Nhân vật & Sự kiện

Phim Hollywood về biến đổi khí hậu có làm cho tình hình khác đi được gì không?

14/10/2017

Làm sao kể một câu chuyện về sự tàn phá thế giới?

Các nhà làm phim điện ảnh và truyền hình biết làm điều đó với người ngoài hành tinh, tất nhiên, hoặc giả định bằng những mưu đồ chính trị và các nhà lãnh đạo hư cấu.

Phim tài liệu The Cove đoạt giải Oscar năm 2010 điều tra về việc đánh bắt cá heo và xả thịt chúng ở Taiji, Nhật Bản diễn ra trong nhiều tháng mỗi năm

Nhưng nắm bắt được hiểm họa thực sự của biến đổi khí hậu đe dọa toàn cầu thì khó khăn hơn nhiều so với việc việc quay bất cứ con tàu không gian nào đáp xuống Trái Đất. Chỉ cần hỏi Darren Aronofsky, bộ phim ly kỳ gần đây nhất, Mother!, đã chứa đựng thông điệp biến đổi khí hậu của anh bằng ngụ ngôn.

Nhà làm phim và diễn viên Fisher Stevens nói: "Đề tài này rất gợi cảm, chỉ có điều người ta không muốn đối phó và nghĩ tới chuyện đó."

Stevens, đã đoạt giải Oscar năm 2010 với tư cách là nhà sản xuất phim The Cove, bộ phim tài liệu về săn bắn cá heo, đã sử dụng sức mạnh ngôi sao của Leonardo DiCaprio trong bộ phim về môi trường mới nhất của anh, Before the Flood, nghiên cứu về tình trạng nóng lên toàn cầu theo cách mà Stevens hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho người xem thay đổi thói quen của họ. Là phim tài liệu của National Geographic năm 2016, Before the Flood đã tìm được một lượng lớn khán giả streaming và kỹ thuật số.

Nhưng không dễ có những phim Hollywood về biến đổi khí hậu được làm. Và khi nói đến đề tài đó — như bộ phim thảm họa The Day After Tomorrow của Roland Emmerich năm 2004 — chúng hiếm khi làm được gì nhiều để thôi thúc công chúng hành động. Ngay cả các nhà làm phim đầy thiện chí với các câu chuyện cảnh báo được phác thảo cẩn thận cũng thường không đạt hiệu quả, theo các nhà khoa học khí hậu.

Theo Per Espen Stoknes, tác giả cuốn sách What We Think About When We Try Not to Think About Global Warming, một phần của vấn đề chính là cốt truyện.

"Trái với khủng bố và ma túy, không có kẻ thù rõ ràng với sự biến đổi khí hậu,” anh nói. “Tất cả chúng ta đều dự phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu — nếu có kẻ thù, thì đó chính là chúng ta. Và đi đến một cuộc chiến chống lại chính mình thì khó lắm."

Và khi biến đổi khí hậu được miêu tả trên màn ảnh, nó thường là sự cháy nổ dữ dội do lửa và lưu huỳnh, một tầm nhìn tận thế hầu như không có chỗ cho phản ứng của con người.

The Day After Tomorrow miêu tả thành phố New York là một vùng cảnh quan hậu tận thế lạnh giá

Các nhà nghiên cứu khí hậu và khoa học xã hội nói, đó chính là thông điệp sai lầm.

"Nếu bạn thực sự muốn huy động mọi người hành động, thì bạn đừng dọa cho họ sợ chết khiếp và làm cho họ tin rằng tình hình là vô vọng," Andrew Hoffman, giáo sư Đại học Michigan, tác giả của cuốn sách How Culture Shapes the Climate Change Debate, nói.

Nhưng đó lại chính là loại phim đặt cược cao mà Hollywood thích sản xuất — chẳng hạn The Day After Tomorrow, miêu tả thành phố New York là một vùng cảnh quan hậu tận thế lạnh giá. Hoặc Geostorm, ra rạp ở Việt Nam ngày 13/10 với tựa Siêu bão địa cầu, trong đó khí hậu trở nên rối loạn một cách tận thế, do các vệ tinh gặp sự cố.

Dư dả nghiên cứu cho thấy dạng hậu tận thế này phản tác dụng, thúc đẩy người ta càng chối bỏ hơn và bất lực; thay vì hành động, họ chết cứng.

Khí hậu trở nên rối loạn một cách tận thế, do các vệ tinh gặp sự cố, trong Siêu bão địa cầu

"Bạn phải đưa những chuyện này vào khuôn hình sao cho mọi người cảm thấy họ có một điểm đi vào,” Max Boykoff, giáo sư và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Khoa học và Công nghệ tại Đại học Colorado-Boulder, nói.

Nhà làm phim Stevens đồng ý với cách tiếp cận này. Anh nói: "Tận số và ảm đạm sẽ khiến cho người ta tắt ngấm. Mặc dù nói về biến đổi khí hậu không dễ, như bạn có thể nhìn thấy với những gì đang xảy ra lúc này," với những cơn bão gần đây. "Khải huyền đang đến."

Vấn đề trở thành cách nào tốt nhất để thúc đẩy mọi người. "Đó là một sự cân bằng khó khăn," Hoffman nói. "Bạn phải truyền đạt nhận thức về sự cấp bách, nếu không bạn sẽ không có được ý thức cam kết."

Một số ví dụ đình đám, như phim tài liệu đoạt giải Oscar năm 2006 An Inconvenient Truth, có thể đi quá xa.

An Inconvenient Truth

"Bộ phim toàn là về nỗi sợ hãi.,” Ed Maibach, giáo sư và giám đốc Trung tâm Truyền thông về Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học George Mason, nói. "Và trong phần ghi công những người làm phim, ghi công đúng nghĩa đen, người ta đưa ra một số khuyến nghị chúng ta có thể làm gì. Lẽ ra đó phải là phần nổi bật của câu chuyện, trong việc nói cho người ta biết họ có thể thực hiện những hành động gì có giá trị nhất."

Các phim tài liệu và chương trình truyền hình gần đây hơn như Years of Living Dangerously, phim nhiều tập của National Geographic, trong đó những người dẫn chương trình nổi tiếng khác nhau điều tra các vấn đề môi trường trên khắp thế giới, hy vọng tìm ra điểm ngọt trong những khán giả đang choáng váng và truyền cảm hứng cho họ. David Gelber, đồng tác giả của loạt phim, có những nhà sản xuất bao gồm đạo diễn James Cameron, cho biết các nhà làm loạt phim này đã quen thuộc với việc nghiên cứu thông điệp khí hậu.

"Mục đích là đảm bảo rằng khán giả của chúng tôi không cảm thấy họ chán rau,” Tim Pastore, giám đốc chương trình và chế tác của National Geographic, nói. “Chúng tôi cố không làm chương trình để gây tuyệt vọng, mà để tạo cơ hội thì đúng hơn.” Bởi vì, ông nói thêm: "Mục đích lớn nhất của các chương trình truyền hình về biến đổi khí hậu trước tiên là tìm ra khán giả mới và ngừng thuyết giảng với những người đã cải đạo. Suy cho cùng, chúng ta đang nỗ lực tìm ra thêm những người cải đạo mới."

Nhưng như bộ phim được giới phê bình khen ngợi nhưng ít ai được xem An Inconvenient Sequel: Truth to Power, miêu tả, gửi đi thông điệp đúng không giúp ích gì nếu không ai bắt được nó. Debbie Levin, chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Môi trường, nói: "Thuật ngữ ‘biến đổi khí hậu’ không hề gợi cảm và ‘có kịch bản thân thiện’ như hầu hết các cốt truyện.” Một số nhà nghiên cứu nói, giải pháp là triển khai chệch hướng đôi chút. "Nông nghiệp, vấn đề nước ngọt, công lý về môi trường," bà Levin nói. "Tất cả đều là những vấn đề lớn thực sự có hiệu quả kịch tính mà không cần nói những từ ‘biến đổi khí hậu’."

Một điểm sáng trong việc thể hiển báo động về môi trường trên màn ảnh là các chương trình dành cho trẻ em, theo bà Levin, "có tác dụng tốt đẹp cho các hoạt động hàng ngày và nhận thức chung. Cha mẹ cũng thường xem với con cái, và họ cùng nhau học tập." Và biến đổi khí hậu là chủ đề thường xuyên của các nghệ sĩ thị giác và nhà văn, với thể loại được gọi là cli-fi (tạm dịch khí hậu giả tưởng) đang phát triển.

Maibach, giáo sư George Mason và chuyên gia thăm dò hiểu biết về khí hậu nói rằng vấn đề lớn nhất đối với các nhà truyền thông về khí hậu là người Mỹ không nói về biến đổi khí hậu - ở bất cứ dạng nào. "Chúng tôi gọi đó là sự im lặng về khí hậu," ông nói, "và khá sâu sắc."

Vì vậy, Hoffman, giáo sư Đại học Michigan, cho biết, chúng ta cần "nhiều phim điện ảnh hơn, nhiều phim truyền hình hơn, nhiều ca khúc hơn."

An Inconvenient Sequel: Truth to Power

"Chúng ta phải chạm vào trái tim người dân về chuyện này," ông nói. "Rất quan trọng."

Lược dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times