Nhân vật & Sự kiện

Kinh kịch - xã hội đen - kiếm hiệp: Sự lên ngôi và suy tàn của điện ảnh Hồng Kông

17/05/2020

Có thể là những hình ảnh đẫm màu neon mơ mộng đã mang về cho Vương Gia Vệ một giải Lumière, hoặc có thể đó là ma thuật kung fu của Lý Tiểu Long xuất hiện trong tâm trí khi người ta nghĩ về điện ảnh Hồng Kông.

Bất kể chính xác là gì, không thể phủ nhận điện ảnh của đặc khu này đã từng đốn tim người xem khắp thế giới, đẩy các thần tượng địa phương lên vũ đài quốc tế.

Trâu Văn Hoài (phải) và Lý Tiểu Long (giữa) năm 1972, thời kỳ điện ảnh Hồng Kông đang tìm kiếm tiếng nói riêng

Khi còn là thuộc địa của Anh, các quyền tự do kinh tế và chính trị của Hồng Kông tách biệt với Trung Quốc Đại lục và Đài Loan, cho phép nó thay thế quyền lực điện ảnh Thượng Hải trong Thế chiến II, và cuối cùng trở thành trung tâm của ngành làm phim Hoa ngữ.

Trong nhiều thập kỷ, Hồng Kông là kinh đô điện ảnh châu Á, được mệnh danh hết lần này đến lần khác là “Hollywood phương Đông”. Tuy nhiên, gần đây, câu chuyện về ngành công nghiệp phim ảnh Hồng Kông từng phát triển mạnh mẽ là những câu chuyện ảm đạm giải thích cho sự suy tàn của nó.

(Theo chiều kim đồng hồ từ góc trên bên phải) các ngôi sao Hồng Kông kỷ nguyên vàng của ngành điện ảnh: Trương Quốc Vinh, Lưu Gia Linh, Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ năm 1990

City Weekend khám phá lịch sử điện ảnh lâu đời và đầy màu sắc ở Hồng Kông – sự ra đời, sự phát triển và liệu nó có thực sự, như một số người giả thiết, là một ngành công nghiệp đang hấp hối không.

Chuyện bắt đầu như thế nào?

Trong nhiều thế kỷ, kinh kịch là hình thức giải trí sân khấu chính trong thế giới Hoa ngữ. Do đó, không có gì ngạc nhiên là khởi đầu của điện ảnh Trung Quốc, được tiên phong vào đầu thế kỷ 20 bởi Liang Shaobo và Lê Dân Vỹ, liên kết chặt chẽ với văn hóa này.

Khi âm thanh đến với điện ảnh trong “phim nói”, lần đầu tiên các nhà làm phim phải nghĩ đến sự khác biệt về ngôn ngữ. Năm 1932, anh em Thiệu Thị đã làm việc với ngôi sao kinh kịch người Quảng Đông Tiết Giáo Tiên để sản xuất phim nói tiếng Quảng Đông đầu tiên, White Gold Dragon. Khi các cuộc đấu tranh chính trị nổ ra ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông trở thành nơi điện ảnh có thể phát triển tự do.

Ngành phim Hồng Kông có cội nguồn từ kinh kịch tiếng Quảng Đông

Anh em Thiệu Thị, sau này lập hãng phim riêng vào năm 1958, có một sức ảnh hưởng lâu dài với điện ảnh Hồng Kông.

Những cái tên quyền lực thời đó là ai?

Sự phát triển sau chiến tranh của Hồng Kông được thúc đẩy bởi một dòng người chạy nạn chiến tranh tàn phá. Vào năm 1940, dân số Hồng Kông đứng ở mức khoảng 1 triệu người. Đến năm 1967, con số đó tăng lên thành 3,9 triệu.

Nhưng một điều khác cũng định nghĩa những thập niên đó: với lên tới 200 bộ phim được sản xuất một năm, cuối thập niên 40, 50 và 60 cũng là năm mà điện ảnh tiếng Quảng Đông bắt đầu phát triển, sau một thời gian trì trệ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng.

Tài phiệt và gã khổng lồ ngành phim Thiệu Dật Phu (giữa) trong một buổi họp báo

Việc chảy máu chất xám từ Đại lục mang theo sự gia tăng về tài năng, tiền bạc và ý tưởng, nhưng cũng gây ra sự chia rẽ giữa truyền thông tiếng phổ thông và tiếng Quảng Đông. Trong bối cảnh sự phổ biến ngày càng tăng của phim tiếng phổ thông, phim kinh kịch tiếng Quảng Đông và phim võ thuật kinh phí thấp đã phát triển thịnh vượng.

Trong thế giới phim nói tiếng phổ thông, một cuộc cạnh tranh được phát triển giữa Thiệu Thị Huynh Đệ và Motion Picture and General Investments Limited (MP&GI) – hai gã khổng lồ trong ngành công nghiệp thời đó. Anh em Thiệu Thị được biết đến với những phim đa sầu lãng mạn, sử thi cổ trang và họ đã làm mới những bộ phim võ thuật kiếm hiệp, trong khi MP&GI chuyên về nhạc kịch lấy cảm hứng từ Hollywood, như Mambo Girls (1957) và The Wild, Wild Rose (1960).

Các diễn viên dưới trướng Thiệu Thị Huynh Đệ

Cuối cùng, anh em Thiệu Thị giành chiến thắng – cái chết của người sáng lập và đứng đầu MP&GI Lục Vận Đào vào năm 1964 đã đóng đinh vận mệnh đối thủ của họ.

Thời đại mà các ngôi sao địa phương bắt đầu tỏa sáng là khi nào?

Trong khi các bộ phim tiếng phổ thông bước vào thập niên 70 với ưu thế, điện ảnh tiếng Quảng Đông đã có cuộc lội ngược dòng vào cuối thập kỷ, đưa phim hiện thực về dân thường Hồng Kông lên màn ảnh rộng.

Khi tầng lớp trung lưu Hồng Kông phát triển và thành phố từng là một làng chài ngày càng có tính chất thương mại và tập đoàn, ngành công nghiệp đã chuyển trọng tâm về với khán giả địa phương với thành công vang dội. Các bộ phim về thực tế hiện đại của người Hồng Kông là hương vị của thập kỷ, và phim tiếng phổ thông bị đẩy lùi ra sau.

Thiệu Dật Phu chụp ảnh cạnh xe Rolls-Royce của ông trước Shaw House

Anh em Thiệu Thị tiếp tục có tiếng vang tầm quốc tế khi phim kung fu bùng lên được yêu thích rộng rãi. Trên thực tế, công ty đã sản xuất bộ phim tiếng Quảng Đông duy nhất năm 1973, House of 72 Tenants, nhanh chóng được hâm mộ cuồng nhiệt.

Năm 1970, Trâu Văn Hoài và Hà Quan Xương rời Thiệu Thị Huynh Đệ và thành lập hãng sản xuất phim riêng, Golden Harvest (Gia Hòa). Công ty sản xuất mới nhanh chóng thu hút sự chú ý bằng việc ký với các ngôi sao mới nổi thời đó, gồm Lý Tiểu Long, anh em họ Hứa, và sau đó là Thành Long.

Khi cuộc mai mối giữa truyền hình và điện ảnh tiếng Quảng Đông dần bắt đầu làm sống lại hương vị địa phương, anh em Hứa, ban đầu trở nên nổi tiếng qua TVB, đã phá kỷ lục với bộ phim Games Gamblers Play năm 1974 của họ. Bộ phim kiếm được 1,4 triệu USD tại phòng vé bản địa và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất vào thời điểm đó – đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông.

Rạp World Theatre trên đường Des Voeux ở Central, những năm 70

Điện ảnh Hồng Kông thực sự nỏ rộ khi nào?

Thập kỷ mới bắt đầu cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho phim tiếng Quảng Đông hiện đại.

Khi Hồng Kông chiếm ưu thế trong khu vực gần sánh ngang với vị thế của Hollywood, phim tiếng Quảng Đông tràn ngập rạp chiếu Đông Á và Đông Nam Á, với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Hàn Quốc, trở thành những điểm xuất khẩu quan trọng. Sự phát triển của khu phố người Hoa và việc sùng bái các bộ phim kung fu đã giúp truyền bá phim tiếng Quảng Đông vào các rạp chiếu phim phương Tây.

Huyền thoại kung fu Lý Tiểu Long

Các đạo diễn-nhà sản xuất Vương Tinh và Từ Khắc đã dẫn đầu phong trào Làn sóng mới Hồng Kông; Vương Tinh với những phim truyện tào lao được người hâm mộ yêu thích, và Từ Khắc với thử nghiệm kỹ thuật. Công ty sản xuất Cinema City, thành lập năm 1980 bởi các danh hài Thạch Thiên, Hoàng Bách Minh và Mạch Gia, mở đường cho phim hành động hài sau được gọi mang “phong cách Cinema City”. Các phim xã hội đen của Ngô Vũ Sâm và Đặng Quang Vinh, các phim giả tưởng võ thuật truyền thống và nặng phô diễn kỹ thuật có Lý Liên Kiệt và Thành Long đóng chính, và các phim đa cảm lãng mạn có sự xuất hiện của Lâm Thanh Hà và Vương Tổ Hiền cũng chiếm lấy trái tim người dân khắp đặc khu.

Trên nền đó, các phim nghệ thuật khác của Hứa An Hoa và Nghiêm Hạo, và sau đó bởi các đạo diễn của “Làn sóng Thứ hai” như Quan Cẩm Bằng và La Trác Dao nở rộ. Giữa thời điểm này, Vương Gia Vệ bắt đầu hành trình hướng tới danh tiếng quốc tế với những bộ phim vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 có sự tham gia của Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ.

Minh tinh Lâm Thanh Hà năm 1991

Vì sao hoàng hôn đến với điện ảnh Hồng Kông?

Đầu những năm 1990, điện ảnh Hồng Kông đang phát triển mạnh: sản xuất 400 phim một năm ở thời kỳ đỉnh cao. Nhưng sang thập kỷ mới, số lượng phim được sản xuất mỗi năm đã giảm xuống chỉ còn khoảng 100. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các phim bom tấn nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu đứng đầu doanh thu phòng vé.

Có 121.8000 ghế và 119 rạp trên toàn khu vực vào đầu những năm 90. Nhưng đến năm 2017, Hồng Kông chỉ có 48 rạp chiếu phim và 36.500 ghế. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Rất nhiều điều đã được nói cho lý do sự sụt giảm này xảy ra. Một số người đổ lỗi cho sự sụt giảm chất lượng do sản xuất thừa, số khác chỉ ra sự thay đổi trong sở thích giải trí. Những người khác chỉ ra việc rút chất xám với nguồn tiền mới từ Đại lục.

Các diễn viên Châu Nhuận Phát và Lý Tu Hiền trong The Killer của đạo diễn Ngô Vũ Sâm năm 1989

Về mặt kinh tế, khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 90 đã ảnh hưởng đến các nguồn cung vốn và làm giảm sức chi tiêu của khán giả địa phương. Khi khu vực phục hồi, tầng lớp trung lưu Hồng Kông ngày càng giàu có được xem là ủng hộ các bộ phim quốc tế hơn. Theo Hong Kong Box Office, chỉ có 53 phim địa phương được phát hành tại 55 rạp chiếu phim ở đây năm 2018, trong khi có 300 phim nước ngoài được chiếu trên màn ảnh rộng.

Trên thực tế, Little Big Master là phim địa phương sản xuất duy nhất lọt vào danh sách 10 phim có doanh thu hàng đầu năm 2015 – đứng thứ 10 sau 9 phim nước ngoài.

Sự suy giảm này đã không bị bỏ qua. Năm 2003, khi dịch Sars bùng phát khắp khu vực, tạm dừng sản xuất phim và khiến các rạp hầu như không một bóng người, chính phủ Hồng Kông đã ra Quỹ Bảo trợ Điện ảnh với hy vọng khuyến khích đầu tư địa phương vào ngành công nghiệp điện ảnh. Chính phủ cũng đã tạo ra Hội đồng Phát triển điện ảnh vào năm 2007, và sau đó thành lập Creative HK để tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp địa phương. Những sáng kiến này không mấy thành công.

Trương Quốc Vinh (phải) và Trương Mạn Ngọc (trái), với Lưu Gia Linh (ở giữa, phía sau) trên phim trường A Phi chính truyện (Days of Being Wild) của Vương Gia Vệ

Sự suy tàn của điện ảnh Hồng Kông đã tương ứng với sự đi lên của điện ảnh Đại lục. Khi ranh giới giữa hai bên tiếp tục mờ nhạt, hợp tác sản xuất đã trở thành hương vị nổi bật. Năm 2016, hơn một nửa số phim được làm ở đây là hợp tác với Đại lục.

Tuy nhiên, mặc dù Hồng Kông đã mất danh hiệu “Hollywood phương Đông”, thành phố này vẫn là một trong những nguồn xuất khẩu phim lớn nhất thế giới. Về mặt kinh tế, có nghĩa là các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa ở Hồng Kông – bao gồm cả phim – chiếm 5% GDP của thành phố.

Thành Long chụp ảnh với giải Oscar danh dự tại Lễ trao giải Hội đồng quản trị lần thứ 8 tại Los Angeles

Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu điều này có phải là hy vọng cho ngành điện ảnh Hồng Kông hay không.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post