Nhân vật & Sự kiện

Isao Takahata (1935-2018) đưa cái đẹp khôn tả vào cuộc sống hằng ngày với Studio Ghibli

08/04/2018

Isao Takahata, nhà làm phim người Nhật và đồng sáng lập Studio Ghibli, đã qua đời ở tuổi 82.

Isao Takahata: Phim của ông luôn làm người ta cảm nhận được tính phù du của cuộc sống [Ảnh: Shizuo Kambayashi]

Đối với bất cứ ai theo dõi sự nghiệp phi thường của ông, đây là một tin rất buồn, nhưng có lẽ không nên buồn. Bộ phim cuối cùng của ông — kiệt tác vẽ tay, phóng túng có tựa The Tale of the Princess Kaguya — vẽ nên cái chết không gì khác hơn là điểm chuyển tiếp từ thế giới này sang thế giới khác, khi nhân vật nữ chính trẻ tuổi của bộ phim được một bầu đoàn từ cõi trời đưa cô lên mây.

Bộ phim dựa theo câu chuyện dân gian truyền thống của Nhật Bản và mở ra với điệu ru em có lời hát như sau: “Đâm bông, kết quả rồi chết; được sinh ra, lớn lên, rồi chết. Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi, guồng xa nước vẫn quay. Cuộc đời đến và đi tới lượt.” Nhân vật hoàng gia của bộ phim phát triển từ đứa bé sơ sinh thành cô gái thành công chúa trẻ quá nhanh khiến cha mẹ nuôi của cô khó mà hiểu kịp — rồi cô ra đi trước khi cha mẹ cô hay chúng ta kịp biết. Các phim của Takahata luôn làm bạn cảm nhận được cuộc đời phù du, nhưng là những khoảnh khắc — những phần nhỏ nhặt trong một cái chớp mắt, trong bản thiết kế vĩ đại của vạn vật — đem lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống.

Nhân vật nữ chính trẻ tuổi của The Tale of the Princess Kaguya được một bầu đoàn từ cõi trời đưa cô lên mây

Sự nghiệp cả đời của Takahata được tôn vinh, và được cho là bị chi phối, bởi hai điều: sự ra đời của Ghibli năm 1985 với người bảo trợ và sau đó là đồng nghiệp của ông, bậc thầy hoạt hình Hayao Miyazaki, và bộ phim chiến tranh Grave of the Fireflies, ban đầu được phát hành kép cùng với My Neighbor Totoro của Miyazaki năm 1988. Dựa theo cuốn tiểu thuyết của Akiyuki Nosaka nhưng cũng bao gồm nhiều ký ức thời thơ ấu của Takahata về vụ đánh bom thành phố quê nhà Okayama của ông trong Thế chiến II, đó là kiệt tác không bao giờ quên chỉ mới thấy một lần.

Câu chuyện về cậu thiếu niên tên là Seita, chăm sóc cho em gái Setsuko sau những vụ đánh bom Kobe năm 1945, đứng bên cạnh Come and See của Klimov, Germeny, Year Zero của Rossellini và Ivan's Childhood của Tarkovsky thành một trong những khắc họa sinh động và tàn phá dữ dội nhất về chiến tranh qua con mắt của trẻ em mà điện ảnh chắc chắn có lúc thể hiện được. Trong tất cả các phim của Takahata, đây là bộ phim mà người viết xem lại nhiều nhất, nhưng sự quen thuộc không làm — không thể làm — cho tác động của nó cùn nhụt đi được.

Grave of the Fireflies: một trong những khắc họa sinh động và tàn phá dữ dội nhất về chiến tranh qua con mắt của trẻ em mà điện ảnh chắc chắn có lúc thể hiện được

Người viết đã gặp Takahata mới cách đây một năm tại trụ sở khiêm tốn của Studio Ghibli ở vùng ngoại ô yên tĩnh của Tokyo: hai bên đã định dành ra nửa tiếng cho một cuộc phỏng vấn nhưng cuối cùng trò chuyện lâu hơn gần gấp bốn lần, vì ông làm đủ thứ trong thư viện Ghibli, hạ một đống sách trên kệ xuống để tìm một tác phẩm nghệ thuật nào đó hầu như đã bị lãng quên mà hoặc truyền cảm hứng cho một trong chín bộ phim của ông, hoặc chỉ giúp minh họa một ý nghĩa.

Ông là học giả về lịch sử nghệ thuật với sự quan tâm sâu sắc đến những cuộn tranh emaki, mà ông miêu tả là “hoạt hình của thế kỷ 12”, thể hiện các trận đánh sử thi và những mối tình lãng mạn bi kịch mở ra theo đúng nghĩa đen khi bạn lướt qua chúng từ trái sang phải. Sự tôn kính hài hước dành cho những bộ phim đã truyền cảm hứng cho ông rải rác trong suốt sự nghiệp: cảnh một cây khổng lồ đáng kính, quay ngược trong bộ phim hoạt hình bị cắt bỏ Hedgehog in the Fog năm 1975 của Yuri Norstein đã được tái hiện tỉ mỉ trong tác phẩm vẽ tay của Takahata năm 1982 Gauche the Cellist – một trong ba phim tiền-Ghibli của ông.

Cho đến tận ngày nay, cảnh Horus chiến đấu với một đàn sói đói trong Horus, Prince of the Sun, vẫn khiến bạn mở to mắt và nín thở theo cách chỉ có phim anime tuyệt vời mới có thể làm được

Horus, Prince of the Sun, phim điện ảnh dài đầu tay của ông phát hành ở phương Tây với tựa The Little Norse Prince — được hoàn thành năm 1968, và đánh dấu thời điểm phim hoạt hình Nhật Bản tách ra khỏi các quy ước trịnh trọng do Walt Disney định ra, những quy ước mà ngành công nghiệp bản địa của Takahata ít nhiều đã tuân thủ kể từ khi Snow White and Seven Dwarfs ra mắt năm 1937. Cho đến tận ngày nay, sự sống động tuyệt vời của cảnh mở đầu bộ phim, trong đó Horus chiến đấu với đàn sói đói, vẫn khiến bạn mở to mắt và nín thở theo cách chỉ có phim anime tuyệt vời mới có thể làm được.

Nhưng bộ phim đầu tiên của Takahata phát hành sau khi Ghibli được thành lập không phải là anime, hay thậm chí là hoạt hình đầy đủ. Đó là một phim tài liệu người thật dài gần ba tiếng đồng hồ, phát hành năm 1987, về mạng lưới kênh rạch thời Trung cổ ở miền nam Nhật Bản, mà ông và Miyazaki đã làm bằng tiền bản quyền từ Nausicaä of the Valley of the Wind, phim điện ảnh đầu tay của hãng và là một thành công cực kỳ ‘khủng’ ở phòng vé.

The Story of Yanagawa’s Canals bâng khuâng và thơ mộng, khám phá những đề tài về mối quan hệ không hề dễ dàng và đang thay đổi hơn bao giờ hết giữa con người với thế giới tự nhiên

Có lẽ không cần phải nói, bộ phim tài liệu này thì không phải là thành công phòng vé. Hầu như không được ai biết đến ngay cả ‘fan gộc’ của Ghibli, The Story of Yanagawa’s Canals bâng khuâng và thơ mộng nhưng lại được lắp ráp bằng con mắt của một nhà kiến tạo ám ảnh chi tiết, và khám phá những đề tài về mối quan hệ không hề dễ dàng và đang thay đổi hơn bao giờ hết giữa con người với thế giới tự nhiên mà cả Takahata và Miyazaki đều trở lại trong những tác phẩm sau này của họ.

Sự căng thẳng giữa Takahata và Miyazaki là điều đã chống đỡ cho Ghibli trụ vững, nhưng cũng làm cho hãng phim trở nên bấp bênh một cách độc đáo: Miyazaki, kém Takahata năm tuổi, vẫn là một người nghiện làm việc đòi hỏi cao, trong khi Takahata thì uể oải và không phải lúc nào cũng có hứng. Bất cứ khi nào người ta nhìn thấy ông thì ông cũng đang có thức ăn vặt trên tay: nguồn gốc biệt danh “Paku-san” của ông ở hãng phim, nghĩa là Ông Nhóp Nhép. Khía cạnh hoang dã của ông thể hiện nổi bật trong Pom Poko năm 1994, cuộc phiêu lưu ngông cuồng và kỳ lạ của một bộ lạc tanuki, tức loài chồn đặc trưng của Nhật Bản, bị chuyển chỗ do sự phát triển đô thị — và sử dụng năng lực thay hình đổi dạng, cùng hòn bi phép thuật của chúng, trả thù loài người xâm lăng.

My Neighbors the Yamadas năm 1999, loạt phác thảo hài hước về cuộc sống gia đình bình thường của người Nhật

Về tính ỳ của ông, chỉ cần xem My Neighbors the Yamadas năm 1999, loạt phác thảo hài hước về cuộc sống gia đình bình thường của người Nhật, dựa theo loạt truyện tranh đăng dài kỳ, đã tìm thấy vẻ đẹp kiểu thơ haiku trong những nỗi khó nhọc hằng ngày của một gia đình tầng lớp lao động người Nhật. Nổi tiếng là một phim Ghibli không giống gì phim của Ghibli, các kỹ thuật hoạt hình được hỗ trợ kỹ thuật số của My Neighbors the Yamadas thâm dụng sức lao động đã đưa hãng phim dần chậm lại, và phải cần đến một dự án khác của Miyazaki — chính là Spirited Away — họ mới lấy lại được tốc độ.

Trong suốt 33 năm ở Ghibli, Takahata hoàn thành chỉ năm phim hoạt hình, và cũng chỉ có Grave of the FirefliesThe Tale of the of the Princess Kaguya thường xuyên được đề cập đến trong số những phim thành công nhất của hãng. Nhưng Only Yesterday năm 1991 của ông được cho là hơn cả hai phim vừa kể. Không khác bất cứ gì Ghibli thực hiện trước đó hoặc kể từ đó — một phim bi chừng mực, tự nhiên, được xây dựng theo phong cách của các bậc thầy Ozu và Naruse của Nhật Bản, nói về một phụ nữ trẻ ngẫm lại thời thơ ấu của mình khi quyết định cuộc sống trưởng thành của cô nên hướng đến đâu.

Cảnh mặt trời lên trên cánh đồng hoa trong Only Yesterday

Có một cảnh mặt trời lên trên cánh đồng hoa — trên nền một bài dân ca Hungary, thật đáng ngạc nhiên — đẹp không thể tả, nhưng bao nhiêu chất trữ tình và chi tiết như tranh đi nữa, Takahata không đầu tư vào khoảnh khắc đó ý nghĩa đặc biệt nào khác hơn chính nó. Bình minh lên, hoa nở, guồng xa nước quay. Có thể tất cả chúng có ở ngoài kia, nhưng những phim của ông nhắc chúng ta nhớ về chúng thế là đủ.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Telegraph