Tin tức

Phục trang của Hidden Man làm sống lại Bắc Kinh thập niên 1930

02/08/2018

Hidden Man, bản chuyển thể điện ảnh độc đáo cuốn tiểu thuyết Shadow Fighter của Trương Bắc Hải đã quyến rũ khán giả kể từ khi phát hành với sự chú ý đặc biệt tập trung vào thiết kế trang phục.

Bối cảnh năm 1937 ở Bắc Kinh khi quân Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, bộ phim do Khương Văn đạo diễn kể một câu chuyện báo thù hấp dẫn.

Quan Xảo Hồng của Chu Vận nền nã trong xườn xám cổ điển

Mặc dù một số khán giả chăm chú vào các diễn viên và cốt truyện hấp dẫn, hầu hết đều bị cuốn hút bởi trang phục do Uma Wang thiết kế, điều khiến nhiều người trong ngành điện ảnh kinh ngạc. Uma Wang là nhà thiết kế thời trang Trung Quốc tốt nghiệp Đại học Dệt may Thượng Hải và Central Saint Martins.

Tại sao là Uma Wang?

Đạo diễn Khương Văn đã mở rộng lời mời đến nhà thiết kế nổi tiếng Giorgio Armani và nhà thiết kế Trung Quốc Uma Wang tham gia vào công việc phục trang cho bộ phim, mục tiêu là phục dựng một Trung Quốc thực sự và tinh tế thập niên 1930 đến mức độ ý nghĩa nhất.

Nói về sự tham gia của mình, Uma Wang cho biết: “Anh ấy (Khương Văn) xuất thân từ thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Tôi từ Thạch Gia Trang. Khương Văn nói anh luôn nghĩ tôi là Hoa kiều, chứ không nghĩ tôi là người Trung Quốc địa phương.”

Bành Vu Yến trong vai Lý Thiên Nhiên trong trang phục thể thao của thanh niên thập niên 1930

Chu Vận, vợ của Khương Văn và cũng là nữ diễn viên chính trong bộ phim, là khách hàng lâu năm của Uma Wang. Cô giới thiệu nhà thiết kế này với Khương Văn.

“Trang phục là cầu nối cho chúng tôi biết đến sự tồn tại của nhau lâu nay, nhưng không ngờ rằng lại có ngày chúng tôi làm việc cùng nhau,” đạo diễn cho biết.

Trước giờ Uma Wang chưa từng làm việc với một đoàn làm phim, đừng nói là một bộ phim về một thời kỳ lịch sử Trung Quốc.

Nhân vật Lam Thanh Phong của Khương Văn trong trang phục truyền thống của nam giới Trung Quốc

“Chi tiết và tài liệu tham khảo chủ yếu là từ đạo diễn. Anh ấy có thẩm mỹ và đánh giá tốt, và sự hợp tác này là quá trình học tập của tôi,” Uma Wang bổ sung.

Phục trang làm tôn bộ phim như thế nào?

Khương Văn có yêu cầu rất chi tiết về trang phục và một định hướng rõ ràng. Anh thận trọng về bối cảnh thời đại của trang phục nam trong phim.

Khương Văn tìm kiếm nhiều bức ảnh cũ cho Uma Wang xem. Khương Văn nhận thấy thời những năm 1930, 80% người dân trên đường phố Bắc Kinh mặc những màu sáng như trắng hoặc xám. Đây là hai màu đặt tông nền chủ đạo cho bộ phim.

Đường Phượng Nghi (Hứa Tình) trong trang phục xườn xám sang trọng

“Đạo diễn cho rằng màu sắc là cách để phục dựng thời đại. Anh ấy cố gắng làm đúng từng chi tiết,” Uma nói.

Theo China.org, Uma Wang đã sàng lọc và nghiên cứu một số lượng đáng kể tài liệu lịch sử cho chi tiết trang phục của thời đại là bối cảnh câu chuyện.

Các trang phục khác được sử dụng trong Hidden Man là những trang phục cổ điển quý giá từ Armani/Silos Archives.

Trách nhiệm của nhà thiết kế trang phục

Phục trang nhân vật Chu Tiềm Long của Liêu Phàm (trái) trong phim là từ bộ sưu tập của Uma Wang

“Thiết kế cho các thương hiệu thời trang khác với thiết kế trang phục cho một bộ phim,” Uma nói. “Không chỉ cốt truyện và thời đại trong phim, mọi thứ đều có liên quan lẫn nhau,” cô nói.

Uma Wang đã trhực hiện gần 30 bộ trang phục Hidden Man. Ngoài ra, cô còn đóng góp bộ sưu tập riêng của cô, bao gồm hàng chục bộ xườn xám cổ và trang phục theo phong cách Art Deco.

“Điểm nổi bật của bộ phim không phải là năng lực của nhà thiết kế trang phục, mà là trách nhiệm của nhà thiết kế làm cho các diễn viên nhập vai ngay khi họ mặc trang phục lên người,” Khương Văn nói.

Phục dựng một con phố Bắc Kinh thời 1930

Theo China.org, Khương Văn chia sẻ rằng anh bị ám ảnh với việc tạo ra một thế giới mới cho những bộ phim tức là thể hiện những gì anh thực sự cảm nhận.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn