Nhân vật & Sự kiện

Kiệt tác phản chiến All Quiet on the Western Front của Hollywood khiến Đức Quốc xã điên cuồng phản ứng

25/10/2022

Ông trùm Universal Carl Laemmle đã hy vọng bộ phim năm 1930 sẽ chỉ ra một cách không khoan nhượng rằng chiến tranh là kẻ thù chung của cả nhân loại. Trong khi được ngành điện ảnh đón nhận cuồng nhiệt, làn sóng phản đối bài Do Thái đã xảy ra ở Đức khi đảng của Hitler lên nắm quyền.

All Quiet on the Western Front 1930

“Cút đi, lũ Do Thái!” Josef Goebbels rống lên. “Một bộ phim bẩn thỉu Mỹ làm ra!” Nhà tuyên truyền của Đức Quốc xã đứng hàng đầu ghế lô tầng ban công Mozartsaal hoa mỹ ở Berlin, sùi bọt mép với bộ phim đang trình chiếu trên màn bạc. Đằng sau Goebbels, hàng chục tên du côn lính áo nâu (từ khác để gọi lính Sturmabteilung [Binh đoàn Bão táp] của Đức Quốc xã, mặc quân phục màu nâu) nối tiếp màn la ó — rồi thả chuột bạch và cho nổ bom thối. Phụ nữ la hét và đứng lên ghế. Người xem phim bỏ chạy ra cửa; một số khán giả bị nhầm là người Do Thái đã bị đánh đập. Đèn bật sáng, rạp sạch bóng người, và buổi chiếu bị ngừng lại.*

Đó là ngày 5 tháng 12 năm 1930 và bộ phim do Mỹ sản xuất đó là All Quiet on the Western Front (1930), phim sử thi của Universal Pictures chuyển thể tác phẩm phản chiến bán chạy của tiểu thuyết gia người Đức Erich Maria Remarque. 92 năm sau, đến lượt người Đức tạo ra phiên bản của riêng họ — một xuất phẩm của Netflix, do Edward Berger đạo diễn, được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto vào ngày 12 tháng 9 và được Đức chọn đại diện dự tranh Oscar Phim quốc tế hay nhất 2022. Tuy nhiên, dù xứng đáng về mặt nghệ thuật hay thành công về mặt thương mại đến đâu, bản làm lại của Đức sẽ không có được tác động như bản gốc của Hollywood. Không quá lời khi nói rằng bộ phim năm đó đã làm nên lịch sử — và không như các nhà làm phim dự định.

Buổi chiếu ra mắt All Quiet on the Western Front chuyển thể tác phẩm của Erich Maria Remarque ngày 4 tháng 12 năm 1930 ở Mozartsaal, Berlin. Cảnh sát đã sẵn sàng đàn áp phản kháng

Phản ứng với việc phát hành All Quiet on the Western Front ở Đức đánh dấu cuộc chạm trán lần đầu của Hollywood với sự hận thù chủng tộc bệnh hoạn từ một đảng chính trị cho tới thời điểm đó còn vô danh. Trong The Hollywood Reporter, tờ nhật báo huênh hoang tập trung vào ngành điện ảnh mới bắt đầu xuất bản vào tháng 9 trước đó, nhà xuất bản kiêm biên tập viên Billy Wilkerson cảm thấy buộc phải định nghĩa một từ xa lạ cho độc giả của mình: “Đức Quốc xã — nhằm gọi những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Xã hội,” ông giải thích trong bài xã luận lên án bạo lực tại Mozartsaal. Một tuần trước đó, tờ báo này đã thông tin sai cho người đọc rằng Đức Quốc xã là “Cộng sản Đức”. Chẳng bao lâu sau, không ai ở Hollywood cần chú thích nữa.

Khi tin tức về vụ việc được lan truyền, có cảm giác sự phản đối không phải là xung đột thông thường với một bộ phim gây tranh cãi. Cộng hòa Weimar** được cho là đã “cực kỳ kích động” về vụ việc và sợ rằng Đức Quốc xã sẽ khai thác sự kích động để “lật đổ toàn bộ chính phủ”. Wilkerson cảnh báo rằng “tinh thần quân sự của người dân Đức… chỉ đang ngủ yên chứ không chết” và chủ nghĩa quân phiệt “tương đối dễ hồi sinh — dễ hơn nhiều so với những gì người ta tưởng tượng”. Tờ Variety không hề uyển ngữ về động cơ khác đã kích động Đức Quốc xã: “Bạo loạn ở Berlin về All Quiet mang tính bài Do Thái như mọi vụ khác.”

Erich Maria Remarque (1898-1970, phải), tác giả cuốn tiểu thuyết All Quiet On The Western Front năm 1929, dựa trên trải nghiệm trong chiến tranh của ông. Bên cạnh ông là Carl Laemmle, ông trùm của Universal Pictures

Không ai sốc trước sự bạo loạn này hơn chủ tịch kiêm người sáng lập Universal, Carl Laemmle, bản thân là một người con tự hào của nước Đức. Sinh năm 1867 tại thành phố Laupheim, khi đó còn thuộc Vương quốc Württemberg, Laemmle đã di cư sang Mỹ ở tuổi 17. Ông không chỉ làm giàu với với ngành điện ảnh mới nổi lên mà còn giúp tạo ra nó — đánh bại nhóm doanh nghiệp độc quyền Edison Trust tại tòa án ở 1915 và mở trường quay Universal City bên ngoài Los Angeles cùng năm. Sống trong giấc mơ Mỹ, ông vẫn giữ mối liên kết chặt chẽ với đất nước ông trìu mến gọi là Tổ quốc. Sau Đại chiến, ông đã gửi hàng tấn lương thực và nhu yếu phẩm đến nước Đức bị chiến tranh tàn phá. Vào những năm 1920, ông thành lập một loạt hãng chế tác phim ở Đức, dựa vào vô số những người họ hàng của mình để có nhân công điều hành.

Vào năm 1929, khi nhìn số liệu doanh thu quốc tế từ cuốn tiểu thuyết của Remarque, Laemmle nhận thấy hơn cả một cơ hội cho một dự án phim điện ảnh sinh lời. Remarque đã biến chiến tranh — chứ không phải binh lính của các quốc gia tham chiến — thành kẻ thù chung của cả nhân loại. Cách đây không lâu, người lính Đức đã bị phê phán trong tuyên truyền của phe Đồng minh. Giờ đây, anh ta được trân trọng như một người anh em, một nạn nhân không kém gì người Pháp, người Anh và người Mỹ của “nỗi kinh hoàng, sợ hãi, què quặt, thiếu thốn và chết chóc” trong sự tàn sát hàng loạt bằng sức mạnh công nghiệp.

Louis B. Mayer trao tượng vàng Oscar phim hay nhất cho nhà sản xuất Carl Laemmle

Quyết tâm mang đến cho thế giới “một thông điệp hòa bình và không gì hơn”, Laemmle đã đến thăm Remarque tại khu nghỉ dưỡng spa ở Carlsbad, Tiệp Khắc, và thuyết phục tác giả rằng Universal sẽ trung thực với tinh thần phản chiến của ông, rằng sẽ không có vinh quang chiến trường ly kỳ nào, không có câu chuyện tình yêu ủy mị nào. Với kinh phí 1,2 triệu USD, bộ phim sẽ xứng đáng với tư liệu gốc của nó.

Laemmle đã chuyển giao quyền sản xuất cho một cộng sự được lựa chọn cẩn thận: cậu con trai 21 tuổi của ông, Carl Jr., được biết đến với cái tên “Laemmle Con” trong ngành. Các ông trùm đối thủ nghi ngờ cậu nhóc chưa đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ — và nghi ngờ tầm nhìn mà cậu chia sẻ với cha mình. Một phim chiến tranh kinh phí lớn mà không có lính Anh hay Mỹ? Và nhân vật chính để đồng cảm — vì gọi là người hùng thì không đúng — cuối cùng lại chết?

Biên kịch Del Andrews và các nhà viết kịch George Abbott và Maxwell Anderson đã chuyển thể cuốn sách, còn đạo diễn gốc Nga Lewis Milestone chỉ đạo dự án. Bản thân là một cựu chiến binh của đơn vị nhiếp ảnh thuộc Quân đoàn Tín hiệu Quân đội Hoa Kỳ, Milestone ưu tiên bám sát thực tế, nhập khẩu thiết bị dã chiến thực của Đức tổng trị giá 27.000 USD — đồng phục, mặt nạ phòng độc, công cụ đào chiến hào. Các cảnh chiến đấu được quay tại một trang trại ở Irvine, California, doanh trại hơn 20 ki-lô-mét vuông, với 1.000 diễn viên quần chúng và kỹ thuật viên dựng lều đóng vai lính bộ binh. Đào một chiến hào dài 1,5km, xây một vỉa hè bê tông dài gần 305 mét để di chuyển máy quay.

Người lính quèn Paul, do gương mặt mới Lew Ayres thủ vai

Để đưa khán giả thường dân chìm đắm trong nỗi kinh hoàng của vùng đất không người, Milestone bố trí tỉ mỉ một yếu tố vẫn còn mới trong ngữ pháp điện ảnh — âm thanh. Khán giả bị nã những tiếng nổ điếc tai như sấm sét, tiếng rít ngày càng mạnh của đạn pháo đang bay tới, và rền như búa khoan của súng máy. Nhạc nền đồng bộ cũng cho phép Milestone khai thác "âm thanh" chiến đấu đáng sợ nhất trong tất cả — sự im lặng. Không giống như rất nhiều bộ phim có âm thanh thời kỳ đầu khi máy quay dường như được gắn chặt vào sàn nhà, trong suốt bộ phim, máy quay của Milestone di động và biểu cảm, đặc biệt là trong một đoạn phim chịu ảnh hưởng của phong cách dựng phim Liên Xô, nơi các toán quân bị tàn sát như rạ theo nhịp nã đạn súng máy.

Cái kết của bộ phim nổi tiếng không kém bất kỳ bộ phim điện ảnh nào những năm 1930. Ngay khi người lính quèn Paul, do gương mặt mới Lew Ayres thủ vai, vươn tay từ phía sau đống bao cát để chạm vào một con bướm, một tiếng súng trường vang lên làm tay anh bất động. Milestone nói với các sử gia điện ảnh Kevin Brownlow và David Gill rằng ý tưởng này đến khi ông và nhà quay phim Karl Freud đang lái xe trong một cơn mưa lớn. Khi Freund quan sát cần gạt nước kính chắn gió di chuyển qua lại một cách máy móc, ông liên tục lẩm bẩm, “Der Schmetterling, der Schmetterling.” (“Con bướm, con bướm.”)

Milestone khai thác “âm thanh” chiến đấu đáng sợ nhất trong tất cả — sự im lặng

All Quiet on the Western Front được công chiếu lần đầu tại Carthay Circle 1.500 ghế ngồi ở Los Angeles vào ngày 21 tháng 4 năm 1930, và một tuần sau tại Central 1.100 ghế ở New York, trước khi phát hành rộng rãi. Phần đông khán giả đều không vỗ tay tán thưởng. Họ chỉ ngồi một lúc, sững sờ và lặng lẽ bước ra ngoài.

Các bài bình phim thích thú nhiệt tình, thực sự là chưa từng có. “Bộ phim chiến tranh đẹp nhất từng được quay” (Variety), “Không ai nên bỏ lỡ nó” (New York Mirror), “Sử thi chiến tranh” (New York American), vân vân. Nhiệt tình được hun nóng bằng cảm xúc phản chiến dữ dội đã tràn ngập đất nước sau cuộc chiến tử thần ở châu Âu. Trên Film Daily, Jack Alicoate dành lời khen ngợi cao nhất cho thông điệp chủ nghĩa hòa bình: “lý lẽ thuyết phục nhất phản đối sự khủng khiếp của chiến tranh từng được nói lên, in ra hoặc ghi hình”. Louis B. Mayer của MGM đã gửi điện tín cho Laemmle chúc mừng một bộ phim “tiếp nối trọng trách của cuốn sách trong việc miêu tả thông điệp về sự vô vọng của chiến tranh và tình anh em vĩnh cửu của con người.”

Bạt quảng cáo All Quiet on the Western Front trước rạp Central, New York

Tại Lễ trao giải Oscar năm đó, All Quiet on the Western Front dễ dàng lấy tượng vàng “Xuất phẩm Xuất sắc” (tên khi đó của hạng mục ‘Phim hay nhất’) và Milestone giành được danh hiệu hàng đầu cho thành tựu đạo diễn. Vươn ra khỏi Hollywood, đã có một cuộc thảo luận nghiêm túc về việc trao giải Nobel Hòa bình cho Laemmle.

Ở Mỹ, đáng ngạc nhiên là bộ phim gặp ít rắc rối về mặt kiểm duyệt, mặc dù đẫm máu, thô tục và có một cảnh suồng sã khi những người lính Đức bông đùa quá trớn với những cô gái Pháp thân thiện. Các quy định nghiêm ngặt của Bộ luật Chế tác đến năm 1934 mới có hiệu lực, và uy tín và mục đích cao cả của bộ phim đã né được những đầu óc đoan trang thái quá.

Laemmle nhận ra rằng đầu óc người Đức có thể ít cởi mở hơn. Để ngăn chặn rắc rối, Tổng Cố vấn Đức ở San Francisco được mời bay đến Universal City để xem trước bộ phim; ông không thích những gì mình xem, vì vậy hãng phim đã mời một nhà báo người Đức bay từ New York sang để có ý kiến thứ hai. Cuối cùng, một phiên bản chắp vá dành cho Đức đã vượt qua dò xét gắt gao. (Đồ rằng trong số những cảnh bị xóa là một loạt những lời lẽ lém lỉnh xấc xược của diễn viên vai phụ nổi bật Slim Summerville về “tôi và Hoàng đế.”)

Các bài bình phim thích thú nhiệt tình, thực sự là chưa từng có. “Bộ phim chiến tranh đẹp nhất từng được quay” (Variety), “Không ai nên bỏ lỡ nó” (New York Mirror), “Sử thi chiến tranh” (New York American), vân vân

Bất chấp các kiểm tra kỹ lưỡng của bên Mỹ, Ban Kiểm duyệt Phim Tối cao ở Đức ban đầu đã cấm bộ phim. Tuy nhiên, Universal đã kháng cáo thành công quyết định này và All Quiet on the Western Front được chấp thuận chính thức khởi chiếu vào ngày 24 tháng 11 năm 1930.

Vào ngày 4 tháng 12 năm 1930, bộ phim được công chiếu tại Mozartsaal — mà không xảy ra sự cố nào. Giống như ở Mỹ, khán giả Đức quá choáng ngợp và cạn kiệt cảm xúc để có thể vỗ tay.

Chính vào buổi chiếu phim đêm hôm sau, Đức Quốc xã mới tràn quân xuống. Có lẽ đã được một đặc vụ có mặt đêm công chiếu mật báo, nên Goebbels đã canh khoảnh khắc bùng nổ của y trùng với cảnh lính Đức áo xanh hoảng loạn trong một trận pháo kích. Thật trùng hợp, trong đám đông đêm đó có một nhân vật khác sẽ đóng vai trò nổi bật trong tương lai điện ảnh của Đức Quốc xã — Leni Riefenstahl, người nói rằng bà nhìn thấy Goebbels lần đầu tiên là trong vụ huyên náo này.

Louis B. Mayer của MGM đã gửi điện tín cho Laemmle chúc mừng một bộ phim “tiếp nối trọng trách của cuốn sách trong việc miêu tả thông điệp về sự vô vọng của chiến tranh và tình anh em vĩnh cửu của con người”

Trong sáu ngày tiếp theo, Goebbels tiếp tục cuộc phản kháng trong rạp phim của y bằng các cuộc diễu hành thắp đuốc, cho hàng trăm lính áo nâu hành quân trước Mozartsaal để yêu cầu cấm All Quiet on the Western Front và đốt cuộn phim — nếu không thì rạp phim sẽ chìm trong biển lửa. Y cáo buộc người Do Thái ở Hollywood và đồng bào người Đức của họ đã âm mưu bôi nhọ trí nhớ về các chiến binh anh hùng của đất nước: “Trong khi rạp chiếu phim chật ních ‘những kẻ du mục châu Á’ với những người vợ diện đồ trang sức, lại được phép chiếu bộ phim đáng xấu hổ này đâm vào tình yêu dành cho người lính vĩnh cửu của chúng ta!” y gầm lên. “Bọn ta cảnh báo những người nắm quyền rằng Adolf Hitler đứng ở cửa sẵn sàng tiến vào đấy!”

Kinh hoàng, Laemmle trả lời từ Hollywood bằng một bức điện dài 1.000 từ bằng tiếng Đức, và trả tiền để đăng trên báo chí Đức. Ông viết: “Tôi ngạc nhiên rằng All Quiet on the Western Front bị đe dọa bằng sự thù địch và hiểu lầm ở một quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ nó.” Ông nhìn nhận bộ phim “đã cố gắng thiết lập thiện chí đối với người dân Đức hơn bất kỳ yếu tố nào kể từ ngày Đình chiến” là tảng đá vòm trên 25 năm làm việc của ông trong ngành phim ảnh. Cuối cùng, Laemmle vẫn quả quyết “rằng ý thức tốt của người dân Đức sẽ không cho phép đối xử bất công với bộ phim này, bộ phim đã làm rất nhiều vì lợi ích tốt nhất của họ.”

Vào ngày 4 tháng 12 năm 1930, bộ phim được công chiếu tại Mozartsaal — mà không xảy ra sự cố nào. Giống như ở Mỹ, khán giả Đức quá choáng ngợp và cạn kiệt cảm xúc không còn có thể vỗ tay.

Đó là mơ tưởng. Các quan chức run rẩy của Cộng hòa Weimar đã đầu hàng và cấm bộ phim với lý do nó “làm tổn hại danh tiếng của nước Đức”. Tất nhiên, tất cả mọi người từ Berlin đến Hollywood đều biết lý do thực sự. “Chúng ta đã buộc chúng quỳ gối!” tờ Der Angriff của Đức Quốc xã giật tít.

Tuy nhiên, thiên truyện về All Quiet on the Western Front vẫn chưa kết thúc. Vào tháng 4 năm 1931, một phiên bản chỉnh sửa của bộ phim được miêu tả là “đã được sửa lại hoàn toàn theo một số trình tự nhất định và được giảm nhẹ tổng thể cho đúng với tinh thần nước Đức [nghĩa là: Đức Quốc xã]” đã được đưa đi kiểm duyệt. Sau cuộc tranh luận kéo dài, Reichstag, Quốc hội Đức, tuyên bố bộ phim không gây hại gì cho nước Đức và hủy bỏ lệnh cấm.

Đến lúc đó, Goebbels đã bước tiếp. All Quiet on the Western Front hoàn thành mục đích của nó: Đức Quốc xã đã vạch trần Cộng hòa Weimar là một con hổ giấy, viết lại cuộc Đại chiến thành công cuộc bảo vệ Tổ quốc cao cả, và bôi nhọ Hollywood như một cánh tay tuyên truyền của người Do Thái Mỹ.

Các cảnh chiến đấu được quay tại một trang trại ở Irvine, California, doanh trại hơn 20 ki-lô-mét vuông, với 1.000 diễn viên quần chúng và kỹ thuật viên dựng lều đóng vai lính bộ binh

Về phần mình, Laemmle nhận ra rằng nước Đức nơi ông lớn lên không còn là Tổ quốc của ông nữa: ông trở thành người chống Đức Quốc xã nhiệt thành nhất ở Hollywood. Trong phần còn lại của thập kỷ, cho đến khi qua đời vào năm 1939, ông đã làm việc không mệt mỏi để đưa người Do Thái và những người bị đe dọa khác rời khỏi nước Đức — ký các bản khai có tuyên thệ, cho vay tiền và sắp xếp công việc cho những người tị nạn.

Vào ngày 30 tháng 1 năm 1933, Hitler lên nắm quyền Thủ tướng Đức và Josef Goebbels được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền. Có toàn quyền kiểm soát đòn bẩy sức mạnh truyền thông, cả hai quyết tâm xóa sổ mọi dấu tích của All Quiet on the Western Front khỏi trí nhớ của người dân Đức. Các bản in cuốn sách của Remarque làm mồi lửa cho vụ đốt sách khét tiếng diễn ra vào ngày 10 tháng 5 năm 1933.

92 năm sau, đến lượt người Đức tạo ra phiên bản của riêng họ — một xuất phẩm của Netflix, do Edward Berger đạo diễn, được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto vào ngày 12 tháng 9 và được Đức chọn đại diện dự tranh Oscar Phim quốc tế hay nhất 2022. Tuy nhiên, dù xứng đáng về mặt nghệ thuật hay thành công về mặt thương mại đến đâu, bản làm lại của Đức sẽ không có được tác động như bản gốc của Hollywood

Phiên bản điện ảnh của Universal đã chính thức bị cấm vào cuối tháng đó. Phim không được chiếu lại ở Đức — đúng hơn là Tây Đức — cho đến tháng 3 năm 1952. Không có bất kỳ sự gây rối nào, trong hay ngoài rạp, được ghi nhận.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


* Các tường thuật đương thời về cuộc hỗn chiến đêm đó và chính xác Goebbels hét cái gì đều khác nhau. Những lời thóa mạ bài Do Thái chắc chắn đã được dọn dẹp trong các tường thuật của báo chí Mỹ. Hầu hết đồng ý về “Juden raus!” (“Cút đi, lũ Do Thái!”) Và “Judenfilm!” (“Phim Do Thái!”). Một bài báo nói rằng lính áo nâu thả cả rắn, yuy nhiên người viết thấy điều đó khó xảy ra. Người quản lý người Do Thái của Mozartsaal, Hanns Brodnitz, kể lại một hồi ức sống động trong cuốn hồi ký phát hành sau khi mất, Intimate Cinema: Forgotten Biography (2005). Brodnitz bị sát hại tại Auschwitz năm 1944. (Chú thích của tác giả bài viết)

** Cộng hòa Weimar (tiếng Đức: Weimarer Republik) là tên sử gia gọi Chính phủ và Nhà nước của nước Đức trong khoảng thời gian từ 1918 sau cuộc Cách mạng tháng 11, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đến khi Adolf Hitler được phong làm thủ tướng vào ngày 30 tháng 1 1933 và đảng Quốc xã lên nắm quyền. Đây là lần đầu tiên nước Đức có một thể chế dân chủ lập hiến, bắt đầu từ ngày 9 tháng 11 năm 1918. “Cộng hòa Weimar” không phải là tên gọi chính thức của chính quyền thời đó, vì lúc bấy giờ dân Đức vẫn gọi quốc gia mình là “Đế chế Đức” (tiếng Đức: Deutsches Reich). Sở dĩ có tên Cộng hòa Weimar là vì quốc hội của chính phủ này hội họp và viết bản hiến chương tại thành phố Weimar. (Wikipedia)