Tin tức

Inside Out có tiềm năng trở thành phim hay nhất mà Pixar từng sản xuất

04/12/2014

Năm nay là năm đầu tiên không có phim Pixar kể từ năm 2005. Dù The Good Dinosaur ban đầu dự kiến ra mắt vào tháng 5 vừa qua, những rắc rối hậu trường khiến phim bị dời ngày đến mùa lễ Tạ ơn năm sau.

Thật đáng chán khi trong năm 2014 chúng ta không được coi phim truyện mới từ nơi được cho là nhà sản xuất phim hoạt hình giỏi nhất thế giới, nhưng tin tốt đây: bộ phim tiếp theo của Pixar, Inside Out, có vẻ có tiềm năng trở thành phim hay nhất mà xưởng phim này từng sản xuất.

(Từ trái qua) Năm cảm xúc chính: Sợ sệt, Buồn bã, Vui vẻ, Chán ghét và Giận dữ

Hồi tháng 6, Cinema Blend đã được mời tới phòng chiếu của Hiệp hội đạo diễn Hoa Kỳ tại Los Angeles, nơi đạo diễn Pete Docter (Up, Monsters Inc.) cùng nhà sản xuất Jonas Rivera sẵn sàng giới thiệu với vài phóng viên điện ảnh về những điều đáng trông đợi ở bộ phim sắp tới.

Diễn ra trong trí óc một cô bé 11 tuổi tên là Riley, Inside Out kể về những chiến tích của năm cảm xúc chính tạo nên tính cách của cô bé: Vui vẻ (Amy Poehler), Buồn bã (Phyllis Smith), Sợ sệt (Bill Hader), Chán ghét (Mindy Kaling) và Giận dữ (Lewis Black). Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến khi Vui vẻ và Buồn bã bị quăng ra khỏi trung tâm điều khiển, để lại Sợ sệt, Chán ghét và Giận dữ hoành hành. Nhằm đưa Riley quay lại con đường đúng đắn, Vui vẻ và Buồn bã phải lên đường xuyên qua tâm trí của cô bé trở lại trung tâm điều khiển, lang thang qua những nơi như Miền tưởng tượng, Nhà máy sản xuất giấc mơ, Chuyến tàu suy nghĩ và nhiều nơi khác trong quá trình.

Trung tâm điều khiển

Trong buổi giới thiệu, đạo diễn và nhà sản xuất chiếu hai cảnh khác nhau, một cảnh là đoạn phim mà họ đã chiếu tại D23 Expo năm ngoái. Thứ hoàn toàn mới đối với tác giả bài viết là năm phút đầu của Inside Out, mà tác giả cho là vô cùng ngoạn mục.

Bộ phim bắt đầu ngay tại khởi điểm có thể: Riley ra đời. Bộ phim chưa hoàn thành và thay vì những cảnh đầu tiên được tạo dựng từ các phác thảo đen trắng, tác giả bài viết nghe một giọng kể thuyết minh từ Vui vẻ hỏi rằng, “Bạn đã bao giờ nhìn ai đó và tự hỏi điều gì diễn ra bên trong trí óc họ? Tôi biết đấy. Hay nói đúng hơn là tôi hiểu trí óc của Riley.”

Từ bên trong trí óc cô bé, chúng ta chứng kiến Riley mở mắt, và trong khi cô bé ngắm nhìn thế giới lần đầu tiên, cô bé đã tạo ra Vui vẻ. Sau đó chúng ta thấy cha mẹ Riley tiến vào tầm mắt của cô bé. Khi Riley nghe câu đầu tiên cha nói với mình, ký ức đầu tiên của cô bé được tạo ra – dưới hình dạng quả cầu rực rỡ rơi theo con đường xuống vùng trí nhớ ngắn hạn. Vui vẻ nhặt quả cầu lên và chứng kiến ký ức đó lặp lại. Khi Vui vẻ gắn ký ức vào vị trí của nó, toàn bộ trung tâm điều khiển sáng lên: một tính cách được hình thành. Câu chuyện của Vui vẻ tiếp tục, nói về sự tuyệt vời khi chỉ có cô và Riley.

Quả cầu ký ức

Nhưng khoảng thời gian đó kéo dài 33 giây, khi cô bé Riley bắt đầu khóc, và chúng ta chứng kiến sự hình thành Buồn bã. Buồn bã bắt đầu nỗ lực giành giật quyền kiểm soát, trước sự phản kháng của Vui vẻ.

Sau đó chúng ta thấy cảnh Riley lớn lên, và trong quá trình đó những cảm xúc mới nảy sinh (bộ phim hoạt hình cũng hay dần lên). Lời kể của Vui vẻ giới thiệu với chúng ta Sợ sệt khi chúng ta thấy Riley ngồi trên xe đồ chơi đi quanh nhà, và suýt đè lên một sợi dây đèn. Sợ sệt giúp cô bé từ từ đi qua, nhưng Vui vẻ nôn nóng, và khi cô giành quyền kiểm soát, sợi dây mắc vào bánh xe và chiếc đèn rơi xuống sàn.

Chán ghét xuất hiện khi Riley, ở thời kỳ chập chững tập đi, ngồi trên ghế độn ở bàn ăn tối và cha cô bé cố gắng cho cô bé ăn bông cải xanh. Tất cả cảm xúc bối rối trước loại rau trông giống cái cây này, nhưng đó là lúc Chán ghét xuất hiện, ghét vì thứ thức ăn đó vừa sáng màu vừa trông giống con khủng long. Khi nhận ra đó là bông cải xanh, Chán ghét khiến Riley gạt món đó đi, hét lên, “Ghê quá!”

Chán ghét

Đáp lại sự từ chối bông cải xanh, cha của Riley đe dọa nếu cô bé không ăn rau thì sẽ không được thưởng. Sau đó chuyển cảnh đến Giận dữ, ngồi trên ghế sô-pha đọc tờ báo có đề mục “Không được thưởng.” Cơn giận nổi lên, Giận dữ đoạt quyền kiểm soát từ tay Chán ghét. Đầu anh ta cháy, sôi sục và bốc khói theo nghĩa đen, anh ta chỉ đạo Riley nổi giận. Vụ việc được giải quyết, tuy nhiên, khi người cha chơi trò “máy bay tới đây”, và Giận dữ bỏ cuộc.

Sau đó Buồn bã được ánh đèn chiếu tới, khi Vui vẻ giải thích cô không hiểu lắm vì sao cô ở đây. Cảnh này xảy ra cùng cảnh phim ngắn về Riley khóc ở nhiều nơi khác nhau khi cô bé dần lớn lên. Vui vẻ không thể làm gì với sự hiện diện của cô, nên cô nói, “Cô không có nơi nào để đi nữa, nên cô ổn, chúng ta đều ổn, chúng ta đều tuyệt vời!”

Sau đó câu chuyện giúp chúng ta làm quen với cơ chế hoạt động của trí nhớ, những quả cầu màu vàng rực rỡ trên tường (được chất đống như một góc não bộ) và phần lớn ký ức được miêu tả là vô cùng hạnh phúc. Những ký ức quan trọng nhất được gọi là “ký ức cốt lõi,” được lưu trữ trong một căn phòng đặc biệt gắn trên sàn trung tâm điều khiển. Đó là những khoảnh khắc vô cùng quan trọng trong cuộc đời Riley miêu tả con người cô bé. Chúng ta được xem lần đầu tiên cô bé ghi điểm trong môn khúc côn cầu, nơi cô vỡ òa trong niềm vui sướng đơn thuần.

Gia đình Riley

Mỗi ký ức cốt lõi tạo ra “hòn đảo” đặc biệt riêng trong tâm trí Riley. Lời kể của Vui vẻ cho biết nơi yêu thích của cô là Đảo Khờ khạo, nhưng cô cũng trân trọng Đảo Gia đình và Đảo Tình bạn. Sau đó chúng ta có ý tưởng về vài phần khác trong bộ não của cô bé, khi trí tưởng tượng của cô khiến cô nhìn sàn nhà là nham thạch. Riley lớn lên dần qua thước phim, chơi với một người bạn tưởng tượng tên là Bing Bong, chơi khúc côn cầu ngày càng giỏi, vân vân … và Vui vẻ dõi theo tất cả.

Cuối cùng, đến giờ Riley đi ngủ. Khi cha cô bé hôn chúc ngủ ngon, chúng ta thấy Vui vẻ đang kiểm soát và nói, “Nghỉ ngơi thôi. Một ngày tuyệt vời nữa!” Sợ sệt đáp lại “May quá, hôm nay chúng ta không chết! Thoát rồi!” Vui vẻ bật công tắc và trí nhớ ngắn hạn được chắt lọc lưu trữ thành trí nhớ dài hạn, những quả cầu rực rỡ lăn trong lòng ống dẫn, chúng ta có thể thấy chúng đổ xuống xa xa. Cảnh này kết thúc với lời kể của Vui vẻ về mọi điều thật tuyệt diệu và nói, “Riley 11 tuổi rồi. Điều gì sẽ xảy ra?”

Nói tác giả bài viết ấn tượng trước đoạn phim này sẽ là nói giảm. Trong khi bộ phim còn vô cùng thô sơ, cảnh đầu tiên với ngày Riley ra đời có thể trở thành cảnh xúc động nhất Pixar từng thực hiện kể từ Carl và Ellie lớn lên bên nhau trong màn đầu tiên của Up. Là người đánh giá cao cả Monsters University lẫn Brave, tác giả bài viết cũng cảm nhận được ở đây trình độ sáng tạo, điều chúng ta không thấy từ công ty hoạt hình đoạt giải Oscar trong vài năm. Tác giả bài viết choáng ngợp trước đoạn phim được chiếu, và khỏi phải nói tác giả khao khát muốn xem nhiều hơn.

Thực tế đáng buồn là vẫn còn quãng thời gian chờ đợi dài đằng đẵng. Inside Out được lên lịch phát hành vào ngày 19/6/2015. Háo hức quá đi!

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi