Tin tức

The Chinese Widow: Một thất bại lớn nữa của phim đồng sản xuất Trung Quốc

05/12/2017

Với những người nông dân yêu nước, những người ủng hộ đảng cộng sản hy sinh thân mình, những người lính Quốc Dân Đảng lạc lõng và những nhân vật phản diện Nhật Bản phóng đãng, The Chinese Widow chính xác đến hoàn hảo về mặt chính trị, và kết thúc bằng lời thuyết minh nói tiếng Anh miêu tả nhân vật chính là “anh hùng dân tộc Trung Quốc”.

Không có gì ngạc nhiên khi Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải đã chọn bộ phim Thế chiến II này làm phim khai mạc vào tháng 6, thay vì Our Time Will Come của Hứa An Hoa với chủ đề tương tự.

Nhân vật Anh Tử, cô thợ dệt lụa trẻ dũng cảm, luôn ăn mặc và trang điểm tươm tất, do Lưu Diệc Phi đóng trong The Chinse Widow

Cũng không ngạc nhiên khi thấy The Chinese Widow phát hành vào ngày 10/11, đúng lúc Donald Trump hoàn tất chuyến viếng thăm Trung Quốc ba ngày. Những sự tương đồng có thể tìm thấy trong câu chuyện của bộ phim, về một phi công người Mỹ được những người bạn mới Trung Quốc cứu sống, và cách mà vị tổng thống Hoa Kỳ rời Trung Quốc với cái mà ông miêu tả là những hợp đồng “tạo công ăn việc làm phi thường” trị giá 253 tỉ đôla.

Tuy nhiên, The Chinese Widow đã chìm nghỉm, thu được chỉ 12,8 triệu nhân dân tệ (15 triệu đôla Hồng Kông) vào cuối tuần mở màn – một lời nhắc nhở nữa về những rủi ro của các xuất phẩm đồng sản xuất với nước ngoài.

The Chinese Widow có một phả hệ quốc tế, với nam diễn viên Emile Hirsch (Into the Wild [2007], The Autopsy of Jane Doe [2016]) của Hollywood và nữ diễn viên hạng A của Trung Quốc Lưu Diệc Phi (The Four [2012], Never Gone [2016]) trong hai vai chính, và đạo diễn người Đan Mạch hai lần đoạt Cành cọ vàng Bille August (Pelle Conqueror [1987], The Best Intentions [1991]) chỉ đạo. Đó là chưa nói đến biên kịch người Nam Phi, Greg Latter, nhà soạn nhạc người Đức Annette Focks, nhà quay phim người Thụy Sĩ Filip Zumbrunn – đều là những cộng tác viên thường xuyên với August, gần đây nhất là ở bộ phim Night Train to Lisbon (2013).

Lưu Diệc Phi và Emile Hirsch trong một cảnh phim

Tuy nhiên, êkíp đó chưa bao giờ làm một phim về Trung Quốc, và cho thấy: miêu tả cuộc sống thời chiến tranh của đạo diễn August không hề thuyết phục.

Trong phim, Lưu Diệc Phi đóng vai Anh Tử, cô thợ dệt lụa trẻ dũng cảm, luôn ăn mặc và trang điểm tươm tất, và bằng cách nào đó có thể đi thơ thẩn một cách an toàn và tùy thích cả khi kẻ thù trong tầm mắt. Anh Tử nhất quyết bán lụa chứ không dùng lụa để đổi lấy nhu yếu phẩm hàng ngày – một lựa chọn kỳ lạ cho rằng tiền có lẽ không hữu ích như đồ ăn và hàng hóa vào năm 1942. Con gái cô ấy nói năng và nổi cơn cáu giận như một nữ sinh thế kỷ 21 và tương tác với mẹ mình bằng những câu thoại vụng về.

Hirsch đóng vai Jack Turner, một phi công Mỹ bị rớt máy bay xuống Trung Quốc sau khi đánh bom Tokyo, và – thật đáng kinh ngạc – là tình yêu của Anh Tử. Mối tình lãng mạn gấp rút giữa hai con người không thể hiểu nhau không có sắc thái. Nói tóm lại, The Chinese Widow là thứ có thể gọi là “bánh bao Trung Quốc”, tương đương “Europudding” (bánh pudding EU) (một xuất phẩm đồng sản xuất ở châu Âu, liên quan nhiều quốc gia, rốt cuộc chẳng đâu vào đâu).

Anh Tử và con gái trong phim

Một ví dụ khác của “bánh bao Trung Quốc” là The Great Wall (2016), phim bom tấn hành động kỳ ảo của Trương Nghệ Mưu với Matt Damon trong vai một chiến binh thế kỷ 11 bằng cách nào đó bước vào (và sau đó tham gia vào) cuộc chiến chống lại quái vật đang tìm cách xâm lược Trung Quốc.

Do Legendary Pictures, China Film Group và Le Vision Pictures, cùng Atlas Entertainment của Mỹ đồng sản xuất, bộ phim chủ yếu nói tiếng Anh được các biên kịch Mỹ thai nghén và sáng tác, với Triệu Tiểu Đinh (đồng quay phim) là thành viên Trung Quốc duy nhất trong đội ngũ kỹ thuật chính.

Bộ phim đã không tránh khỏi thất bại khi được phát hành ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, và bị xịt ở Mỹ, báo chí đưa tin doanh thu mà các nhà đầu tư nhận được là 75 triệu USD. The Great Wall đã bị chỉ trích vì kết hợp văn hóa kỳ quái: một số tướng lĩnh Trung Quốc nói tiếng Mỹ giọng Anh (một thiên niên kỷ trước?) do họ chịu sự giám sát của một người nước ngoài.

Bối cảnh làng quê trong The Chinese Widow

Nhân vật của Damon, khởi đầu là một lính đánh thuê bất chấp, quá dễ dàng thay đổi, phần nào do vị nữ tướng, Cảnh Điềm đóng, nhưng phần lớn là nhờ khí thế của binh lính Trung Hoa.

Trong trường hợp của The Great Wall, người ta tự hỏi đạo diễn Trương đóng góp bao nhiêu (không nhiều, đánh giá qua kết quả: chỉ là một phim bom tấn chiến đấu với quái vật chối tai nữa). Tuy nhiên, với The Chinese Widow, lại là ngược lại, đạo diễn đã áp đặt thẩm mỹ và quan điểm của mình không hợp với cội nguồn tình yêu thời chiến của bộ phim.

Trong những tháng tới, các đạo diễn kỳ cựu như Ngô Vũ Sâm và Trần Khải Ca, và những người không chưa tên tuổi như Vạn Lệ Phương, sẽ tung những sản phẩm đa quốc gia của mình đến với khán giả Trung Quốc. (Ngô Vũ Sâm với Manhunt, Yêu miêu truyện của Trần Khải Ca, và Lumière Amoureuse bối cảnh Paris, một lời đáp Trung-Pháp với Twilight, từ Vạn Lệ Phương).

Đạo diễn người Đan Mạch Bille August, giữa, cùng Lưu Diệc Phi trên trường quay The Chinese Widow

Và do đó cuộc tìm kiếm để làm nên một xuất phẩm đồng sản xuất khả thi vẫn tiếp tục. Khoan nín thở đã.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post