Nhân vật & Sự kiện

Nỗi sợ siêu anh hùng da đen: Michael B. Jordan và tầm quan trọng của việc bỏ qua màu da khi chọn diễn viên

15/06/2015

Michael B. Jordan đã đương đầu với các “fan” đầu to mắt cận đang nổi giận với việc anh được chọn vào vai siêu anh hùng da trắng Johnny Storm trong The Fantastic Four. Sau đây là lý do vì sao hình mẫu siêu anh hùng cần được cách tân.

Michael B. Jordan, trái, và hình mẫu siêu anh hùng da trắng Johnny Storm đã đi vào lòng 'fan' truyện tranh

'Fan' truyện tranh trên thế giới đang háo hức chờ đợi Fantastic Four ra mắt hè này, nhưng có thể thấy không phải ai cũng vui vẻ với bộ phim. Khi được thông báo hồi cuối năm 2013 rằng nam diễn viên người Mỹ gốc Phi Michael B. Jordan (Fruitvale Station) vào vai Johnny Storm/The Human Torch, rất nhiều 'fan' đã phản đối ý tưởng này. Storm và chị gái Sue (The Invisible Woman) luôn được cho là người da trắng trong các bộ truyện Fantastic Four (và hai bộ phim dở tệ đầu năm 2000, khi họ biến Jessica Alba gốc Mỹ Latinh thành một cô gái nhà giàu tóc vàng mắt xanh), nên có những 'fan' không thể chấp nhận nổi ý tưởng một anh chàng da đen bước vào vai này. Cuối tháng 5 vừa qua, Jordan đã tự quyết định trực tiếp đáp trả các lời phê bình.

Trên trang ý kiến bạn đọc (op-ed) của Entertainment Weekly, nam diễn viên đã dập tắt mọi lời phê phán việc anh được chọn vào vai một nhân vật luôn được cho là da trắng.

“Có những người nhìn vai diễn của tôi như một sự chỉnh đốn có tính chính trị hoặc cố gắng đáp ứng hạn ngạch sắc tộc vậy, hoặc một phần trong năm của phim về người da đen,” Jordan viết. “Hoặc họ có thể xem nó là lựa chọn sáng tạo của đạo diễn, Josh Trank, đang trong một mối quan hệ khác màu da – một sự phản ánh xã hội hiện đại ngày nay. Đây là bộ phim gia đình về bốn người bạn – hai trong số đó do tôi và Kate Mara thủ vai chị gái nuôi của tôi – đến với nhau sau một chuỗi sự kiện không may để đoàn kết thành một nhóm. Đó là thông điệp của bộ phim. . . Đối với những người to mồm trên Internet, tôi muốn nói: Đừng gí mắt vào màn hình nữa. . . thế giới ta sống như thế này này.”

Blade: siêu anh hùng da đen hiếm hoi trong Thế giới Điện ảnh Marvel

Nhân vật hư cấu – đặc biệt từ phương tiện tràn đồng như truyện tranh – được nhào nặn và tái sử dụng mọi lúc. Nhân vật Captain America sẽ chỉ là đồ cổ sau Thế chiến II nếu không có sự thay đổi các chi tiết gốc và nhào nặn lại cốt truyện. Và Jordan-vai-Johnny Storm cũng không phải lần đầu tiên một diễn viên da đen vào vai một nhân vật truyện tranh da trắng. Nhưng thật thú vị khi thấy cái gì vấp phải sự phản đối còn cái gì không.

Nhân vật Nick Fury, đặc vụ bí hiểm của S.H.I.E.L.D., dính vào hầu hết các tuyến truyện phim của Marvel, là một nhân vật da trắng hàng thập kỷ trong truyện tranh; nhưng cả một thế hệ khán giả xem phim biết nhân vật này do diễn viên Mỹ gốc Phi Samuel L. Jackson thủ vai. Jackson không gặp phải sự phản đối đáng nói nào. Có phải bởi vì Fury không hẳn là nhân vật mà công chúng cho là “anh hùng”, mà là một nhân vật mờ ám giật dây đằng sau? Trong Batman của Tim Burton, vai của Harvey Dent, một nhân vật da trắng “truyền thống”, được Billy Dee Williams thủ vai. Cũng không có sự phản đối đáng kể nào – nhưng Dent là một nhân vật nhỏ trong bộ phim này. Khi danh tính kia của Dent, nhân vật phản diện Two-Face, được đôn lên làm nhân vật phản diện chính trong Batman Forever sáu năm sau, nhân vật này quay lại thành da trắng – do Tommy Lee Jones thủ vai.

Về phía Jordan, anh công nhận có những người đã gắn bó quá chặt chẽ với Johnny Storm tóc vàng mắt xanh trong truyện họ đọc từ thời bé.

Anthony Mackie trong vai siêu anh hùng Mỹ gốc Phi đầu tiên Falcon

“Tôi có thể thấy quan điểm của mọi người, và tôi biết mình không thể bảo khán giả quên phứt 50 năm truyện tranh đi được,” anh nói. “Nhưng thế giới ở năm 2015 đã đa dạng hơn chút so với năm 1961 khi truyện Fantastic Four xuất bản.”

Jordan nói đúng. Đầu thập kỷ 60, khi nhiều nhân vật Marvel thân thuộc được giới thiệu, văn hóa đại chúng ở Mỹ ít nhiều “trắng” hết. Đến năm 1966 Marvel mới giới thiệu nhân vật siêu anh hùng da đen quan trọng đầu tiên (Black Panther) và siêu anh hùng Mỹ gốc Phi đầu tiên (Falcon) xuất hiện năm 1969. Nhưng điều đặc biệt đáng lo về các phim siêu anh hùng đương đại là việc các nhân vật da đen vẫn bị cho ra ngoài rìa.

Trong Avengers: Age of Ultron, phần lớn các siêu anh hùng da đen của Thế giới Điện ảnh Marvel được đẩy xuống làm nền. Chúng ta chẳng thấy gì về War Machine hay Falcon, thậm chí cả cột trụ Thế giới Điện ảnh Marvel là Nick Fury cũng chỉ là nhân vật nhỏ trong phim này. Khi phần hành động trung tâm diễn ra, tiền tuyến chỉ có nhân vật da trắng. Cũng chỉ nhân vật da trắng mới có sự phát triển. Nhân vật da trắng được làm anh hùng. Nhân vật da đen có những vai phụ vinh quang. Trong X-Men: Days of Future Past năm 2014, nhiều thành viên trong đội ngũ thuộc nhiều màu da sắc tộc khác nhau. Nhưng một lần nữa, các tuyến truyện chính chỉ xoay quanh Wolverine, Mystique, Magneto và Xavier – toàn là nhân vật da trắng. Kể cả phân đoạn ở tương lai trong cốt truyện du hành thời gian cũng tập trung phần lớn vào Magneto, Xavier, Kitty Pryde, và Iceman. Những nhân vật không-da trắng, không-gốc Mỹ không ít thì nhiều làm mồi cho Sentinel – chúng ta thấy các nhân vật da đen như Bishop và Storm, Mỹ Latinh như Sunspot, Blink châu Á và Warpath gốc da đỏ đều bị các rôbô săn dị nhân khổng lồ tàn sát. Nhưng ta không thấy gì nhiều về họ.

Blink gốc châu Á và Warpath gốc da đỏ, hai nhân vật xuất hiện rồi bị "trừ khử" trong X-Men: Days of Future Past

Khi nghĩ tới việc những nhân vật da đen bị xem nhẹ hoặc nhào nặn lại thường xuyên nhằm đôn các nhân vật da trắng lên, thì quyết định đi ngược lại sẽ không còn là việc “đính chính mang tính chính trị” nữa – mà là điều chắc chắn nên làm nếu muốn chiến đấu với xu hướng văn hóa da trắng đang thống trị. Đúng, có những phim kinh điển được sùng bái trong lịch sử như Blade hay Black Panther đang được chờ đón trong tương lai. Nhưng không có nghĩa là các biệt đội và nhân vật siêu anh hùng da trắng là hình ảnh đóng đinh; đặc biệt nếu ta công nhận các bộ truyện này đầy người da trắng chính là hậu quả của văn hóa tôn sùng chủ nghĩa da trắng.

Siêu anh hùng là một phần quan trọng của văn hóa Mỹ. Và phần văn hóa Mỹ này đã được xuất khẩu đi khắp thế giới. Những người hùng như Batman và Superman trở thành biểu tượng. Hình ảnh người đàn ông da trắng siêu năng lực cứu thế giới được in hằn trong ý thức của chúng ta – và đương nhiên, chỉ là một mặt của chủ nghĩa da trắng và da trắng tối thượng được lan truyền khắp thế giới. Chúng ta nên vỗ tay cho những nỗ lực muốn thay đổi khung cảnh đó. Chúng ta nên nắm ngay cơ hội cho thế giới thấy một cán cân anh hùng rộng hơn. Và chúng ta nên nghiêng mình trước Michael B. Jordan vì đã trả lời xung đột này với phong thái thận trọng và có suy nghĩ.

Michael B. Jordan trong Fantastic Four

Và chúng ta cũng nên cảnh giác để chắc chắn rằng mình không tiếp tục tuyên truyền ý kiến rằng “người hùng” chỉ có nghĩa là “da trắng”.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast