Movie Blogs

The Queen - chuyện của, và không chỉ của, Nữ hoàng

25/01/2015

Người mang trên đầu chiếc vương miện mấy khi có được giấc an lành?*

Năm 2006, ở Liên hoan phim Venice, The Queen đã nhận được một tràng pháo tay dài năm phút sau khi vừa được trình chiếu xong. Sau đó, phim tiếp tục lên ngai vàng ở vô số các liên hoan phim, phần lớn ở hai hạng mục Kịch bản xuất sắc và Nữ diễn viên chính xuất sắc. Thứ đầu tiên Roger Ebert viết sau khi nghỉ nhiều tháng dưỡng bệnh (lúc đó ông vẫn chưa ra viện) cũng là The Queen. Vậy The Queen đã xứng đáng cho bạn xem chưa?

Nếu chỉ đơn thuần là câu chuyện tiểu sử về Nữ hoàng Elizabeth II (dù bà vẫn là một trong những người đứng đầu Hoàng gia có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới) thì phim không thể đạt được thành tích đáng nể như vậy. Vì đâu phải ai cũng tìm được sự đồng cảm hay hứng thú với một người ăn trên ngồi trước ở một đất nước chả liên quan gì mình. Đây là ba câu chuyện về những bất đồng giữa truyền thống và canh tân, niềm tin và thực tại, dân chủ và phong kiến được kể bằng chỉ một nhóm nhân vật, trong đó đứng đầu là Nữ hoàng và Thủ tướng Tony Blair.

Phim tiểu sử thường dễ xem khi miêu tả về những ngày đầu gian khó của một người, hay những giây phút cuối đời của họ. Vì lúc đó họ chính là bản thân họ, họ là những cái tên mà chúng ta biết, những con người truyền cảm hứng bằng tính cách và ước mơ của bản thân. The Queen không phải là phim như thế. Đây không phải là phim về Elizabeth của nhà Windsor sinh năm 1926, cũng không nói về thời gian bà vừa lên ngôi và là biểu tượng tinh thần của người Anh. Đây là phim về con người được "sinh ra" vào năm 1952, là người đầu đội vương miện tay cầm quyền trượng của Anh Quốc, và nói về bà khi đã được thế giới nhớ bằng mái tóc bạc, giữa một trong những vụ lùm xùm nổi tiếng của Hoàng gia Anh - cái chết của Công nương Diana.

(Thực ra cũng có thể miêu tả phim một cách bông đùa hơn, rằng đây là câu chuyện một 'fanboy' họ Blair giúp đỡ thần tượng của mình vượt qua thời giông bão.)

Michael Sheen (trong vai Tony Blair) và Helen Mirren (trong vai Elizabeth II)
trong cảnh đầu tiên Thủ tướng đến diện kiến Nữ Hoàng

Vậy phim đứng về phía Công nương Diana hay về phía Nữ hoàng? Nói công tâm thì chẳng đứng về bên nào cả. Ai cũng đúng và ai cũng sai. Nhưng nếu nói về mặt cảm giác thì phim vẫn nghiêng một tí về bên Nữ hoàng. Vì mục đích chính của phim cũng là để người xem hiểu về bà trong những ngày đó cơ mà.

Cũng khá vui khi người hiểu và trân trọng Nữ hoàng nhất trong phim không phải là những người trong hoàng gia (dù The Queen Mother là người gần sát đến vị trí đó nhất). The Queen Mother đơn giản không thể làm được điều đó vì dù bà hiểu thế sự như thế nào, bà vẫn là người đứng ở hậu phương từ thời vua cha đến thời nữ hoàng con. Bà cảm nhận được những sóng gió đó qua những gì bà quan sát từ người thân nhất của mình, nhưng không phải là người đứng đầu sóng ngọn gió nhận lãnh nó. Người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Nữ hoàng trong phim lại chính là Thủ tướng Tony Blair, người dường như đứng ở phía bên kia, ủng hộ canh tân, ủng hộ việc xem phản ứng của công chúng là điều đáng để tâm (dù có thể phản ứng đó chỉ là do truyền thông "nặn" lên).

Tôi luôn có một niềm tin những người hiểu nhau nhất là những người làm vì một mục đích chung, cái nghĩa chân chất nhất của từ "đồng chí". Thủ tướng được bầu lên là để phụng sự đất nước. Người đã tuyên thệ ngày nào còn sống là ngày đó còn cống hiến cho nhân dân cũng sống vì mục tiêu đó. Họ đều là người vì lợi ích của đất nước mà hành động (dù điều đó đôi lúc có nghĩa là phải ngó lơ lợi ích của một bộ phận trong đất nước). Những người khác dù thương yêu họ đến đâu cũng khó mà có được sự thấu hiểu như thế, vì họ không có trải nghiệm cần thiết. Trong bộ phim này (có vẻ cũng họa nên một Tony Blair tích cực hơn sự thực), từ đầu đến cuối, người ủng hộ nhiệt tình và dám "bắt" Nữ hoàng làm điều cần thiết, đi ngược lại niềm tin của bà, để gỡ rối cho bà là Thủ tướng.

Tony Blair và vợ Cherie Blair (Helen McCrory thủ vai) trong phim

Từ ngày đầu nhậm chức, ông ngưỡng mộ bà vì bà là người đã ngồi được ở nơi sóng gió đó suốt mấy chục năm, qua nhiều đời thủ tướng. Khi bão truyền thông ập đến, ông là người lên tiếng nhắc nhở hoàng gia. Không phải chỉ có mình ông nhìn ra sự cần thiết đó, nhưng ông là người thấy mình cần lên tiếng. Thực ra, có một phần ông làm thế vì để có lợi cho bản thân. Hình ảnh đồng thuận giữa hoàng gia và chính phủ cũng là một trong những thứ có ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với thứ mà ông đang muốn xây dựng. Lý do cuối chính là thứ mà người ông ngưỡng mộ đã chỉ ra cho ông vào cuối phim, rằng một ngày những sóng gió đó sẽ xảy đến với ông, và ông cũng cần một người ủng hộ.

Tôi khá thích tình bạn vong niên, dạng tình bạn như kiểu giữa Nữ hoàng và Thủ tướng trong phim này. Họ gắn bó với nhau vì nghề nghiệp của họ bắt họ phải như thế. Họ đến với nhau là vì "lợi", dù là lợi ích của riêng họ hay lợi ích của tổ chức mà họ đang thuộc về. Họ là những người thông minh, hiểu thời thế, dù cách họ hiểu có khác nhau. Tony Blair rõ là hiểu công chúng ngày nay hơn Nữ hoàng, vì cái vị trí ông có được là đi từ thuyết phục dân chúng mà ra. Nữ hoàng hiểu công chúng của những ngày họ cùng bà vượt qua hậu quả chiến tranh, những con người sống trong truyền thống, dựng niềm tin trên sự kiềm nén cảm xúc và lạnh lùng "rất Anh", những người đã không bỏ phiếu cho Tony Blair.

Chỉ riêng trong phim này thôi, mối quan hệ giữa Nữ hoàng và Tony Blair dường như còn có một màu sắc khác. Tony Blair là đứa con trai mà bà lẽ ra nên có, và Nữ hoàng là người mẹ mà Thủ tướng luôn kính trọng. Dĩ nhiên không phải chê bai hay dèm pha gì Thái tử Charles (cũng giống như việc tôi cho rằng Camillia mới là người con dâu hợp với Nữ hoàng nhất không hề có ý chê bai Diana), nhưng tính cách của ông hoàn toàn không giống bà. Chính sự không phù hợp đó làm ông lúc nào cũng bị áp lực vì phải sống dưới cái bóng quá lớn của bà và có cảm giác rằng bà không thương mến ông. Cách ông thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho kiểu quan tâm của Diana và con cái cho thấy điều đó. Ông đơn giản là không hợp với lối sống hoàng gia này, với lối sống Anh cổ lạnh băng và lý trí. Dù không đồng tình với bà, ông cũng không có gan nói thẳng những gì ông cho là cần thiết phải làm, để bảo vệ bà và bảo vệ hoàng gia. Ông ích kỷ và sợ sệt, trong khi nếu chỉ tính về lý, ông đã phải có gan nói dù biết bà không ưa, để vì một lợi ích to lớn hơn. Những lời đó, tiếc thay, và cũng may thay, lại đến từ miệng Tony Blair.

Về phía Tony Blair, ngay từ lần đầu gặp mặt Nữ hoàng, đã thể hiện một nét ngưỡng mộ không giấu nổi. Trong đôi mắt con người đã toan tính bấy lâu để giành được lòng dân rồi bước vào số 10 phố Downing đó, có một nét hâm mộ rất hồn nhiên, thứ mà Queen Mother nghi vấn gọi là Cheshire cat smile (thể hiện ý miệng cười nhưng lòng chưa ai đoán được). Ông sợ mình mất mặt trước mặt bà, sợ mình nói sai, nhưng khi cần nói, thì dù biết bà không thích, ông vẫn cứng đầu đề xuất. Chính nhờ những sự kiên trì đó mà đến đoạn cuối, dù chưa ưa thích gì ông, Nữ hoàng vẫn có thể tâm sự với ông về mối lo sợ của bà ngày vừa đăng cơ cũng như trong tuần lễ đen tối đã qua.

Helen Mirren trong vai Nữ hoàng Elizabeth II

Mối quan hệ giữa Diana và Nữ hoàng cũng là một mối quan hệ thú vị trong phim. Dù bà không thích những gì Diana làm, nhưng bà không ghét cô. Diana trong phim này không chỉ là một "bóng ma" bao trùm lên hoàng gia mà dường như còn là một ước mơ mong manh của Nữ hoàng: được thể hiện cảm xúc của mình, được làm một người mẹ nồng ấm, được làm theo những gì mình tin mà không gây tổn hại đến ai. Khác với Phillip chồng mình cứ thấy mặt Diana là tắt tivi, bà xem những phỏng vấn của Diana một cách thành tâm, và những gì Helen Mirren thể hiện được trong khoảnh khắc đó không chỉ vài ba câu mà miêu tả hết được.

Hình ảnh con nai bà bắt gặp trong phim có thể được hiểu theo hai cách: đó là bà, kiêu hãnh, cô độc, và (trong một lúc bà nghĩ rằng) hết thời, lạc hậu; hoặc đó là Diana, luôn bị kẻ đi săn bám lấy và có một kết thúc bi ai. Là ai cũng được, ý tác giả là gì cũng được, nhưng để có thể quay được một cảnh động lòng người như thế, và diễn được hai cách hiểu như thế cùng một lúc, thì những người tạo nên cảnh đó đều xuất sắc.

Cảnh gần kết phim

Michael Sheen diễn Tony Blair rất ổn, nhưng khó mà có thể xếp ngang hàng với Dame Helen Mirren trong vai Nữ hoàng. Tất cả sự mực thước, lạnh lùng, cứng rắn, hiền hậu của Nữ hoàng Elizabeth II đều được cô diễn "tròn trịa". Không phải tự nhiên mà sau phim này Dame luôn được gọi thân mật bằng vai diễn The Queen, vì người xem hoàn toàn không nhận ra Helen Mirren trong khi phim còn chạy. Nếu bạn từng theo dõi cô bên ngoài với những phỏng vấn bông đùa, táo bạo và tính phóng khoáng, thì sẽ còn thấy sốc hơn rất nhiều.

Về mặt nhân vật phụ, ai diễn cũng tốt, nhưng đặc biệt nhất với tôi là Mark Bazeley trong vai Alastair Campbell. Nếu bạn từng coi loạt phim truyền hình The Thick of It sẽ biết nhân vật Malcolm Tucker được dựa trên "cánh tay phải truyền thông" Alastair Campbell của Tony Blair, và Peter Capaldi đã gắn hình tượng đó chặt vào hình ảnh của mình. Nhưng khi xem The Queen, tôi không còn nhớ đến Malcom Tucker nữa, chỉ còn "con cáo già" Alastair Campbell tàn nhẫn, quỷ quyệt và rất đắc lực của Thủ tướng mà thôi.

Phim không có một cao trào thật sự rõ ràng, và tôi thích những phim tiểu sử (đặc biệt là tiểu sử về chính trị gia) như vậy. Mỗi lần sóng gió đến đều có cảm giác như lần cuối, và khi vừa qua được thì lại có đợt khác đến cũng không thua đợt xưa. Đó là thứ dính chặt với nghiệp chính khách, cái nghề "thắng làm vua, thua làm giặc". Tôi cũng thích những phim đề cập đến mặt cá nhân của họ, nhưng khía cạnh đó luôn là khía cạnh phụ. Khi bước lên làm người lãnh đạo, người của công chúng, thì với tôi, họ với tư cách cá nhân, với tuổi thơ thế nào đi nữa, với thói xấu hay những điều tốt đẹp nào, cũng đã "chết" rồi. Tôi không muốn dùng cái quá khứ đó biện minh hay đổ tội gì cho họ cả. Dù họ đúng hay sai, tôi vẫn trọng sức mạnh tinh thần của họ, vì không phải ai cũng dám "xấu" để làm chuyện mình cho là "tốt". Họ là dạng người phải "chuyên nghiệp" để còn được sống, còn tồn tại cho điều mình tin, điều mình sẵn sàng hứng chịu tất cả để làm, còn điều đó tốt hay xấu thì chỉ lịch sử mới trả lời được. The Queen thể hiện được con người đó của họ cho tôi thấy. Không cám cảnh, không an ủi, không biện minh, mà chỉ có một chữ "trọng". Và tôi trọng phim này chính là vì như thế.

The Queen (2006)
Thời lượng: 103 phút; Xếp loại: PG-13
Đạo diễn: Stephen Frears
Kịch bản: Peter Morgan
Các diễn viên chính
Helen Mirren ... Nữ hoàng Elizabeth II
Michael Sheen ... Tony Blair
Roger Allam ... Robin Janvrin
Helen McCrory ... Cherie Blair
Mark Bazeley ... Alastair Campbell

© Mai Khanh @Quaivatdienanh.com


* Tạm dịch từ câu "Uneasy lies the head that wears a crown" trong Henry IV của Shakespeare, và được dùng làm lời mở đầu cho phim.