Nhân vật & Sự kiện

Màn hai của Anna May Wong: Trên đồng tiền Mỹ

24/10/2022

Anna May Wong chưa từng ngờ vực. Từ năm 11 tuổi, cô đã biết mình phải được xuất hiện trên màn bạc. Mỗi tuần, cha cô, chủ tiệm giặt Sam Kee Laundry trên phố North Figueroa ở Los Angeles, đưa cho bảy đứa con ông mỗi người 25 cent. Wong sau này nhớ lại “Chúng tôi đã nghĩ mình giàu có vào các ngày thứ hai.”

Trong suốt sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ, Anna May Wong đã sử dụng vẻ đẹp quyến rũ và sự thông minh sắc sảo của mình để thu phục khán giả Mỹ

Cô chuyên cúp tiết tiếng Trung buổi chiều để phóng đến các rạp chiếu bóng nhỏ trên phố Main, nơi cô tiêu từng xu tiêu vặt cuối cùng vào những “phim nháy hình”. Cô không hề biết một ngày nào đó cô sẽ ban vinh dự cho chính loại tiền mà cô từng háo hức đưa qua ô cửa sổ phòng vé, khuôn mặt của cô sẽ sớm trở thành diện mạo mới của đồng 25 cent.

Tháng 10 năm nay, Anna May Wong sẽ có vị trí bất tử trên mặt đồng tiền trong khuôn khổ chương trình American Women Quarters của Cục Đúc tiền Kim loại Hoa Kỳ. Bắt đầu triển khai vào năm 2020 sau khi được giới thiệu như một dự luật của Quốc hội do Hạ nghị sĩ Barbara Lee ủng hộ, chương trình này tôn vinh những thành tựu thường không được ghi nhận và những đóng góp quan trọng mà phụ nữ đã đạt được suốt chiều dài lịch sử Mỹ. Trong vòng bốn năm tới, một danh sách đa dạng phụ nữ Mỹ sẽ được tôn vinh bằng việc khắc hình ảnh họ lên các đồng xu 25 cent, bao gồm Maya Angelou, Tiến sĩ Sally Ride, Wilma Mankiller và Nina Otero-Warren.

Vai diễn “nô lệ người Mông Cổ” đột phá bất ngờ trong The Thief of Bagdad năm 1924 đã biến cô gái 19 tuổi Anna May Wong thành một hiện tượng quốc tế

Mặc dù đã rời ánh đèn sân khấu từ nhiều thập kỷ trước, cuộc đời và di sản của Anna May Wong vẫn rất đáng ghi nhớ. Nổi bật nhất, cô có sở trường phi thường trong việc thách thức những kỳ vọng — và không phải luôn theo những cách tốt. Khi cô ra đời năm 1905, cha cô vô cùng thất vọng bởi ông đã muốn một đứa con trai. Khi Wong lớn lên, cô chống lại những kỳ vọng giáo điều về một người con gái Trung Quốc ngoan hiền. Cô tránh cuộc sống gia đình mà chọn sống trong điện ảnh.

Sau vài năm đóng vai quần chúng và vai nhỏ trên trường quay, cô đã lọt vào mắt xanh của Douglas Fairbanks, ông hoàng thực thụ của Hollywood, đã chọn cô đóng trong bom tấn giả tưởng The Thief of Bagdad năm 1924 của ông. Bộ phim là tác phẩm lớn nhất ngành công nghiệp từng chứng kiến, và vai diễn “nô lệ người Mông Cổ” đột phá bất ngờ đã biến cô gái 19 tuổi Anna May Wong thành một hiện tượng quốc tế. Theo thời gian, cô đã chu du khắp thế giới, làm phim ở Berlin, Paris và London; cô làm lóa mắt giới thượng lưu xã hội và trí thức ở nhiều nước, gồm cả hoàng tộc và nguyên thủ quốc gia, để lại sau lưng hàng dài những người theo đuổi; và cô thậm chí thách thức Hollywood cách làm phim của họ khi lên tiếng về sự phân biệt chủng tộc trắng trợn trong ngành.

Năm 1929, cô trở thành con cưng của điện ảnh châu Âu, đóng chính trong các tác phẩm phim câm kinh điển như Song

“Cô ấy là người phụ nữ Mỹ gốc Hoa đầu tiên đóng phim điện ảnh và truyền hình,” Ventris Gibson, giám đốc Cục Đúc tiền Kim loại Hoa Kỳ, nói với Vanity Fair qua điện thoại về quyết định chọn Wong cho chương trình. “Cô ấy không chỉ là người mở đường và là người tiên phong trong lĩnh vực đó, mà cô còn có lòng nhiệt thành phi thường cho ngành và những gì có thể làm để thay đổi nó cho người Mỹ gốc Hoa.” Chính mong muốn tạo ra tác động lâu dài vượt lên sự nổi tiếng đã khiến Wong khác biệt.

Gibson, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ hiện tại của bà tại Cục, chỉ ra rằng “mặc dù [Wong] không giành được giải thưởng như đáng lẽ, cô thực sự đã thách thức mọi giới hạn và mở cửa cho nhiều người khác bước vào.” Bộ trưởng Bộ Ngân khố Janet Yellen, cũng là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Bộ Ngân khố trong lịch sử 233 năm của bộ này, cũng nhất trí. “Tôi tự hào rằng những đồng tiền này tôn vinh những phụ nữ đến từ các cộng đồng đa sắc tộc, những người đã có đóng góp đáng kể cho lịch sử nước Mỹ, bao gồm một người tiên phong như Anna May Wong,” bà nói qua email.

Trong Pavement Butterfly

Trong suốt sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của Wong, cô đã sử dụng vẻ đẹp quyến rũ và sự thông minh sắc sảo của mình để thu phục khán giả Mỹ. Người hâm mộ đã viết tặng cô những bài thơ và hàng trăm người đã gửi thư cho cô hằng tuần. Tuy nhiên, ngày nay, cuộc đời cô thường bị miêu tả sai là bi kịch và sự nghiệp của cô thường được làm nổi bật bằng những vai diễn có tiếng là cô không giành được.

Câu chuyện kể rằng: Sau nhiều năm bị rập khuôn là quý bà nham hiểm, vũ nữ ăn mặc hở hang và búp bê Trung Hoa vô tích sự — tất cả những vai khiến cô bị mang tiếng xấu trong cộng đồng của mình — Wong khao khát đóng một nhân vật Trung Quốc được khán giả đồng cảm. Bộ phim chuyển thể The Good Earth năm 1937 của MGM đưa ra vai diễn tuyệt vời: O-Lan, người vợ cần cù, vị tha của người nông dân Wang Lung, người phụ nữ đứng sau người chồng. Nhưng Luise Rainer, một diễn viên nhập cư từ Đức, đã được chọn để đóng vai này trong hóa trang thành người châu Á.

Trong Piccadilly 1929

MGM lý giải rằng Bộ luật Sản xuất Điện ảnh, vốn cấm quan hệ lãng mạn khác chủng tộc, sẽ không bao giờ chấp thuận cho Wong vào vai này, vì nam diễn viên Áo-Hung Paul Muni đã được chọn đóng vai nam chính. Hơn nữa, nhà sản xuất hàng đầu Irving G. Thalberg không nghĩ rằng Wong có đủ tầm vóc để gánh một bộ phim tầm cỡ như vậy — mặc dù chính những nhà sản xuất như ông mới khiến cô bị đẩy xuống đóng các phim hạng B ngay từ đầu. Câu chuyện này đã được kể lại năm 2020 trong phim bộ ngắn tập Netflix xét lại lịch sử Hollywood của Ryan Murphy, thể hiện Wong cay đắng và vô vọng trước những thất bại.

Tuy nhiên, câu chuyện thực sự không phải về những khó khăn mà Wong phải đối mặt: mà là về những gì cô đã làm bất chấp khó khăn. Tính kiên cường gần như là tên đệm của nữ diễn viên.

Ví dụ như khi Hollywood cố gắng tận dụng danh tiếng của cô sau thành công của The Thief of Bagdad. Các hãng phim đã đưa tên cô nổi bật trên poster dù không có mấy thời lượng trên phim, vì vậy cô đã bỏ đi và lên đường sang Đức. Năm 1929, cô trở thành con cưng của điện ảnh châu Âu, đóng chính trong các tác phẩm phim câm kinh điển như Song, Pavement Butterfly, và Piccadilly. Cô đã một tay kích cầu mua khăn choàng lụa và áo khoác thổ cẩm Trung Quốc tại Mayfair ở London.

Trong Shanghai Express 1932

Trong những năm 1930, khi các hãng phim chọn một loạt các dự án mang chủ đề Trung Quốc mà không có dự án nào mang lại vai diễn cho cô, Wong tự phát triển chương trình tạp kỹ của riêng mình, trang phục lộng lẫy và những đoạn độc thoại kịch tính. Trong khi Loretta Young và Helen Hayes ngồi trang điểm mí mắt thì Anna May Wong đội mũ chóp và vận áo đuôi tôm, hát và nhảy múa qua Quần đảo Anh, Pháp, Ý và Thụy Điển. “Tất cả mọi người trên thế giới đều có mặt tại Đại sứ quán,” The Tatler viết về chương trình ở London của cô, “để xem và nghe Cô Anna May Wong, ngôi sao điện ảnh đẹp lạ người Trung Quốc.”

Vì vậy, khi MGM đề nghị cho cô một vai phụ nhỏ trong The Good Earth thay vì vai chính, cô đã từ chối. Wong biết giá trị của mình. Thay vào đó, cô lên kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc — đất nước thực sự, chứ không phải một trang trại Trung Quốc giả tạo được xây dựng ở Thung lũng San Fernando. Chuyến đi là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời giúp cô gắn bó sâu sắc hơn với cội nguồn Trung Hoa; cũng là một cách thông minh để kéo khán giả. Wong đảm bảo rằng mọi người biết cô đang làm gì bằng cách viết một loạt bài cho tờ New York Herald Tribune và thuê nhà quay phim đáng kính H. S. Wong, biệt danh “Newsreel”, để ghi lại chuyến đi của cô.

Anna May Wong trong bức ảnh chụp ngày 25/8/1951 với đạo diễn William Marceau bàn thảo cho phim bộ truyền hình The Gallery of Madame Liu-Tsong, đưa cô thành người Mỹ gốc Á đầu tiên đóng vai chính trong một phim bộ truyền hình dài tập và được đặt theo tên tiếng Trung của cô — Hoàng Liễu Sương — có nghĩa là “hàng liễu vàng trong sương”

Và khi trở về Mỹ, cô không hề né tránh sự thật. Cô nói rõ ràng suy nghĩ của mình: “Có vẻ như tôi không được gì ở Hollywood bởi, thay vì người Trung Quốc thực thụ, các nhà sản xuất ở đây thích người Hungary, người Mexico hoặc người Mỹ bản địa cho các vai Trung Quốc.” Bất chấp sự bất mãn, cô vẫn tiếp tục thử vai và tham gia phim điện ảnh, truyền hình và chương trình phát thanh trong ba thập kỷ tiếp theo. Biết người Mỹ yêu thích Charlie Chan, cô đã lấy ý tưởng thám tử Trung Quốc thông minh giải mã những bí ẩn và biến thành của riêng cô bằng cách phát triển và đóng vai chính trong phim bộ truyền hình dấu ấn mang tên The Gallery of Madame Liu-Tsong. Chương trình đã đưa cô thành người Mỹ gốc Á đầu tiên đóng vai chính trong một phim bộ truyền hình dài tập và được đặt theo tên tiếng Trung của cô — Hoàng Liễu Sương — có nghĩa là “hàng liễu vàng trong sương”.

“Anna May Wong đã mở đường cho các diễn viên châu Á ở Mỹ. Chúng ta phải nhìn lại để thấy trải con đường đó khó khăn như thế nào,” Anna Wong, cháu gái của nữ diễn viên quá cố, nói với Vanity Fair qua điện thoại. “Sự kiên trì của bà làm tôi sửng sốt. Tôi rất tự hào là cháu của bà và được đặt theo tên bà. Tôi không bao giờ muốn ánh sáng di sản của bà tắt đi. Đó là sứ mệnh của cuộc đời tôi. Và tôi nghĩ bà sẽ hết sức ngạc nhiên khi biết Cục Đúc tiền Kim loại Hoa Kỳ sắp đưa khuôn mặt của bà lên đồng tiền.”

Tháng 10 năm nay, Anna May Wong sẽ có vị trí bất tử trên mặt đồng tiền xu 25 cent, người Mỹ sẽ lại có lý do chính đáng để nhớ đến tên của Anna May Wong — và lần này, sẽ mãi không quên

Hầu hết mọi người không đủ may mắn để có được màn diễn đầu tiên, chưa nói đến màn hai. Với hình ảnh của cô mãi mãi được in nổi trên đồng tiền Mỹ vào mùa thu năm nay và một bộ phim tiểu sử có sự tham gia của Gemma Chan đang được thực hiện, người Mỹ sẽ lại có lý do chính đáng để nhớ đến tên của Anna May Wong — và lần này, sẽ mãi không quên.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair