Movie Blogs

Cô gái Đan Mạch: Cổ tích cho người phụ nữ yêu là quên mình

24/01/2016

Đàn ông Pháp nói: “Phụ nữ muốn là trời muốn!” Rất “nịnh đầm” phải không? Không hẳn! Có khi vì đàn ông Pháp sớm thấm thía điều này.

Nói cô đó, Einar! Trong thẳm sâu, dù mang cái tên gì đi nữa, cô đó, Einar, cô chỉ muốn làm phụ nữ! Einar – khi ngồi trên tàu hỏa sang Đức thực hiện phẫu thuật, lật giở quyển hộ chiếu với ảnh người đàn ông tên Einar Wegener, hay khi nói đi nói lại bao lần với Gerda rằng mình là Lily – chỉ muốn là Lily Elbe thôi!

Trò chơi cho chồng giả gái khơi dậy nỗi bất hạnh

Còn nhiều thứ phim chưa đào sâu lắm, nhưng ta đoán rằng trên trang sách, chắc Gerda ân hận khôn nguôi vì đã “đầu têu” cái trò giả gái cho chồng – trò chơi đã khơi ra mọi bất hạnh!

Không phải ân hận đâu Gerda ạ! Phụ nữ muốn là trời muốn! Einar chỉ muốn làm phụ nữ, Einar sẽ làm điều đó – từ trò chơi giả gái của Gerda bây giờ hay từ khi nhận nụ hôn đầu đời của cậu bạn thân thời thơ ấu – sớm muộn cũng vậy thôi!

Phụ nữ muốn là trời muốn, chắc đúng rồi, nhưng phụ nữ chỉ biết có mỗi điều mình muốn – lại là chuyện khác.

Khi thân phận đã bại lộ, Einar luôn cố gắng nói với Gerda “Anh yêu em”, “Anh chỉ yêu em thôi!” Để làm gì?

Ham muốn của gã Henrik "gay lơ" (phải) đẩy nhân thân Lily
thực sự lộ diện, không ẩn ức trong Einar được nữa!

Chỉ chực chờ Gerda rời khỏi nhà, hay ra khỏi tầm mắt của Gerda, thì Einar là Lily ngay! Đến với Herik dù biết anh ta đồng tính và ham muốn mình theo kiểu khác – kiểu hai gã đồng tính với nhau, chứ không phải cô Lily e thẹn. Bỏ mặc Gerda trong suốt thời gian ở Paris, để cô toàn lủi thủi một mình trong mọi sự kiện. Einar hoặc ủ ê trong phòng khách sạn vì không được làm Lily, vì chỉ muốn là Lily! Hoặc bỏ tiền đi xem gái làng chơi khỏa thân uốn éo, để biết mình sẽ làm phụ nữ như thế nào!

Đỉnh điểm là không chịu đi gặp người bạn thuở thiếu thời Hans Axgil ở bên ngoài! Mà ở nhà chờ đón tiếp Hans trong thân phận nàng Lily Elbe.

Phụ nữ muốn là được, và Einar chỉ biết điều mình muốn: được là Lily!

Nói Einar chỉ biết mỗi điều mình muốn là được làm Lily không phải chê trách hay đánh giá! Chỉ trả lời câu hỏi “Để làm gì?” trên kia!

Trong căn nhà khi vắng Gerda, Lily hớn hở xuất hiện, xinh đẹp, điệu đà, đàn bà hết mức cô muốn!

“Anh yêu em”, “Anh chỉ yêu em thôi” – đúng với Einar đến mức nào không biết. Nhưng Gerda yêu Einar và sẵn lòng làm tất cả vì Einar, thì chắc chắn. Einar biết. Khi Gerda nỗ lực “cứu chữa” – hay nói đúng hơn là nỗ lực níu giữ người chồng họa sĩ Einar – ở mọi cánh cửa mà cô có thể gõ. Xem phim, ta cũng biết như Einar biết, rằng chẳng ích gì, ta vẫn bám theo từng giây từng phút công cuộc chữa chạy tuyệt vọng của Gerda – vì ta quá thương nàng! Còn Einar, dường như hợp tác đấy, nhưng ở cuối một lần xạ trị [quái đản] bộ phận của đàn ông, Einar dành cho Gerda câu: “…đã làm tổn hại Lily rồi!”

Einar biết tình yêu Gerda dành cho mình phi thường đến mức nào! Nói “Anh chỉ yêu em” để Gerda cuối cùng buông tay níu kéo, chấp nhận tiễn chồng lên chuyến tàu sang Đức làm phẫu thuật – cảnh đưa tiễn ở sân ga như thể sinh ly tử biệt! Sau đây, rồi ai đó sẽ về chăng nữa, thì mãi mãi cũng không còn một Einar mà Gerda đã yêu, đã kết hôn, đã sống những tháng năm cuồng nhiệt vợ chồng…

Nhất quyết phải gặp lại người bạn thời thơ ấu Hans (trái) trong danh phận Lily lộng lẫy này đây!

Phụ nữ muốn là trời muốn, còn ta xem The Danish Girl chỉ biết thương cho phụ nữ: yêu là quên mình, bất luận yêu trai hay yêu gái! Thương nàng Gerda làm mọi chuyện để giữ lại chồng, trong tuyệt vọng, trong hốt hoảng, trong đau đớn bàng hoàng… Và khi nhận ra không thể cứu vãn, không có chốn nào để khóc, không có ai để chia sẻ, Gerda ngồi bệt ở cầu thang chờ Hans… Có lẽ trên trang sách, ta sẽ còn thương xót Gerda hơn biết bao nhiêu, khi vô vọng và vô thức đưa chân nàng đến đó! Để rồi từ chối Hans, “Tôi vẫn còn là vợ của Einar”… bỏ chạy về, gương mặt lem luốc thuốc chải mi vì nước mắt, để gặp không phải Einar, mà là Lily! Một Lily mãn nguyện vì đã gặp lại Hans dưới thân phận Lily!

“Kim ngưu” ta xem phim và tự hỏi, cái thời tiên phong xa xưa đó, phẫu thuật chuyển giới [ở một nước ngoài là Đức] hẳn tốn kém cả gia tài chứ nhỉ! Ta biết tiền đó ở đâu ra, phải không?

Ta quá bất bình cho Gerda! Lao sang Đức với tất cả lo lắng yêu thương, nắm chặt lấy tay người-không-còn-là-chồng-mình-nữa đang oằn oại đau đớn, cùng họ giành giật sự sống, “Có chị đây rồi, Lily!” Vâng, có chị đây rồi, với tấm lòng mênh mông cho cả Einar và Lily trú ngụ!

Nhưng Lily có muốn trú ngụ?

Gerda: "Có chị đây rồi, Lily!"

Sau cuộc phẫu thuật loại bỏ những gì của đàn ông, Lily ngập tràn hạnh phúc, làm việc trong cửa hàng nước hoa – giữa những người phụ nữ với nhau. Rong chơi với Henrik, dù anh ta ‘gay’ đi chăng nữa, nhưng Lily thấy mình là phụ nữ với anh ta, với tất cả mọi người khác. Nằm cùng chiếc giường trước kia với Gerda, giờ ngăn cách một bức màn thưa, Lily xẵng giọng bảo giờ đã là Lily và muốn có cuộc sống của mình, Gerda cũng nên làm như vậy, đừng muốn mọi việc vẫn như trước kia nữa!

Xem Cô gái Đan Mạch, ta mới chợt hiểu tin phân tích phòng vé bao lần nói về sức ảnh hưởng của những bài “review” với khán giả trưởng thành. Ta đã đi xem Cô gái Đan Mạch vì hai bài movie blog trên Quái vật Điện ảnh đấy thôi. Trong cơn khắc khoải, bất bình cho Gerda, ta hau háu nuốt từng cảnh phim có Hans! Bởi ta mong chờ cổ tích dành cho người phụ nữ đã yêu, đã hy sinh, và cuối cùng chịu biết bao tổn thương này chàng hoàng tử xuất hiện không trong vai chính!

Hans, chàng hoàng tử không trong vai chính, lặng lẽ chăm sóc, chở che...

Ta tự an ủi, từ sau khi Hans hiện diện trong cuộc sống của Gerda, thì tất cả những gì nàng cho đi không chờ nhận lại với Einar và Lily, Hans sẽ bù đắp cho nàng! Ta tự an ủi để rồi ta tự chua xót, câu chuyện cổ tích dành cho người phụ nữ trong số phận nghiệt ngã này không có hậu tròn vành như ta mong chờ, bởi “Gerda tiếp tục vẽ Lily cho đến hết đời!”

Vài suy nghĩ bên lề:

- Chàng hoàng tử xuất hiện không trong vai chính phải là người đàn ông thành đạt về tiền bạc, chủ động về thời gian. Đang là nhà môi giới tranh nổi tiếng ở Paris, có thể muốn đi Đức là đi, trở về quê nhà ở Đan Mạch thời thơ ấu là về!

- Trước khi Oscar công bố đề cử, The Danish Girl được xem là một ứng viên cho hạng mục Phim hay nhất. Rốt cuộc, Cô gái Đan Mạch không nhận được đề cử này, mà được đề cử thiết kế sản xuất (tức dựng phim). Đúng quá đi rồi! Phim chưa thể nói là hay đến ngỡ ngàng độc đáo. Nhưng những khuôn hình đẹp như tranh với gam màu xám, đúng là phông nền tuyệt vời để câu chuyện xót xa dằn vặt này từ từ được vẽ trên đó. Đôi tất đầu tiên Gerda mua cho Einar giả gái cũng màu xám. Gam màu xám như một ngôn ngữ điện ảnh để kể câu chuyện. [Hà, ta cũng phải ra vẻ hàn lâm điện ảnh một chút chứ nhỉ!]

- Một phim – ba bài blog, có "câu view" quá không ta?

© Yên Khuê @Quaivatdienanh.com