Nhân vật & Sự kiện

Park Chan Wook: Người đưa điện ảnh Hàn Quốc lên bản đồ thế giới

01/12/2017

Đây là một trong bảy bài viết chuyên đề trên ấn bản The Greats kỳ tháng 10/2017 của The New York Times Style Magazine, do nhà báo Alexander Chee thực hiện.

Nhà đạo diễn kết hợp hài đen tối, năng khiếu hội họa về bố cục và rất nhiều máu me. Nhưng ẩn dưới bạo lực là tình người sâu sắc — và tình yêu khờ dại.

LÚC CHÚNG TÔI ĐẾN một tiệm mì đông đúc ở Paju, Hàn Quốc, Park Chan Wook lấy từ trong túi xách của anh ra hai chiếc máy ảnh và máy nghe nhạc kỹ thuật số đặt lên bàn. “Những thứ này là bản thể mở rộng của tôi,” anh nói.

Park Chan Wook, do nhiếp ảnh gia Oh Suk Kuhn chụp tại Nhà thờ Cơ đốc giáo Ganghwa ngoại ô Seoul

Tròn 54 tuổi vào mùa thu này, Park Chan Wook được xem là đạo diễn nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, nổi tiếng trong nước và quốc tế với bộ ba phim Vengeance 2002-2005 — Sympathy for Mr. Vengeance, Oldboy Lady Vengeance — những bộ phim giúp đưa điện ảnh Hàn Quốc lên vũ đài thế giới ngay cả khi người ta xem Park Chan Wook là nhà điều tra bạo lực không gớm tay. Quentin Tarantino coi Park Chan Wook là một trong những nhà làm phim yêu thích của mình, và Spike Lee ngưỡng mộ Oldboy, thành công đột phá quốc tế của Park Chan Wook, đến mức đã làm lại nó vào năm 2013.

Giờ đây, vị đạo diễn chuyển hướng quan tâm vào tình dục. Năm ngoái, anh đã cho ra mắt bộ phim mới nhất Aghassi tức The Handmaiden, chuyển thể cuốn tiểu thuyết Fingersmith năm 2002 của Sarah Waters, được quốc tế ca ngợi là một kiệt tác khiêu dâm. Bộ phim nổi tiếng ở Hàn Quốc đến mức gây cảm hứng cho một cộng đồng rộng rộng lớn những người vốn thường hâm mộ các thần tượng Kpop tuổi ‘teen’, với một bảng tin chuyên dành cho ‘fanfic’, tác phẩm đóng góp của ‘fan’, huy hiệu, nhãn dán, khăn tay và văn phòng phẩm, tiêu đề và cả một bài hát rap với thoại từ bộ phim theo điệu hip-hop. “Tôi chưa bao giờ cảm nhận tình cảm của người hâm mộ đến thế này,” anh nói.

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Hàn Quốc Oh Suk Kuhn thực hiện bức ảnh chụp Park Chan Wook trước Nhà thờ Cơ đốc giáo Ganghwa ở đảo Ganghwa (ngoại thành Seoul)

Park Chan Wook cảm nhận sự nổi tiếng nhưng anh không thể hiện ra. Về cá nhân mà nói, anh có khí chất của một hoàng tử lưu đày, dù ở quê hương — kín đáo mà vương giả, nụ cười thường xuyên trong ánh mắt. Từ năm 1992, anh đạo diễn 10 phim truyện, và sống lặng lẽ giữa những bộ phim đó, đi xe buýt vào Seoul, khoảng một giờ di chuyển, cho những bữa ăn tối hoặc gặp gỡ thi thoảng. Anh thích đặt bát thức ăn và nước uống trong gara của mình dành cho những con mèo hoang, và là một nhiếp ảnh gia nghiêm túc, không thích gì hơn là lang thang với chiếc máy ảnh, chụp ảnh. Anh vẫn giữ hầu hết, nếu không nói là tất cả, máy ảnh cũ của mình. “Chúng quá đẹp không nỡ bỏ đi,” anh nói. Anh đã từng là nhiếp ảnh gia từ thời ở Đại học Sogang, trường đại học Dòng Tên Hàn Quốc danh giá ở Seoul, và dù những thứ anh đặt trên bàn dường như là một sự mở rộng chính anh, rõ ràng anh không làm phim với chúng — chúng là công cụ để tạo ra, hoặc duy trì, sự nhạy cảm của anh.

Với hầu hết người Mỹ, sự nhạy cảm đó vẫn được xác định bằng bộ ba phim Vengeance: bộ ba phim tàn phá về sự trả thù và sinh tồn, đẫm máu đến mức dường như vẽ được trong đó. Park Chan Wook không thai nghén các phim này thành một bộ ba, và nói thật thì, hay hơn cả là xem chúng như ba suy ngẫm khác nhau về chủ đề trả thù, kể câu chuyện về những con người bình thường bị đẩy đến cực đoan bất thường. Danh tiếng Ngài Trả Thù của Park quá thường ám chỉ rằng phim của anh gồm toàn cảnh tượng bạo lực.

Nói đúng hơn là anh có con mắt gần như vô đối về chi tiết và cấu trúc, và khi anh khai thác nỗi kinh hoàng bản năng — một cái lưỡi bị cắt bằng kéo, răng bị nhổ ra bằng đầu búa nhổ đinh – những hình ảnh gây mê mẩn đến độ hút bạn vào thay vì đẩy bạn ra.

Một cảnh từ phim Oldboy (2003)

Một trong những cảnh nổi tiếng nhất trong phim Oldboy là cảnh nhân vật chính chết đói ăn một con bạch tuộc sống, cắn nó trong khi nó quấn lấy tay và miệng anh ta. Lý do khiến hình ảnh này tạo được sự cộng hưởng, trong thời đại quá nhiều bạo lực đã làm chúng ta mất tính người, đó là phim của Park mang lại cho người xem nhiều cảm xúc hơn là lấy đi, chúng được sinh ra từ tình yêu mà anh dành cho kẻ dưới cơ — người bị đẩy tới bên rìa tuyệt vọng và vượt qua được. Park Chan Wook thừa nhận rằng lớn lên ở Seoul dưới sự cai trị tàn bạo những năm 1979-1988 của nhà độc tài Chun Doo Hwan đã định hình sâu sắc trí tưởng tượng của anh.

Danh tiếng về bạo lực của Park Chan Wook đã bỏ qua khiếu hài hước nhân bản nổi bật mà anh sử dụng để sáng tác bài thơ đen tối của mình. Vị đạo diễn không được nổi tiếng vì sự khôi hài, mà tôi nghĩ lẽ ra phải như thế. Một trong những tiết mục bản thân anh yêu thích là từ Lady Vengeance: Một nhóm cha mẹ tụ tập, ai cũng bị mất con về tay cùng một kẻ giết người. Quý cô báo thù của tựa phim đã bắt hắn và trói hắn ở trong một phòng khác để họ có thể thực hiện sự trả thù. Mỗi người cầm vũ khí của mình. Tuy nhiên, có một ông dường như chỉ cầm một cái que nhỏ. Nhưng rồi từ những vật liệu cất bên dưới quần áo của mình, ông ta bắt đầu lắp ráp một cái rìu lớn — làm ra món vũ khí ‘khủng’ hơn hết thảy.

Vai diễn quý cô báo thù của Lee Young Ae (trái) trong phim Lady Vengeance

PARK CHAN WOOK LÀ một nhà làm phim tự học. Không phải do anh lựa chọn; Hàn Quốc những năm 1980, khi anh lớn lên, chỉ có một vài trường điện ảnh và không có nền văn hóa điện ảnh nghiêm túc để anh tham gia hay bỏ qua. Chỉ có Đài truyền hình quân sự Mỹ-Hàn, một kênh truyền hình nổi tiếng phát sóng phim nước ngoài, thường không có phụ đề. (Nếu có thì cũng là phụ đề tiếng Anh, không phải tiếng Hàn.) Park nhớ đã xem những phim đó bằng chiếc tivi đen trắng của gia đình anh. Sau, anh có câu lạc bộ điện ảnh của trường đại học, chiếu băng VHS các bộ phim nước ngoài. “Khi bạn nói bạn học điện ảnh ở Mỹ hoặc Pháp, có lẽ bạn sẽ đi nghe giảng về chủ nghĩa biểu hiện Đức và người ta chỉ cho bạn phim theo chủ nghĩa biểu hiện Đức là thế nào,” anh nói. “Nhưng ở Hàn Quốc không có đào tạo bài bản để tôi có thể bị tiêm nhiễm. Đào tạo điện ảnh ở Hàn manh mún, lung tung. Và có lẽ đó là lý do tại sao kết cục phim của tôi có dạng kỳ lạ này, cảm giác như một mớ hỗn độn đủ thứ.”

Anh nhớ lại một bộ phim về James Bond anh đã xem rạp khi còn nhỏ — không nhớ được là phim nào, nhưng nó khiến anh phấn khích đến nỗi bắt đầu tưởng tượng ra những bộ phim Bond của chính mình. Nhưng không chỉ tưởng tượng những câu chuyện: anh nhìn thấy chúng trong đầu, từng cảnh từng cảnh, suy nghĩ về ánh sáng, góc máy và biên tập câu chuyện được kể, và anh đã bắt đầu hình thành công thức riêng. Khi tôi hỏi Park liệu anh có cảm thấy việc chuyển ngữ làm mất đi thứ gì không, anh lắc đầu. “Tôi vẫn hiểu chúng,” anh nói. “Khi cuối cùng tôi đã xem lại một vài trong số những phim đó, có phụ đề, tôi biết mình đã hiểu được nét mặt đó, hiểu những điều họ đã làm.” Anh tin rằng cách xem này — chỉ nắm bắt các biểu cảm và hành động, chứ không phải ngôn ngữ — đã phát triển khiếu kể chuyện bằng hình ảnh của anh. Có một giai thoại nổi tiếng về cách Park Chan Wook được truyền cảm hứng để trở thành đạo diễn sau khi xem Vertigo của Hitchcock ở trường đại học, và đó là sự thật, nhưng anh đã suy nghĩ như một đạo diễn từ lâu, nghĩ cách kể chuyện trên phim — hình ảnh tiếp nối hình ảnh, mặt đối mặt, không phải bằng ngôn ngữ, mà hơn cả ngôn ngữ.

Yoo Ji Tae đảm nhận nhân vật phản diện trong Oldboy

Nhưng trở thành đạo diễn phim không phải là một nghề nghiệp cho người Hàn Quốc lúc đó. Khi Park Chan Wook cầu hôn vợ vào cuối thập niên 80, anh đã nói dối mẹ vợ tương lai và bảo rằng anh sẽ trở thành một giáo sư, giống như người cha kiến trúc sư của anh. Sau đó anh bắt tay làm bộ phim đầu tiên của mình, không thành công đến nỗi chỉ có Park là người duy nhất xem phim. Anh đã cải trang để đi xem — một người bạn làm nhà phê bình phim cho phép Park dùng tên của anh ta để xuất bản một bài bình phim sau khi nói trước rằng anh ấy không thể viết bình phim vì họ là bạn bè. (“Có lẽ anh ấy không có gì để nói,” Park bảo.) Anh đã viết bình phim để kiếm tiền cho đến khi làm bộ phim thứ hai của anh — và sau khi bộ phim đó cũng thất bại, anh lại gặp khó khăn.

“Nói thế này thì cường điệu,” Park bảo, “nhưng tôi đã nghĩ, ‘Có phải cả cái ngành công nghiệp này hè nhau chế nhạo mình không? Có phải tất cả mọi người đều mưu toan chế nhạo mình cho tới khi mình sụp đổ vì kiệt sức không?’” Năm 1999, anh được trao cơ hội làm một phim ngắn, Judgement, lấy cảm hứng từ sự sụp đổ của một trung tâm mua sắm ở Seoul, và lần này, anh nhờ đến sự giúp đỡ của một đoàn kịch, và tổ chức buổi đọc kịch bản đầu tiên để lắng nghe các diễn viên thay vì cứ nói cho họ biết suy nghĩ của anh. “Tôi nhận ra diễn viên không phải là những con rối,” anh nói. “Chẳng hạn trong kịch bản, có một dòng thoại, và tôi không thể nghĩ ra câu tốt hơn. Là đạo diễn, bạn có thể thành thật với diễn viên, và nói, tôi không thể tìm ra câu thoại nào hay hơn. Bạn có thể nghĩ ra gì đó để nói được không? Đây là một dạng xa hoa mà không nhà văn viết tiểu thuyết nào không muốn tận hưởng.”

Hai kẻ yêu nhau trong phim I’m a Cyborg, But That’s O.K., phim lãng mạn hài năm 2006 của Park Chan Wook lấy bối cảnh một viện tâm thần

Park mở rộng cách tiếp cận này khi anh thực hiện bộ phim thứ ba, Joint Security Area, câu chuyện về bốn người lính biên phòng giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, hai người mỗi bên, và tình bạn bị ngăn cấm nảy nở giữa họ, và kết quả bi thảm. Anh và các diễn viên không chỉ chia sẻ những ghi chú, mà còn trở thành bạn bè. “Lúc đó chúng tôi đều còn trẻ,” anh nói. “Chúng tôi cứ quay đến tối và sau đó, dành cả đêm uống rượu, chỉ ngủ hai-ba tiếng, trở lại làm việc vào ngày hôm sau.” Thành công của bộ phim — đã trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất sau khi ra rạp — khẳng định giá trị hợp tác cho Park, và kể từ đó anh đã làm theo cách này, với một số tinh chỉnh — ngủ nhiều hơn, uống rượu ít hơn. Các bộ phim của anh được xây dựng từ những cuộc trò chuyện với êkíp cốt cán đã bắt đầu hình thành từ lâu trước khi anh bắt đầu viết kịch bản. Ngay khi bắt đầu soạn thảo, anh cũng bắt đầu phát triển ý tưởng âm nhạc với nhà soạn nhạc của mình, người đã hợp tác với anh từ Joint Security Area. Anh chẳng bao giờ phải đi đâu xa cho những cuộc nói chuyện này: nhà soạn nhạc đó là hàng xóm của anh.

VỚI THE HANDMAIDEN, Park Chan Wook sử dụng tình dục một cách có chủ ý tương đương khi anh sử dụng bạo lực. Trước tiên, anh bị cuốn hút bởi chủ nghĩa khiêu dâm dữ dội của Fingersmith, về một tay lừa đảo đồng tính nữ ở Anh Quốc thời Victoria, cũng như khung cảnh nông thôn nước Anh, nhưng để làm bản chuyển thể, anh đã đặt bối cảnh câu chuyện ở Triều Tiên những năm 1930, khi người Nhật chiếm đóng. Park quan tâm đến cách mà những người ủng hộ Nhật Bản tin rằng người Nhật sẽ cai trị mãi mãi, và hy vọng xóa bỏ bản sắc Triều Tiên của họ. Kết quả là một hư cấu lịch sử xa hoa về khác biệt giữa nỗi ám ảnh và tình yêu, và cũng là một câu chuyện tinh tế về thế nào là người Triều Tiên, khi mà thế giới, và thậm chí chính bản thân bạn, đang cố gắng tước đoạt điều đó.

Kim Tae Ri (trái) trong vai Sookee và cô chủ quý tộc Nhật Bản Hideko trong phim The Handmaiden

Sookee là con gái của một tên trộm nổi tiếng, quyết tâm 'đánh quả' để rời khỏi Triều Tiên và đi khắp thế giới. Cô đã được một bác sĩ trẻ, bá tước Fujiwara thuê để giúp anh ta dụ dỗ tiểu thư Hideko, một quý tộc Nhật Bản trẻ lớn lên trong sự cô lập gần như hoàn toàn của chú Kouzouki, có ý định kết hôn với cô khi cô đến tuổi và chiếm hữu tài sản đáng kể của cô. Sookee sẽ là người hầu mới của Hideko, và làm vậy để hoàn thành nhiệm vụ từ bên trong môi trường thân mật tin cậy của cô chủ mới. Nhưng lúc Sookee lần đầu gặp Hideko, chạy về phía cô ấy khi một đêm kia cô chủ la hét kêu cứu, Sookee lập tức cuốn hút vào cô chủ, và nhanh chóng yêu cô. Bộ phim tiến triển từ đó trong một loạt các sự kiện đảo chiều đáng kinh ngạc, khi các nhân vật trung tâm thay đổi chính mình hết lần này đến lần khác.

Sookee không hay biết Hideko không phải là người thừa kế vô tội như Sookee hình dung, mà là ngôi sao hộp đêm khiêu dâm của người chú, xuất hiện trên sân khấu dành cho những bạn bè người Nhật Bản của ông ta, những người đeo cravat trắng thanh lịch ngồi xem, trong thèm muốn dục vọng khi Hideko biểu diễn. Chú của cô say mê văn hóa Nhật Bản đến mức nhập tịch trở thành công dân Nhật Bản. Trong phim, người Nhật được nói đến để khẳng định sức mạnh hoặc đặc quyền văn hóa; người Hàn được nói đến như một khẳng định về sự thân mật và tình bạn thân thiết. Một trong những cảnh yêu thích của Park trong phim là khi Hideko trèo lên cây anh đào để treo cổ. Cô buông mình, sẵn sàng chết, nhưng chỉ bị té: khi máy quay quét xuống, bạn sẽ thấy Sookee, phản đối, giữ chân, khóc vì yêu cô ấy. Hideko và Sookee thú nhận tình cảm thật của họ với nhau, và những người yêu nhau bỏ trốn, họ bắt đầu lén lút nói tiếng Hàn, cuối cùng hầu như hoàn toàn bỏ tiếng Nhật.

The Handmaiden được quốc tế ca ngợi là một kiệt tác khiêu dâm

The Handmaiden là một hiện tượng đến nỗi Yongsan CGV, cụm rạp chiếu ‘khủng’ tại một trong những trung tâm mua sắm nổi tiếng nhất Seoul, đã dành riêng một rạp để vinh danh Park Chan Wook. Rạp chiếu này theo chi tiết kỹ thuật của đạo diễn, có một ảnh chân dung của Park, và một gallery để anh trưng bày các bức ảnh và đạo cụ từ các phim của anh, trong đó có chiếc vali của Tiểu thư Hideko, trông như thể cô vừa để quên nó ở đó. Nằm gần một trong những căn cứ quân sự chính của Mỹ ở Hàn Quốc, rạp chiếu này là tặng phẩm xứng đáng cho thời thơ ấu xem phim trên đài truyền hình quân sự Mỹ-Hàn của Park: một bảo tàng cá nhân, mà cũng là một sự ca ngợi văn hóa điện ảnh Hàn Quốc mà anh từng mong muốn, giờ đây lớn lên cùng anh và xung quanh anh.

Sau hôm gặp nhau một ngày, Park đưa tôi đi một vòng ngôi nhà của anh ở Heyri, một cộng đồng nghệ thuật ở Paju. Mọi căn nhà ở đây đều có hình thức đương đại khác biệt, nhưng ngôi nhà của Park, do một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất Hàn Quốc là Kim Young Joon thiết kế, nổi bật. Tái hiện hình ảnh ngôi nhà Triều Tiên truyền thống với hai gian chính, liền kề, với nhiều lối đi. Ngoài nhà soạn nhạc, hàng xóm của Park còn có Trường đào tạo diễn viên đóng thế Seoul. Anh phải làm một cú phóng mô tô mạo hiểm ra đường khi anh đưa tôi băng qua vườn.

Phòng viết kịch bản của Park rất nhỏ, gần như một căn buồng dài, có cửa sổ nhìn ra đường phố, có một bàn làm việc, một ghế ngồi và không có đồ trang trí nào trừ chiếc đồng hồ Dieter Rams thập niên 1970 phải lên dây cót mới chạy. Một chốn tĩnh lặng, tuy mơ hồ gợi nhớ một trong những cảnh phim dấu ấn của Park, từ Oldboy, cảnh nhân vật chính bị giam cầm chiến đấu để thoát ra, hết tên này đến tên khác, qua một hành lang khép kín, vũ khí chỉ là cây búa.

Joint Security Area, câu chuyện về bốn người lính biên phòng giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc của Park Chan Wook

Anh đưa tôi sang phía bên kia ngôi nhà. Cầu thang trống trải chỉ có máy làm ẩm. Trên gác, anh làm như nhà chòi của con nít. Một chai Scotch đặt trên giá sách. Truyện tranh, tiểu thuyết và sách tranh thiếu nhi, và người viết nhận ra một món. Một cuốn sách nhan đề The Leopard, tuy tác giả là người Hàn. Tôi hỏi Park có phải đó là cuốn sách của tác giả người Ý Giuseppe Tomasi di Lampedusa không.

“Không,” anh đáp. “Leopard đó khác.” Anh cười. Rồi như nghĩ lại, anh nói thêm, “The Leopard của Visconti là bộ phim yêu thích của tôi.”

Chuyển thể điện ảnh năm 1963 cuốn tiều thuyết năm 1958 của Lampedusa kể chuyện một quý tộc Sicilia thập niên 1860 bị cuộc nội chiến đe dọa đến địa vị giai cấp và toàn bộ cuộc sống. Park Chan Wook vừa là vừa không là ông hoàng mà Burt Lancaster đóng trong phim đó, quan sát Claudia Cardinale và Alain Delon diễn vai nhà quý tộc buộc phải ăn nằm với tầng lớp trung lưu đang lên. Một mặt, Park quá đời thường. Mặt khác, trong thời của Park sống, Hàn Quốc thay đổi nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử trước đó, tương tự Italy đã trải qua hồi thế kỷ 19. Khi người viết hỏi vì sao anh lại yêu thích bộ phim, Park nói, “Già đi, tụt hậu trong sự thay đổi nhanh chóng của thời cuộc — là nhận xét tao nhã nhất về phim này.” Anh chẳng có vẻ gì là úa tàn so với thời đại, nhưng trong lúc tiếp tục trò chuyện, anh tạo ấn tượng như có một trung tâm tĩnh lặng trong tác phẩm riêng của anh, một bản lề giữa truyền thống và thử nghiệm, bạo lực dữ dội và tình dục, và rất lãng mạn.

Gallery trưng bày các bức ảnh và đạo cụ từ các phim của Park Chan Wook tại một rạp Yongsan CGV

Nhưng cảm nhận lớn nhất về anh đến vào cuối ngày. Park và tôi đi tới một quán cà phê gần đó để kết thúc cuộc trò chuyện. Bà chủ quán đưa chúng tôi vào phòng riêng phục vụ cà phê đá và đóng cửa lại. Lúc tôi chuẩn bị máy ghi âm, Park đứng ở cuối phòng, nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ với vẻ mê mẩn và tập trung đến mức tôi muốn biết anh đang nhìn gì. Chín con mèo đang quấn túm lấy nhau trên cầu tàu, một mèo mẹ và các mèo con.

Khi chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện, Park lại bước đến bên cửa sổ. Thực sự là thế này, đúng không, tôi nghĩ. Ngài Báo Thù yêu mèo. Tôi không biết điều đó có ý nghĩa gì không — có lẽ là rất nhiều. Anh không chụp hình chúng hay muốn làm gì khác hơn là tươi cười. Anh đứng đó, tôi không biết là bao lâu. Tôi không dám phá ngang. Và cuối cùng, anh quay lại vẻ bâng khuâng tiếc nuối, rồi chúng tôi cùng nhau ra về.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times