sự đồng cảm vô cùng cần thiết? Điều gì làm chúng ta choáng váng với cú sốc về cái mới? Điều gì nói với chúng ta và thúc đẩy chúng ta tiến tới? Nói tóm lại, Nghệ Thuật là gì.

Theo các định luật cơ bản của toán học, việc đưa ra một danh sách phim hay nhất thập niên chỉ khó hơn gấp 10 lần thôi. Hà! Giá mà thế. Mười năm qua, hằng số duy nhất trong nền văn hóa của chúng ta (cả đại chúng lẫn đại thể) đã thay đổi. Lo lắng của chúng ta dường như tăng lên với mỗi chu kỳ tin tức mới. Có vẻ như chúng ta hoài nghi và chia rẽ hơn bao giờ hết. Không còn là một quốc gia, mà là một liên minh các bộ lạc gấu ó nhau. May còn có điện ảnh mang chúng ta lại với nhau. Để giải khuây cho chúng ta, chắc chắn, nhưng cũng để khai sáng và giúp chúng ta hiểu được thời đại mình sống đang thay đổi hơn bao giờ hết. Suy cho cùng, ngồi trong bóng tối rạp chiếu với toàn những người xa lạ luôn có phép màu để đoàn kết chúng ta lại và khiến ta cảm thấy bớt cô đơn. Tất cả những gì chúng ta phải làm là mở mắt ra và... xem.

Lập danh sách 10 phim hay nhất được phát hành từ bình minh năm 2010 và hoàng hôn năm 2019 là một công việc hết sức khó cân bằng. Không chỉ bởi vì điện ảnh đang thay đổi nhanh chóng như mọi thứ khác xung quanh ta (máy bay siêu thanh và sự lên ngôi hủy diệt của Netflix, bom tấn siêu anh hùng nhanh tay làm bá chủ, sự đa dạng ở phía trước và sau máy quay bị ngành điện ảnh chần chừ đến quá đát). Mà còn bởi vì một số phim, thường không phải là những phim vừa ra rạp lập tức được xem là kiệt tác, dường như biến khỏi ký ức của chúng ta ngay khi cuối tuần mở màn kết thúc. Những phim trong danh sách này không dễ dàng bị lãng quên hay nhanh chóng bị lãng quên. Trong một số trường hợp, có thể chúng mất nhiều thời gian hơn để ướp vào tâm trí của chúng ta và tiết lộ những chiều sâu tiềm ẩn, nhưng chúng là những đại diện tốt nhất cho biết chúng ta là ai, và chúng ta đã ở đâu, và chúng ta đang hướng đến nơi nào trong thập niên sắp tới...

10. Paddington 2 (2017)

Vâng, phần tiếp theo về một chú gấu biết nói là một trong những bộ phim hay nhất thập niên. Cốt truyện — Paddington cố lấy lại cuốn sách hình nổi bị đánh cắp — nhẹ nhàng như miếng sandwich phết mứt cam. Nhưng nhờ bối cảnh nhiều tầng lớp như tranh tầm sâu, có cảm giác như đây là bộ phim hay nhất của Wes Anderson mà Anderson chưa từng làm. Chắc chắn, Paddington 2 có thể khiến bạn cảm thấy mình trẻ con trở lại. Nhưng đừng bị lừa, đây là bộ phim không chỉ dành cho trẻ em. Bên dưới bảng màu bắt mắt và bất chấp nhân vật phản diện ngon lành của Hugh Grant, đây là một bộ phim về sự ngây thơ, dung hợp, và lòng tốt — những tình cảm đã trở nên thiếu hụt trong vài năm qua.

9. Moonlight (2016)

Bộ phim thắng giải phim hay nhất của Barry Jenkins là một suy ngẫm về bản sắc đặt ra câu hỏi làm một người đàn ông da đen đồng tính ở Mỹ có nghĩa gì. Trước đây, Moonlight sẽ là một phim nghệ thuật không được chú ý, một bi kịch nữa bị thiệt mạng trong cái thị trường cụm rạp chiếu “không bùng nổ thì bụp xịt”. Nhưng câu chuyện sâu sắc về hành trình của một người đàn ông từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành này quá siêu việt, quá hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ nhất, không thể bị phủ nhận. Và cảm ơn Chúa vì điều đó. Bởi vì câu chuyện tuổi mới lớn này của Jenkins gần như một bài thơ mà điện ảnh có thể sáng tác nên.

8. The Handmaiden (2016)

Park Chan Wook, đạo diễn tác gia người Hàn Quốc đứng sau Oldboy, đã phá bung xiềng xích thể loại bằng câu chuyện tình lãng mạn lịch sử gây chấn động với vụ nổ bất ngờ về tình dục lập dị. Được phóng tác từ cuốn tiểu thuyết của Sarah Waters về một kẻ móc túi trẻ tuổi được một người đàn ông thuê để dụ dỗ một quý tộc ra vẻ đoan trang (một Kim Min Hee mê hoặc), The Handmaiden thắt nút như một phim ‘noir’ thập niên 40 và quyến rũ điên cuồng như một phim ly kỳ khiêu dâm thập niên 80. Đây là một trong những phim nhập khẩu quá hiếm hoi mà, bên dưới những cái bẫy Merchant-Ivory trưởng giả,* những zíc-zắc của nó sôi nổi đến đến độ quay cuồng và say đòn nhớ không ra từ báo động an toàn** của mình.

7. The Lobster (2015)

Có một số bộ phim kỳ lạ đến mức từ chối lời giải thích dễ dàng. Bộ phim châm biếm kiểu Kafka*** của Yorgos Lanthimos về yêu đương phù hợp — và loài giáp xác. Colin Farrell đóng vai một trái tim cô đơn có 45 ngày để tìm bạn đời phù hợp, nếu không, anh sẽ biến thành động vật mà anh lựa chọn. A, lại là chuyện cũ đó. The Lobster là một hố thỏ kỳ dị, hiện sinh, cảm giác hoàn toàn nguyên bản trong thời đại tê liệt những phần tiếp theo của chúng ta. Và cảnh cuối cùng của bộ phim là một cảnh còn mãi với thời gian — một sự lơ lửng liệu-anh ta-có-hay-không chưa bao giờ được giải quyết và càng không có cái kết rõ ràng và từ chối đưa ra câu trả lời dễ dàng thì càng hay.

6. Once Upon a Time... in Hollywood (2019)

Thoạt có vẻ là một trong những tác phẩm mô phỏng cuồng-phim-B của Quentin Tarantino lại trở thành cái gì đó sâu sắc hơn, khi một diễn viên sắp hết thời (Leonardo DiCaprio) và bạn nối khố Sancho Panza chuyên đóng thế cho anh ta (Brad Pitt) cho rằng giấc mơ California đã chết, dám tưởng tượng: sẽ thế nào nếu mọi sự không tan tành mây khói vào một buổi tối định mệnh nào đó tháng 8 năm 1969? Tarantino nhận được rất nhiều lời khen ngợi vì những ám ảnh đầy phong cách riêng của ông (quá hảo ngọt bãi rác xe tối tăm mờ mịt, bạo lực vô cớ), nhưng sau hai cú đấm thất vọng của Django Unchained The Hateful Eight, đây không chỉ là trở lại như trước, mà còn là bộ phim cự phách nhất của ông kể từ Pulp Fiction.

5. Whiplash (2014)

Từ trái qua: J.K. Simmons, Damien Chazelle và Miles Teller trên trường quay Whiplash (2014)

Kiệt tác tâm lý tan nát cõi lòng của Damien Chazelle báo hiệu sự xuất hiện của một nhà làm phim thần đồng sôi nổi y hệt nhân vật chính kiêu ngạo của nó: tay trống jazz, chơi trống đến chảy máu, tập trung bén ngót tên Andrew Neiman do Miles Teller thủ vai. Bộ phim không chỉ là câu chuyện cảnh giác về việc theo đuổi sự hoàn hảo, nó còn kích thích mạnh mẽ theo từng nốt nhạc. J.K. Simmons tỏa sáng trong vai người huấn luyện nóng nảy điên cuồng, cho Andrew vào cối xay tâm lý tốc độ của mình. Nhưng Simmons không chỉ thể hiện lại một nhân vật phản diện Hollywood nhàm chán. Ông không bạo dâm điên rồ như người ta nghĩ đâu. Đây là màn song ca tương hỗ tàn bạo.

4. Call Me By Your Name (2017)

Từ trái qua: Michael Stuhlbarg, Timothée Chalamet và Armie Hammer trong Call Me by Your Name

Chuyện tình đồng tính tuổi mới lớn của Luca Guadagnino là giấc mơ trữ tình nửa vời của một bộ phim huyễn hoặc tuyệt đẹp. Lấy bối cảnh những buổi chiều hè lười nhác và những khoảnh khắc chìm đắm nhục cảm ở vùng nông thôn nước Ý, phim theo dấu sự hấp dẫn e ấp giữa một thiếu niên 17 tuổi (Timothée Chalamet) và một sinh viên tốt nghiệp quyến rũ (Armie Hammer). Câu chuyện diễn ra với bao nhiêu nỗi lòng và nhân bản như vậy là một phép màu nhỏ. Michael Stuhlbarg, vào vai người cha trên màn ảnh và có vẻ xa cách và sách vở của Chalamet, mang đến một trong những câu chuyện cảm động sâu sắc nhất về những bí ẩn của tình yêu từng được nắm bắt trên phim.

3. Mad Max: Fury Road (2015)

Hầu hết phim hành động hiện đại được xây dựng lên đến cao trào trung tâm vụ nổ hạt nhân. Nhưng trận derby hủy diệt hậu tận thế lạ thường một cách vẻ vang của đạo diễn George Miller là đỉnh cao của mọi đỉnh cao. Có phần như hoạt hình Tex Avery rách võng mạc, có phần luyện ngục như trong tranh của Hieronymous Bosch, Fury Road là 120 phút xinê kích thích nhất thập niên này — bất kỳ thập niên nào. Mạnh dạn hoán đổi tiêu chuẩn của Hollywood, hỗn loạn CGI cho những kẻ liều mạng, những hiệu ứng thực tế và cảnh mạo hiểm không có lưới đỡ an toàn, Miller làm bật lên những điều tưởng chừng như không thể lặp đi lặp lại cho đến lúc bạn suýt đầu hàng trong khi cố giữ không để rơi hàm. Không, vai người hùng của Tom Hardy không làm bạn quên Mel Gibson. Nhưng Furiosa của Charlize Theron thì chắc chắn làm được.

2. Before Midnight (2013)

Mười tám năm sau lần đầu họ may mắn gặp gỡ trên chuyến tàu ở Vienna trong Before Sunrise, Celine của Julie Delpy và Jesse của Ethan Hawke đang đi nghỉ ở Hy Lạp và ghì lấy câu chuyện tình lãng mạn cổ tích trong bủa vây khổ nhọc đời thường của thực tại. Sự căng thẳng của cặp đôi và cuộc đấu khẩu quá thực trong phòng khách sạn đau đớn tưởng chừng không xem nổi. Có những oán hận tích lũy năm tháng tuôn tràn. Và bạn có cảm giác như đang nghe lén chuyện gì đó thật đến nỗi lẽ ra không nên nghe. Nhưng không gì hơn sự thật đau lòng. Before Midnight là bộ phim thân mật, trưởng thành và trung thực nhất của Richard Linklater. Một bức thư tình để yêu mà lòng tan nát... và hy vọng sau cùng.

1. The Social Network (2010)

Câu chuyện nguồn gốc Facebook của Mark Zuckerberg do David Fincher đạo diễn là Citizen Kane cho thời đại Internet. Được thúc đẩy bởi lời thoại rùng mình, ăn miếng trả miếng của Jesse Eisenberg theo kịch bản của Aaron Sorkin, The Social Network là bộ phim về thiên niên kỷ mới của chúng ta — chân dung khủng khiếp của một kẻ ích kỷ trẻ tuổi nhẫn tâm bằng cách nào đó đã kết nối thế giới nhưng rốt cuộc lại là kẻ cô độc nhất hành tinh. Kể từ khi ra đời, sáng tạo công nghệ của Zuckerberg đã đi từ một thế lực không tưởng, thu nhỏ thế giới trở thành một mối đe dọa tiềm tàng cho nền dân chủ. Xem ra Fincher thấu hiểu tất cả những điều này và hiểu từ lâu hơn bất kỳ ai khác. Và bộ phim rắc rối, xuất sắc của ông mang ý nghĩa tiên tri và thấy trước hết sức khó chịu.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Esquire


* Thuật ngữ “Merchant–Ivory film” nói đến James Ivory, Ismail Merchant và Ruth Prawer Jhabvala — bộ ba tạo nên hãng phim Merchant Ivory Productions lừng danh. Họ đã cùng nhau làm 44 bộ phim, trong đó có những tác phẩm điện ảnh lãng mạn xuất sắc như A Room with a View (1985), Howards End (1992), hay The Remains of the Day (1993). Một phim “Merchant–Ivory” điển hình thường là tác phẩm lấy bối cảnh đầu thế kỷ 20, luôn ở nước Anh thời Vua Edwrad, phong cách xa hoa và các diễn viên hàng đầu người Anh khắc họa những nhân vật trưởng giả chịu đựng những vỡ mộng và vướng mắc bi kịch. Chủ đề chính thường xoay quanh một ngôi nhà. Ngôi nhà giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phim Merchant Ivory.

** Nguyên văn ‘safeword’: dùng trong quan hệ bạo-khổ dâm. Trong quá trình làm tình, cái gì đi quá giới hạn thì sẽ nói câu này và bạn tình sẽ dừng lại.

*** Franz Kafka (1883–1924) nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, được giới phê bình xem là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Văn chương của Kafka là nguồn gốc của thuật ngữ “kiểu Kafka”, dùng để miêu tả những quan niệm và tình huống gợi lại tác phẩm của ông. Các nhân vật trong một bối cảnh “kiểu Kafka” thường thiếu cách thức hành động rõ ràng để thoát khỏi hoàn cảnh. Các yếu tố “kiểu Kafka” thường xuất hiện trong các tác phẩm hiện sinh, nhưng thuật ngữ này đã vượt quá địa hạt văn học và được áp dụng cho cả những sự kiện, tình huống trong đời thực phức tạp đến độ không hiểu nổi, kỳ quái hoặc phi logic.