Nhân vật & Sự kiện

Huyền thoại điện ảnh Hồng Kông Tăng Giang (1934-2022): 66 năm tài hoa viên mãn với nghiệp diễn

29/04/2022

Nam diễn viên kỳ cựu Hồng Kông Tăng Giang được phát hiện đã mất hôm thứ tư 27/4/2022 khi đang cách ly một mình trong phòng khách sạn Tiêm Sa Chủy sau khi bay từ Singapore về.

Các nguồn tin đã xác nhận danh tính của nam diễn viên nổi tiếng, một trụ cột của làng giải trí Hồng Kông trong nhiều thập kỷ. Ông thọ 87 tuổi.

Nam diễn viên kỳ cựu Hồng Kông Tăng Giang

Nam diễn viên tên thật là Tăng Quán Nhất, cách ly tại khách sạn Kowloon trên đường Nathan sau khi từ Singapore về hôm thứ hai.

Các nguồn tin cho biết, ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, đã được tiêm ba liều vaccine và không có bệnh mạn tính.

Tin về cái chết của Tăng Giang được đưa ra khi các cơ quan y tế xác nhận 430 ca nhiễm Covid-19 mới vào thứ tư, nhiều hơn 83 trường hợp so với một ngày trước đó và báo cáo tám trường hợp tử vong liên quan đến virus này. Các trường học cũng báo cáo bảy học sinh và một nhân viên có xét nghiệm dương tính.

Cái chết của nam diễn viên gạo cội, bị cách ly với gia đình do các hạn chế đối phó Covid-19, là câu chuyện được nói đến ở khắp Hồng Kông, xảy ra vào thời điểm đặc khu này bắt đầu giảm các biện pháp giãn cách xã hội triệt để nhất nhưng vẫn yêu cầu bất kỳ ai bay đến phải trải qua một tuần cách ly ở khách sạn.

Tăng Giang và Diệp Đức Nhàn tại buổi công bố đề cử Kim Tượng lần thứ 31 năm 2012

Theo một nguồn tin của chính quyền Hồng Kông, nhân viên y tế đang tiến hành kiểm tra định kỳ khách lưu trú tại khách sạn Kowloon nhưng khi họ gõ cửa phòng của Tăng Giang thì không thấy trả lời.

Người trong cuộc cho biết nhân viên khách sạn đã được gọi đến để mở cửa và nam diễn viên được tìm thấy nằm bất động trên sàn bên cạnh giường, ngay sau giữa trưa. Ông được xác nhận đã chết tại hiện trường. Một nguồn tin khác cho biết nhiều khả năng sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định chính xác nguyên nhân tử vong.

Khi tin tức về cái chết của Tăng Giang được phát đi, các ngôi sao đồng nghiệp đã bày tỏ lòng kình trọng đối với tính chuyên nghiệp và sự tử tế của ông.

Nam diễn viên kỳ cựu Hồ Phong, quen biết Tăng Giang từ khi họ còn là những chàng trai trẻ, nói với giới truyền thông rằng ông không thể tin “người anh em tốt” của mình đã ra đi.

Tăng Giang trong phim James Bond Die Another Day vào năm 2002

“Tôi không thể tin được rằng anh ấy lại đi sớm như vậy,” Hồ Phong nói. “Chúng tôi là bạn tốt của nhau từ khi còn nhỏ. Anh ấy diễn xuất rất giỏi. Anh ấy có thể làm chủ bất kỳ vai diễn nào.”

Tăng Giang theo học trường trung học Hoa Nhân, Cửu Long dành cho nam sinh ở Du Mã Địa và lấy bằng kiến ​​trúc tại University of California, Berkeley. Ông từng nói, lĩnh vực này khiến ông chán nản, và vì vậy ông chuyển sang diễn xuất vào đầu những năm 1960.

Nói thông thạo tiếng Anh, Tăng Giang đã xuất hiện trong số lượng phim đáng kinh ngạc là 220 phim suốt 66 năm kể từ đó, bao gồm các tác phẩm của Hollywood như The Replacement Killers với nam diễn viên Hồng Kông Châu Nhuận Phát năm 1998 và Giờ cao điểm 2 với ngôi sao kung fu Thành Long và diễn viên hài người Mỹ Chris Tucker năm 2001. Ông cũng đóng một vai phụ trong phim James Bond Die Another Day vào năm 2002.

Tăng Giang thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng) lần thứ 34 vào năm 2015 cho vai diễn trong phim ly kỳ tội phạm Thiết thính phong vân 3

Tăng Giang thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng) lần thứ 34 vào năm 2015 cho vai diễn trong phim ly kỳ tội phạm Thiết thính phong vân 3.

Đối với nhiều người Hồng Kông, Tăng Giang còn được biết đến là gương mặt đại diện cho quảng cáo thuốc nhuộm tóc Bigen trên truyền hình địa phương năm 1969.

Nam diễn viên kỳ cựu Nhậm Đạt Hoa, đã diễn cùng Tăng Giang trong nhiều bộ phim, bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước cái chết của ngôi sao và lưu ý rằng ông là một nhân vật được yêu mến trong ngành, luôn dành thời gian chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm của mình với những người khác.

Ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Cổ Thiên Lạc cho biết anh vẫn đang cố gắng chấp nhận cái chết của Tăng Giang và gọi ông là một trưởng lão của ngành điện ảnh, có thể biểu diễn ở nhiều thể loại.

Những lời lẽ đau buồn tràn ngập trên mạng xã hội, với nhiều người hâm mộ ở Trung Quốc Đại lục đăng tin nhắn gọi Tăng Giang là “thầy”.

Tăng Giang trong Thiết thính phong vân 2 (2011)

“Cảm ơn thầy vì đã mang lại rất nhiều việc tốt trong những năm qua,” một người dùng trực tuyến viết. Một người khác nói: “Thưa thầy, mong thầy có một hành trình tốt đẹp phía trước.”

Bài đăng cuối cùng của Tăng Giang lên trang cá nhân trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, là vào ngày 18 tháng 4. Trong video clip, ông nói đang đi du lịch một mình ở Malaysia và Singapore trước khi có ý định trở về thành phố.

“Khi có thời gian, tôi chỉ diễn xuất và làm những gì mình thích,” ông nói. “Tôi thích những điều mới lạ, đi lang thang và nếm thử những món ăn ngon.”

Vài năm trước, Tăng Giang từng chia sẻ quan điểm của mình về cái chết trong một phỏng vấn với các phương tiện truyền thông, ông bày tỏ hy vọng rằng những ngày cuối cùng của mình sẽ không liên quan nhiều đến “thời gian trong bệnh viện.”

Tăng Giang và Ôn Triệu Luân trong phim bộ TVB Giọt máu thiện ác năm 1990

Ông nói: “Chết là kết lại tất cả. Tôi mong muốn nhất là đừng có quá nhiều điều hối tiếc khi chuyện đó xảy đến, vậy thì đẹp. Và thêm một hy vọng khi tôi rời đi: đã tiêu hết tiền của mình.”

10 điều về đời nghề và đời thường của Tăng Giang

1. Tăng Giang tên thật là Tăng Quán Nhất sinh tại Thượng Hải ngày 5 tháng 9 năm 1934 và cùng gia đình chuyển đến Hồng Kông năm 1949. Ông là anh trai của nữ diễn viên Lâm Thúy, đã mất do một cơn hen ở tuổi 60 vào năm 1995. Ông cũng là cậu của ca sĩ Vương Hinh Bình, 53 tuổi và cựu ca sĩ kiêm diễn viên Trần Sơn Hà, 61 tuổi.

2. Tăng Giang ra mắt lần đầu trong bộ phim của em gái Lâm Thúy, đã là một ngôi sao điện ảnh vào đầu những năm 1950. Ông được đạo diễn Đào Tần phát hiện khi đến thăm em gái trên phim trường, sau đó đã mời ông tham gia bộ phim The Feud (1955) với nữ diễn viên Vưu Mẫn.

Vẻ điển trai của Tăng Giang khi mới vào nghiệp diễn

3. Sau đó Tăng Giang đến Mỹ theo học kiến ​​trúc tại University of California, Berkeley. Ông trở lại Hồng Kông vào đầu những năm 1960 và làm kiến ​​trúc sư trong ba năm, nhưng nhận thấy công việc này rất nhàm chán và gia nhập lại ngành công nghiệp giải trí. Sau đó, ông đóng vai chính trong phim The Big Circus (1964) cùng với các nữ diễn viên Lam Đệ và Lý Mi, do người anh rể khi đó của ông là Tần Kiến đạo diễn.

4. Trong sự nghiệp của mình, Tăng Giang đã tham gia diễn xuất trong hơn 200 phim bộ truyền hình và phim điện ảnh, bao gồm hơn 100 bộ phim tiếng Quảng Đông trong những năm 1960 và 1970. Ông đã nhiều lần đóng cùng nữ diễn viên Tuyết Ni trong các phim kiếm hiệp như Thiên kiếm tuyệt đao (1967), Như Lai thần chưởng (1968) và Uyên ương kiếm hiệp (1969).

5. Tăng Giang gia nhập đài truyền hình TVB năm 1981 và trở nên nổi tiếng khi đóng vai Hoàng Dược Sư trong phim bộ truyền hình Anh hùng xạ điêu (1983), chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Một vai diễn đáng nhớ khác là nhân vật cảnh sát tham nhũng trong phim bộ truyền hình Đại thời đại (1992). Nhiều người Hồng Kông cũng nhớ đến Tăng Giang khi ông quảng cáo thuốc nhuộm tóc Bigen vào những năm 1980.

Tăng Giang và Chuân Nhuận Phát trong The Replacement Killers (1999)

6. Tăng Giang cũng từng diễn xuất ở Singapore trong các phim truyền hình dài tập như The Teochew Family, The Unbeatables II (1996), The New Adventures Of Wisely (1998) và Riding The Storm (1999). Ông đã làm dậy lên tranh cãi ở Singapore vào năm 1995 khi nói rằng “diễn viên Singapore thật ngu ngốc” trong phỏng vấn với một tạp chí giải trí hằng tuần địa phương. Sau đó ông đã xin lỗi về những nhận xét của mình.

7. Khả năng tiếng Anh của Tăng Giang cũng giúp ông phiêu lưu ở Hollywood, tham gia diễn xuất trong các phim như The Replacement Killers (1998) và Anna And The King (1999), cả hai đều có nam chính là Châu Nhuận Phát, Rush Hour 2 (2001) của ngôi sao hành động Thành Long, và Memories Of A Geisha (2005), với các nữ diễn viên Chương Tử Di và Dương Tử Quỳnh.

8. Tăng Giang được đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2012 cho vai phản diện Tony Wong trong phim ly kỳ Thiết thính phong vân 2 (2011), nhưng lại thua về tay một diễn viên kỳ cựu khác là Lư Hải Bằng với vai diễn trong phim Đoạt mệnh kim (2011). Sau đó, Tăng Giang đã thắng Kim Tượng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2015 cho vai diễn ông chú nhà quê trong Thiết thính phong vân 3 (2014).

Từ trái qua: Joe Junior, Tạ Hiền, Hồ Phong và Tăng Giang quảng cáo cho chương trình Four Amigos Bon Voyage

9. Tăng Giang lên tít báo ở Hồng Kông năm 2015 sau khi bạn diễn kỳ cựu Tạ Hiền cáo buộc ông giả bệnh khi quay chương trình du lịch Four Amigos Bon Voyage và tát ông tại một cuộc họp báo khi quảng cáo cho chương trình đó, còn có sự tham gia của nam diễn viên gạo cội Hồ Phong và Joe Junior. Sau đó, Tăng Giang và Tạ Hiền tuyên bố vụ việc là được dàn dựng.

10. Tăng Giang kết hôn ba lần. Người vợ đầu tiên của ông là Lam Đệ, người Malaysia, bạn diễn của ông trong The Big Circus. Họ kết hôn năm 1969 và ly hôn 10 năm sau đó. Lam Đệ đã sinh cho Tăng Giang một người con trai, qua đời ở tuổi 50 vào năm 1991. Nam diễn viên kết hôn với người mẫu kiêm nhà báo Barbara Tang năm 1980 và họ có một con gái. Họ ly hôn 10 năm sau đó. Ông kết hôn với nữ diễn viên kỳ cựu Tiêu Giảo, hiện 79 tuổi, vào năm 1994, ở Singapore. Hai người không có con.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning PostThe Star