Nhân vật & Sự kiện

Pixar đảm bảo làm phim Coco với nhận thức văn hóa đầy đủ

25/11/2017

Hồi năm 2011, khi biên kịch-đạo diễn Lee Unkrich của Pixar được bật đèn xanh cho phép triển khai kế hoạch tiếp theo Toy Story 3, bộ phim được đề cử phim hay nhất đã làm nên sự nghiệp của anh, sự phấn khích ban đầu tan biến thành sợ hãi.

Unkrich, 50 tuổi, đã không kẹt trong hốt hoảng. Anh biết ý tưởng của anh về một bộ phim hoạt hình mới, mà cuối cùng trở thành Coco, ra rạp ở Việt Nam vào thứ sáu 24/11 này, có cùng tiềm năng tạo nên hình ảnh lộng lẫy và phấn khích cảm xúc đã khiến Toy Story 3 và các tác phẩm khác của hãng phim thuộc Disney này trở nên khác biệt.

Hector (García Bernal) và Miguel (Anthony Gonzalez lồng tiếng) trong một cảnh phim

Lo lắng của anh có tính cá nhân. Câu chuyện của Coco tập trung vào Día de los Muertos — lễ hội tôn vinh người chết ở Mexico — còn Unkrich, lớn lên ở ngoại ô Cleveland, là người da trắng và không có gắn bó gì với đất nước đó hay truyền thống của đất nước đó. Anh lo mình sẽ bị kết tội chiếm đoạt văn hóa và thấy mình bị đưa vào một sảnh đường ô nhục Hollywood dành cho các nhà làm phim bị kết tội ngược đãi văn hóa dân gian do dốt nát hoặc thành kiến.

“Cộng đồng Latinh là một cộng đồng khăng khăng giữ ý kiến riêng, có tiếng nói mạnh mẽ,” anh nói. “Bản thân tôi không phải là người Latinh, tôi biết dự án này sẽ bị soi rất kỹ.”

Unkrich đối mặt với tình trạng lưỡng nan. Một mặt, anh tin rằng nghệ sĩ không nên bị giới hạn để “chỉ kể về những gì họ biết và nền văn hóa của họ”. Nhưng anh cũng không tránh khỏi có những thành kiến và những điểm mù phải vượt qua, và đảm bảo bộ phim của anh không “sa vào giáo điều hay sự rập khuôn”.

Đạo diễn Unkrich biết ý tưởng của anh có tiềm năng tạo nên hình ảnh lộng lẫy và phấn khích cảm xúc

Sự lựa chọn của nhà đạo diễn và các cộng sự cho thấy một mô hình làm phim có ý thức văn hóa ở tầm mức phim bom tấn. Với Coco, bộ phim thứ 19 của Pixar và là phim đầu tiên có nhân vật dân tộc thiểu số trong vai chính, Unkrich hầu như bỏ qua sách hướng dẫn để tạo ra những thế giới hư cấu đắm chìm như trong Finding NemoMonsters, Inc. Thay vào đó, anh dựa vào nhiều chuyến đi đến Mexico để nghiên cứu và những câu chuyện riêng của các thành viên êkíp Latinh, giúp tạo nền cho thế giới kỳ ảo của anh có nguồn gốc địa lý và xã hội học cụ thể.

Các nhà làm phim còn nhờ một dàn chuyên gia tư vấn văn hóa Latinh bên ngoài hiệu đính ý tưởng cũ và gợi ý những ý tưởng mới. Cách tiếp cận này đã được chính thức hóa sau một sai lầm ban đầu vào năm 2013, khi các luật sư của Disney đăng ký tên thương mại cụm từ "Día de los Muertos", tựa tạm thời cho Coco và đã kích hoạt phản ứng dữ dội trên mạng.

“Thường chúng tôi không mở cửa cho người ta vào xem những buổi chiếu ban đầu của chúng tôi,” Darla K. Anderson, một trong những nhà sản xuất phim và là một điều hành cấp cao lâu năm ở Pixar, nói về làm việc với các chuyên gia tư vấn bên ngoài. “Nhưng chúng tôi thực sự muốn nghe tiếng nói và những lưu ý của họ và để đảm bảo chúng tôi làm tất cả chi tiết được chính xác."

Phim đầy ắp những gợi ý nhỏ nhặt về cuộc sống hằng ngày ở Mexico,...

Coco kể câu chuyện về Miguel Rivera, cậu bé người Mexico 12 tuổi, mơ ước trở thành người hát rong nổi tiếng như thần tượng của mình, Ernesto de la Cruz — một người hùng guitar và ngôi sao điện ảnh lấy cảm hứng từ những nhân vật nổi tiếng vào giữa thế kỷ trước như Pedro Infante và Jorge Negrete. Gia đình của Miguel quyết liệt phản đối âm nhạc, dẫn đến một cuộc nổi loạn định mệnh vào Ngày của người chết, khiến cậu rơi xuống một thế giới âm ty sáng rực rỡ của những bộ xương biết đi, linh hồn có cánh và những bí mật gia đình chôn vùi đã lâu.

Bằng cách tìm kiếm đầu vào cho mọi thứ từ thiết kế nhân vật đến cốt truyện, Pixar hy vọng làm cho bộ phim có cảm giác bản địa hơn là du khách, và để đón trước kiểu tranh cãi về tẩy trắng miệt thị đầy mạng xã hội đã gây họa cho việc sản xuất bộ phim American Drug Lord của Charlie Hunnam hơn một năm trước, và đã đánh đắm các phim như Aloha Ghost in the Shell. Đồng thời, các nhà điều hành tin tưởng khán giả phi-Latinh sẽ được cuốn hút bởi các chủ đề phổ quát của câu chuyện về di sản và sự phụ thuộc lẫn nhau trong gia đình.

Kết quả là đầy ắp những gợi ý nhỏ nhặt về cuộc sống hằng ngày ở Mexico, kể cả một chú chó Xolo (giống chó không có lông của Mexico) là trợ thủ trung thành của Miguel và một đoạn mở đầu bằng hoạt hình papado picado (tranh khăn giấy cổ truyền).

...kể cả một chú chó Xolo...

Xuyên suốt bộ phim, nhiều nhân vật chính — do một dàn diễn viên hầu như toàn người gốc Latinh lồng tiếng, bao gồm Gael García Bernal, Benjamin Bratt và Anthony Gonzalez trong vai Miguel — thoải mái xen tiếng Tây Ban Nha chưa được phiên dịch, chuyện hiếm trong điện ảnh thương mại của Mỹ.

Octavio Solis, biên kịch người Mỹ gốc Mexico, tư vấn cho bộ phim, nói: “Ý tưởng ban đầu là các nhân vật chỉ nói tiếng Anh mà được hiểu rằng họ thực sự nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng đối với chúng tôi, ngôn ngữ là nhịp đôi, và chúng tôi chuyển mã từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha một cách liền lạc.”

Unkrich và êkíp của anh xây dựng gia đình Rivera — một gia đình mẫu hệ đa thế hệ, do bà ngoại của Miguel, một abuelita (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là bà ngoại) ghê gớm, lãnh đạo — dựa theo những gia đình thật mà họ gắn bó trong chuyến thăm các bang Oaxaca và Guanajuato ở Mexico từ năm 2011 đến năm 2013. Các chuyên gia tư vấn, kể cả Solis, họa sĩ hoạt hình Lalo Alcaraz, chiến lược gia truyền thông Marcela Davison Avilés và một mạng lưới rộng lớn từ 30 đến 40 cố vấn tình nguyện, là người chứng nhận.

...và một đoạn mở đầu bằng hoạt hình papado picado

Ví dụ, trong những bản nháp ban đầu của bộ phim, bà ngoại của Miguel là con người kỷ luật lạnh lùng dùng muỗng gỗ khép cậu vào nề nếp. Các cố vấn nói như vậy có cảm giác rất chướng, thế nên Unkrich làm dịu nhân vật đi và thay đổi công cụ của bà từ cái muỗng sang dùng dép mòn vẹt, tức “las chanclas” (tiếng Tây Ban Nha).

“Chúng tôi phát hiện ra là bất cứ khi nào chúng tôi được lưu ý về những sắc thái này và xử lý chúng, thì không chỉ giúp cho việc miêu tả, mà còn có giúp cho việc kể chuyện,” Adrian Molina, người đã được thăng chức từ biên kịch thành đồng đạo diễn Coco năm 2015, và là người Mỹ gốc Mexico, nói.

Với tất cả những nỗ lực của Pixar để tôn vinh nguồn gốc văn hóa đặc thù của bộ phim — và để làm nên những chuyển đổi ở 21% người xem phim ở Mỹ và Canada là người gốc Tây Ban Nha.

"Abuelita" dữ dội của cậu bé Miguel cho tay nhạc sĩ hát ở quảng trường ăn chiếc dép mòn vẹt

Tuyên bố của Tổng thống Trump, đã coi thường người nhập cư Mexico và gây thù địch bằng khẩu hiệu “Dựng bức tường” trong chiến dịch tranh cử năm 2016, châm dầu vào một cuộc tranh luận chính trị dễ cháy đúng ngay lúc bộ phim sắp hoàn tất. Mặc dù đường biên giới duy nhất mà phim miêu tả là siêu hình (các hải quan bộ xương trong phim), Coco ra rạp vào một thời điểm của khuynh hướng cực tả và nhạy cảm dân tộc. Cuộc thăm dò hồi tháng 2 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy hơn một phần ba người Mỹ ủng hộ xây dựng bức tường giữa Hoa Kỳ và Mexico.

“Thật là đau đớn cho tôi và rất nhiều người khi thấy thế giới tiêu cực đến như vậy, một cách bất công đối với Mexico,” Unkrich nói, từ chối nhắc đến tên ông Trump. “Chúng tôi rất vinh dự và biết ơn vì có thể mang lại điều gì đó tích cực và đầy hy vọng đến cho thế giới này như một phần nhỏ bé của mình nhằm giải quyết và làm xói mòn một số rào cản giữa chúng ta.”

Ít nhất xét một phía thì đã có kết luận về Coco rồi. Bộ phim đã ra mắt ở Mexico cách đây gần một tháng, trùng với lễ hội Día de los Muertos, và trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất lịch sử nước này, soán ngôi tác phẩm trước đó của Unkrich, Toy Story 3, trong vòng chưa đến ba tuần.

Hải quan bộ xương trong phim

Alex Nogales, một cố vấn không lương cho Coco, chủ tịch và giám đốc điều hành Liên minh truyền thông các nước nói tiếng Tây Ban Nha, nói: “Bộ phim này là một khởi đầu, nhưng là một khởi đầu không làm điều gì to tát. Người ta chỉ mới giới thiệu chúng tôi là ai.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times