Nhân vật & Sự kiện

Ông trùm phim kinh dị Nhật Bản Hideo Nakata đang vượt ra khỏi lối mòn của thể loại này

04/07/2014

Hideo Nakata đáng được liệt vào vị trí ông trùm của dòng phim kinh dị Nhật đương thời, nhưng có vẻ bản thân vị đạo diễn này lại ghét cái danh hiệu người ta dành tặng mình.

Bất chấp điều ấy, vị đạo diễn 52 tuổi, đã thành công với những bộ phim kinh điển như Ringu, Ringu 2Honogurai Mizu no Soko kara (tạm dịch: Vùng nước hắc ám), đã khẳng định thương hiệu dòng phim kinh dị kiểu Nhật – hòa trộn giữa bối cảnh hiện đại cùng công nghệ tân tiến (cuốn băng từ bị ám trong Ringu) với truyền thuyết cổ xưa về những linh hồn báo oán - trên toàn thế giới.

Đạo diễn Hideo Nakata

Tác giả có cơ hội tiếp xúc với Nakata lần đầu tiên giữa những buổi phỏng vấn với báo chí địa phương trong khuôn khổ Liên hoan phim viễn đông Udine tại Ý, nơi trình chiếu bộ phim kinh dị của ông có tên L no Honto no Himitsu (tạm dịch: Bí mật thực sự của L) – hay còn được biết đến rộng rãi với tên gọi L: Change the World, phần thứ ba và cũng là cuối cùng của bộ ba Death Note.

Ấn tượng đầu tiên của tác giả với vị đạo diễn này, vào năm 2008, là cách nói tiếng Anh tuy nặng trọng âm nhưng trôi chảy, được mài giũa trong suốt những năm tháng vất vả tại Hollywood khi ông làm công tác sản xuất cho bộ phim The Ring Two (2005). Đây là phần phim tiếp theo của phiên bản đình đám năm 2002 được Hollywood làm lại từ Ringu của Nakata.

Nakata trong quá trình sản xuất phim The Ring tại Mỹ

Nếu là một diễn viên, bờ vai vạm vỡ cũng như khuôn hàm vuông của Nakata sẽ phù hợp với những vai tài xế lái xe tải, nhưng ngoài đời ông lại là một nghệ sĩ khá kín tiếng với đôi mắt tinh nhạy, chứ hoàn toàn không phải mẫu anh hùng tự mãn xuất thân từ giới lao động.

Khi gặp lại lần thứ hai, lần này là ở Hilton Tokyo tại Shinjuku, nói về bộ phim mới của ông có tên Monsterz. Điều đầu tiên ông muốn làm rõ là Monsterz mặc dù là một phiên bản làm lại từ bộ phim tâm lý-kinh dị đình đám Haunters (2010) của đạo diễn Kim Min Seok, nhưng không hề giống với cách ông đã làm lại bộ phim The Ring Two. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông và cộng sự của mình “tôn trọng ý tưởng cơ bản của nguyên tác Hàn Quốc” trong quá trình viết lại kịch bản.

Poster phim Haunters (2010)

Tuân thủ theo nguyên tắc này, ông cũng nói chi tiết hơn về những phát triển mới trong bộ phim của mình so với nguyên tác. “Đầu tiên, tôi không nghĩ cao trào trong nguyên tác – một cảnh rượt đuổi bằng xe hơi – thực sự hiệu quả,” ông nói. Nakata cảm thấy như vậy là lãng phí tiềm năng của nhân vật phản diện trong phim, người có khả năng bẻ cong suy nghĩ của kẻ khác theo ý mình chỉ bằng một cái nhìn. “Anh ta có thể lập trình hành vi của những kẻ khác, bao nhiêu tùy ý, miễn là họ nằm trong tầm mắt của anh ta,” Nakata giải thích. “Vậy tại sao không tạo nên một cao trào với thật nhiều người?” Không có ý định tiết lộ tình tiết, nhưng Nakata muốn đạt được một cái gì đó mới mẻ, cố gắng tránh càng xa vụ rượt bắt bằng xe hơi càng tốt.

Cùng lúc, Nakata muốn giữ được “không khí của bộ phim nguyên bản,” đặc biệt là trong cảnh đầu phim, khi người thanh niên vô danh tính, do Fujiwara Tatsuya vào vai, lần đầu tiên bộc lộ khả năng của mình lên mọi người.

Mặc dù năng lực của nhân vật này là một thứ gì đó sặc mùi truyện tranh phương Tây, cũng như năng lực của nhân vật chính còn lại, Suichi (Takayuki Yamada thủ vai) – một nhân viên vận chuyển với khả năng bất hoại trước sự tấn công của kẻ xấu, âm hưởng của bộ phim vẫn đen tối và giàu cảm xúc hơn những bộ phim giật gân kiểu mẫu của Nhật Bản, vốn dành nhiều quan tâm cho những pha hành động và hiệu ứng hình ảnh hơn là tâm lý nhân vật.

Cùng lúc đó, Nakata nhận thấy cảnh quay hồi tưởng mô tả sự biến đổi về tâm lý của nhân vật kẻ xấu trong bộ phim Haunters không phù hợp với bối cảnh Nhật Bản.

“Phim nhẽ ra diễn ra vào năm 1994 – không quá xa với thời đại của tôi, nhưng lại tạo cho tôi cảm giác như thể đó là thời Chiêu Hòa (1926 – 1989) vậy,” ông nói.

Cụ thể hơn nữa, bản phim Hàn Quốc mang không khí gì đó giống như sự nghèo khó của thời kỳ Chiêu Hòa, đây là điều mà Nakata nghĩ sẽ không phù hợp với một đất nước Nhật Bản với nhịp độ phát triển mạnh mẽ, ngay cả sau thời kỳ kinh tế bong bóng.

“Đội ngũ sản xuất và tôi đều cảm thấy rằng kẻ xấu trong bộ phim này không nên cư xử như một gã nghèo khổ,” Nakata giải thích.

"Trong bộ phim nguyên bản, kẻ xấu cố gắng cướp một cửa tiệm cầm đồ, nhưng trong phiên bản của chúng tôi, hắn ta sẽ đi cướp ngân hàng. Chúng tôi đã thay đổi điều kiện sống của nhân vật,” Nakata nói thêm, và cười.

Bộ phim ra mắt với hai diễn viên có tính cách mạnh vào hai vai chính – cả Yamada và Fukiwara đều sẵn sàng cống hiến cho bất kỳ phân cảnh nào mình xuất hiện, Nakata nhận ra rằng ông cùng đoàn làm phim phải chuẩn bị cho điều gần như là trận chiến giữa những gã khổng lồ. Ông yêu cầu hai diễn viên xem bộ phim Heat, bộ phim ly kỳ năm 1995 của đạo diễn Michael Mann với Robert De Niro vào vai một tên cướp ngân hàng, và Al Pacino vào vai một cảnh sát lão làng.

“Bạn có trong tay một cặp đôi diễn viên kiểu trong Godfather, cạnh tranh với nhau không chỉ trong nhân vật mà còn cả khả năng diễn xuất của mình,” Nakata mỉm cười nói. “Chúng tôi cũng có thứ gì đó giống như thế diễn ra ở đây (với Fujiwara và Yamada). Bạn có thể nghĩ thế là quá nhiều, có được hai diễn viên như vậy trong cùng một bộ phim, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải giới thiệu năng lực diễn xuất tương đương với những gì khán giả thấy trong Heat. Hãy để họ đấu để mang điều đó đến với công chúng.”

Poster phim Monsterz (2014)

Sự so sánh các diễn viên trong Mosterz với cặp đôi Del Niro – Al Pachino trong Heat của Nakata là hoàn toàn khả thi, mặc kệ những khác biệt về tên tuổi và kỹ năng của hai cặp diễn viên.

Cùng với sự đối đầu, Nakata còn cảm thấy giữa hai nhân vật này phát triển một mối liên hệ tâm hồn độc đáo. “Kẻ xấu có thể thâu tóm cả thế giới, nhưng không thể liên hệ với nó. Đúng vậy, hắn ta cố gắng giết Shuichi, nhưng sự đối đầu này mang lại cho hắn cảm giác tồn tại theo một cách kỳ quặc. Chỉ Shuichi nhìn thấy được con người thật của hắn – con người mà đối với phần còn lại của thế giới, là vô hình.”

Mặt khác, sự bất hoại và gần như bất tử của Shuichi cho thấy một vấn đề khác của sự tồn tại. “Nếu như tôi là anh ta, thì đó quả là một cơn ác mộng,” Nakata nói. “Liệu sự bất tử có phải là điều gì tốt đẹp? Nó giống việc phim hay đến mấy thì xem mãi cũng thành nhàm. Thà rằng xem một bộ phim tệ hại trong vòng hai tiếng, còn hơn xem một bộ phim hay dài vô tận.”

Cuối cùng, Nakata tin rằng chuyện phim Hàn Quốc đã được “dịch” sang bối cảnh Nhật Bản một cách hoàn chỉnh bởi nền tảng đạo Khổng và Phật giáo, điểm kết nối hai nền văn hóa.

“Shuichi luôn trăn trở về việc sống làm sao cho tốt tới khi lìa đời,” Nakata nói. “Trong Khổng giáo và Phật giáo, đây là một yếu tố cần thiết trong suy nghĩ – sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Đó là suy nghĩ hợp thời theo hoàn cảnh, không phải lý tưởng hóa.” Ông cũng thừa nhận rằng có rất nhiều vấn đề sẽ không được mọi người ghi nhận. “Đó chỉ là giải trí,” ông nói với một nụ cười tươi tỏ ý tự xem nhẹ bản thân.

Nhưng liệu kinh dị kiểu Nhật Bản có phải là hình thức giải trí gắn liền với tên tuổi Nakata? “Khi chúng ta nói với nhau về thể loại kinh dị, chúng ta thường có ý hướng tới những lực lượng siêu nhiên, như ma quỷ,” ông giải thích. “Trong bộ phim này không có một con ma nào – dù với kẻ xấu thì người mẹ đã chết của hắn ta giống như thể một bóng ma trong tâm hồn.”

Sau đó ông mỉm cười, và nói thêm: “Nhưng thực sự, tôi muốn tránh xa thể loại kinh dị.”

Rõ ràng ông nên làm vậy, bởi thời vàng son của phim kinh dị Nhật Bản đã ở rất xa. Cùng với Monsterz, Nakata tiếp tục quá trình tự làm mới bản thân, mặc dù ông đã đánh dấu tên tuổi của mình quá đậm nét với dòng phim này.

Dịch: © Anh Phan @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Japan Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi